Sự nghiệp chính trị thăng trầm của tân Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim
VOV.VN - Tối qua (24/11), ông Anwar Ibrahim đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng thứ 10 của Malaysia, chinh phục mục tiêu cao nhất trong sự nghiệp chính trị mà ông theo đuổi suốt nhiều thập kỷ qua.
Ông Anwar Ibrahim sinh năm 1947 tại bang Penang trong một gia đình có bố là chính trị gia, cựu hạ nghị sỹ của Đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất (UMNO). Ông Anwar chính thức bắt đầu sự nghiệp chính trị kể từ năm 1968 khi ông trở thành Chủ tịch của Liên minh quốc gia Sinh viên Hồi giáo Malaysia. Sau đó, trong giai đoạn từ năm 1968 - 1982, ông tham gia và là thủ lĩnh của các phong trào thanh niên Malaysia hoạt động chống lại tình trạng nghèo đói của người dân.
Năm 1982, ông theo gót cha mình, gia nhập Đảng UMNO khi ông Mahathir đang làm Chủ tịch đảng và là Thủ tướng Malaysia. Sự nghiệp chính trị của ông Anwar nhanh chóng thăng tiến kể từ đó với việc được bổ nhiệm nắm giữ nhiều cương vị quan trọng trong Nội các của Thủ tướng Mahathir.
Năm 1983, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Thanh niên, Thể thao và Văn hóa. Đến năm 1984, ông được điều chuyển, bổ nhiệm làm Bộ trưởng Nông nghiệp trước khi tiếp tục được điều chuyển, bổ nhiệm làm Bộ trưởng Giáo dục vào năm 1986 và Bộ trưởng Tài chính vào năm 1991.
Những quyết sách quan trọng của ông trên cương vị Bộ trưởng Tài chính những năm đầu của thập niên 90 đã giúp Malaysia gặt hái được nhiều thành công, trở thành nền kinh tế hàng đầu trong khu vực. Kết quả này là tiền đề để ông Anwar tiếp tục thăng tiến, trở thành Phó Chủ tịch Đảng UMNO cầm quyền và Phó Thủ tướng Chính phủ. Vào thời điểm đó, ông được coi là ứng viên sáng giá kế nhiệm Thủ tướng Mahathir.
Sau khi bị bắt và bị kết án nhiều năm tù giam từ năm 1999 vì nhiều tội danh, trong đó có lạm quyền và tham nhũng, ông Anwar quay trở lại chính trường vào năm 2008. Ngay sau đó, Đảng Công lý Nhân dân (PKR) do ông và vợ của mình, bà Wan Azizah Wan Ismail dẫn dắt đã giành chiến thắng lịch sử trong các cuộc Tổng tuyển cử năm 2008 và 2013. Ông trở thành thủ lĩnh phe đối lập tại Hạ viện đến tháng 3/2014 thì bị kết án lần thứ 2 và phải ngồi tù thêm hơn 4 năm.
Năm 2016, ông Mahathir bất ngờ tuyên bố trở lại tham gia chính trường và tái tranh cử Thủ tướng Malaysia khi đã 92 tuổi. Ông Mahathir đã vận động phe đối lập do vợ chồng ông Anwar dẫn dắt ủng hộ, tham gia thành lập Liên minh Hy vọng (PH) với lời hứa sẽ giúp ông Anwar được ân xá và chuyển giao quyền lực lại cho ông Anwar trong vòng hai năm nếu PH trở thành liên minh cầm quyền.
Kết quả, PH đã giành chiến thắng, chấm dứt hơn 60 năm lãnh đạo đất nước của Liên minh Mặt trận quốc gia (BN) với nòng cốt là Đảng UMNO. Thủ tướng Mahathir nhậm chức vào ngày 10/5/2018 và đệ trình Hoàng gia Malaysia phê chuẩn ân xá cho ông Anwar một tuần sau đó.
Một lần nữa, thời cơ trở thành Thủ tướng Malaysia của ông Anwar lại trôi qua khi Thủ tướng Mahathir bất ngờ tuyên bố từ chức vào tháng 2/2020, đẩy chính trường Malaysia vào những sóng gió trong hơn 2 năm qua.
Việc cuộc Tổng tuyển cử diễn ra ngày 19/11 kết thúc mà không đảng phái hoặc liên minh nào giành được đa số tối thiểu tại Hạ viện khiến chính trường Malaysia rơi vào bế tắc. Các cuộc đàm phán, thảo luận thành lập liên minh cầm quyền đều thất bại, buộc Quốc vương Malaysia phải can thiệp, chỉ định ông Anwar làm Thủ tướng thứ 10 của quốc gia Đông Nam Á này vào ngày hôm qua (24/11), tạm thời chấm dứt bế tắc chính trị.
Ông Anwar nhậm chức trong bối cảnh Malaysia đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về kinh tế - xã hội hậu đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, giới nghiên cứu chính trị Malaysia cho rằng thách thức lớn nhất mà tân Thủ tướng Malaysia phải đối mặt chính là việc thành lập và duy trì sự ổn định của một Chính phủ đoàn kết với những lợi ích đan xen đa chiều của các liên minh, đảng phái trong chính trường Malaysia./.