Thái độ của Nga đối với nhóm phiến quân Hồi giáo Taliban và vấn đề Afghanistan
VOV.VN - Quan điểm của Nga là nhóm Hồi giáo Taliban không được phép phá hỏng kế hoạch của Nga giữ cho vùng Trung Á nằm trong tầm ảnh hưởng của mình.
Lực lượng Hồi giáo cứng rắn Taliban đang đóng vai trò ngày càng quan trọng không chỉ đối với Afghanistan mà còn với cả Trung Á. Taliban hiện đã kiểm soát được nhiều vùng biên giới của Afghanistan với Tajikistan và Uzbekistan. Phần còn lại của Afghanistan, bao gồm Kabul và các thành phố lớn, không còn nằm xa tầm với của Taliban.
Tình thế đó cộng với việc Mỹ và NATO rút quân khỏi đây đang khiến Nga phải tính đến điều không tưởng trước đây – bắt đầu đàm phán với một tổ chức mà trước đây điện Kremlin gọi là những kẻ khủng bố.
Tầm quan trọng của Trung Á đối với Nga
Về mặt truyền thống, Trung Á vốn nằm trong vùng ảnh hưởng của nước Nga và có ít nhất 2 lý do khiến Nga không muốn thay đổi hiện trạng này.
Thứ nhất, Nga muốn tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án năng lượng trong các lĩnh vực dầu khí và thủy điện (và đã thu lợi từ đó). Thứ hai, họ muốn củng cố Liên minh Kinh tế Á-Âu – một phiên bản phương Đông đối chọi với Liên minh châu Âu.
Quan điểm tại điện Kremlin là Taliban – đặc biệt là các phái cứng rắn hơn bên trong lực lượng này, không được phép phá hỏng các kế hoạch trên của Nga.
Cho đến nay, Nga vẫn duy trì đường lối cứng rắn trước vấn đề Afghanistan. Sau khi hơn 1.000 nhân viên an ninh Afghanistan tháo chạy sang Tajikistan để trốn đội quân của Taliban đang tiến tới, Tổng thống Tajikistan Emomali Rahmon đã ra lệnh cho 20.000 quân nhân dự bị tiến tới biên giới với Afghanistan, trong khi Moscow hứa hẹn sẽ giúp đỡ trực tiếp và gián tiếp thông qua Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO). Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẵn sàng sử dụng căn cứ quân sự của mình ở Tajikistan để bảo vệ các đồng minh Trung Á trước bất cứ mối đe dọa nào xuất phát từ lãnh thổ Afghanistan.
Được thành lập vào năm 1992, CSTO thường được ví như phiên bản Nga của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Nếu Kremlin không trợ giúp được cho Tajikistan (cũng là một thành viên của CSTO) trong tình huống Taliban xâm nhập vào nước này thì vị thế của Nga ở Trung Á sẽ bị suy giảm nghiêm trọng.
Hỗ trợ các đồng minh ứng phó với các thách thức từ Taliban
Moscow thực sự rất coi trọng mối đe dọa mang tên Taliban. Hồi năm 2017, Nga đã cung cấp súng tiểu liên, pháo, xe thiết giáp, trực thăng, phương tiện liên lạc, hệ thống phòng không, các thiết bị y tế và bản đồ định vị cho Tajikistan. Năm 2019, Nga cung cấp tiếp cho Tajikistan các hệ thống phòng không trị giá 9 triệu USD.
Căn cứ quân sự lớn nhất của Nga ở nước ngoài cũng nằm trên đất Tajikistan, với một lực lượng gồm khoảng 6.000-7.000 quân được trang bị 96 xe tăng, 8 máy bay trực thăng, và 5 máy bay cường kích. Tuy nhiên, số quân và vũ khí này có thể không đủ để đẩy lui quân đội Taliban đông hơn cả quân đội của Tajikistan, Uzbekistan và Kyrgyzstan cộng lại.
Taliban không nhất thiết sẽ xâm lược các nước láng giềng của Afghanistan. Nhưng một khi họ chiếm ưu thế áp đảo ở Afghanistan, điều này có thể khiến Nga, Trung Quốc, và Iran liên kết với nhau trong một “liên minh chống khủng bố mới” để bảo vệ các lợi ích sát sườn của họ ở Trung Á.
Ngoài ra còn có vấn đề là nhóm Khorasan – một chi nhánh của tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan IS hoạt động ở Trung Á.
Tất cả các nhân tố trên sẽ cung cấp cho Nga một cái cớ để đổ thêm quân vào các căn cứ quân sự mới ở các nước có đường biên với Afghanistan, từ đó làm tăng ảnh hưởng của Nga trong khu vực.
Vấn đề đối với Nga là Mỹ cũng quan tâm đến việc làm điều tương tự. Thực sự, một chút bất ổn nhất định trong khu vực này có thể có lợi cho Mỹ vì điều đó sẽ khiến các đối thủ là Nga và Trung Quốc phải bận rộn xử lý các vấn đề của riêng họ.
Bất ổn ở khu vực này sẽ phá hoại sáng kiến Vành đai và Con đường đầy tham vọng của Trung Quốc. Đồng thời, Moscow và Bắc Kinh cũng sẽ phải đối mặt với sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo, sự gia tăng buôn lậu ma túy, và một cuộc khủng hoảng người tị nạn.
Sự hiện diện của quân Thổ Nhĩ Kỳ ở Afghanistan cũng gây bất an cho Nga, đặc biệt là nếu Taliban cho phép quân Thổ ở lại và kiểm soát khu vực sân bay Kabul.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng háo hức thiết lập hợp tác quân sự và chính trị với Tajikistan, Kyrgyzstan và Turkmenistan – các nước cộng hòa cũ trong Liên Xô mà hiện nay vẫn nằm trong vùng ảnh hưởng của Nga. Thổ Nhĩ Kỳ có thể sử dụng Afghanistan làm bàn đạp cho các hoạt động ở Trung Á.
Nga nhớ bài học lịch sử thời Liên Xô
Tuy nhiên, mối đe dọa lớn nhất đối với vị thế của Nga trong khu vực là một nước Afghanistan bất ổn triền miên. Đây là lý do vì sao một số cuộc gặp giữa các thủ lĩnh Taliban và giới chức Nga đã diễn ra ở Moscow.
Quan điểm của phái đoàn Taliban (ít nhất là về mặt công khai) là họ muốn có quan hệ tốt đẹp với Nga, trong khi Nga muốn có sự đảm bảo chắc chắn rằng sẽ không có sự truyền bá chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan rộng ra Trung Á. Sự thích ứng thực dụng với Taliban là cách tốt nhất, có thể là duy nhất, để bảo đảm đạt được điều đó. Nga vẫn nhớ bài học Liên Xô sa lầy ở Afghanistan giai đoạn 1979-1985.
Nói rằng Kremlin và Taliban tin tưởng lẫn nhau thì lại đi quá xa nhưng chừng nào Taliban chỉ chuyên chú củng cố quyền lực bên trong Afghanistan thì Nga sẵn sàng đối xử với họ như một đối tác cần thiết./.