Thấy gì từ cuộc cải tổ nội các ở Ukraine?
VOV.VN - Tổng thống Zelensky cho biết, đợt cải tổ nội các lớn nhất từ trước đến nay sẽ mang lại “nguồn năng lượng mới” cho chính quyền của ông. Trong khi đó, giới phân tích cho rằng, Ukraine đang chuẩn bị cho một giai đoạn mới của cuộc xung đột với Nga.
Ngày 4/9, ông David Arakhamia, lãnh đạo đảng Đầy tớ của Nhân dân của Tổng thống Volodymyr Zelensky tại quốc hội, đã công bố danh sách các ứng cử viên sẽ đứng đầu các bộ của chính phủ Ukraine cũng như các vị trí tại văn phòng tổng thống Ukraine.
Các nghị sĩ Ukraine đã không thu thập đủ số phiếu để thông qua đơn từ chức của người đứng đầu Quỹ Tài sản Nhà nước Vitalii Koval và Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tái hòa nhập Iryna Vereshchuk.
Trong khi đó, đơn từ chức của Ngoại trưởng Dmytro Kuleba vẫn chưa được xem xét.
Nêu lý do cải tổ nội các sau khi quốc hội chấp thuận đơn từ chức của các bộ trưởng và phó thủ tướng, Tổng thống Zelensky cho biết, những thay này sẽ mang lại “nguồn năng lượng mới” cho chính quyền của ông.
“Những bước đi này liên quan đến việc củng cố nhà nước của chúng ta trong nhiều lĩnh vực”, ông Zelensky nhận mạnh tại cuộc họp ở Kiev với Thủ tướng Ireland Simon Harris.
Việc cải tổ chính phủ Ukraine diễn ra vào thời điểm quan trọng trong cuộc xung đột hiện nay, với việc Nga đang tăng cường không kích và liên tiếp tiến công ở Donbass, vài tuần trước khi ông Zelensky dự kiến đến Mỹ - nơi kết quả của cuộc bầu cử vào tháng 11 có thể ảnh hưởng đến sự ủng hộ của Washington đối với Kiev.
Chuẩn bị cho giai đoạn mới của xung đột?
Các nhà phân tích cho rằng việc cải tổ chính phủ của Tổng thống Zelensky dường như không báo hiệu những thay đổi cơ bản trong chính sách đối nội hoặc đối ngoại.
“Đây là phong cách làm việc của Zelensky. Khi ông ấy thấy công việc trì trệ, ông ấy sẽ đổi người. Ông ấy nghĩ rằng những người mới sẽ có động lực hơn và sẽ mang đến những ý tưởng mới”, nhà phân tích chính trị người Ukraine Volodymyr Fesenko cho biết.
Theo ông Mykhailo Minakov, cố vấn cấp cao về Ukraine tại Viện Kennan thuộc Trung tâm Wilson, mặc dù một cuộc cải tổ đã được nhắc đến từ lâu, nhưng việc thực hiện nó vào lúc này cho thấy, ông Zelensky thừa nhận Ukraine phải chuẩn bị cho một giai đoạn mới của cuộc xung đột cũng như giai đoạn ngoại giao mới.
Cả ông Minako và các nhà phân tích khác đều lưu ý rằng đã có sự ổn định “bất thường” trong nhóm thời chiến của Tổng thống Zelensky suốt một thời gian dài. Việc cải tổ này đã được chuẩn bị trong nhiều tháng, lần đầu tiên nó được thảo luận là vào đầu năm nay và một lần nữa vào mùa xuân.
Kể từ khi xung đột với Nga bùng phát vào tháng 2/2022 tới nay, Tổng thống Zelensky chỉ sa thải một số ít bộ trưởng. Điều đó đã tạo ra sự ổn định nhưng cũng dẫn đến cáo buộc về một ban lãnh đạo chống lại sự thay đổi. Bản thân ông Zelensky cũng bị chỉ trích vì lạm dụng quyền lực thời chiến để củng cố vị thế chính trị của mình.
