Sự xuất hiện của Omicron càng khiến Trung Quốc quyết theo đuổi Zero Covid-19

VOV.VN - Khi các nước trên thế giới đang lo đối phó với biến thể Omicron, Trung Quốc vẫn kiên định theo đuổi chiến lược loại bỏ Covid-19 (còn gọi là Zero Covid-19), dù chưa thể đạt được tham vọng đưa số ca mắc về 0 trong suốt 7 tuần qua.

Kể từ ngày 17/10, Trung Quốc ghi nhận ít nhất 1 ca Covid-19 tại địa phương mỗi ngày. Khoảng cách giữa các đợt bùng phát dịch cũng ngày càng ngắn hơn.

Dù tỷ lệ mắc Covid-19 tại Trung Quốc thấp hơn nhiều so với nhiều quốc gia - bao gồm cả Mỹ, trung bình có hơn 100.000 ca mắc mới mỗi ngày – nhưng các đợt bùng phát không ngừng cho thấy thách thức ngày càng gia tăng mà Trung Quốc phải đối mặt để giữ số ca mắc Covid-19 về mức 0.

Trong hơn một năm, Trung Quốc đã đạt hiệu quả cao trong việc kiềm chế các đợt bùng phát dịch ở các địa phương bằng việc xét nghiệm trên diện rộng, phong tỏa kịp thời, giám sát chặt chẽ và cách ly kéo dài, đồng thời đóng cửa biên giới.

Bằng chứng về sự thành công của các biện pháp này là không một trường hợp tử vong nào liên quan đến Covid được ghi nhận tại Trung Quốc kể từ cuối tháng 1/2021.

Tuy nhiên, gần đây, giới chức Trung Quốc đã áp dụng biện pháp nghiêm ngặt hơn, cách ly không chỉ những cư dân tiếp xúc trực tiếp với người mắc bệnh, mà còn cả những người tiếp xúc thứ cấp và những người tình cờ ở cùng khu vực vào cùng một thời điểm với ca mắc Covid-19.

Khoảng cách giữa các đợt dịch ngày càng ngắn

Trong 7 tuần qua, gần 10.000 khách du lịch đã bị mắc kẹt ở Nội Mông trong 1 tuần sau khi lệnh phong tỏa được áp dụng do có hàng chục trường hợp mắc Covid-19. Disneyland Thượng Hải bị đóng cửa dù chỉ có 1 trường hợp duy nhất được xác nhận mắc Covid-19 đã đến thăm công viên. Các chuyến tàu cao tốc đã bị dừng giữa chừng trong hành trình đến Bắc Kinh do các nhân viên có tiếp xúc gần với trường hợp được xác định mắc Covid-19. 

Những biện pháp nghiêm ngặt vẫn thành công trong việc đưa tỷ lệ lây nhiễm tại các địa phương cụ thể xuống mức 0. Nhưng thành quả không duy trì được lâu.

Trong tuần qua, hơn 300 trường hợp mắc Covid-19 được ghi nhận ở Nội Mông, lần này là ở Mãn Châu Lý (Manzhouli), một thành phố nhỏ giáp Nga. Chính quyền địa phương đã áp đặt một lệnh phong tỏa nhanh chóng và thành phố hiện cũng đang triển khai đợt xét nghiệm trên diện rộng thứ 9 cho hơn 150.000 cư dân.

Những điều này vẫn bị đánh giá là chưa đủ nhanh chóng. Cuối tuần qua, thành phố đã sa thải 2 quan chức vì “phản ứng chậm và không kiên quyết” đối với đợt bùng phát: một người với lý do chậm trễ di chuyển và cách ly hơn 100 người tiếp xúc gần, và người còn lại vì quản lý kém các khách sạn cách ly. Bốn quan chức khác cũng bị khiển trách vì làm việc không hiệu quả.

Nhiều quan chức tại các địa phương khác ở Trung Quốc cũng bị sa thải hoặc khiển trách vì không ngăn chặn được các đợt bùng phát Covid-19. Mục tiêu giữ cho tỷ lệ lây nhiễm ở mức 0 đã đặt ra áp lực lớn đối với chính quyền địa phương, thường khiến họ cảm thấy căng thẳng và áp dụng các biện pháp đôi khi hà khắc không cần thiết, với cái giá phải trả là gián đoạn cuộc sống hàng ngày.

Dù phần lớn dư luận Trung Quốc ủng hộ chính sách Zero-Covid-19, nhưng các biện pháp mà một số địa phương thực hiện đôi khi vẫn gây ra bất bình và chỉ trích ở một số khu vực, chẳng hạn như thị trấn biên giới Tây Nam Thụy Lệ (Ruili) và quận Ili ở Tân Cương.

Ngoài Nội Mông, trong tuần qua các ca mắc Covid-19 cũng được phát hiện ở các thành phố lớn nhất của Trung Quốc, từ Bắc Kinh, Thượng Hải đến Quảng Châu. Các tỉnh Hắc Long Giang, Thiểm Tây, Hà Bắc và Vân Nam cũng báo cáo các trường hợp.

