Tâm lý lo lắng và hoài nghi phía sau cuộc đua phát triển vaccine Covid-19
VOV.VN - Một trong những yếu tố lớn nhất dẫn đến nỗi sợ hãi tiêm vaccine chủng ngừa là tốc độ sản xuất và phê chuẩn vaccine quá nhanh.
Chính phủ các nước trên thế giới đang đẩy nhanh tiến trình phê duyệt vaccine Covid-19 để kiềm chế sự lây lan dịch bệnh, nhưng sự lo lắng của công chúng về tính an toàn và hiệu quả của các loại vaccine đã gây cản trở những nỗ lực đó.
Tâm lý lo ngại và bất an
Một khảo sát của trường Đại học Hamburg được tiến hành tại 7 quốc gia châu Âu cho thấy, số người do dự hoặc không muốn tiêm vaccine trong tháng 11 lên đến 40%. Còn cuộc thăm dò của cơ quan nghiên cứu thị trường Ipsos cho biết, gần 1/3 số người Nhật Bản và gần một nửa số người Pháp được hỏi cho biết họ sẽ không tiêm vaccine Covid-19.
Tại một số quốc gia như Mỹ và Italy, tâm lý hoài nghi vaccine Covid-19 đã gây ra những lo ngại đó, bà Heidi Larson, người đứng đầu Dự án Niềm tin về Vaccine (VCP), một chương trình giám sát toàn cầu về sự tin tưởng đối với vaccine cho biết.
Một trong những yếu tố lớn nhất dẫn đến nỗi sợ hãi tiêm vaccine chủng ngừa là tốc độ sản xuất và phê chuẩn vaccine quá nhanh. Trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 gia tăng, chính phủ các nước phương Tây đang phải chịu sức ép lớn về việc đưa cuộc sống trở lại bình thường. Sau khi kết thúc đợt phong tỏa thứ hai vào tuần trước, Anh ngày 2/12 đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine do công ty dược của Mỹ Pfizer hợp tác với công ty BioNTech của Đức sản xuất. Hôm nay (8/12), Anh đã bắt đầu chương trình tiêm chủng vaccine Covid-19 đại trà.
“Từ lúc dịch bệnh bắt đầu xảy ra, Pfizer và BioNTech đã duy trì cam kết tuân thủ chặt chẽ quy trình khoa học và các quy định nghiêm ngặt. Hai công ty tin rằng điều này sẽ giúp thúc đẩy niềm tin của công chúng vào tính an toàn, hiệu quả và chất lượng của vaccine Covid-19”, người phát ngôn viên của Pfizer cho biết.
Các nhà khoa học cho biết, phản ứng phụ mà vaccine Covid-19 gây ra sẽ khác nhau, tùy vào mức độ nghiêm trọng của nhiễm trùng. Ở Mỹ hoặc châu Âu – những nơi có số ca mắc tăng vọt, khả năng nhiễm virus SARS-CoV-2 và nguy cơ bệnh tình chuyển biến nặng có thể cao hơn nhiều so với việc bị mắc phản ứng phụ nghiêm trọng do tiêm vaccine. Tại nhiều khu vực ở châu Á – những nơi có số ca mắc Covid-19 tương đối thấp, nhiều chuyên gia đang phản đối việc triển khai tiêm chủng vaccine trên diện rộng một cách nhanh chóng vì cho rằng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ còn cao hơn khả năng nhiễm virus.
“Nếu chúng ta sản xuất các loại vaccine phòng chống Covid-19 quá nhanh và có quá nhiều tác dụng phụ thì điều này sẽ ảnh hưởng đến niềm tin đối với các loại vaccine khác”, chuyên gia Masayuki Miyasaka – nhà nghiên cứu miễn dịch tại trường Đại học Osaka ở Nhật Bản nhấn mạnh. Ông Miyasaka cho biết, ông có kế hoạch chờ đến khi hồ sơ nghiên cứu các dữ liệu về vaccine trở nên rõ ràng hơn, mới quyết định có nên tiêm vaccine hay không.
Rào cản trong mở rộng tiêm chủng
Theo khảo sát của công ty quảng cáo Dentsu Inc trong tháng 11, chỉ 7% số người được hỏi cho biết họ có kế hoạch tiêm vaccine Covid-19 ngay lập tức, trong khi gần 80% nói rằng họ sẽ chờ đợi và xem xét. Tại Hàn Quốc – quốc gia từng được đánh giá cao vì kiểm soát thành công dịch bệnh Covid-19, các quan chức nước này cho biết, họ sẽ không vội vã mua vaccine.