Ảnh hưởng của văn phòng tổng thống
Cuộc cải tổ có thể chứng kiến “sự gia tăng ảnh hưởng của ông Yermak”, nhà phân tích chính trị người Ukraine Yevhan Mahda cho biết.
Một số nhà phân tích khác cũng cảnh báo, những thay đổi trong nội các có thể tập trung quyền lực hơn nữa vào tay tổng thống nếu ông bổ nhiệm những người trung thành và không muốn đối đầu với ông hoặc người đứng đầu Văn phòng tổng thống Andriy Yermak.
Ông Minakov cho biết, ông đã trao đổi với một số nghị sĩ Ukraine hôm 4/9, sau khi Chủ tịch Quốc hội thông báo một số quan chức cấp cao đã nộp đơn từ chức. Các nghị sĩ này nói rằng họ không biết về cuộc cải tổ cho đến khi họ đọc được tin tức từ các phương tiện truyền thông. Điều đó cho thấy vai trò suy yếu của quốc hội kể từ khi xung đột nổ ra.
“Theo luật, nội các và quốc hội quan trọng như tổng thống nhưng trên thực tế, chúng ta thấy mọi quyết định đều do văn phòng tổng thống đưa ra”, ông Minako nói.
Động thái rõ ràng nhất là thay thế Ngoại trưởng Dmytro Kuleba. Đây cũng là động thái nhạy cảm nhất vì vai trò của ông Kuleba trong việc vận động sự ủng hộ ngoại giao và cũng như nỗ lực nhằm bảo đảm Ukraine nhận được các vũ khí quan trọng từ phương Tây.
“Không quan trọng ai từ chức và ai sẽ thay thế họ. Mọi thứ sẽ vẫn như vậy. Sẽ có nhiều người trong chính phủ trung thành với ông Yermak hơn”, ông Yaroslav Zhelezniak, nghị sĩ của đảng Holos, nói với Kyiv Independent.
Tuy nhiên, nghị sĩ Oleksandr Merezhko, thành viên đảng Đầy tớ của Nhân dân của ông Zelensky, đã phủ nhận việc cải tổ là để Văn phòng Tổng thống thắt chặt quyền kiểm soát đối với chính phủ.
“Lòng trung thành chỉ là một trong những tiêu chí, và quyết định cuối cùng về sự thay đổi các vị trí trong nội các thuộc về quốc hội”, ông Merezhko nhấn mạnh, đề cập thực tế là quốc hội cần phải bỏ phiếu để chấp nhận đơn từ chức và bổ nhiệm người thay thế các bộ trưởng.
Ukraine tìm cách tiếp cận mới
Cuộc cải tổ nội các của Ukraine thu hút sự quan tâm đặc biệt vì nó diễn ra trong bối cảnh Nga gia tăng các cuộc tấn công bằng tên lửa vào các thành phố trên khắp Ukraine trong những tuần gần đây, cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng và tình hình ở tiền tuyến phía Đông ngày càng xấu đi.
Theo ông Minakov, những thay đổi chính sách đã được tranh luận trong Văn phòng tổng thống trong nhiều tháng, bao gồm việc xem xét lại chiến lược chính sách kinh tế của quốc gia. Việc sa thải gần đây đối với Phó chánh văn phòng tổng thống Ukraine, Rostyslav Shurma, người phụ trách chính sách kinh tế và năng lượng, cho thấy có thể có những cách tiếp cận mới đối với các vấn đề liên quan đến sự ổn định của nền kinh tế.
Một số nhà phân tích cho rằng, các bộ trưởng mới có thể giúp chính phủ Ukraine giải quyết một số vấn đề khó khăn nhất, bao gồm cả tham nhũng.
Tổng thống Zelensky dự kiến sẽ công bố bộ trưởng tư pháp mới ở thời điểm ông đang tìm cách cải tổ cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm điều tra các vấn đề tham nhũng, Cục Chống tham nhũng Quốc gia Ukraine (NABU).
Trong khi đó, Oleksii Honcharenko, nghị sĩ đảng đối lập Đoàn kết châu Âu, cho rằng việc cải tổ không thể mang lại những thay đổi tích cực vì chính phủ thiếu chiến lược chung.