Thách thức và kỳ vọng đối với tân Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio

VOV.VN - Ưu tiên cấp bách nhất của tân Thủ tướng Kishida sẽ là giúp LDP và đối tác liên minh Komeito giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 11.

Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do (LDP) Fumio Kishida, 64 tuổi, đã chính thức được bầu làm Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản sau khi giành được đa số phiếu trong cuộc bỏ phiếu ở cả hai viện thuộc Quốc hội. Ông nhậm chức thủ tướng và công bố danh sách Nội các mới trong ngày hôm nay (4/10), theo Japan Times.

Hàng loạt thách thức đón chờ nhà lãnh đạo mới

Là một người theo chủ nghĩa ôn hòa và ưa thích sự ổn định, ông Fumio Kishida sẽ tiếp quản và dẫn dắt Nhật Bản, nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, vượt qua hàng loạt khó khăn hiện tại bao gồm sự bùng phát của Covid-19, nền kinh tế bị đình trệ, tình trạng già hoá dân số và căng thẳng với Trung Quốc.

Ông Fumio Kishida giữ chức Ngoại trưởng Nhật Bản từ năm 2012 đến 2017, dưới thời cựu Thủ tướng Shinzo Abe. Ông sẽ kế nhiệm Thủ tướng sắp mãn nhiệm Yoshihide Suga – người vừa tuyên bố sẽ không tham gia cuộc bầu cử lãnh đạo của LDP sau một nhiệm kỳ đầy biến động, được đánh dấu bằng sự sụt giảm tỷ lệ ủng hộ khi ông điều hành đất nước trong bối cảnh khủng hoảng dịch bệnh Covid-19.  

Theo giới phân tích, ông Kishida được xem là một người xây dựng sự đồng thuận, được kỳ vọng sẽ mang đến sự ổn định cho đất nước. Tuy vậy, đối với công chúng, ông Kishida lại không được biết đến rộng rãi bằng đối thủ của ông là Taro Kono, Bộ trưởng Bộ vaccine ngừa Covid-19 của Nhật Bản.

Nhà phân tích Keith Henry, chủ tịch của công ty tư vấn kinh doanh và rủi ro chính trị Asia Strategy nhận định: "Người Nhật Bản mong muốn sự ổn định và an ninh, tôi nghĩ đó là điều ông ấy có thể mang tới cho họ".

Trước đó, ông Kishida cam kết sẽ thu hút các nhà lập pháp trẻ tuổi hơn tham gia đảm nhiệm nhiều vị trí trong chính phủ khi tìm cách thay đổi quan niệm cho rằng đảng LDP luôn dành sự ưu ái cho những người lớn tuổi thay vì những gương mặt trẻ có thể mang đến tiếng nói tươi mới.

Trong số 20 vị trí trong nội các, dự kiến sẽ có 13 vị trí do những gương mặt mới đảm nhiệm. Điều này phù hợp với cam kết của ông Kishida là trao cơ hội cho những người mới, đồng thời thể hiện sự tương phản rõ nét so với nội các của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Yoshihide Suga – khi phần lớn các thành viên dưới quyền ông Suga đều là những gương mặt thân quen trong đảng Dân chủ Tự do.

Nội các của ông Kishida sẽ có các thành viên từ 44 đến 77 tuổi.  Ngoài ra, sẽ có 3 nữ bộ trưởng trong nội các Thủ tướng Kishida, nhiều hơn nội các người tiền nhiệm Suga Yoshihide 1 người.

Theo giới phân tích, trước khi bắt tay giải quyết những thách thức mà nước Nhật đang phải đối mặt, ưu tiên cấp bách nhất của ông Kishida sẽ là giúp LDP và đối tác liên minh Komeito giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào tháng 11/2021 sau khi các thành viên Hạ viện kết thúc nhiệm kỳ vào ngày 21/10.

LDP và Komeito đang hy vọng sẽ duy trì được thế đa số tại Hạ viện khi cuộc bầu cử được tổ chức vào những ngày đầu của chính quyền Kishida – thời điểm mà tỷ lệ ủng hộ nội các của ông vẫn ở mức cao. Tuy vậy, liên minh này vẫn lo ngại về sự hợp tác đã được lên kế hoạch một cách thành công giữa đảng Dân chủ Lập hiến Nhật Bản (CDPJ) đối lập và Đảng Cộng sản Nhật Bản.

Kỳ vọng đối với tân Thủ tướng Kishida Fumio

Ông Kishida đã cam kết về “một chủ nghĩa tư bản mới”, trong đó có việc thu hẹp khoảng cách thu nhập của người dân và thúc đẩy chi tiêu. Ông cho rằng, chính sách kinh tế của cựu Thủ tướng Shinzo Abe – được biết đến với tên gọi “Abenomics” đã không thể làm giảm khoảng cách giàu nghèo. Ông cũng đề xuất một gói phục hồi kinh tế khổng lồ trị giá “hàng chục nghìn tỷ yên” để đưa nền kinh tế Nhật Bản thoát khỏi tình trạng suy thoái do ảnh hưởng của đại dịch.

