Sức ép từ Mỹ khiến Nga và Trung Quốc tiến gần hơn đến liên minh chiến lược
VOV.VN - Trước những căng thẳng với Mỹ và phương Tây, quan hệ giữa Nga và Trung Quốc hiện đạt tới ngưỡng sâu sắc chưa có tiền lệ và xu hướng này có thể còn tiếp tục kéo dài.
Hợp tác quân sự ở mức độ chưa từng có
Tổng thống Vladimir Putin mô tả, quan hệ song phương đang ở “giai đoạn tốt nhất trong lịch sử”. Còn Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh đây là “quan hệ hợp hợp tác chiến lược toàn diện trong kỷ nguyên mới”, cấp cao nhất trong thang ngoại giao của Trung Quốc.
Mặc dù cả Nga và Trung Quốc nhiều lần khẳng định rằng, quan hệ này không đại diện cho một liên minh quân sự chính thức, nhưng mức độ tin cậy về mặt chính trị đã khiến một số người cho rằng, nó không khác gì một liên minh thực tế.
Nga và Trung Quốc luôn sẵn sàng triển khai các hoạt động ngoại giao và quân sự theo những điều khoản của Hiệp ước láng giềng hữu nghị và hợp tác thân thiện. Việc 2 nước ngày càng xích lại gần nhau đã khiến Mỹ và NATO dè chừng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã coi sự hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa Nga và Trung Quốc là "một thách thức nghiêm trọng". Theo kế hoạch, hội nghị thượng đỉnh NATO ở Riga, Latvia trong tuần này sẽ đề cập việc Nga tăng cường triển khai quân ở khu vực biên giới với Ukraine.
Việc Nga và Trung Quốc đẩy mạnh trao đổi và tiến hành các hoạt động quân sự chung đã làm dấy lên lo ngại về khả năng hai bên có thể thành lập một liên minh quân sự bất chấp những tuyên bố chính thức rằng không nước nào có kế hoạch về một thỏa thuận như vậy.
Sự hợp tác quân sự giữa Moscow và Bắc Kinh đã đạt tới mức độ lịch sử trong năm 2021. Vào tháng 8 vừa qua, lần đầu tiên hai bên tổ chức cuộc tập trận chiến lược hỗn hợp trên lãnh thổ Trung Quốc. Với sự kiện này, quân đội Trung Quốc muốn gửi đi tín hiệu rằng họ đủ tự tin về khả năng của mình để cho phép binh sỹ nước ngoài trải nghiệm chiến đấu trên lãnh thổ và thử nghiệm các khí tài quân sự hiện đại của Trung Quốc.
Quân đội Trung Quốc cũng trình diễn các vũ khí tiên tiến và lần đầu triển khai máy bay tàng hình J-20 trong cuộc tập trận với Nga. Mới nhất vào ngày 20/11, không quân hai nước đã tuần tra chiến lược chung ở châu Á - Thái Bình Dương, cụ thể là trên biển Nhật Bản và biển Hoa Đông. Đến ngày 23/11, Nga và Trung Quốc ký bản lộ trình hợp tác quốc phòng phòng bền chặt giai đoạn 2021-2025. Bộ Quốc phòng Nga cũng đánh giá cao các cuộc tập trận chung giữa hai nước, khẳng định, hai bên cần tăng cường tương tác trên bộ, trên biển và trên không
Những cuộc tập trận chung này đã chứng minh sự hợp tác chặt chẽ giữa hai bên nhằm đối phó việc Mỹ tăng cường hiện diện quân sự ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như phản đối Washington lôi kéo các đồng minh như Canada, Anh và Đức đến khu vực. Động thái của Nga và Trung Quốc đã gây khó chịu cho Mỹ và các đồng minh của nước này. Nhật Bản và Hàn Quốc đã cáo buộc Nga-Trung gây leo thang căng thẳng trong khu vực.
Bắt tay đẩy lùi sức ép từ Mỹ
Không chỉ về quân sự, sự nở rộ của hợp tác Nga-Trung còn lan tỏa sang các lĩnh vực chính trị, kinh tế, an ninh mạng, công nghệ, thăm dò không gian - điều hiếm khi xảy ra bên ngoài một liên minh chính thức, giúp nâng quan hệ song phương lên một tầm cao mới.
Về mặt chính trị, Nga và Trung Quốc đã bắt tay đối phó tình hình Afghanistan và tạo ra một mặt trận thống nhất tại Liên Hợp Quốc khi giải quyết một số vấn đề nóng, chẳng hạn như đề nghị dỡ bỏ trừng phạt Triều Tiên. Gần đây nhất, hai nước phản đối kế hoạch của Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nền dân chủ, cho đây là “sản phẩm của tâm lý Chiến tranh Lạnh lỗi thời”, lên án biện pháp trừng phạt đơn phương và chỉ trích việc thành lập liên minh AUKUS giữa Anh-Mỹ-Australia.
Trung Quốc đã bày tỏ ủng hộ Dự án Dòng chảy phương Bắc 2 của Nga. Moscow cũng đáp lại bằng cách ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh trong vấn đề Đài Loan, chỉ trích lời kêu gọi tẩy chay Thế vận hội Mùa đông 2022 tại Bắc Kinh của các nghị sỹ Mỹ. Nếu Tổng thống Putin nhận lời mời đến sự kiện thể thao này vào năm 2022, ông sẽ là nhà lãnh đạo đầu tiên mà Chủ tịch Tập Cận Bình gặp gỡ kể từ tháng 2/2020.
Về mặt kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại hàng đầu của Nga. Hai bên đã hoàn thành một số dự án cơ sở hạ tầng xuyên biên giới và có kim ngạch thương mại song phương vượt 100 tỷ USD trong 3 quý đầu năm 2021.
Năm 2021 cũng đánh dấu một mốc quan trọng về hơp hợp năng lượng với việc hai bên khởi động các dự án năng lượng hạt nhân chung. Nga đã tăng cường cung cấp điện và khí đốt cho Trung Quốc giúp nước này ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng nghiêm trọng. Trong khi Trung Quốc là nước rót vốn chủ yếu cho các dự án năng lượng lớn của Nga, nổi bật là nhà máy sản xuất khí hóa lỏng (LNG) Yamal ở Bắc Cực.
Có thể nói, quan hệ Nga-Trung đã bước sang một ngã rẽ mới đầy triển vọng nhờ sự yếu tố lợi ích tương đồng và sức ép ngày càng gia tăng từ phía Mỹ. Chuyên gia phân tích chính trị kiêm nhà bình luận tại tổ hợp truyền thông nhà nước CGTN Einar Tangen cho rằng “cả Moscow và Bắc Kinh đều nhận thấy Mỹ là bên gây hấn, có ý định làm suy yếu Nga và Trung Quốc để duy trì thế bá quyền” và tất yếu họ sẽ tìm cách xích lại gần nhau hơn.
Nhà phân tích Danil Bochkov tại Hội đồng Vấn đề Quốc tế Nga nhận định: “Sự phân cực dường như đang đến đỉnh điểm khi thế giới chia làm 2 phe: một bên là liên kết Nga –Trung còn bên kia là Mỹ với đồng minh. Mọi nỗ lực hàn gắn quan hệ với Mỹ đều bị hạn chế với sự khác biệt về tư tưởng. Dù theo đuổi các mục tiêu khác nhau nhưng Moscow và Bắc Kinh đều chia sẻ mối quan tâm chung trong việc chống lại ảnh hưởng của Mỹ”./.