Thế giới 7 ngày: Bị tấn công dồn dập ở Iraq và Syria, IS đang suy yếu?
VOV.VN- Bị Iraq đánh mạnh vào Ramadi và Nga không kích dữ dội ở Syria, IS tuyệt vọng tìm cách đưa số dầu lậu ít ỏi còn lại của mình sang Thổ Nhĩ Kỳ.
1. Quân đội Iraq đang tích cực củng cố lực lượng và thế trận trước khi tung đòn công phá cuối cùng để giải phóng thành phố Ramadi khỏi IS.
Binh lính Iraq đã tiến sâu vào Ramadi do tổ chức khủng bố IS tự xưng chiếm giữ. Ngày 25/12 họ củng cố vị trí tại đây trước khi mở cuộc tấn công theo kế hoạch đã định nhằm chiếm lại toàn bộ thành phố này.
Binh sĩ Iraq chiến đấu tại Ramadi. Ảnh PressTV |
Theo truyền hình địa phương, các binh sĩ Iraq đang tiến hành gỡ bom mìn trên đường và các ngôi nhà ở các quận của thành phố Ramadi mà họ mới giành lại được từ khi bắt đầu chiến dịch tấn công vào thành phố này ngày 22/12.
Nếu tái chiếm được Ramadi - thủ phủ của tỉnh Anbar ở vùng thung lũng sông Euphrate màu mỡ chỉ cách thủ đô Baghdad 2 tiếng đi ô tô - thì đây sẽ là một trong những thắng lợi quan trọng nhất của quân đội Iraq kể từ khi tổ chức IS chiếm tới 1/3 lãnh thổ nước này vào năm 2014.
Iraq sắp giải phóng hoàn toàn thành phố Ramadi từ tay IS
Cũng trong ngày 25/12, Bộ Quốc phòng Nga cho biết, nước này đã không kích và phá hủy gần 2.000 xe chở dầu lậu của các phần tử cực đoan.
Người đứng đầu bộ phận tác chiến của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga, Trung tướng Sergei Rudskoi cho biết, trong tuần trước, không quân Nga đã phá hủy 37 cơ sở khai thác và lọc dầu bị khủng bố kiểm soát cùng với 17 xe chở dầu, nâng tổng số xe dầu bị đánh chặn ở biên giới Syria lên 2000 chiếc.
Các cuộc không kích của Nga hiện tập trung vào việc cắt đứt tuyến buôn bán dầu lậu ở biên giới Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, vốn là nguồn thu nhập chính của các nhóm khủng bố ở Syria.
Máy bay ném bom chiến lược tầm xa Tu-22M của Nga dội bom vào đoàn xe chở dầu lậu của IS. Ảnh Bộ Quốc phòng Nga |
Người đứng đầu bộ phận tác chiến của Bộ Tổng tham mưu quân đội Nga cảnh báo, bất cứ nước nào tham gia vào đường dây buôn lậu dầu của khủng bố cũng sẽ vấp phải hành động tương tự của Nga, và Moscow sẽ tăng cường hợp tác với các nước trong liên minh IS để ngăn chặn hoạt động này.
Bộ Quốc phòng Nga cáo buộc các xe bồn chở dầu của nhóm phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria vẫn tiếp tục chở dầu đến Thổ Nhĩ Kỳ dù số lượng đã ít hơn do chiến dịch không kích của Nga.
IS tìm kiếm con đường mới để vận chuyển dầu ra khỏi Syria
2. Chính phủ Syria tuyên bố sẵn sàng tham gia đàm phán với phe đối lập nhằm chấm dứt nội chiến với những điều kiện khiến phương Tây phải đau đầu.
Phát biểu trong chuyến thăm Trung Quốc ngày 24/12, Ngoại trưởng Syria Walid Mouallem tuyên bố, nước này sẵn sàng tham gia cuộc đối thoại giữa những người Syria.
Ngoại trưởng Syria Walid Mouallem. Ảnh AP |
Tuy nhiên, mọi việc lại không đơn giản như thế. Bởi tuyên bố của Ngoại trưởng Syria cũng đi kèm với những điều kiện, mà một trong số đó là danh sách các lực lượng đối lập sẽ tham gia sự kiện này và chính phủ đoàn kết dân tộc trong tương lai.
Theo ông Mouallem, Syria sẵn sàng tham gia cuộc đối thoại giữa những người Syria mà không có sự can thiệp của nước ngoài. Phái đoàn đàm phán của nước này sẽ sẵn sàng ngay sau khi nhận được danh sách phái đoàn đối lập.
Ngay cả phe đối lập dù đồng ý tham gia đàm phán song cũng có những điều kiện của riêng mình. Ngày 10/12 vừa qua, khoảng 100 đại diện của các nhóm chính trị và vũ trang đối lập của Syria nhóm họp tại Saudi Arabia đã thông báo về một thỏa thuận nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán với chính quyền Syria.
Tuy nhiên, họ cũng đặt ra yêu cầu Tổng thống Assad phải từ bỏ quyền lực ngay từ đầu giai đoạn chuyển tiếp nếu đạt được. Đây cũng là vấn đề đang gây chia rẽ sâu sắc cộng đồng quốc tế, giữa một bên ủng hộ với một bên là chống chính quyền Tổng thống Assad.
