“Tấm thảm gai” nào đang chờ đợi Tân Tổng thống Pháp Macron?

VOV.VN - Chiến thắng dễ dàng trước bà Marine Le Pen không đồng nghĩa với việc tương lai đang “trải hoa hồng” với Tân Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Cởi trói cho nước Pháp

Theo tạp chí Politico, phát biểu sau khi trúng cử Tổng thống, ông Macron đã nhắc lại cam kết trong quá trình vận động tranh cử của mình rằng, ông sẽ “bảo vệ nước Pháp” và “sẽ không dừng bước trước bất kỳ trở ngại nào” trong việc cải cách nước Pháp.

Thách thức đầu tiên mà ông Macron phải đối mặt là cởi trói cho nước Pháp đặc biệt là trong vấn đề kinh tế. Ảnh: Reuters

Dù vậy, đây vẫn được coi là thách thức lớn nhất của chính trị gia trẻ tuổi này trong bối cảnh những vấn đề kinh tế và công nghiệp đang trở nên hết sức nghiêm trọng tại Pháp và khiến nước Pháp chia rẽ sâu sắc trong việc đi hay ở lại châu Âu.

Để trấn an người dân Pháp, ông Macron từng tuyên bố, có một sự khác biệt rất lớn giữa những người coi việc “cởi trói” nền kinh tế Pháp là một cơ hội và những người như bà Le Pen, tỏ ra sợ hãi trước những thách thức liên quan đến vấn đề này.

Ngoài ra, ông Macron là người duy nhất trong số các ứng viên Tổng thống Pháp lên tiếng ủng hộ việc ở lại với châu Âu và khẳng định ở lại châu Âu chính là “một giải pháp” cho rất nhiều vấn đề của nước Pháp.

Dù quan điểm ủng hộ việc ở lại châu Âu của ông Macron giúp ông giành được sự ủng hộ của lãnh đạo châu Âu, cần nhớ rằng, ông vẫn là Tổng thống Pháp và sẽ phải bảo vệ quyền lợi của nước Pháp.

Chính ông Macron từng tuyên bố rằng, châu Âu cần bảo hộ người dân của mình một cách tốt hơn nữa. Ngoài ra, việc ông Macron ưu tiên thúc đẩy hợp tác Pháp-Đức để biến liên minh này thành “đầu tàu” của châu Âu khiến nhiều quốc gia thành viên khác “đứng ngồi không yên”.

Dù vậy, theo nhiều chuyên gia, việc cải thiện quan hệ với Đức cũng không hề dễ dàng bởi điều kiện duy nhất để Đức “mở lòng ra với Pháp” chính là việc Pháp chấp thuận cải cách kinh tế. Điều này vô hình trung khiến ông Macron bị đẩy “vào vòng luẩn quẩn”.

Duy trì quan hệ xuyên Đại Tây Dương

Ông Macron là người có quan điểm cực kỳ cứng rắn đối với Nga và vụ rò rỉ một loạt email trong quá trình vận động tranh cử Tổng thống của ông được cho là “có bàn tay của Nga” càng khiến ông quyết tâm xích lại gần hơn nữa với Mỹ.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này cũng không hề dễ dàng trong bối cảnh Mỹ từng “phát tín hiệu” về việc châu Âu cần đóng góp nhiều hơn cho NATO trong khi ông Macron lại muốn “bảo vệ tối đa các lợi ích của Pháp trong NATO mà không muốn trả thêm tiền cho Mỹ”.

Ngoài ra, quan điểm ủng hộ NATO và chống Nga mạnh mẽ của ông Macron được cho là có thể giúp ông “ghi điểm” với Mỹ trong thời điểm này nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump là người “rất khó dự đoán” và “trong một hoàn cảnh khác”, quan điểm này của ông Macron có thể đẩy quan hệ Pháp-Mỹ vào vòng căng thẳng.

