Thế giới 7 ngày: Bao giờ Chính phủ Mỹ qua cơn "bĩ cực"?

VOV.VN - Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi các nghị sĩ đảng Cộng hòa chấm dứt “trò hề” và nhanh chóng thông qua ngân sách.

Hàng trăm ngàn nhân viên phải nghỉ việc do chính phủ Mỹ ngừng hoạt động (Ảnh: AFP)

Ngày 1/10, chính phủ Mỹ chính thức ngừng hoạt động vì Quốc hội không thể thông qua được ngân sách mới do những bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa. Việc chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động đã khiến 800.000 nhân viên liên bang phải "ngồi chơi xơi nước" và không được trả lương. Việc chính phủ Mỹ đóng cửa cũng khiến kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 1 tỷ USD mỗi tuần.

Phát biểu tại Nhà Trắng, Tổng thống Obama đã gọi việc chính phủ bị đóng cửa là “cực kỳ thiếu trách nhiệm”. Ông cũng nói rằng nó sẽ “làm thất bại hoàn toàn” nỗ lực phục hồi kinh tế Mỹ. “Thật không may là Quốc hội đã không làm tròn trách nhiệm của mình”, ông Obama nói.

Tổng thống Obama (trái ) và Chủ tịch Hạ viện Boehner (Ảnh: Newsone)

Tính đến hôm nay (6/10), tức là hơn 5 ngày kể từ khi Chính phủ Mỹ buộc phải đóng cửa do không có ngân sách hoạt động, cuộc tranh cãi giữa các nghị sĩ đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về chính sách chăm sóc y tế (Obamacare) vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi các nghị sĩ đảng Cộng hòa chấm dứt cái mà ông gọi là “trò hề” đang diễn ra hiện nay và nhanh chóng thông qua dự luật ngân sách.

Trong một động thái cho thấy sự thỏa hiệp hiếm hoi giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ, Hạ viện Mỹ do đảng Cộng hòa chiếm đa số ngày 5/10 đã nhất trí thông qua dự luật trả lương cho 800.000 viên chức liên bang phải nghỉ việc do chính phủ liên bang phải đóng cửa.

Trong khi giới chức Mỹ vẫn còn đang bận tâm tới việc chính phủ đóng cửa, các nhà kinh tế đã lo ngại nhiều hơn đến một cuộc khủng hoảng khác. Bộ Tài chính Mỹ cho biết, chính phủ sẽ hết tiền để hoạt động vào ngày 17/10 nếu Tổng thống Mỹ Barack Obama và Quốc hội không nhất trí được việc nâng mức trần nợ công. Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là một thảm họa không chỉ riêng với nước Mỹ.

Giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia (DNI) James Clapper phát biểu tại Thượng viện (Ảnh: AP)

Việc chính phủ Mỹ phải ngừng hoạt động cũng được cho là sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến an ninh quốc gia của Mỹ. Phát biểu tại phiên điều trần ngày 2/10 của Ủy ban Tư pháp Thượng viện, Giám đốc cơ quan Tình báo quốc gia Mỹ James Clapper cho rằng, việc các nhân viên phải nghỉ việc không lương sẽ tạo ra “miền đất hứa” để các cơ quan gián điệp nước ngoài có cơ hội tuyển dụng những nhân viên này.

Ông Clapper cũng cho biết, khoảng 70% nhân viên tình báo đã bị buộc phải nghỉ không lương, trong đó có 4.000 chuyên gia máy tính. "Đây là “thời điểm trong mơ” cho các cơ quan tình báo nước ngoài có thể tuyển dụng điệp viên, đặc biệt là khi nhân viên của chúng tôi phải nghỉ việc và đối mặt với những khó khăn về tài chính".

Trước đó, hôm 1/10, phát biểu trong chuyến công du châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cho biết, việc chính phủ Mỹ phải đóng cửa sẽ khiến khoảng một nửa số nhân viên dân sự của Lầu Năm Góc phải nghỉ việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiệm vụ của Mỹ trên toàn thế giới và ảnh hưởng đến niềm tin của các quốc gia đồng minh.

Việc chính phủ Mỹ ngừng hoạt động cũng khiến Tổng thống Obama phải hủy toàn bộ chuyến công du châu Á cũng như không tham dự Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Bali, Indonesia và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) tại Brunei.


Miriam Carey (ảnh nhỏ), 34 tuổi, bị mắc chứng trầm cảm sau sinh (Ảnh: AFP)

14h20’ ngày 3/10 (giờ địa phương), một phụ nữ lái xe tiến vào khu vực cấm trước cửa Nhà Trắng và bị các nhân viên an ninh chặn lại. Trong lúc cự cãi với cảnh sát thì người phụ nữ này bất ngờ quay xe, đâm thẳng vào rào chắn và bỏ chạy. Cảnh sát lập tức rượt đuổi và bắn chết người phụ nữ này ngay trước cửa tòa nhà Quốc hội.

