Thách thức cực lớn để đưa hơn 20 triệu tấn ngũ cốc ra khỏi Ukraine
VOV.VN - Việc giải phóng lượng ngũ cốc khổng lồ bị mắc kẹt ở Ukraine đối mặt với những thách thức lớn. Nếu không tìm được giải pháp kịp thời, thế giới có thể sẽ phải đối mặt với cuộc khủng hoảng lương thực kéo dài.
Ukraine - quốc gia xuất khẩu lúa mì lớn thứ năm trên thế giới, có hàng trăm kho chứa ngũ cốc khác nằm rải rác bên cạnh các tuyến đường bộ, các nhà ga đường sắt và các cảng biển trên khắp đất nước. Các nhà kho này đang đầy dần và sắp không còn sức chứa nếu hơn 20 triệu tấn ngũ cốc từ mùa thu hoạch trước không được giải phóng.
Trong khi đó, chỉ còn hơn một tháng nữa, vụ thu hoạch mùa xuân sẽ bắt đầu và các nông dân sẽ cần thêm không gian trong các kho chứa của Ukraine. Việc giải phóng số ngũ cốc mắc kẹt trở thành nhiệm vụ cấp bách nhất lúc này.
Đường bộ và đường sắt không khả thi
Bà Mariia Didukh, Giám đốc Diễn đàn Nông nghiệp Quốc gia Ukraine, cho biết, trước khi xung đột bùng phát, hơn 90% tổng lượng nông sản xuất khẩu của Ukraine được thực hiện bằng đường biển. Mỗi tháng, Ukraine xuất khẩu khoảng 5-6 triệu tấn ngũ cốc từ các cảng biển.
Trong 3 tháng qua, Ukraine phải sử dụng các tuyến đường bộ và đường sắt do các cảng biển bị phong tỏa. Tuy nhiên chỉ có khoảng 1,2 triệu tấn ngũ cốc, dầu hướng dương và các mặt hàng nông sản khác, tương đương 1/5 lượng xuất khẩu hàng tháng so với trước đây, được vận chuyển ra khỏi Ukraine bằng các phương tiện thay thế.
Trong khi đó, các tuyến đường bộ và đường sắt cũng gặp nhiều thách thức. Mạng lưới đường sắt Ukraine sử dụng ghi khổ lớn, trong khi các nước láng giềng châu Âu như Ba Lan hay Romania lại sử dụng ghi khổ hẹp. Điều này có nghĩa là ngũ cốc được vận chuyển bằng đường sắt ở Ukraine sau đó phải được bốc dỡ và đưa lên một chuyến tàu khác khi đến biên giới châu Âu.
Việc vận chuyển bằng xe tải cũng mất rất nhiều thời gian thông quan tại các cửa khẩu biên giới.
“Chúng tôi đã và đang phát triển các tuyến đường xuất khẩu thay thế, bao gồm đường sắt, đường bộ và qua một số cảng ở Romania. Tuy nhiên, các giải pháp này đắt đỏ hơn, mất nhiều thời gian hơn trong khi sức tải lại rất nhỏ. Đó là điều phi thực tế đối với chúng tôi”, bà Didukh nói.
Khó khăn về ngoại giao
Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia có quyền quản lý giao thông hàng hải ra vào Biển Đen - đang dẫn đầu các cuộc đối thoại với Nga về đề xuất cho phép các tàu chở ngũ cốc từ Ukraine đi qua một hành lang từ Biển Đen tới eo biển Bosphorus, sau đó xuất khẩu ra thế giới.
Phía Ukraine đánh giá cao nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhưng nhấn mạnh “Mọi quyết định phải được thực hiện với sự tham gia của các bên liên quan. Ukraine bác bỏ bất kỳ thỏa thuận nào không tính đến lợi ích của Kiev”.
Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasily Bodnar cho biết, Ukraine sẽ đồng ý khôi phục xuất khẩu nông sản bằng đường biển với điều kiện Kiev được cung cấp vũ khí đối phó với mối đe dọa hàng hải và được hải quân của các nước thứ ba hỗ trợ.
“Việc đảm bảo an ninh là cần thiết để khôi phục vận tải hàng hải. Các đảm bảo này phải được thực hiện thông qua việc cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí phù hợp để bảo vệ khu vực ven biển trước các mối đe dọa và cần phải có sự tham gia của hải quân các nước thứ 3 trong việc bảo vệ các khu vực liên quan ở Biển Đen”, Đại sứ Bodnar nhấn mạnh.
