Thách thức của Nga: Căng thẳng Armenia-Azerbaijan và xung đột quân sự nội CSTO
VOV.VN - Nga là thành viên lớn nhất trong khối an ninh CSTO. Trong bối cảnh xung đột Ukraine, Nga và các thành viên CSTO tiếp tục phải đương đầu với các thách thức từ bên ngoài và từ chính các xung đột quân sự nội khối này.
Căng thẳng với bên ngoài
Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) Stanislav Zas tuyên bố vào hôm 19/12/2022 rằng CSTO tiếp tục sẵn sàng gửi một phái đoàn tới biên giới giữa Armenia và Azerbaijan nếu Armenia cho rằng điều này là cần thiết.
Tổng thư ký Stanislav Zas khẳng định sự trợ giúp cho Armenia khi ông phát biểu tại buổi họp báo do cơ quan truyền thông Rossiya Segodnya của Nga tổ chức ở Moscow.
Theo ông Zas, CSTO hiện không có kế hoạch triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình tới vùng xung đột giữa Armenia và Azerbaijan nhưng điều này có thể được thực hiện nếu nhu cầu xuất hiện.
Người đứng đầu CSTO nói: “Mục đích chính của CSTO trong hoàn cảnh hiện nay là bảo đảm an ninh của các tổ chức nhà nước, tăng cường sự gắn kết của khối. Các biện pháp chính trị và ngoại giao, phản ứng chủ động trước các thách thức và mối đe dọa mới nổi vẫn là một ưu tiên”.
CSTO gồm 6 thành viên là Nga, Belarus, Kazakhstan, Armenia, Kyrgyzstan và Tajikistan
Vào giữa tháng 9, nước thành viên CSTO Armenia tuyên bố rằng Azerbaijan (không phải là quốc gia thành viên của CSTO) pháo kích vào lãnh thổ của họ và yêu cầu khối trợ giúp dựa trên điều khoản phòng thủ tập thể của khối. (Trong khi đó, Azerbaijan tuyên bố rằng họ chỉ phản ứng lại ‘khiêu khích” của Armenia.)
CSTO đã đề xuất gửi một phái đoàn điều tra thực tế tới vùng biên giới giữa 2 nước nói trên.
Xung đột nội khối an ninh
Trước đó, cũng trong năm 2022, giao tranh dữ dội đã bùng phát giữa 2 quốc gia thành viên CSTO là Kyrgyzstan và Tajikistan. Kyrgyzstan tố Tajikistan sử dụng xe thiết giáp chiến đấu bộ binh hạng nặng và hệ thống pháo phản lực phóng loạt để tấn công họ.
Sau khi lãnh đạo quốc phòng - an ninh của hai nước nói trên đạt được một sự hiểu biết về lệnh ngừng bắn, Kyrgyzstan tố Tajikistan khai hỏa vào lực lượng biên phòng của họ.
Cơ quan Biên phòng của Ủy ban An ninh Quốc gia của Kyrgyzstan ra thông cáo tuyên bố: “Xe tăng, xe thiết giáp, xe chở quân, và súng cối của Tajikistan, lính biên phòng của Tajikistan triển khai ở vùng Batken (Kyrgyzstan) tiếp tục tham gia giao tranh”.
Tranh chấp liên quan đến việc phân giới giữa hai nước là nguyên nhân của các cuộc đụng độ quân sự giữa đôi bên.
Vào năm 2021, ít nhất 55 người thiệt mạng trong các cuộc đụng độ dọc theo biên giới do bất đồng về quyền sử dụng nước cũng như về việc Tajikistan lắp đặt các camera an ninh.
Cơ quan biên phòng Kyrgyzstan cho biết, giao tranh vào ngày 16/9/2022 bắt đầu vào sáng sớm khi binh sĩ Tajikistan khai hỏa vào lính biên phòng Kyrgyzstan. Cơ quan này cũng cáo buộc Tajikistan đã sử dụng súng cối, xe tăng, xe thiết giáp để nã pháo vào các vị trí của Kyrgyzstan, cũng như sử dụng các hệ thống pháo phản lực để tấn công một sân bay gần biên giới, phá hoại cơ sở hạ tầng dân sự.
Trong khi đó, giới chức biên phòng Tajikistan tuyên bố quân đội Kyrgyzstan pháo kích và bắn súng cối vào các ngôi làng thuộc khu vực biên giới của Tajikistan.
Cơ quan an ninh của Tajikistan tuyên bố binh sĩ nước này đã liên tục tìm cách đàm phán nhằm đạt một thỏa thuận ngừng bắn nhưng đã bị phớt lờ.
Tranh chấp biên giới Kyrgyzstan - Tajikistan
Cơ quan an ninh Tajikistan (gọi tắt là GKNB) khẳng định rằng các đơn vị biên phòng của tỉnh Batken (Kyrgyzstan) đã bắn súng cối vào binh sĩ của họ triển khai ở một vùng núi nằm về phía Bắc Vorukh. Giới chức Tajikistan cho hay, 2 lính Tajikistan tử trận trong các cuộc đụng độ giữa đôi bên.
Trong khi đó, Cơ quan an ninh Kyrgyzstan cho hay, đụng độ bắt đầu khi một trong các binh lính của họ phát hiện một lính biên phòng Tajikistan ở một vị trí bên ngoài đường phân giới được đồng ý trước đây. Theo họ, người lính Tajikistan từ chối đứng dậy và cuối cùng đã nổ súng.
Tổng thống Kyrgyzstan, Sadyr Japarov, và người đồng cấp Tajikistan, Emomali Rahmon, sau đó gặp nhau tại hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) diễn ra ở Uzbekistan. Theo một tuyên bố trên website của ông Japarov, hai nguyên thủ đã trao đổi về tình hình biên giới và nhất trí giao cho các cơ quan chức năng nhiệm vụ rút quân và chấm dứt chiến sự.
Các vấn đề biên giới ở Trung Á có từ thời Xô viết, khi Moscow cố gắng phân định biên giới giữa các nhóm dân tộc.
Cả Kyrgyzstan và Tajikistan, từng thuộc Liên Xô cũ, là nơi đặt một số căn cứ quân sự Nga. Kyrgyzstan và Tajikistan cũng đều duy trì quan hệ chặt chẽ với Moscow. Kể từ khi Liên Xô tan rã, bất đồng về vị trí biên giới chính xác giữa 2 nước thành viên cũ của Liên Xô vẫn tồn tại. Đụng độ liên quan đến đường biên giới thường xuyên nổ ra nhưng cũng thường được đưa xuống thang nhanh chóng. Tuy nhiên, riêng năm 2021, hai nước đã tiến sát đến nguy cơ xung đột quy mô lớn./.