Thách thức nào đang chờ tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc?
VOV.VN - Từ ngày 1/1, ông Guterres chính thức đảm nhận nhiệm vụ của Tổng thư ký LHQ với tầm nhìn mới táo bạo nhưng cũng hứa hẹn sẽ gặp nhiều thách thức.
Ông Antonio Guterres trở thành Tổng thư ký thứ 9 của Liên Hợp Quốc trong bối cảnh tổ chức quốc tế này đối mặt với một loạt thách thức trong năm 2017 bao gồm vấn đề biến đổi khí hậu, khủng hoảng người tị nạn vẫn tiếp diễn và sự hoài nghi lớn đối với nhà lãnh đạo mới của Mỹ, thành viên chủ chốt của Liên Hợp Quốc.
Tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc cam kết sẽ xây dựng những “cây cầu nối” giữa các dân tộc bất chấp diễn biến đi ngược lại xu hướng hợp tác quốc tế tại những khu vực chủ chốt của thế giới.
Tuy nhiên, lập trường chống quốc tế hóa của Tổng thống đắc cử Donald Trump kết hợp cùng chủ nghĩa dân túy cánh hữu đang trỗi dậy mạnh mẽ trên khắp châu Âu có thể là những thách thức đối với lời kêu gọi hợp tác vì hòa bình của ông Guterres trong những năm tới của nhiệm kỳ.
Ông Guterres tại lễ Tuyên thệ nhậm chức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc. Ảnh: Reuters |
Người xây dựng cầu nối giữa các nước
Tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres tự nhận mình là “người xây cầu” và là “nhà thỏa hiệp” - những kỹ năng được cho là cần thiết để có thể hiện thực hóa tầm nhìn của ông về một nền hòa bình thông qua ngoại giao và hợp tác.
Trong bài phát biểu mở đầu nhiệm kỳ của mình, ông Guterres kêu gọi Liên Hợp Quốc “đặt hòa bình lên hàng đầu”. Để thực hiện được mục tiêu này, tân Tổng thư đề ra hàng loạt biện pháp từ đoàn kết đến đối thoại và tôn trọng những khác biệt chính trị. Ông cho rằng hòa bình nên là người dẫn đường khi cần tìm kiếm biện pháp thỏa hiệp và đàm phán giải pháp cho các vấn đề quốc tế.
Ông Guterres đặt ra câu hỏi “làm thế nào để giúp đỡ hàng triệu người mắc kẹt trong các cuộc xung đột và phải hứng chịu hậu quả của những cuộc chiến không hồi kết”. Tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc nhấn mạnh rằng dân thường đang trở thành mục tiêu của những cuộc tấn công đẫm máu. Thậm chí bệnh viện và những phái đoàn viện trợ cũng bị tấn công.
Ông khẳng định không bên nào có thể chiến thắng trong các cuộc chiến tranh. Hàng nghìn tỷ USD đã được chi ra cho những cuộc chiến tàn phá nền kinh tế và xã hội, khơi dậy sự ngờ vực và nỗi sợ hãi có thể kéo dài nhiều thế hệ. Các khu vực đang phải hứng chịu nhiều bất ổn và chủ nghĩa khủng bố toàn cầu đang đe dọa tất cả các nước.
Chính vì thế, trong ngày đầu tiên của năm mới, tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres kêu gọi tất cả các nước cùng ông hiện thực hóa giải pháp chung, đó là “đặt hòa bình lên hàng đầu”.
Thực tế, ông Guterres không xa lạ với công việc đưa những lực lượng đối đầu xích lại gần nhau vì một mục tiêu tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, kỹ năng ngoại giao của ông Guterres sẽ vấp phải nhiều thử thách khi đối mặt với Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, người mới tuần trước trên trang Twitter của mình còn chỉ trích Liên Hợp Quốc là “một câu lạc bộ để mọi người tụ tập nói chuyện giết thời gian”.
Chỉ trích của ông Trump khiến nhiều người quan ngại bởi Mỹ chi trả 28,57% ngân sách cho lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc năm 2016 và cũng đóng góp phần lớn cho ngân sách chung của tổ chức này từ trước tới nay. Mỹ cũng là 1 trong 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc có quyền phủ quyết, nghĩa là có tiếng nói đáng kể trong các vấn đề quốc tế.
Vì thế, Liên Hợp Quốc cần phải hợp tác với chính quyền mới của ông Donald Trump càng nhiều càng tốt. Trả lời phỏng vấn một kênh truyền hình của Bồ Đào Nha mới đây, tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Guterres đã khẳng định mong muốn sớm được gặp ông Donald Trump vì “Mỹ không chỉ là nhà tài trợ chính của Liên Hợp Quốc mà còn là nhân tố chủ chốt trong mọi hành động của tổ chức này”. Ảnh: Tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres và những kỳ vọng
Nhà cải cách của Liên Hợp Quốc
Là Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, trách nhiệm của ông Guterres còn bao gồm việc quản lý, giám sát các phái bộ gìn giữ hòa bình, chỉ định các Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính và làm trung gian giải quyết các cuộc xung đột trên thế giới.
Ông Guterres bày tỏ hy vọng có thể cải cách Liên Hợp Quốc để tổ chức quốc tế này hoạt động tốt hơn với việc “tập trung vào kết quả thay vì tiến trình, vào con người thay vì tổ chức thể chế”, đồng thời đảm bảo hơn 85.000 nhân viên của Liên Hợp Quốc đang làm việc trên 180 quốc gia được sử dụng một cách hiệu quả.
Tân Tổng thư ký Liên Hợp Quốc bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm của mình với việc phải đối mặt với các cuộc xung đột từ Syria đến Yemen, Nam Sudan và Libya cùng với các vấn đề toàn cầu khác như chủ nghĩa khủng bố và biến đổi khí hậu. Ông tuyên bố sẽ thúc đẩy “văn hóa ngăn chặn” các cuộc xung đột trước khi chúng xảy ra.
Ông Guterres mong muốn sẽ đóng vai trò như là một cán cân giữa 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc và các nước trong Đại hội đồng. Ông cũng bày tỏ hy vọng có thể chỉ định thêm nhiều phụ nữ vào các vị trí chủ chốt của Liên Hợp Quốc./.