Ông Kishida cũng sẽ đảm đương trách nhiệm ứng phó dịch bệnh Covid-19. Nhật Bản đã tiêm chủng cho 60% dân số và tuần trước nước này đã dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trong bối cảnh số ca mắc giảm dần. Nhật Bản đang dần nới lỏng các hạn chế về xã hội và kinh doanh cũng như một số hạn chế nhập cảnh đối với du khách. Nhưng vẫn có những lo ngại về việc dịch bệnh có thể bùng phát trở lại vào mùa Đông năm nay.

Để chuẩn bị đối phó với nguy cơ xảy ra làn sóng Covid-19 tiếp theo, ông Kishida đã giới thiệu những gương mặt mới trong nội các của ông sẽ thay thế bộ trưởng y tế, bộ trưởng phản ứng dịch Covid-19 và bộ trưởng vaccine trong chính quyền của ông Suga, trong một nỗ lực tìm ra cách tiếp cận mới để kiểm soát dịch bệnh hiệu quả hơn.

Tân Thủ tướng Nhật Bản cam kết sẽ tăng cường hệ thống y tế bằng cách cho phép chính phủ trung ương thành lập các bệnh viện dã chiến và các cơ sở điều trị quy mô lớn. Ông đề xuất thành lập một cơ quan chính phủ trực thuộc Văn phòng Nội các, đóng vai trò như một trung tâm chỉ huy để đối phó với các cuộc khủng hoảng y tế. Cơ quan này sẽ được trao quyền hạn mạnh mẽ và hoạt động dưới sự chỉ đạo của một bộ trưởng riêng.

Về chính sách đối ngoại, tân Thủ tướng Nhật Bản cam kết "hiện thực hóa một Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở". Ông Kishida được kỳ vọng sẽ ủng hộ một liên minh mạnh mẽ với Mỹ và các đồng minh khác. Tuy vậy, ông sẽ phải đối phó với thách thức lớn đó là cân bằng quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản và Trung Quốc với những lo ngại về sự gia tăng các hành động quân sự của Bắc Kinh trong khu vực. Ngoài ra, một mối lo ngại khác là chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Tân Thủ tướng Fumio Kishida cho biết, ông muốn thực hiện các biện pháp làm gia tăng tỷ lệ sinh để giảm bớt tình trạng già hóa dân số và cho rằng, Nhật Bản nên tiếp tục phát triển năng lượng hạt nhân vốn được coi là một nguồn năng lượng sạch.

Nhiều nhà phân  tích đã đặt câu hỏi liệu ông Kishida có thể cầm quyền lâu dài tại Nhật Bản hay liệu nước này sẽ trở lại thời kỳ biến động chính trị tương tự như giai đoạn tiền kỷ nguyên Abe – khi Nhật Bản trải qua 6 đời thủ tướng trong 6 năm. Takeshi Niinami, cố vấn kinh tế của Thủ tướng sắp mãn nhiệm Suga cho rằng: “Có rất nhiều vấn đề phức tạp. Ông ấy không phải là nhà lãnh đạo mạnh nhất trong đảng cầm quyền LDP”./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tân Thủ tướng Nhật Bản và chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản
Tân Thủ tướng Nhật Bản và chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản

VOV.VN - Ông Kishida Fumio sinh ngày 29/7/1957 tại Tokyo. Gia đình ông có thể gọi là “trâm anh thế phiệt”, khi cha ông từng là Hạ nghị sĩ, Tổng cục trưởng Tổng cục doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Tân Thủ tướng Nhật Bản và chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản

Tân Thủ tướng Nhật Bản và chủ nghĩa tư bản mới mang hình thái Nhật Bản

VOV.VN - Ông Kishida Fumio sinh ngày 29/7/1957 tại Tokyo. Gia đình ông có thể gọi là “trâm anh thế phiệt”, khi cha ông từng là Hạ nghị sĩ, Tổng cục trưởng Tổng cục doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Nhật Bản chính thức có tân Thủ tướng
Nhật Bản chính thức có tân Thủ tướng

VOV.VN - Đầu giờ chiều 4/10 (theo giờ địa phương), ông Kishida Fumio-Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (LDP) đã chính thức được chỉ định làm Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản tại cuộc bỏ phiếu của Thượng viện và Hạ viện.

Nhật Bản chính thức có tân Thủ tướng

Nhật Bản chính thức có tân Thủ tướng

VOV.VN - Đầu giờ chiều 4/10 (theo giờ địa phương), ông Kishida Fumio-Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (LDP) đã chính thức được chỉ định làm Thủ tướng thứ 100 của Nhật Bản tại cuộc bỏ phiếu của Thượng viện và Hạ viện.

Hôm nay, Nhật Bản chính thức có tân Thủ tướng và Nội các mới
Hôm nay, Nhật Bản chính thức có tân Thủ tướng và Nội các mới

VOV.VN - Hôm nay (4/10), sau khi tân Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (LDP), Nhật Bản được bầu làm Thủ tướng tại cuộc họp Quốc hội, Nội các mới của Nhật Bản sẽ được công bố chính thức.

Hôm nay, Nhật Bản chính thức có tân Thủ tướng và Nội các mới

Hôm nay, Nhật Bản chính thức có tân Thủ tướng và Nội các mới

VOV.VN - Hôm nay (4/10), sau khi tân Chủ tịch Đảng Tự do Dân chủ (LDP), Nhật Bản được bầu làm Thủ tướng tại cuộc họp Quốc hội, Nội các mới của Nhật Bản sẽ được công bố chính thức.