Mỹ và ít nhất 14 quốc gia châu Âu, trong đó có Anh, Italy, Tây Ban Nha và Đức đang phát triển các chiến lược truyền thông để thúc đẩy niềm tin của công chúng vào vaccine Covid-19. Nhật Bản hôm 2/12 đã thông qua dự luật khuyến khích công dân nước này tiêm chủng vaccine sớm, trong đó có kế hoạch tiêm chủng miễn phí và bù lỗ cho các nhà sản xuất nếu xảy ra tác dụng phụ làm suy nhược cơ thể.
Đối với chính phủ các nước, nguy cơ rủi ro nếu người dân không tiêm vaccine là rất cao. Nếu không đủ số người tham gia tiêm phòng, virus sẽ tiếp tục lây lan mạnh, gây khó khăn trong việc đưa cuộc sống trở lại bình thường và khôi phục nền kinh tế. Satoshi Iiwata – người đứng đầu Hội đồng chuyên gia về tiêm chủng vaccine tại Nhật Bản cho biết: “Nếu dịch bệnh không được kiểm soát thì điều này sẽ gây ra rất nhiều khó khăn, chẳng hạn như cản trở kế hoạch tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo vào năm 2021”.
Tại trường Đại học Hamburg ở Đức, chuyên gia về quản lý chăm sóc sức khỏe Jonas Schreyögg ước tính cần tối thiểu 70% dân số đạt được miễn dịch để ngăn chặn sự lây lan của virus.
“Tâm lý lo ngại trong tiêm phòng có thể cản trở những tác dụng tiềm năng của vaccine vì chúng cần được chủng ngừa rộng rãi. Có rất nhiều yếu tố khiến mọi người do dự. Mặc dù số người phản đối vaccine chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong dân số những họ có thể tạo ra rào cản trong việc tiêm chủng vaccine mở rộng khi khơi dậy sự sợ hãi của những người khác”, bà Larson – thành viên của Dự án Niềm tin Vaccine cho biết.
Ivan Catalano, nhà tư vấn tại miền bắc Italy, người hợp tác với Movimento 3V – một đảng phái chính trị của Italy vốn phản đối việc tiêm chủng vaccine bắt buộc cho biết, sự thiếu tin tưởng đối với vaccine Covid-19 có thể khiến những người ủng hộ quan điểm của ông ngày càng gia tăng.
Điều gì giúp củng cố niềm tin vào vaccine Covid-19?
Tại một số quốc gia, sự do dự trong tiêm phòng vaccine góp phần gây ra những tranh cãi. Theo nghiên cứu của Dự án Niềm tin Vaccine, Nhật Bản có tỉ lệ tiêm chủng vaccine cao, nhưng lại là một trong những nước có niềm tin đối với vaccine thấp nhất thế giới. Nhiều chuyên gia nói rằng, xu hướng này dường như là kết quả của những cáo buộc cho rằng việc tiêm chủng vaccine phòng chống ung thư cổ tử cung đã gây ra những tác dụng phụ nghiêm trọng.
Mặc dù các nhà sản xuất dược phẩm và nhiều nhà khoa học khẳng định, nhiều nghiên cứu chuyên sâu cho thấy vaccine này là an toàn, nhưng một số chuyên gia vẫn tranh cãi về kết quả nghiên cứu. Điều đó khiến tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng ung thư cổ tử cung của Nhật Bản giảm xuống từ 70% ban đầu xuống còn khoảng 1% ở thời điểm hiện nay.
Tại Pháp, Antoine Bristielle, chuyên gia khoa học xã hội tại Sciences Po Grenoble cho biết, tâm lý hoài nghi của người Pháp về hiệu quả của các loại vaccine một phần bắt nguồn từ chiến dịch tiêm chủng nhằm chống lại đại dịch cúm lợn năm 2009. Một loạt cuộc điều tra đã diễn ra tại Pháp về những cáo buộc cho rằng chính phủ và Tổ chức Y tế Thế giới đang đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine để mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất thuốc, dẫn đến sự mất lòng tin sâu sắc vào quy trình sản xuất vaccine.
Người dân sẽ hình thành tâm lý sẵn sàng đón nhận vaccine Covid-19 nếu tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 tiếp tục gia tăng và các thông tin về vaccine được công bố nhiều hơn. Tại Mỹ, hơn một nửa số người được hỏi trong cuộc khảo sát của Dentsu hồi tháng 11 cho biết, thông báo của một số công ty như Pfizer về việc vaccine do họ sản xuất đạt được hiệu quả cao đã khiến người dân an tâm hơn. Chuyên gia Larson của Dự án Niềm tin Vaccine hy vọng, các đợt tiêm chủng sớm sẽ tạo ra được một hồ sơ tích cực để thuyết phục những người mang tâm lý hoài nghi trước khi vaccine Covid-19 được tăng cường sản xuất vào năm 2021. “Tôi cho rằng chúng ta nên cố gắng giúp mọi người hiểu rõ hơn về các loại vaccine và việc chúng đã đạt được hiệu quả tốt ra sao trong các đợt thử nghiệm”./.