Ông Bodnar cũng cho biết thêm, hiện vẫn chưa có thỏa thuận nào giữa Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga về vấn đề này.
Thách thức hậu cần
Cho dù đạt được một thỏa thuận quốc tế, vẫn còn nhiều vấn đề khác cần được giải quyết để đảm bảo vận chuyển an toàn nông sản và ngũ cốc của Ukraine, từ năng lực vận tải cho đến vấn đề bảo hiểm.
Hàng nông sản thường được vận chuyển giữa các lục địa bằng tàu chở hàng cỡ lớn với sức chứa tới 50.000 tấn. Để giải phóng khoảng 20 triệu tấn ngũ cốc của Ukraine, cần tới 400 con tàu như vậy.
Theo các nhà phân tích hàng hải, việc tìm kiếm tàu vận tải không phải là một yếu tố hạn chế, mặc dù sẽ cần thời gian để các tàu chuyển hướng từ vị trí hiện tại tới Biển Đen.
Tuy nhiên, nguồn tin từ một công ty vận tải biển làm việc tại Ukraine cho biết, cho dù Nga chấp nhận đảm bảo cho các tàu đi lại qua hành lang hàng hải, vẫn khó có thể thể thuyết phục các chủ tàu nhận hợp đồng vận chuyển.
Việc các công ty bảo hiểm chấp nhận bảo hiểm chiến tranh cho cả tàu và thủy thủ đoàn sẽ là một yếu tố quyết định thành công của bất kỳ hành lang ngũ cốc nào.
Hồi tháng 2, Ủy ban Chiến tranh hỗn hợp có trụ sở tại London đưa các vùng biển của Nga và Ukraine ở Biển Đen và Biển Azov vào danh sách “các khu vực cần liệt kê”, có nghĩa là các chủ tàu phải thông báo cho bên bảo hiểm nếu họ đi tới đó. Điều này cũng đòi hỏi các chủ tàu phải đóng thêm phí bảo hiểm.
Ngay cả khi các hãng bảo hiểm chấp nhận “bảo hiểm chiến tranh”, một số đại diện ngành vận tải biển vẫn cho rằng, hành lang ngũ cốc vẫn sẽ khó được thu xếp nhanh chóng.
Ông Guy Platten, Tổng thư ký của Phòng Vận chuyển Quốc tế cho biết, khoảng 100 tàu và 2.000 thuyền viên với 20 quốc tịch khác nhau đã “đến nhầm chỗ, sai thời điểm” khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự và bị mắc kẹt tại các cảng của Ukraine kể từ đó. Việc sơ tán các thuyền viên này đến nơi an toàn mất khá nhiều thời gian, nhưng tới nay vẫn còn khoảng 450 người bị kẹt lại.
“Ai cũng muốn chắc chắn tàu của mình sẽ không trở thành mục tiêu. Có rất nhiều vấn đề sẽ phải được giải quyết trước khi bất kỳ chủ tàu nào chấp nhận hợp đồng vận chuyển, chưa kể sẽ phải có thêm những khoản phí bảo hiểm khổng lồ. Các chủ tàu sẽ phải cân nhắc thiệt, hơn trong trường hợp này”, ông Platten nhận định.
Kịch bản xấu nhất
Các cuộc đàm phán quốc tế nhằm tìm cách giải phóng ngũ cốc Ukraine vẫn đang diễn ra, nhưng thời gian không còn nhiều. Các nhà phân tích ngành nông nghiệp và thực phẩm của Ukraine ước tính thế giới có 10 tuần để tìm ra giải pháp, trước khi vụ thu hoạch mùa xuân bắt đầu và cần không gian trong các kho chứa.
Việc không thu xếp được hành lang vận chuyển để giải phóng lượng ngũ cốc bị mắc kẹt hiện nay cũng có thể gây ra những hậu quả lâu dài đối với những nước phụ thuộc vào nhập khẩu từ Ukraine.
“Nếu nông dân Ukraine thấy rằng khả năng xuất khẩu bị hạn chế, họ sẽ gieo trồng ít hơn cho vụ thu hoạch 2023. Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ phải đối mặt với không chỉ 1 mà là 2 năm gián đoạn thị trường. Đó là kịch bản xấu nhất”, ông Arnaud Petit, Giám đốc điều hành Hội đồng ngũ cốc quốc tế, nhận định./.