Không những thế, trong quá trình tranh cử, ông Macron cũng công khai gọi ông Trump là “nguồn gốc của mọi bất an” tại châu Âu, trong khi đó, ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, ông Trump lại ủng hộ đối thủ của ông Macron là bà Le Pen và chỉ “chúc mừng theo nghi thức ngoại giao” khi ông Macron thắng cử.

Thách thức từ đối thủ Le Pen

Dù thất bại của bà Le Pen trước ông Macron “đã được báo trước” nhưng có thể thấy rằng, Đảng Mặt trận Quốc gia của bà Le Pen đã “tiến một bước rất dài” so với cuộc bầu cử Tổng thống năm 2012 khi bà Le Pen chỉ nhận được 18% phiếu bầu trong vòng bầu cử Tổng thống đầu tiên (vòng 1 bầu cử Tổng thống Pháp 2017, bà Le Pen giành hơn 21% số phiếu bầu, vòng 2 là 33,9%). Đây là một xu hướng rất đáng lo ngại đối với Phong trào Tiến bước của Macron.

Tuy nhiên, bà Le Pen không phải là “mối lo duy nhất” đối với ông Macron. “Sự trỗi dậy” của ứng viên cánh tả Mélenchon trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 1 cho thấy không phải cử tri nào cũng đồng tình với quan điểm của ông Macron.

Chính vì thế, việc ông Macron đối mặt thế nào với những thất vọng và sự giận dữ của những cử tri nói trên khi họ cáo buộc ông Macron rằng, ông đã “buộc phải trả giá quá đắt” cho quá trình toàn cầu hóa sẽ quyết định năng lực điều hành và khả năng cải cách kinh tế Pháp của ông Macron.

Tiếp tục tiến bước

Ngay sau chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua, ông Macron sẽ phải “dồn hết sức lực” vào việc làm thế nào để Phong trào Tiến bước của ông giành đa số áp đảo trong cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra trong 2 ngày 11 và 18/6.

Đây được coi là một thách thức “khó hơn lên trời” bởi Phong trào Tiến bước mới chỉ tồn tại chưa đầy một năm và đang gặp vô số khó khăn về tài chính. Dù hy vọng chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 sẽ “tiếp sức” cho họ tiếp tục tiếng bước, nhưng ông Macron sẽ cần phải có “phép lạ” mới có thể đạt được mục tiêu của mình.

Ngoài ra, dù mạnh miệng tuyên bố hơn một nửa số nghị sĩ của ông sẽ là những “khuôn mặt mới” trong chính trường Pháp, ông Macron hiểu rằng, ông rất cần sự ủng hộ của các chính trị gia lão làng từ Đảng Xã hội và Đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, Đảng Cộng hòa đang nỗ lực để giành được quyền kiểm soát Quốc hội Pháp để có thể lựa chọn ra một Thủ tướng đủ khả năng làm đối trọng với ông Macron.

Trong khi đó, thất bại nặng nề của Đảng Xã hội cũng được coi là một trở ngại lớn đối với ông Macron bởi điều đó đồng nghĩa với việc rất nhiều nghị sĩ của Đảng Xã hội chưa biết sẽ phải bỏ phiếu cho ai và khả năng họ “dồn phiếu” cho Đảng Cộng hòa là rất có thể sẽ xảy ra.

Chiến thắng vang dội của ông Macron trong cuộc bầu cử Tổng thống vòng 2 vô hình trung lại đẩy ông vào tình trạng “dở khóc dở cười”. Lợi thế của một ứng viên độc lập giúp ông dễ dàng trở thành ông chủ Điện Elysee trong bối cảnh các đảng phái khác của Pháp đang chia rẽ sâu sắc. Tuy nhiên, giờ là lúc ông không thể duy trì thế trung dung mà phải lựa chọn “thiên tả” hay “thiên hữu” tùy theo tình thế.

