Tân Thủ tướng Pháp Jean Castex - lựa chọn an toàn của ông Macron

VOV.VN - Ông Philippe có uy tín cao hơn cả Tổng thống Pháp Macron. Và Jean Castex đã được lựa làm Thủ tướng Pháp trong bối cảnh bầu cử Pháp sẽ diễn ra vào 2022.

Việc Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lựa chọn một nhân vật kỹ trị tương đối vô danh trên chính trường Pháp làm Thủ tướng mới của Pháp được cho là một bước đi an toàn nhằm chuẩn bị cho chiến dịch tái tranh cử Tổng thống Pháp năm 2022.

Tân Thủ tướng Pháp Jean Castex. Anh: Le Monde.

Jean Castex là ai?

Năm nay 55 tuổi, Thị trưởng của thành phố nhỏ Prades chỉ có hơn 6.000 dân ở tận miền Tây Nam nước Pháp, Jean Castex không phải là một gương mặt vô danh nhưng cũng hoàn toàn không phải là một tên tuổi lớn trên chính trường Pháp.

Trong sự nghiệp chính trị của mình, Jean Castex từng là người thân cận của nhiều chính trị gia lớn của cánh hữu. Ông từng hai lần giữ chức Giám đốc nội các của chính trị gia Xavier Bertrand khi ông này giữ các chức Bộ trưởng Y tế và Bộ trưởng Lao động dưới thời các Tổng thống cánh hữu là Jacques Chirac và Nicolas Sarkozy. Năm 2011, Jean Castex giữ chức Phó Tổng thư ký Phủ Tổng thống Pháp của ông Nicolas Sarkozy.

Được đào tạo bài bản từ trường Hành chính quốc gia (ENA) Pháp danh giá và từng làm việc ở Thẩm kế viện (Cour des Comptes), Jean Castex là một nhà kỹ trị và một công chức nhà nước cao cấp, có con đường thăng tiến điển hình của giới “tinh hoa” Pháp và là một chuyên gia về các vấn đề xã hội và y tế.

Trong bài trả lời phỏng vấn đầu tiên kênh truyền hình TF1 tối ngày 3/7, chính Jean Castex thừa nhận ông là “một chính trị gia địa phương hơn là một chính trị ở tầm quốc gia”.

Tuy nhiên, chính những đặc điểm đó của Jean Castex đưa ông lọt vào “mắt xanh” của Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron. Đội ngũ cố vấn của ông Macron đã đưa Jean Castex vào danh sách chờ đợi từ một vài năm qua, đã từng có lúc dự tính đưa ông giữ chức Bộ trưởng Nội vụ rất quan trọng (nhưng rồi chọn ông Christophe Castaner).

Đó là một công chức mẫn cán, một nhà kỹ trị, sẵn sàng đảm nhiệm các nhiệm vụ khác nhau, từng là Giám đốc Cơ quan thể thao, phụ trách nhóm liên bộ chuẩn bị cho Olympic 2024 mà Paris đăng cai, cũng như đứng đầu nhóm lên kế hoạch gỡ bỏ phong toả tại Pháp từ tháng 4/2020.

Ưu điểm của Jean Castex nằm ở việc vừa là một công chức cao cấp ở trung ương, nhưng cũng là một dân biểu địa phương, thông thuộc bộ máy hành chính nhà nước nhưng đồng thời cũng quen thuộc các vùng lãnh thổ.

Đó là một chính trị gia đa năng, và trên hết, là một con người được đánh giá là biết lắng nghe, trung thành và sẵn sàng lui vào bóng tối.

Phép tính 2022

Năm 2017, khi ông Édouard Philippe được Tổng thống Macron lựa chọn làm Thủ tướng, tên tuổi của ông Philippe cũng ở mức “tương đối vô danh” như Jean Castex hiện tại.

Tuy nhiên, khác biệt hiện nay là uy tín của ông Édouard Philippe lại cao hơn cả Tổng thống Macron. Trong các cuộc thăm dò dư luận tuần qua tại Pháp, khoảng 43% người Pháp ủng hộ ông Philippe so với khoảng 35% ủng hộ ông Macron. Đa số người Pháp muốn thay đổi chính phủ nhưng không muốn thay Thủ tướng.

Nhưng chính uy tín cao của Édouard Philippe lại là một trong các nguyên nhân quan trọng buộc ông này phải rời ghế Thủ tướng Pháp. Tổng thống Pháp Macron không muốn uy tín và hình ảnh cá nhân của mình trong giới hành pháp lại chỉ đứng ở vị trí thứ 2, trong bối cảnh cuộc bầu cử Tổng thống Pháp 2022 đang đến gần mà đảng “Nền Cộng hoà tiến bước” (LREM) lại đang rệu rã.

Việc thay ông Édouard Philippe bằng một nhân vật kỹ trị, tương đối vô danh và được xem là “biết nghe lời” như ông Jean Castex là một giải pháp an toàn. Loại bỏ khỏi ghế Thủ tướng Pháp những đối thủ tiềm tàng cho cuộc đua Tổng thống như ông Édouard Philippe hay kể cả một số Bộ trưởng quan trọng khác như Bruno Le Maire (Bộ trưởng Kinh tế) là một chiến lược ngăn chặn từ xa, để tránh rủi ro lặp lại bài học thất bại của cựu Tổng thống Francois Hollande trước Thủ tướng Manuel Valls của chính quyền đời trước.

Ngoài ra, việc dùng một nhân vật kỹ trị như Jean Castex sẽ bảo đảm cho ông Macron một không gian hành động vô cùng rộng lớn trong 2 năm còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống. Các đảng phái đối lập cũng như giới phân tích chính trị Pháp đều cho rằng, hành động bổ nhiệm ông Jean Castex làm Thủ tướng Pháp là tín hiệu cho thấy, ông Emmanuel Macron muốn đích thân điều hành một mình chính phủ Pháp trong 2 năm còn lại.

Chỉ dấu cho điều này thấy được rõ hơn khi người  được chọn là Giám đốc nội các Phủ Thủ tướng, giúp việc cho ông Jean Castex là Nicolas Ravel, một người thân cận của ông Macron. Dưới thời Tổng thống của ông Francois Hollande, ông Macron và ông Nicolas Ravel đều làm trong Văn phòng Tổng thống, một người phụ trách các vấn đề xã hội (Nicolas Ravel), người kia phụ trách kinh tế (Emmanuel Macron).

Với những người đã quen với phong cách lãnh đạo đôi khi độc đoán của ông Macron từ 3 năm qua, đây là chiến lược không hề xa lạ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên