Thắng lợi của bà Suu Kyi mở đường cho một nền dân chủ ở Myanmar
VOV.VN- Người dân Myanmar kỳ vọng, thắng lợi của bà Aung San Suu Kyi sẽ mở ra cơ hội thiết lập một nền dân chủ thực sự tại quốc gia Đông Nam Á này.
Đảng USDP cầm quyền thừa nhận thất bại
Đảng đoàn kết và Phát triển Myanmar (USDP) cầm quyền ngày 9/11 đã lên tiếng thừa nhận thất bại trong cuộc tổng tuyển cử trước Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi.
“Chúng tôi đã thất bại”, quyền Chủ tịch USDP Htay Oo tuyên bố.
Trước đó, Ủy ban Bầu cử Myanmar đã công bố kết quả ban đầu của cuộc Tổng tuyển cử ngày 8/11. Theo đó, trong tổng số 54 ghế đã được kiểm trong tổng số 330 ghế tại Hạ viện, NLD giành được tới 49 ghế.
Trong khi đó, NLD cho biết, theo kết quả sơ bộ mà họ tính toán tại các điểm bỏ phiếu trên toàn quốc, NLD đã giành được 70% số ghế trong Quốc hội, vượt quá mức 2/3 cần thiết để NLD có thể tự chỉ định một Tổng thống.
Bà Aung San Suu Kyi gặp gỡ các cử tri Myanmar sau cuộc Tổng tuyển cử. Ảnh Reuters |
“Họ (USDP) phải thừa nhận kết quả này dù hoàn toàn không muốn”, người phát ngôn NLD Win Htein nói và cho biết, tại những khu vực đông dân cư ở trung tâm các thành phố lớn, NLD thậm chí có thể giành tới 90% số ghế.
Trong khi đó, các cuộc kiểm phiếu ban đầu cho thấy, nhiều chính trị gia quyền lực của USDP đã mất ghế trong Quốc hội, trong đó đáng kể nhất là Chủ tịch USDP Htay Oo, người tuyên bố cực kỳ ngạc nhiên về thất bại của mình.
Dù các cuộc bỏ phiếu diễn ra khá suôn sẻ, NLD vẫn lên tiếng bày tỏ không hài lòng về việc một số cử tri được thực hiện quyền bầu cử sớm. Theo NLD, điều này có thể tăng cơ hội trúng cử cho các thành viên của USDP.
Trong tuyên bố chính thức của mình, NLD khẳng định, sẽ rất phi lý khi mà USDP có thể giành tới 90% số phiếu bầu của những người đi bầu cử sớm vì không có điều kiện đi bầu đúng ngày, nhất là tại thị trấn Lashio nơi có sự hiện diện của quân đội nước này.
NLD bày tỏ quan ngại rằng, các quan sát viên đã không được tham gia giám sát quá trình bỏ phiếu tại các đơn vị quân đội tại đây.
Điều này khiến nhiều người nhớ lại cuộc bầu cử năm 2010 ở nước này khi NLD tẩy chay kết quả của cuộc bầu cử mà USDP giành thắng lợi chủ yếu nhờ những phiếu được bỏ trước thời hạn.
Người dân Myanmar phấn khích
Vào cuối giờ chiều cùng ngày, nhiều cửa hàng bên ngoài trụ sở NLD tại Yagon đã bắt đầu rao bán áo phông màu đỏ có in mặt bà Suu Kyi cùng dòng chữ “Chúng tôi chiến thắng”.
Người ủng hộ bà Aung San Suu Kyi tụ tập bên ngoài trụ sở NLD ăn mừng thắng lợi. Ảnh AP |
Giao thông tại khu vực này cũng chậm dần lại khi đám đông tụ tập bên ngoài trụ sở NLD. Hàng trăm người mặc áo màu đỏ có logo hình con công của NLD đã vẫy cờ và hò reo ăn mừng khi kết quả ban đầu được công bố trên một màn hình lớn treo phía ngoài tòa nhà.
“Tôi rất hạnh phúc với kết quả này”, ông Hnin Si, 60 tuổi, một thương nhân tại Yangon chia sẻ: “Tôi tin rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ đem lại một tương lai tốt đẹp hơn cho đất nước”.
Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ quan ngại về việc bà Suu Kyi sẽ chia sẻ quyền lực như thế nào với lực lượng quân đội hiện vẫn đang nắm nhiều quyền hành tại nước này.
Hiến pháp do lực lượng quân đội soạn thảo đảm bảo cho họ có 1/4 số ghế trong Quốc hội mà không phải qua bầu cử. Ngoài ra, Tổng tư lệnh Quân đội Myanmar có quyền chỉ định Bộ trưởng của 3 Bộ quan trọng là Nội vụ, Quốc phòng và An ninh Biên giới.
Ngoài ra, Hiến pháp cũng cho phép các lực lượng vũ trang nước này lật đổ Chính phủ trong một số trường hợp nhất định.
Ngay cả khi NLD giành được đa số ghế trong Quốc hội để có quyền tự lựa chọn Tổng thống, bà Suu Kyi cũng sẽ không được lên nắm quyền theo quy định của Hiến pháp, (do có chồng và con mang quốc tịch nước ngoài- ND).
Mỹ hoan nghênh cuộc bầu cử tại Myanmar
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest cho biết, cuộc bầu cử là một dấu hiệu đáng khích lệ tại Myanmar. Tuy nhiên, ông cũng thận trọng cho rằng, vẫn còn nhiều lỗ hổng trong hệ thống chính trị tại nước này và khẳng định, vẫn còn quá sớm để bàn về những thay đổi trong chính sách của Mỹ đối với Myanmar.
Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest hoan nghênh một cách thận trọng cuộc bầu cử tại Myanmar. Ảnh AP |
Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á Daniel Russel tuyên bố: “Cuộc bầu cử này là một bước tiến lớn trong tiến trình dân chủ tại Myanmar”. Mặc dù vậy, ông Russel cảnh báo: “Phần khó khăn nhất mới chỉ bắt đầu”.
Theo ông Russel, để Mỹ và cộng đồng quốc tế hỗ trợ những gì mà Myanmar cần, Myanmar cần phải đảm bảo rằng, tiến trình cải cách dân chủ tại nước này “cần phải thực sự khiến các nước thấy đáng tin cậy”.
Đây là cuộc tổng tuyển cử dân chủ đầu tiên tại Myanmar kể từ khi quân đội chịu chuyển giao quyền lực cho Tổng thống Thein Sein vào năm 2011. Cuộc tổng tuyển cử này mở ra một giai đoạn cải cách và mở cửa của nước này nhằm thu hút đầu tư từ nước ngoài./.