Sóng gió bủa vây thỏa thuận hạt nhân lịch sử của Iran và P5+1
VOV.VN - Thời hạn chót 12/5 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu phải sửa lại thỏa thuận hạt nhân Iran đang đến gần, song các bên còn lại đều không muốn vậy.
Ngày 20/4, Iran tuyên bố sẽ tiến hành nhiều biện pháp đáp trả khác nhau nếu Mỹ từ bỏ thỏa thuận hạt nhân năm 2015, còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm 5 ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Mỹ cùng với Đức).
Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định Iran sẽ đáp trả nếu Mỹ áp đặt lại trừng phạt. Ảnh: Getty Images
Tuyên bố này được đưa ra khi thời hạn chót 12/5 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu phải sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran đang đến gần. Những động thái của cả Mỹ và Iran khiến thỏa lịch sử này đang đứng trước nhiều thách thức.
Phát biểu trước báo giới khi đến New York, Mỹ, để tham dự cuộc họp của Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc về gìn giữ hòa bình, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh, Iran có nhiều phương án khác nhau nếu Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và "chắc chắn phản ứng từ Iran và cộng đồng quốc tế sẽ không dễ chịu đối với người Mỹ".
Ông Javad Zarif cũng kêu gọi các nước châu Âu đảm bảo sự bền vững cho Kế hoạch Hành động chung toàn diện nếu muốn bảo vệ thỏa thuận này. Các nước châu Âu cũng cần gây sức ép đối với Mỹ và khuyến khích Mỹ thực thi các điều khoản trong thỏa thuận.
Ngoại trưởng Iran khẳng định, các nỗ lực tái đàm phán Kế hoạch Hành động chung toàn diện "sẽ không có được câu trả lời tích cực" từ Iran và Iran kiên quyết không nhượng bộ.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Iran đưa ra trong bối cảnh còn vài tuần nữa là đến thời hạn chót 12/5 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu phải sửa đổi thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc, nếu không Mỹ sẽ rút khỏi thỏa thuận này và áp đặt trở lại các lệnh trừng phạt đối với Iran với cáo buộc nước Cộng hòa Hồi giáo ủng hộ khủng bố và vi phạm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân.
Mỹ mong đàm phán thành công về sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran
Chính quyền Iran tuyên bố sẽ không thực hiện bất kỳ yêu cầu nào ngoài Kế hoạch Hành động chung toàn diện và cũng không chấp nhận thay đổi thỏa thuận này vào thời điểm hiện nay cũng như trong tương lai.
Iran cũng đe dọa sẽ rút khỏi thỏa thuận này nếu không nhận được các lợi ích kinh tế mà các bên đã nhất trí. Không những thế, Iran còn tuyên bố sẽ tiếp tục phát triển bất kỳ loại vũ khí nào họ cần để tự bảo vệ. Tổng thống Iran Hassan Rouhani cho rằng, điều này là rất quan trọng để tăng cường khả năng phòng thủ của đất nước.
"Chúng tôi tuyên bố với thế giới rằng, Iran sẽ sản xuất bất cứ loại vũ khí nào mà chúng tôi cần. Hoặc nếu cần thiết, chúng tôi có thể mua chúng từ nước ngoài. Chúng tôi sẽ không phải chờ đợi bất cứ lời nhận xét hoặc thỏa thuận nào của các nước khác”, Tổng thống Rouhani nhấn mạnh.
Thời hạn chót Tổng thống Mỹ đặt ra với các cường quốc để sửa đổi thỏa thuận hạt nhân Iran cũng khiến nhiều quốc gia phương Tây đồng minh của Mỹ lo ngại. Hiện các nước châu Âu đặc biệt là Pháp, Anh và Đức đang cố gắng giải quyết các mối lo ngại của Mỹ với Iran, trong đó, có chương trình tên lửa đạn đạo của nước này.
Tuy nhiên, một quan chức Mỹ cho biết, các cuộc thảo luận với châu Âu để giải quyết mối lo ngại của Mỹ về thỏa thuận hạt nhân Iran vẫn chưa hoàn thành. Liên quan đến vấn đề này, Đại sứ Mỹ về Giải trừ quân bị Robert Wood cho biết, Mỹ đang hy vọng có thể đàm phán thành công với Anh, Pháp và Đức, để giải quyết tận gốc những vấn đề mà Tổng thống Trump quan ngại về thỏa thuận hạt nhân Iran:
“Chúng tôi và những người bạn châu Âu đang cố gắng làm việc về một thỏa thuận bổ sung nhằm giải quyết một số vấn đề mà chúng tôi quan tâm trong thỏa thuận hạt nhân Iran.
Các cuộc thảo luận đang diễn ra với tần suất lớn, và sẽ phải chờ xem điều gì xảy ra. Tổng thống Trump đã nói rất rõ về những vấn đề liên quan đến các điều khoản “Hoàng hôn” trong thỏa thuận hạt nhân Iran. Các vấn đề này phải được giải quyết và chúng tôi hy vọng một thỏa thuận có thể đạt được theo ý muốn của Ngài Tổng thống”.
Hiện chỉ còn 3 tuần nữa là đến thời hạn chót 12/5, tuy nhiên, những yêu cầu này của Mỹ vẫn đang bị các bên tham gia từ chối ủng hộ. Vì thế, những hành động đơn phương của Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran đang được quốc tế theo dõi sát sao./.
EU từ chối áp đặt thêm lệnh trừng phạt với Iran
Iran cảnh báo Mỹ “sẽ phải hối tiếc” nếu rút khỏi thỏa thuận hạt nhân