Thảm hoạ động đất, sóng thần Indonesia và bài học về cảnh báo
VOV.VN - 14 năm sau thảm họa kép ở Sumatra nhưng việc cảnh báo cũng như ứng phó với thảm hoạ thiên nhiên vẫn là một vấn đề lớn mà Indonesia luôn phải đối mặt.
Động đất và sóng thần tại thành phố Palu, miền Trung Indonesia đã trải qua hơn 1 tuần nhưng hậu quả nó để lại quá nặng nề. Đây là thảm hoạ thiên nhiên lớn nhất tại Indonesia kể từ năm 2004 khi động đất và sóng thần tràn vào đảo Sumatra. 14 năm trôi qua nhưng việc cảnh báo cũng như ứng phó với thảm hoạ vẫn là một vấn đề lớn mà Indonesia luôn phải đối mặt.
Khung cảnh đổ nát ở Palu vì động đất, sóng thần. |
“Nếu sự việc được cảnh báo sớm 10 phút thì hậu quả đã rất khác” - đó là nhận định của rất nhiều chuyên gia khi những người dân ở thành phố này hoàn toàn không được cảnh báo sớm về động đất và sóng thần.
Người dân thành phố này khẳng định, họ không hề biết một thông báo hay tín hiệu nào cả, sóng thần tới họ nhìn bằng mắt thường và hét lên cho nhau cùng chạy trốn. Thậm chí một buổi lễ vẫn diễn ra tại bờ biển khi sóng thần ập tới vào xẩm tối 28/9.
Nằm trên vành đai lửa Thái Bình Dương, Indonesia là quốc gia thường xuyên phải đối mặt với các trận động đất nhưng hệ thống cảnh báo sớm của quốc gia này lại hoạt động kém hiệu quả. Năm 2004, một trận động đất và sóng thần khác đổ vào Aceh, đảo Sumatra khiến 240.000 người thiệt mạng. 14 năm trôi qua, những kinh nghiệm để ứng phó với động đất và sóng thần của Indonesia vẫn chưa hề được tích luỹ.
Một vấn đề khác ở đây đó là người dân tại Palu ngay sau khi xảy ra động đất đã hoảng loạn và không còn một ai để ý tới việc một cơn sóng thần sẽ ập tới. Việc động đất xảy ra kéo theo mất điện khiến hệ thống cảnh báo sóng thần không thể hoạt động. Đây là lý giải của một số chuyên gia Indonesia. Tuy nhiên, lý giải này gặp phải nhiều phản biện bởi một hệ thống quan trọng như vậy lại chỉ phụ thuộc vào một nguồn điện.
“Lúc đó tôi đang chuẩn bị ăn bữa tối, động đất xảy ra tôi chỉ biết chạy ra ngoài sau đó sóng thần ập tới, tôi không biết gì cả, mọi thứ quá khủng khiếp”, ông Ranan, một người dân ở Palu nói.
Đây cũng là thất bại lớn của cơ quan khí tượng và khí hậu Indonesia, họ đã phải thừa nhận việc sử dụng dữ liệu không chính xác khiến cảnh báo về sóng thần bị bãi bỏ dù một bức tường nước cao tới hơn 6m đổ dồn về Palu và cuốn trôi tất cả mọi thứ.
14 năm trôi qua, quốc tế đã giúp đỡ Indonesia rất nhiều để xây dựng hệ thống cảnh báo sớm trị giá 3 triệu USD nhưng sự chủ quan từ cơ quan chức năng và cả người dân đã khiến hậu quả vô cùng thảm khốc. Hệ thống cảnh báo sớm này sẽ gửi thông tin tới cho người dân qua rất nhiều phương tiện như tin nhắn điện thoại, radio hay loa phóng thanh, nhưng chỉ một phần nhỏ là hoạt động.
“Hậu quả để lại lớn là do chúng ta chưa có sự chủ động ứng phó với các thiên tai không đúng chu kỳ” - Ông Tiar Prasetya, Giám đốc trung tâm cảnh báo sớm sóng thần Indonesia cho biết. “Chính vì thế để xảy ra tình trạng chủ quan và không có ứng phó kịp thời với trước, trong thảm hoạ. Vấn đề hiện tại là làm sao có thể khắc phục hậu quả một cách nhanh nhất và tốt nhất”.
Những sự chuẩn bị cho thảm hoạ của người dân cũng như chính quyền sở tại là quá sơ sài khiến công tác khắc phục hậu quả càng gặp nhiều khó khăn. Tại một số nước, người dân được trang bị các kiến thức về sơ tán, cứu nạn và thường xuyên được diễn tập nhưng ở Palu, mọi thứ chẳng có gì./. Hành trình tới vùng đất chết sau thảm họa động đất sóng thần Indonesia
Thảm họa động đất, sóng thần ở Indonesia: Đêm trong viện dã chiến Palu
Ảnh: Kinh hoàng hậu quả động đất, sóng thần Palu nhìn từ trên cao