Theo điều tra ban đầu của cảnh sát, người phụ nữ này tên là Miriam Carey, 34 tuổi. Bà Idella Carey, mẹ của Miriam Carey nói: “Nó bị mắc chứng trầm cảm sau sinh sau khi có em bé hồi tháng 8 năm ngoái. Nó bị ốm sau đó một vài tháng. Nó đã rất chán nản và phải nhập viện”.

Lực lượng an ninh bao gồm cả FBI và các đơn vị xử lý bom mìn đã tiến hành kiểm tra căn hộ của Carey ở Stamford, khoảng 50 người trong tòa nhà đã được lệnh di tản ngay trong đêm 3/10. Tuy nhiên, nhà chức trách đã không tiết lộ thông tin liên quan đến việc khám xét.

Công tác chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao APEC đã được nước chủ nhà hoàn tất

Hội nghị các nhà Lãnh đạo các nền Kinh tế APEC lần thứ 21 sẽ diễn ra tại Bali, Indonessia trong 2 ngày 7-8/10/2013. Đối với nhiều nhà lãnh đạo thế giới, APEC đã phát triển vượt xa mong đợi, trở thành một diễn đàn chủ chốt của khu vực.

Hội nghị APEC diễn ra trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới tiếp tục chuyển biến nhanh, kinh tế thế giới phục hồi chưa bền vững, Vòng đàm phán Doha chưa có tiến triển….song với vai trò là Diễn đàn liên kết kinh tế quan trọng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi được coi là động lực tăng trưởng và liên kết, nổi bật là hình thành các khuôn khổ mới như đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định kinh tế toàn diện ASEAN với 6 đối tác khu vực (RCEP), liên kết kinh tế Đông Bắc Á..., APEC đã và đang góp phần tích cực vào quá trình xây dựng một cấu trúc hợp tác khu vực theo hướng đa tầng nấc, duy trì vai trò đầu tàu của châu Á – Thái Bình Dương trong tiến trình tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu.

Đối với Việt Nam, năm 2013 đánh dấu tròn 15 năm kể từ khi trở thành thành viên chính thức của APEC năm 1998. Trong suốt chặng đường 15 năm qua, Việt Nam luôn là thành viên tích cực, năng động và có trách nhiệm của Diễn đàn, chủ động thúc đẩy hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, thương mại và hợp tác khác.

Bài báo viết về Tướng Giáp trên tờ Le Monde ngày 4/10 (Ảnh chụp từ trang web)

Chiều 4/10, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, danh tướng của thế kỷ 20 đã trút hơi thở cuối cùng, hưởng thọ 103 tuổi.

Không chỉ những người Việt Nam bày tỏ lòng tiếc thương vì sự ra đi của ông, các phương tiện truyền thông nước ngoài cũng dành những từ ngữ trang trọng, bày tỏ sự ngưỡng mộ trước vị tướng tài của dân tộc Việt Nam. 

“Vị tướng huyền thoại của quân đội nhân dân Việt Nam qua đời” là tiêu đề được nhiều báo chí phương Tây đồng loạt đăng tải. 

Tờ “Thế giới”- một trong những tờ báo hàng đầu tại Pháp đã có bài viết lớn về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Bài báo khẳng định “Đại tướng sẽ sống mãi trong lịch sử như là một trong những vị tướng vĩ đại nhất của thế kỷ 20”.

Hãng tin AFP đã ca ngợi Đại tướng là nhà chỉ huy quân sự lỗi lạc đã dẫn dắt một quân đội Việt Nam còn non trẻ chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ hùng mạnh.

Báo Skynews của Australia còn trích đăng đoạn phỏng vấn nổi tiếng của Đại tướng với kênh PBS trong đó ông nói :”Khi tôi còn trẻ, tôi luôn mong một ngày mình được nhìn thấy đất nước mình được tự do và độc lập. Đấy chính là ngày mà ước mơ của tôi đã trở thành hiện thực”.

Tờ New York Times ngợi ca Đại tướng là người cuốn hút, đầy nhiệt huyết, có kiến thức về lịch sử quân sự uyên thâm và và một người theo chủ nghĩa dân tộc mãnh liệt biết sử dụng ảnh hưởng sâu rộng của mình để khuyến khích quân đội cống hiến hết mình cho Tổ quốc.

Cảnh sát Italy bên những thi thể nạn nhân trên con tàu đắm (Ảnh: EPA).

Ngày 3/10, thảm họa chìm tàu đã xảy ra khi con tàu chở người di cư châu Phi bốc cháy và chìm ngoài khơi đảo Lampedusa, miền Nam Italy. Những người trên tàu đã nhảy xuống nước khi nó bị bốc cháy. Hơn 150 người đã được cứu sống. Liên Hợp Quốc cho biết, những người trên tàu chủ yếu đến từ Eritrea và Somalia.

Vào thời điểm con tàu gặp nạn, được biết có khoảng 500 người trên tàu. cho đến nay, đã có 130 người đã tử nạn khi tàu chìm, hơn 150 người được cứu sống và còn khoảng 200 người vẫn mất tích.

