Tầm quan trọng chiến lược của giàn khoan “Tháp Boiko” đối với Nga và Ukraine
VOV.VN - Hệ thống giàn khoan có tên gọi “Tháp Boiko” không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn có giá trị chiến lược về mặt quân sự, đóng vai trò rất lớn đối với các hoạt động của Nga và Ukraine ở Biển Đen.
Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR) ngày 11/9 cho biết, các lực lượng nước này đã giành lại hệ thống giàn khoan dầu mỏ và khí đốt có tên gọi “Tháp Boiko” gần Bán đảo Crimea ở Biển Đen mà Nga đã kiểm soát từ năm 2015 trong một “chiến dịch đặc biệt”.
“Tháp Boiko” là gì?
Kiev Post cho biết, đây là các giàn khoan sản xuất dầu mỏ và khí đốt, gồm B312, được biết đến với tên gọi Petro Godovanets - xây dựng vào năm 2010 và B319 - xây dựng vào năm 2012, nằm ngoài khơi bán đảo Crimea ở Biển Đen. Trước đây, các giàn khoan này thuộc về công ty Chornomornaftogaz của Ukraine.
Năm 2011, công ty Chornomornaftogaz đã mua trực tiếp giàn khoan đầu tiên từ nhà sản xuất Keppel của Singapore thông qua công ty trung gian Highway Investments Treatment của Anh và trả giá cao hơn 400 triệu USD so với giá thực tế. Giàn khoan thứ hai cũng được mua thông qua bên trung gian.
Sau đó cả hai giàn khoan được đặt tên là Tháp Boiko, theo tên gọi của Bộ trưởng Năng lượng Ukraine, lúc bấy giờ là ông Yurii Boyko. Vào mùa Hè năm 2014, Văn phòng Tổng công tố đã khởi tố vụ án biển thủ 400 triệu USD dưới vỏ bọc mua giàn khoan. Các hành vi vi phạm được phân loại theo Điều 191, Khoản 5 của Bộ luật hình sự Ukraine. Theo hồ sơ vụ án, đã có những vi phạm đáng kể về thủ tục đấu thầu trong quá trình mua bán. Tuy nhiên, ông Yurii Boyko đã phủ nhận mọi cáo buộc.
Tháp Boiko, cách Odessa khoảng 100km và cách Crimea khoảng 150km, không chỉ có giá trị về kinh tế mà còn có giá trị chiến lược về mặt quân sự. Tình báo Anh cho rằng, nơi đây có thể được sử dụng làm căn cứ tiền phương, bãi đáp trực thăng và triển khai các hệ thống tên lửa tầm xa.
Tầm quan trọng đối với Nga
Nga đã kiểm soát Tháp Boiko sau khi sáp nhập Bán đảo Crimea vào tháng 3 năm 2014. Ở thời điểm đó, Tháp Boiko vẫn nằm trên mỏ khí đốt Odessa. Ngoài ra, Moscow cũng kiểm soát 2 giàn khoan tự nâng khác là Tavrida và Syvash.
Đến tháng 12/2015, Moscow được cho là đã di dời các giàn khoan đến mỏ Golitsyn gần bờ biển Crimea. Tính đến năm 2022, Nga đã trang bị cho mỗi giàn khoan các thiết bị tác chiến và trinh sát điện tử, trong đó có radar Neva và hệ thống thủy âm, để giám sát các khu vực trên mặt đất, trên không và dưới biển ở ở khu vực phía Đông Bắc Biển Đen nằm giữa Crimea và Odessa. Những giàn khoan này cũng được cho là căn cứ cho các nhóm trinh sát và đặc công Nga, đồng thời là điểm tiếp nhiên liệu cho máy bay trực thăng.
Tầm quan trọng đối với Ukraine
Từ cuối tháng 8/2023, Bộ Quốc phòng Anh đã ghi nhận các trận chiến giữa lực lượng hải quân, không quân Ukraine với Nga để giành lại Tháp Boiko. Bộ này nhấn mạnh, giàn khoan trên không chỉ cho phép tiếp cận các nguồn tài nguyên có giá trị, mà còn có vai trò quan trọng về mặt quân sự giống như Đảo Rắn, khi được sử dụng như căn cứ tiền phương.
Ông Dmytro Pletenchuk, Người phát ngôn của Lực lượng Hải quân Ukraine cho biết, việc kiểm soát Tháp Boiko sẽ mang lại cho nước này nhiều lợi thế, đặc biệt là giúp tăng cường khả năng phòng thủ bờ biển ở khu vực Odessa. Ngoài ra, Nga sẽ không còn khả năng sử dụng các giàn khoan này để theo dõi những động thái quân sự của Ukraine ở Biển Đen.
Ông Dmytro Pletenchuk cho biết: “Mất Tháp Boiko, Nga sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nắm bắt các thông tin, khó phản ứng kịp thời hoặc lên kế hoạch thực hiện bất cứ hoạt động nào ở vùng biển của Ukraine. Tầm quan trọng của thành công này trước hết mở rộng đến khu vực Odessa. Đó là vấn đề an ninh”.
Tuy nhiên, quan chức này lưu ý, để giành lại quyền kiểm soát các vùng biển của nước này ở Biển Đen, Ukraine cần phải chiếm ưu thế trên không. “Việc giành lại quyền kiểm soát khu vực rộng 25.000km2 này sẽ chỉ xảy ra khi chúng tôi có ưu thế trên không. Tôi hy vọng rằng, sự hiện diện của những loại khí tài quân sự mới chẳng hạn như tiêm kích F-16 sẽ giúp đảm bảo an ninh trong khu vực”.