Trung Quốc vẫn quyết theo đuổi Zero Covid-19

Trung Quốc vẫn là một trong những quốc gia cuối cùng cố gắng duy trì Zero-Covid-19, khi phần còn lại của thế giới học cách sống chung với virus. Nhưng sự xuất hiện của biến thể Omicron đã khiến các quốc gia lần lượt áp đặt các hạn chế đi lại. Cùng với đó, tái áp đặt phong tỏa càng khiến Trung Quốc kiên quyết kiểm soát chặt biên giới hơn.

Một nghiên cứu gần đây của các nhà toán học tại Đại học Bắc Kinh cho rằng Trung Quốc có thể phải đối mặt với kịch bản có hơn 630.000 ca mắc Covid-19 mỗi ngày nếu nước này từ bỏ chính sách loại bỏ Covid-19, dỡ bỏ hạn chế du lịch. Nếu điều đó xảy ra, nó chắc chắn sẽ gây ra gánh nặng không thể chống đỡ cho hệ thống y tế.

Nghiên cứu kết luận rằng, ở thời điểm hiện nay, Trung Quốc không nên từ bỏ Zero-Covid-19 cho đến khi có “các loại vaccine hiệu quả hơn hoặc phương pháp điều trị cụ thể hơn, tốt nhất là kết hợp cả hai”.

Cuối tuần qua, ông Chung Nam Sơn (Zhong Nanshan), chuyên gia hàng đầu về bệnh hô hấp của Trung Quốc, đồng thời là cố vấn chính phủ, đã đề xuất 2 điều kiện tiên quyết để từ bỏ chiến lược Zero Covid-19: một là tỷ lệ tử vong của Covid-19 giảm xuống khoảng 0,1%; hai là hệ số lây nhiễm giảm xuống còn 1-1,5, có nghĩa là mỗi người mắc Covid-19 sẽ lây lan virus cho trung bình từ 1-1,5 người.

Tháng 8 vừa qua, các nhà nghiên cứu theo dõi đợt bùng phát biến thể Delta ở tỉnh Quảng Đông đã ước tính hệ số lây nhiễm cơ bản của biến thể này là 6,4 - cao hơn nhiều so với biến thể virus SARS-CoV-2 ban đầu được phát hiện ở Vũ Hán.

Với Omicron, Tổ chức Y tế Thế giới cho biết vẫn chưa rõ liệu biến thể mới này có khả năng lây truyền cao hơn Delta hay không./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Vì sao Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi Zero Covid-19?
Vì sao Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi Zero Covid-19?

VOV.VN - Mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng cao, Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược phong tỏa, xét nghiệm trên diện rộng và cách ly tập trung bất cứ khi nào có đợt bùng phát dịch Covid-19.

Vì sao Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi Zero Covid-19?

Vì sao Trung Quốc vẫn kiên trì theo đuổi Zero Covid-19?

VOV.VN - Mặc dù có tỷ lệ tiêm chủng cao, Trung Quốc vẫn theo đuổi chiến lược phong tỏa, xét nghiệm trên diện rộng và cách ly tập trung bất cứ khi nào có đợt bùng phát dịch Covid-19.

Khó đạt miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc sẽ làm gì sau Zero Covid-19?
Khó đạt miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc sẽ làm gì sau Zero Covid-19?

VOV.VN - Sự xuất hiện của những biến thể có khả năng lây nhiễm cao như Delta khiến mục tiêu miễn dịch cộng động và trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch vẫn nằm ngoài tầm với. Trong khi nhiều nước đã lựa chọn sống chung với dịch bệnh, Trung Quốc vẫn kiên định chiến lược loại bỏ Covid-19.

Khó đạt miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc sẽ làm gì sau Zero Covid-19?

Khó đạt miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc sẽ làm gì sau Zero Covid-19?

VOV.VN - Sự xuất hiện của những biến thể có khả năng lây nhiễm cao như Delta khiến mục tiêu miễn dịch cộng động và trở lại trạng thái bình thường trước đại dịch vẫn nằm ngoài tầm với. Trong khi nhiều nước đã lựa chọn sống chung với dịch bệnh, Trung Quốc vẫn kiên định chiến lược loại bỏ Covid-19.

Chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc trước thử thách từ làn sóng dịch Covid-19 mới
Chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc trước thử thách từ làn sóng dịch Covid-19 mới

VOV.VN - Làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát tại nhiều khu vực, trong đó có cả thủ đô Bắc Kinh đã đặt Trung Quốc vào tình trạng báo động cao, chỉ vài tháng trước khi Thế Vận hội Mùa Đông diễn ra.

Chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc trước thử thách từ làn sóng dịch Covid-19 mới

Chiến lược “Zero Covid” của Trung Quốc trước thử thách từ làn sóng dịch Covid-19 mới

VOV.VN - Làn sóng dịch bệnh Covid-19 mới bùng phát tại nhiều khu vực, trong đó có cả thủ đô Bắc Kinh đã đặt Trung Quốc vào tình trạng báo động cao, chỉ vài tháng trước khi Thế Vận hội Mùa Đông diễn ra.