Thay đổi chính sách đối ngoại, Bolivia căng thẳng với các nước khu vực
VOV.VN - Việc Tổng thống lâm thời Bolivia Anez thay đổi lập trường chính sách đối ngoại đã khiến nước này căng thẳng với nhiều quốc gia trong khu vực.
Căng thẳng tiếp tục leo thang tại Bolivia bất chấp việc cựu Tổng thống Evo Morales từ chức và xin tị nạn chính trị tại Mexico. Trong khi đó, chính phủ lâm thời của Tổng thống tạm quyền Jeanine Anez vừa nhậm chức đã có sự thay đổi lập trường chính sách đối ngoại lớn, gây căng thẳng ngoại giao với các nước Mỹ Latin khác trong khu vực.
Tổng thống tạm quyền Jeanine Anez. Ảnh: Reuters |
Những cuộc biểu tình ủng hộ cựu Tổng thống Morales vẫn tiếp tục diễn ra tại thủ đô La Paz và một số khu vực lân cận. Ít nhất 14 người thiệt mạng và hơn 30 người khác bị thương cùng hàng trăm người bị bắt giữ trong các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và lực lượng biểu tình tại khu vực Cochabamba.
Liên Hợp Quốc cảnh báo tình hình tại Bolivia có thể vượt ngoài tầm kiểm soát, ảnh hưởng đến tiến trình dân chủ tại nước này. Trong tuyên bố đưa ra, Cao ủy Liên Hợp Quốc về nhân quyền Michelle Bachelet cho rằng, chính quyền Bolivia cần phải sớm ổn định tình hình đất nước, tôn trọng đầy đủ vấn đề nhân quyền.
Cựu Tổng thống Morales đang tị nạn tại Mexico cũng lên án những diễn biến tại Bolivia, cho rằng những người dân vô tội đang bị tấn công vì thể hiện mong muốn dân chủ của mình. Đảng Phong trào tiến lên chủ nghĩa xã hội (MAS) của cựu Tổng thống Morales hôm qua (16/11) cũng triệu tập một phiên họp quốc hội khẩn cấp để thảo luận về việc tổ chức cuộc tổng tuyển cử mới, đồng thời lên án hành động ngăn chặn người biểu tình của các lực lượng an ninh là “vô nhân đạo”.
Sự thay đổi quyền lực tại Bolivia chỉ trong một thời gian ngắn cũng kéo sự thay đổi lớn trong mối quan hệ giữa quốc gia Mỹ Latin này với các nước trong khu vực. Tổng thống tạm quyền Anez ngay sau khi lên nắm quyền đã có những bước thay đổi chính sách ngoại giao lớn. Theo đó, Bolivia đình chỉ tư cách đối với hầu hết các Đại sứ đã được bổ nhiệm dưới thời cựu Tổng thống Evo Morales.
Ngoại trưởng trong chính phủ lâm thời Bolivia, bà Karen Longaric cũng thông báo: “Chính phủ Bolivia đã rút khỏi Liên minh Bolivar cho châu Mỹ (ALBA). Chúng tôi cũng đang cân nhắc việc rút Bolivia ra khỏi Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR)”.
Chính phủ lâm thời Bolivia cũng yêu cầu các quan chức Venezuela phải rời khỏi đất nước, đồng thời cáo buộc Cuba kích động tình trạng bất ổn trong nước. Venezuela và Cuba vốn là hai nước đồng minh của cựu Tổng thống Morales. Trước những chỉ trích của Bolivia, Cuba tuyên bố rút cán bộ y tế về nước, đồng thời phủ nhận việc các chuyên gia y tế nước này ủng hộ bất cứ cuộc biểu tình nào tại Bolivia.
Người đứng đầu cơ quan phụ trách vấn đề Mỹ Latin và Caribe của Bộ ngoại giao Cuba Eugenio Martinez khẳng định: “Cuba kêu gọi các nhà chức trách Bolivia bảo vệ các bác sĩ Cuba, các chuyên gia y tế đang làm việc tại quốc gia này. Một số người Cuba làm việc tại Bolivia đã bị ảnh hưởng và bị tấn công. Chúng tôi kêu gọi các cơ quan chức năng của Bolivia, có trách nhiệm ngăn chặn điều này và bảo vệ những người Cuba đang sinh sống và làm việc Bolivia”.
Bạo lực tại Bolivia cũng đang làm gia tăng bất ổn trong khu vực, ảnh hưởng đến tình hình Chile, Ecuador, Venezuela hay Argentina. Liên Hợp Quốc tuyên bố sẵn sàng hỗ trợ tìm kiếm một nghị quyết hòa bình cho cuộc khủng hoảng hiện nay tại Bolivia, thông qua các cuộc bầu cử minh bạch, đáng tin cậy, đồng thời kêu gọi tất cả các bên kiềm chế bạo lực.
Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cũng đã cử đặc phái viên Jean Arnault đến Bolivia để hỗ trợ nỗ lực tìm kiếm giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia này./.