 “Nhà cách tân”, “gã thợ hàn”

Một vấn đề nữa đang chờ đợi ông Macron là liệu ông có thể thực thi các chính sách kinh tế và an sinh xã hội dài hạn theo đúng cam kết của ông rằng “sẽ diễn ra ngay lập tức, không chờ đợi và không e dè”?

Tuy nhiên, để làm được điều này, ông Macron sẽ phải thể hiện được rằng, mình là một nhà thương thuyết đại tài và có đủ khả năng để đối đầu với các cuộc biểu tình lan tràn trên khắp nước Pháp khiến mọi nỗ lực cải cách nước Pháp đều rơi vào thất bại.

Bản thân ông Macron cũng thừa nhận, những người đã bỏ phiếu cho ông “chủ yếu là những người muốn thay đổi” nhưng việc thay đổi “là không hề dễ dàng” và ngay cả cụm từ “không hề dễ dàng” cũng được cho là đã nói giảm đi rất nhiều sự nghiêm trọng của vấn đề.

Theo các chuyên gia, cách duy nhất để ông có thể thuyết phục được những người còn hoài nghi và các đối thủ của mình là phải đạt được những kết quả tích cực.

Ông Macron có thể “câu giờ” bằng cam kết sẽ thay đổi hệ thống chính trị “lỗi thời” của nước Pháp, đưa vào Quốc hội và Chính phủ những gương mặt mới trước khi bắt tay vào hành động thực sự.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất đối với ông Macron lúc này là làm thế nào có thể cùng lúc đóng cả 2 vai “nhà cách tân” và “gã thợ hàn” để vực dậy một nước Pháp đã quá rệu rã./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Cận cảnh người vợ ứng viên Tổng thống Macron hơn chồng tới 24 tuổi
Cận cảnh người vợ ứng viên Tổng thống Macron hơn chồng tới 24 tuổi

VOV.VN - Dù ứng viên Tổng thống Pháp Macron kém vợ Brigitte tới 24 tuổi, hai người vẫn thương yêu nhau mặn nồng và thường sánh bước bên nhau đầy hạnh phúc.

Cận cảnh người vợ ứng viên Tổng thống Macron hơn chồng tới 24 tuổi

Cận cảnh người vợ ứng viên Tổng thống Macron hơn chồng tới 24 tuổi

VOV.VN - Dù ứng viên Tổng thống Pháp Macron kém vợ Brigitte tới 24 tuổi, hai người vẫn thương yêu nhau mặn nồng và thường sánh bước bên nhau đầy hạnh phúc.

Chùm ảnh: Nước Pháp vỡ òa cảm xúc với chiến thắng của Macron
Chùm ảnh: Nước Pháp vỡ òa cảm xúc với chiến thắng của Macron

VOV.VN - Nhiều cử tri Pháp đã đổ ra đường ăn mừng sau khi ông Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống với 65,9% số phiếu ủng hộ.

Chùm ảnh: Nước Pháp vỡ òa cảm xúc với chiến thắng của Macron

Chùm ảnh: Nước Pháp vỡ òa cảm xúc với chiến thắng của Macron

VOV.VN - Nhiều cử tri Pháp đã đổ ra đường ăn mừng sau khi ông Macron giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống với 65,9% số phiếu ủng hộ.

Bầu cử Tổng thống Pháp: Ứng cử viên Macron được 62% cử tri ủng hộ
Bầu cử Tổng thống Pháp: Ứng cử viên Macron được 62% cử tri ủng hộ

VOV.VN - Ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giành được 62% số phiếu ủng hộ trong khi bà Marine Le Pen chỉ giành được 38%.

Bầu cử Tổng thống Pháp: Ứng cử viên Macron được 62% cử tri ủng hộ

Bầu cử Tổng thống Pháp: Ứng cử viên Macron được 62% cử tri ủng hộ

VOV.VN - Ứng cử viên Tổng thống Pháp Emmanuel Macron giành được 62% số phiếu ủng hộ trong khi bà Marine Le Pen chỉ giành được 38%.