Thảm kịch đắm tàu vừa qua một lần nữa khiến Italy phải gây sức ép yêu cầu Liên minh châu Âu giúp đỡ chống lại cuộc khủng hoảng di dân kéo dài hàng chục năm qua tại  Địa Trung Hải. 

Thủ tướng Italy Enrico Letta kêu gọi triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng châu Âu để nhất trí thành lập các “hành lang nhân đạo đặc biệt” bảo vệ các tàu di dân.

Liệu có phép màu nào có thể cứu được ông Berlusconi? (Ảnh AFP)

Cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy có dấu hiệu được "tháo ngòi nổ" với việc Chính phủ của Thủ tướng Enrico Letta đã vượt qua cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại Thượng viện sau sự thay đổi lập trường đột ngột của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Italy tạm thời tránh được một cuộc khủng hoảng chính phủ nghiêm trọng và  nguy cơ phải tổ chức tổng tuyển cử sớm.

Mặc dù thay đổi lập trường, tuy nhiên sự nghiệp chính trị của ông Berlusconi có nguy cơ chấm dứtMột ủy ban Thượng viện Italy ngày 4/10 đã quyết định trục xuất cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, lãnh đạo đảng Nhân dân Tự do trung hữu (PLP) khỏi Quốc hội sau khi ông này bị kết tội gian lận thuế./.
Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Báo chí phương Tây "nghiêng mình" trước Tướng Giáp
Báo chí phương Tây "nghiêng mình" trước Tướng Giáp

VOV.VN - “Vị tướng huyền thoại của quân đội nhân dân Việt Nam qua đời”, đây là tiêu đề được nhiều báo chí phương Tây đồng loạt đăng tải.

Báo chí phương Tây "nghiêng mình" trước Tướng Giáp

Báo chí phương Tây "nghiêng mình" trước Tướng Giáp

VOV.VN - “Vị tướng huyền thoại của quân đội nhân dân Việt Nam qua đời”, đây là tiêu đề được nhiều báo chí phương Tây đồng loạt đăng tải.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về quan hệ Việt - Mỹ
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về quan hệ Việt - Mỹ

VOV.VN- Bài phỏng vấn của tờ Los Angeles Times với Đại tướng được thực hiện năm 1994 khi Mỹ chuẩn bị bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về quan hệ Việt - Mỹ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về quan hệ Việt - Mỹ

VOV.VN- Bài phỏng vấn của tờ Los Angeles Times với Đại tướng được thực hiện năm 1994 khi Mỹ chuẩn bị bình thường hóa quan hệ với Việt Nam.

Kinh tế Mỹ có thể rơi vào thảm hoạ
Kinh tế Mỹ có thể rơi vào thảm hoạ

VOV.VN - Những bất đồng giữa 2 đảng tại Quốc hội Mỹ nếu không được giải quyết sẽ khiến nước này rơi vào tình trạng phá sản.

Kinh tế Mỹ có thể rơi vào thảm hoạ

Kinh tế Mỹ có thể rơi vào thảm hoạ

VOV.VN - Những bất đồng giữa 2 đảng tại Quốc hội Mỹ nếu không được giải quyết sẽ khiến nước này rơi vào tình trạng phá sản.

Thế giới 7 ngày: Lịch sử Syria đã bước sang trang mới?
Thế giới 7 ngày: Lịch sử Syria đã bước sang trang mới?

VOV.VN - Dư luận đang chờ đợi xem liệu Nghị quyết của Hội đồng Bảo an có giúp kết thúc cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua tại Syria.

Thế giới 7 ngày: Lịch sử Syria đã bước sang trang mới?

Thế giới 7 ngày: Lịch sử Syria đã bước sang trang mới?

VOV.VN - Dư luận đang chờ đợi xem liệu Nghị quyết của Hội đồng Bảo an có giúp kết thúc cuộc nội chiến kéo dài gần 3 năm qua tại Syria.

“Tranh cãi ngân sách” tại Mỹ và hệ lụy toàn cầu
“Tranh cãi ngân sách” tại Mỹ và hệ lụy toàn cầu

VOV.VN - Kể từ năm 1976 đến nay Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa vì thiếu tiền hoạt động 18 lần với tổng số thời gian lên đến 112 ngày.

“Tranh cãi ngân sách” tại Mỹ và hệ lụy toàn cầu

“Tranh cãi ngân sách” tại Mỹ và hệ lụy toàn cầu

VOV.VN - Kể từ năm 1976 đến nay Chính phủ Mỹ đã phải đóng cửa vì thiếu tiền hoạt động 18 lần với tổng số thời gian lên đến 112 ngày.

Cuộc chiến ngân sách Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt
Cuộc chiến ngân sách Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

VOV.VN - Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi các nghị sĩ đảng Cộng hòa chấm dứt “trò hề” và nhanh chóng thông qua dự luật ngân sách.

Cuộc chiến ngân sách Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

Cuộc chiến ngân sách Mỹ vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt

VOV.VN - Tổng thống Barack Obama đã kêu gọi các nghị sĩ đảng Cộng hòa chấm dứt “trò hề” và nhanh chóng thông qua dự luật ngân sách.