Thách thức mà Pakistan đối mặt khi rời xa Mỹ và gần gũi với Trung Quốc
VOV.VN - Giới quan sát đánh giá Pakistan có thể đối mặt với với nhiều thách thức lớn lao khi thay đổi đồng minh từ Mỹ sang Trung Quốc.
Quan hệ nhiều trắc trở giữa Mỹ và Pakistan
Việc quan hệ Mỹ-Pakistan xuống dốc trong những năm gần đây không có gì ngạc nhiên. Pakistan vốn là một đồng minh lâu năm của Mỹ thời Chiến tranh Lạnh nhưng đấy là do tình huống ép buộc.
Tổng thống Mỹ Harry S. Truman ban đầu tìm kiếm liên minh với Ấn Độ - đất nước có dân số đông thứ 2 thế giới và có vị thế chiến lược nhờ vào khả năng khống chế Ấn Độ Dương.
Nhưng Thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru đã khước từ đề xuất này, thay vào đó, ông theo đuổi cách tiếp cận không liên kết.
Pakistan do ít có sự lựa chọn nên buộc phải hợp tác với Mỹ. Vì nếu gia nhập Phong trào Không liên kết, họ sẽ buộc phải ở chiếu dưới so với Ấn Độ. Do Phong trào Không liên kết có thiên hướng nghiêng về vùng ảnh hưởng của Liên Xô, nên Pakistan cũng không thể tin tưởng Moscow để bảo vệ lợi ích của mình trước Ấn Độ.
Ban đầu cả Mỹ và Pakistan đều sẵn lòng gác các khúc mắc trong quá khứ sang một bên. Pakistan trở thành thành viên của Tổ chức Hiệp ước Trung tâm (CENTO) – còn gọi là khối Hiệp ước Baghdad.
Tuy nhiên khái niệm tương trợ phòng thủ trên đã gặp trục trặc khi chiến tranh bùng nổ giữa Ấn Độ và Pakistan, lần đầu vào năm 1965 và tiếp đó là vào năm 1971. Khi ấy Pakistan khẩn khoản yêu cầu Mỹ trợ giúp với lý do họ cho rằng Ấn Độ là bên xâm lược. Tuy nhiên giới chức Mỹ lặng lẽ đổ lỗi cho Pakistan vì đã châm ngòi cho xung đột này và từ chối hỗ trợ Pakistan. Pakistan đã thua trong 2 cuộc chiến tranh và nuôi dưỡng một mối oán giận thâm sâu đối với điều mà họ coi là sự phản bội của Mỹ.
Từ góc nhìn Pakistan, nước Mỹ cũng chỉ như một người bạn lúc tình hình tốt đẹp mà thôi.
Bắt đầu vào thập niên 1970, Quốc hội Mỹ đã áp đặt một loạt các lệnh cấm vận vũ khí và chế tài lên Pakistan do các hoạt động hạt nhân của Pakistan. Tuy nhiên hễ khi nào cần sự giúp đỡ của Pakistan thì chính quyền Mỹ lại dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để rồi lại thiết lập chính các lệnh đó khi họ không còn cần đến Pakistan nữa.
Dĩ nhiên Mỹ cũng có những buồn bực riêng của mình. Quốc hội Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt là vì họ cho rằng Pakistan ủng hộ các nhóm khủng bố, thậm chí cho trùm khủng bố Osama bin Laden trú ngụ. Hồi tháng 1/2020, Mỹ chính thức buộc tội 5 doanh nhân Pakistan đã điều hành một mạng lưới 5 công ty bình phong tìm cách lấy công nghệ Mỹ để thúc đẩy chương trình hạt nhân của Pakistan.
Trông cậy Trung Quốc nhưng liệu mọi việc sẽ yên?
Với lịch sử căng thẳng như vậy giữa Mỹ và Pakistan, dễ hiểu là Pakistan trở nên thân thiện với Trung Quốc.
Giới lãnh đạo Pakistan nhìn thấy ở Trung Quốc chiều sâu chiến lược và một đồng minh có khả năng răn đe sự trả đũa của Ấn Độ qua tuyến kiểm soát giữa 2 nước, đồng thời lại ít có xu hướng chỉ trích Pakistan. Đối với Trung Quốc, Pakistan có thể là một thị trường lớn, cung cấp các kết nối trên bộ với khu vực Tây Á, và một cảng chiến lược ở Gwadar.
Nhưng rồi Pakistan cũng bắt đầu nhận ra nhiều vấn đề.
Hiện nay ngày càng có dấu hiệu cho thấy Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan (CPEC) có thể là tuyến đường chính dẫn tới tình trạng lây nhiễm bệnh Covid-19 vào Pakistan và rộng hơn là cả khu vực Nam Á. Pakistan đang phải chật vật dập các điểm nóng Covid-19. Các cộng đồng dân cư sống dọc theo Hành lang này ở Gilgit-Baltistan, Azad Kashmir, Punjab, Sindh và Baluchistan e sợ rằng hoạt động thương mại và giao thông của Trung Quốc dọc theo Hàng lang nói trên cũng như việc đẩy nhanh hoạt động thương mại trong nội địa Pakistan có thể khiến dịch Covid-19 bùng phát như cháy rừng.
Thời tiết ngăn việc đi lại trên Hành lang vào mùa đông, nhưng khi xuân sang thời tiết ấm hơn, hoạt động thương mại bùng nổ, và sau Tết Nguyên Đán, vài trăm công nhân Trung Quốc đã quay trở lại Pakistan để làm việc cho dự án CPEC, nâng tổng số công nhân Trung Quốc làm việc trong các dự án khác nhau của CPEC lên mức từ 10.000 đến 15.000 người.
Hiện chưa có chỉ dấu nào về việc Trung Quốc đã lập các điểm xét nghiệm và cách ly cho các công nhân trong đại dự án CPEC ở Pakistan.
Gilgit-Baltistan là một điểm nóng ở Pakistan. Nơi đây chỉ có một trung tâm xét nghiệm Covid-19 và chỉ có thể kiểm tra 15 người một ngày. Vùng này được cho là chỉ 9 máy thở, trong khi các bác sĩ địa phương ước tính rằng họ cần ít nhất 200 máy như vậy./.