Thế giới 24h: Nga điều tên lửa bảo vệ máy bay không kích IS ở Syria
VOV.VN - Tư lệnh Không quân Nga ngày 5/11 cho biết, nước này đã gửi hệ thống tên lửa tới Syria để bảo vệ các lực lượng quân sự của mình.
1. Thượng tướng Viktor Bondarev cho biết máy bay chiến đấu có thể bị cướp ở các nước láng giềng của Syria và được sử dụng để tấn công các lực lượng của Nga.
Một hệ thống tên lửa của Nga. Ảnh Sputnik |
"Chúng tôi đã tính toán mọi khả năng đe dọa có thể. Chúng tôi đã gửi cả máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và trực thăng, và thậm chí cả các hệ thống tên lửa", Thượng tướng Bondarev nói với tờ báo Komsomolskaya Pravda: "Chúng tôi phải luôn sẵn sàng".
Một ngày trước đó, Người phát ngôn của phe đối lập thuộc lực lượng Quân đội Tự do Syria (FSA) Yasser Shehadeh cho biết, phe đối lập đã bắn hạ máy bay của quân Chính phủ Syria ở tỉnh miền Tây Hama khiến phi công phải nhảy dù tuy nhiên, viên phi công vẫn thiệt mạng do chiếc dù bị hỏng.
"Chúng tôi nhắm vào một chiếc MiG do Nga chế tạo khi chiếc máy bay này đang không kích vào phe đối lập tại Kafr Nabuda thuộc tỉnh Hama. Chúng tôi đã bắn chiếc máy bay này bằng súng máy”, ông Shehadeh nói.
“Một trong những loạt đạn này bắn trúng chiếc máy bay và chúng tôi thấy khói bốc ra khỏi chiếc máy bay này khiến nó nhào xuống đất gần nơi quân Chính phủ kiểm soát. Chúng tôi không rõ viên phi công có sống sót hay không, nhưng có lẽ anh ta đã chết”.
2. Tạp chí Forbes của Mỹ ngày 4/11 đã lần thứ 3 liên tiếp bình chọn Tổng thống Nga Vladimir Putin là nhân vật quyền lực nhất năm. Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Barack Obama chiếm giữ 2 vị trí tiếp sau ông Putin.
Forbes cho biết, họ lựa chọn ông Putin là nhân vật của năm bởi ông “vẫn tiếp tục chứng tỏ ông là một trong số rất ít những người đàn ông trên toàn cầu đủ quyền lực để làm những điều mà ông muốn mà không gặp trở ngại gì”.
Tổng thống Nga Putin. Ảnh AFP |
Ngoài ra, ông Putin cũng nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong nước khi tỷ lệ người Nga ủng hộ ông lên tới mức kỷ lục là 89% trong tháng 6 bất chấp những khó khăn do lệnh trừng phạt của phương Tây với cáo buộc Nga chiếm Crimea và việc đồng ruble suy yếu trầm trọng.
Thủ tướng Đức Merkel chiếm vị trí thứ 2 trong danh sách của Forbes bởi bà đã chứng tỏ “vai trò quan trọng đối với 28 nước thành viên Liên minh châu Âu” cũng như “tính quyết đoán của bà trong việc xử lý vấn đề người tỵ nạn Syria nhập cư vào châu Âu cũng như cuộc khủng hoảng nợ công Hy Lạp”.
Đáng chú ý, đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một Tổng thống Mỹ không đứng ở 2 vị trí đầu do Forbes bình chọn.
“Mỹ vẫn luôn là cường quốc hàng đầu về kinh tế, văn hóa, ngoại giao, công nghệ và sức mạnh quân sự”, theo tạp chí Forbes: “Tuy nhiên, trong bối cảnh ông Obama đang bước vào năm cuối trong nhiệm kỳ thứ 2 của mình, rõ ràng là ảnh hưởng của ông đang bị sụt giảm và ông phải rất nỗ lực mới có thể thực hiện được những mong muốn của mình”.
3. Các quan chức Anh và Mỹ ngày 4/11 cho biết, họ có thông tin cho thấy chiếc máy bay chở khách của Nga bị rơi trên sa mạc Ai Cập có khả năng là do một quả bom gây ra.
Các nhân viên điều tra đang xem xét một mảnh vỡ của chiếc máy bay Nga rơi tại Ai Cập. Ảnh EPA |
Một quan chức Mỹ thông báo vắn tắt về vấn đề này: Các thông tin liên lạc bị nghe lén đóng vai trò trong việc đưa ra kết luận rằng chi nhánh Sinai của nhóm khủng bố IS đã gài một thiết bị nổ trên chiếc máy bay.
Ngoại trưởng Anh Philip Hammond cho biết, có “khả năng lớn” là vụ rơi này do một quả bom gây ra. Anh đã ngừng vô thời hạn các chuyến bay tới thành phố nghỉ dưỡng Sharm el-Sheikh cũng như xuất phát từ đây.
Sau cuộc họp của ủy ban khủng hoảng thuộc Chính phủ Anh, ông Hammond tuyên bố Anh đang khuyến cáo công dân mình không nên đi nghỉ ở Sharm el-Sheikh, nơi hàng trăm ngàn người người Anh đến viếng thăm hàng năm.
Ai Cập: IS vẫn tuyên bố đã làm rơi máy bay Nga tại Sinai
4. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 4/11 khẳng định: “Trong khi mục tiêu của các cuộc tập trận do NATO tiến hành là nhằm huấn luyện cho các binh sĩ, chúng tôi cũng muốn gửi đi một thông điệp rõ ràng đến các nước thành viên và các đối thủ tiềm tàng rằng NATO không muốn phải đối đầu với ai nhưng sẽ luôn sắn sàng bảo vệ các đồng minh của mình”.
Trực thăng của NATO tham gia tập trận tại Tây Ban Nha. Ảnh EPA |
Tuyên bố của ông Jens Stoltenberg được đưa ra trong bối cảnh các binh sĩ, xe thiết giáp và máy bay của NATO đang tham gia cuộc tập trận tại thao trường San Gregorio ở thành phố Zaragoza, miền Đông Bắc Tây Ban Nha.
Cuộc tập trận lần này có sự tham gia của 36.000 binh sĩ đến từ Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha để thể hiện khả năng sẵn sàng chiến đấu nhằm đối phó với những mối đe dọa mới.
Từ tháng 9/2014, lãnh đạo 28 nước thành viên NATO đã quyết định tăng quân số của lực lượng phản ứng nhanh của NATO lên gấp đôi và đạt mức 40.000 trong bối cảnh tình hình Ukraine đang nóng hơn bao giờ hết.
Ngoài ra, NATO cũng đã thống nhất thành lập Lực lượng chung có khả năng sẵn sàng chiến đấu cực cao (VJTF), một đơn vị “mũi nhọn” có khả năng xuất hiện tại bất kỳ “điểm nóng” nào chỉ sau 48 giờ được điều động thay vì hàng tuần hoặc hàng tháng trời như với các đơn vị quân đội thông thường.
5. Một bé gái 14 tháng tuổi đã được cứu sống từ đống đổ nát của một chiếc máy bay bị rơi ở Nam Sudan vào ngày 4/11.
Bé gái sống sót có tên là Nyloak Tong, hiện đang được điều trị tại bệnh viện Juba ở Nam Sudan.
Bé Nyloak đã may mắn sống sót sau vụ rơi chiếc máy bay do Nga sản xuất ở Nam Sudan. Ảnh AP |
Bé Nyloak đã ở trên chiếc máy bay xấu số cùng với mẹ và 4 người anh em của mình. Nhưng không may là tất cả những người thân trên cùng bay với bé đều thiệt mạng.
Chiếc máy bay Antonov-12 của Nga bị rơi gần sân bay Juba, thủ đô Nam Sudan ngày 4/11. Tuy nhiên, hiện nay số người thiệt mạng vẫn chưa được xác minh rõ ràng, nhưng có thể nằm trong con số khoảng từ 36- 41.
Bộ trưởng Giao thông Nam Sudan Kuong Danhier Gatluak cho báo chí biết chỉ có 2 người, một em bé và một người lớn, được tìm thấy vẫn sống sót, nhưng sau đó người lớn đã không qua khỏi.