Tên lửa ATACMS của Ukraine khoét vào điểm yếu chiến thuật của Nga?
VOV.VN - Chuyên gia Mỹ cho rằng với vũ khí ATACMS vừa nhận được, Ukraine có thể khoét vào điểm yếu chiến thuật Nga, buộc Nga phải phân tán hơn nữa các vũ khí, khí tài bố trí trên chiến trường.
Tên lửa tầm xa ATACMS mà Ukraine vừa nhận từ Mỹ có vẻ đang gây bất lợi cho Nga bằng cách khoét sâu vào lỗ hổng chiến thuật Nga - một chuyên gia vừa chia sẻ với tờ Business Insider. ATACMS là viết tắt bằng tiếng Anh của cụm từ "Hệ thống tên lửa chiến thuật lục quân MGM-140" do Mỹ sản xuất.
Đánh từ xa và đánh trên diện rộng
Chuyên gia Riley Bailey - nhà phân tích về Nga tại "Viện Nghiên cứu chiến tranh" (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết, vũ khí trên cho phép Ukraine đánh ở cự ly xa, vươn tới được các mục tiêu có giá trị cao như kho vũ khí đạn dược và các loại khí tài khác.
Ukraine cho biết, họ đã sử dụng ATACMS trong loạt tấn công lên 2 sân bay trên lãnh thổ do Nga kiểm soát vào thời điểm trước đó trong tháng 10/2023, phá hủy các kho đạn và máy bay trực thăng của Nga, đồng thời gây hư hại cho các sân bay.
Chuyên gia Bailey nói rằng ATACMS sở hữu lợi thế then chốt so với các vũ khí tầm xa khác mà Ukraine đang sở hữu, như tên lửa Storm Shadow do Anh và Pháp cung cấp, cũng như hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ cung cấp.
Tại sao vậy? Đó là vì hệ thống ATACMS được gửi cho Ukraine bao gồm đạn chùm chứ không phải đạn đơn nhất. Một quả đạn của ATACMS chứa nhiều đạn con có thể phát tán rộng ra, trúng nhiều mục tiêu cùng một lúc.
Theo ông Bailey, điều này giúp Ukraine hạn chế được chiến lược của Nga về xử trí các cuộc tấn công tầm xa của đối phương
Nhà phân tích về Nga cho biết, quân đội Nga trước đây thường tập hợp vũ khí khí tài của mình theo nhóm, khiến chúng dễ bị phá hủy bằng các đòn tấn công của hệ thống HIMARS. Nhưng Nga sau đó đã nhanh chóng rút ra bài học và bắt đầu phân tán lực lượng ra để HIMARS khó đánh trúng.
Bailey nói: "Lực lượng Ukraine có khả năng dùng HIMARS đánh trúng các kho đạn của Nga, với hiệu quả khủng khiếp, buộc Bộ chỉ huy của Nga phải phân tán hơn nữa các kho đạn của mình".
Theo Bailey, Nga đã rút ra bài học kinh nghiệm và đang nỗ lực bảo đảm "mỗi đòn tập kích của đối phương sẽ không tạo ra nhiều tổn thất cho lực lượng không quân".
Nhưng giờ đây, nhờ có đạn chùm của hệ thống ATACMS, Ukraine có thể đánh vào các vũ khí khí tài được bố trí phân tán, cách xa nhau. Ukraine có thể tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc tại một khu vực.
Trước đó, Ukraine bị kẹt trong hệ thống "một đối một". Nghĩa là, họ cơ bản phải bắn 5 quả tên lửa hành trình Storm Shadow thì mới phá hủy được 5 máy bay trực thăng. Nhưng nay về lý thuyết, với đạn chùm, Ukraine có thể tiêu diệt được vài chiếc trực thăng trên một sân bay chỉ bằng một quả đạn ATACMS.
Tình thế này, Bailey nói, buộc các chỉ huy Nga phải thích ứng với một thách thức mới, rộng lớn hơn trong bối cảnh họ đã quen với việc Ukraine sử dụng HIMARS.
Cố vấn cho Tổng thống Ukraine Zelensky, Mykhailo Podolyak, nói rằng ATACMS đánh dấu một "chương mới trong cuộc xung đột vũ trang" giữa Nga và Ukraine. Theo Podolyak, với vũ khí này trong tay Ukraine thì "không còn nơi an toàn cho quân Nga" trên chiến trường Ukraine.
Theo Bailey, giải pháp ứng phó thực sự duy nhất của Nga lúc này là phân tán hơn nữa vũ khí khí tài của mình, nhưng điều này lại vấp phải nhiều trở ngại.
Bailey phân tích, nếu làm vậy, "hậu cần của Nga sẽ bị căng mỏng hơn nữa".
Khi ấy việc các máy bay Nga phải lùi ra xa tiền tuyến (để tránh pháo tầm xa của Ukraine) khiến chúng giảm tác dụng đối với Nga.
Mỹ cho biết, hệ thống ATACMS mà họ vừa gửi cho Ukraine có tầm bắn khoảng 160km. Phiên bản mới hơn của ATACMS có tầm bắn xa hơn, tới 305km. Một quan chức Ukraine cho hay, ông tin rằng Ukraine sau này sẽ được nhận cả phiên bản mới này.
Nỗi lo mới của Ukraine khi mùa đông đến gần
Trong khi đó, Ukraine đang lo lắng về khả năng phòng không của mình trong các tháng mùa đông sắp tới. Ukraine cần cải thiện năng lực phòng không để đối phó với nguy cơ hệ thống lưới điện của họ bị tấn công vào mùa đông, khiến Ukraine chìm trong bóng tối lạnh giá.
Ukraine đang hối thúc Mỹ chuyển giao cho họ các hệ thống phòng không FrankenSAM do Mỹ chế tạo.
FrankenSAM là các hệ thống kết hợp vũ khí tiên tiến của phương Tây với đạn dược thời Liên Xô vẫn còn trong kho đạn của Ukraine.
Hệ thống FrankenSAM kết hợp các tên lửa đất đối không hiện đại với kích cỡ phương Tây với các bệ phóng và radar thời Xô viết mà Ukraine đang có sẵn trong tay.
Có hai phiên bản phòng không theo kiểu kết hợp như vậy. Phiên bản 1 kết hợp bệ phóng Buk thời Liên Xô với tên lửa Sea Sparrow của Mỹ. Phiên bản 2 kết hợp radar thời Xô viết với tên lửa Sidewinder cũng của Mỹ. Các hệ thống này đã được thử nghiệm trong vài tháng qua tại các căn cứ quân sự ở Mỹ và dự kiến được bàn giao cho Ukraine trong mùa thu 2023 này.
Bà Cooper, một quan chức quốc phòng Mỹ, cho hay các hệ thống cải biến như thế này "góp phần lấp vào các khoảng trống quan trọng trong hệ thống phòng không của Ukraine, và đây là thách thức lớn nhất của Ukraine hôm nay".