Thách thức lớn với phương Tây khi tìm cách đáp ứng nhu cầu đạn dược của Ukraine
VOV.VN - Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cho biết, sự thiếu hụt đạn dược đã khiến các lực lượng nước này phải giảm đáng kể tần suất bắn đạn pháo trên chiến trường so với trước đây. Nhưng tốc độ sử dụng đạn dược của Ukraine vẫn nhanh hơn tốc độ sản xuất hoặc cung cấp vũ khí của phương Tây.
Nếu các nhà sản xuất vũ khí muốn gia tăng sản lượng và xây dựng những nhà máy mới, họ cần có nhiều đơn đặt hàng lớn và nguồn kinh phí đảm bảo. Thông thường phải mất từ 2 đến 3 năm để mỗi nhà máy có thể đi vào hoạt động. Với hy vọng giải quyết vấn đề này, bộ trưởng quốc phòng các nước EU đã nhóm họp tại Stockholm ngày 8/3 xem xét đề xuất sử dụng ngân sách chung của EU để đặt hàng và mua tới 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine, với chi phí lên tới 4 tỷ USD. Đây là cách tiếp cận mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho là giống với những gì châu Âu từng thực hiện để đảm bảo nguồn cung vaccine sớm trong đại dịch Covid-19.
Theo đó, EU sẽ tập hợp các nguồn lực để cung cấp nhiều kinh phí hơn, nhằm khuyến khích các nhà sản xuất nhanh chóng đầu tư vào những dây chuyền sản xuất mới để “chế tạo các vũ khí theo tiêu chuẩn châu Âu mà Ukraine đang rất cần”.
Thủ tướng Estonia Kaja Kallas đã đưa ra đề xuất đầy tham vọng là mua 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine. Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Đại diện Cấp cao về Chính sách An ninh và Đối ngoại kiêm Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu Josep Borrell.
Trước đó, ông Borrell đã đề xuất chi 1 tỷ euro trong vài tháng tới để chi trả cho các quốc gia đã cung cấp đạn pháo cho Ukraine, đồng thời hối thúc các nước thành viên đưa ra những đơn đặt hàng chung để bổ sung và mở rộng kho dự trữ vũ khí vốn đang bị thiếu hụt ở mức đáng lo ngại.
Ban đầu, thách thức của Ukraine là tỉm đủ các loại đạn dược từ thời Liên Xô để lấp đầy kho dự trữ vũ khí lỗi thời mà nước này có. Nhưng sau khi châu Âu chuyển giao các loại pháo hiện đại của phương Tây, yêu cầu cỡ đạn 155mm, Ukraine đã chuyển sang tìm kiếm những loại đạn dược tiên tiến hơn. Tháng 2 vừa qua, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cảnh báo rằng, thời gian chờ đợi các loại đạn cỡ lớn đã tăng từ 12 lên 28 tháng.
Trong một bức thư gửi cho EU, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết, Ukraine cần tối thiểu 250.000 quả đạn pháo mỗi tháng, với lập luận rằng các nỗ lực của họ nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của Nga tại Donbass đang bị cản trở do thiếu đạn dược. Theo ông Oleksii Reznikov, quân đội Ukraine hiện chỉ bắn khoảng 120.000 viên đạn một tháng, bằng 1/5 số đạn dược mà họ sử dụng trước đây.
Nhưng một quan chức cấp cao của châu Âu nói rằng, 12 công ty chế tạo những loại đạn pháo như vậy tại châu Âu chỉ có khả năng sản xuất 650.000 quả mỗi năm, trong đó có đạn 120mm cho xe tăng Leopard 2 của Đức và đạn 105mm cho xe tăng Leopard 1 cũ hơn. Mỹ đã gửi cho Ukraine khoảng 1 triệu quả đạn 155mm từ kho dự trữ của nước này và đang phải hoàn trả một phần từ việc mua của Hàn Quốc – nước từ chối bán đạn dược trực tiếp cho Ukraine. Hiện Washington đang cố gắng gia tăng việc sản xuất, từ mức 14.400 lên đến 20.000 quả mỗi tháng trong mùa xuân này và tiến tới lên đến 90.000 quả mỗi tháng vào năm 2025.
Song ông Borrell cho rằng, tất cả những con số này vẫn còn quá ít so với nhu cầu của Ukraine. Trong khi đó, số lượng đạn pháo mà Nga sử dụng tại Ukraine mỗi ngày vào khoảng 10.000 quả và đôi khi lên đến 20.000 quả.
Nga cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt đạn dược và buộc phải giảm tần suất sử dụng, dù các nhà máy sản xuất vũ khí của nước này đang hoạt động với tốc độ chóng mặt. Trong các cuộc giao tranh tại Donbass vào mùa hè năm 2022, Nga đã bắn 40.000 đến 50.000 quả đạn pháo mỗi ngày, còn phía Ukraine bắn 6.000 đến 7.000 quả mỗi ngày. Ngoài đạn dược dành cho các hệ thống pháo của phương Tây, Ukraine cũng cần đạn dược cho đội xe tăng T-72 có từ thời Liên Xô mà các công ty phương Tây không sản xuất được.
Nhà phân tích quốc phòng người Pháp François Heisbourg đánh giá cao ý tưởng mua chung vũ khí của châu Âu, nhưng ông cảnh báo rằng, ngay cả khi có đủ kinh phí, các nhà cung cấp phương Tây vẫn chưa thể cung cấp đạn dược nhanh chóng. “Vấn đề nằm ở chỗ các nhà máy cần thời gian để đi vào hoạt động”, ông lưu ý. Ngoài ra cũng có những lo ngại về việc kế hoạch mua chung của EU sẽ gặp khó khăn do sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên.
Ông Camille Grand, cựu quan chức cấp cao của NATO và hiện là thành viên chính sách tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cho rằng, 80% đạn cỡ 155mm có thể sử dụng cho bất cứ loại pháo nào của phương Tây, bất chấp những giới hạn về quy định hay chứng nhận. Để tăng sản lượng đạn pháo lên 50%, chỉ cần gia tăng ca làm việc, ngay cả khi có sự hạn chế về nguồn cung cấp các phụ kiện chính. Nhưng để tăng sản lượng lên 300% cần phải có những khoản đầu tư lớn để xây dựng các nhà máy mới.
Phát biểu tại hội nghị ngoại trưởng EU cuối tháng 2 vừa qua, ông Borrell nói rằng: “Nếu chúng ta thất bại trong việc đẩy nhanh tốc độ sản xuất đạn dược, thì châu Âu sẽ đối mặt với những nguy hiểm khó lường từ kết quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine”./.