Trung Quốc và Syria nhất trí 3 nguyên tắc cho hòa bình Syria
Tình hình càng trở nên phức tạp hơn khi ngày 25/12, máy bay của Không quân Syria đã dùng tên lửa tấn công vào cuộc họp của một nhóm đối lập Syria và tiêu diệt thủ lĩnh đối lập Zahran Alloush.
Alloush, 44 tuổi, là tư lệnh của phong trào Jaish al-Islam (Đội quân Hồi giáo), phái đối lập chính ở thành trì phiến quân Đông Ghouta nằm về phía đông Damascus.
Vài tiếng đồng hồ sau khi Alloush bị giết, các thành viên chủ chốt của nhóm Jaish al-Islam đã bầu Abu Himam al-Buwaydani làm người thay thế, theo nguồn tin Đài Quan sát Nhân quyền Syria.
Giám đốc tổ chức Quan sát Nhân quyền - Rami Abdel Rahman, cho hay: Buwaydani là một doanh nhân kiêm chiến binh 40 tuổi đến từ Douma. Ông ta xuất thân từ một gia đình có mối liên hệ chặt chẽ với tổ chức Anh em Hồi giáo.
Alloush và 5 chỉ huy khác thiệt mạng “trong một cuộc không kích nhằm vào một trong các cuộc họp của họ ở Đông Ghouta” vào ngày 25/12.
3. Nhà chức trách Mỹ ngày 22/12 đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với 34 cá nhân và thực thể Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng Ukraine.
Trong số các thực thể bị áp đặt lệnh trừng phạt lần này có 3 ngân hàng Nga đang hoạt động tại Crimea, khu vực đã được Nga sáp nhập hồi năm ngoái. Đây đều là các chi nhánh của các ngân hàng lớn của Nga như Sberbank, VTB. Các thực thể này sẽ bị áp đặt lệnh trừng phạt tương tự như công ty mẹ.
Tòa nhà Bộ Tài chính Mỹ. Ảnh AP |
Thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ cho biết, đây là một bước đi nhằm thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với Ukraine trong khi vẫn duy trì các biện pháp trừng phạt Nga. Mỹ sẽ không rút lại các biện pháp trừng phạt cho đến khi Nga thực thi đầy đủ cam kết theo thỏa thuận hòa bình Minsk, bao gồm việc hồi trả quyền kiểm soát cho Ukraine đối với đường biên giới quốc tế với Nga.
Trước đó một ngày, các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí gia hạn thêm 6 tháng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga, liên quan khủng hoảng Ukraine.
Lệnh trừng phạt mới sẽ được áp dụng sau khi các lệnh trừng phạt hiện hành hết hiệu lực vào cuối tháng 1/2016. Động thái trên của Liên minh châu Âu đã ngay lập tức vấp phải sự phản ứng mạnh từ phía Nga.
Thông báo của Liên minh châu Âu cho biết, 28 quốc gia thành viên của khối này đưa ra quyết định trên sau khi nhận thấy Thỏa thuận hòa bình Minsk nhằm chấm dứt cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine chưa được thực thi một cách toàn diện trước cuối năm 2015 như yêu cầu.
Thông báo nêu rõ, lệnh trừng phạt Nga sẽ kéo dài thêm 6 tháng cho đến ngày 31/7/2016 và chủ yếu nhằm vào các lĩnh vực như tài chính, dầu mỏ và các lĩnh vực quân sự cũng như các cá nhân cụ thể. Trong thời gian áp dụng lệnh trừng phạt này, Liên minh châu Âu sẽ tiếp tục đánh giá sát sao tình hình thực hiện thỏa thuận Minsk.
Nga sẽ đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ
4. Nội các Nhật Bản ngày 24/12 đã thông qua khoản ngân sách quốc phòng ở mức kỷ lục nhằm tăng cường sức mạnh của lực lượng quân đội nước này.
Khoản ngân sách quốc phòng trị giá 41,8 tỷ USD trong năm tài khóa 2016 (bắt đầu vào tháng 4 tới) sẽ tập trung vào việc bảo vệ chuỗi đảo ở phía Nam nước này, bao cả Okinawa và vùng biển kéo dài đến sát Đài Loan (Trung Quốc).
Một chiếc tàu chiến của Nhật Bản đang hoạt động ở biển Hoa Đông. Ảnh Reuters |
Với mức tăng 1,5% so với năm tài khóa 2015, khỏan ngân sách quốc phòng nói trên đã đạt mức cao kỷ lục tại Nhật Bản và đánh dấu năm thứ 4 liên tiếp Nhật Bản tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản dự định sẽ mua 17 trực thăng tuần tra Hải quân SH-60K, 3 máy bay không người lái Global Hawk, 6 máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và 4 máy bay V-22 Osprey- loại máy bay có khả năng cơ động như trực thăng và tầm hoạt động rộng như các máy bay chiến đấu thông thường.
Việc tăng chi tiêu ngân sách quốc phòng của Nhật Bản cũng cho thấy nước này cực kỳ quan ngại trước khả năng leo thang căng thẳng với Trung Quốc về vấn đề tranh chấp một số nhóm đảo ở biển Hoa Đông. Trung Quốc cũng đã mạnh tay chi tiêu quốc phòng và khiến cả Nhật Bản và Mỹ phải lo ngại.
Trong những năm gần đây, các lực lượng Hải quân, Không quân và tuần duyên Trung Quốc đã liên tục tăng cường hoạt động của mình tại các vùng biển gần Nhật Bản nhằm phô trương sức mạnh quân sự của nước này trong khu vực cũng như củng cố những yêu sách về chủ quyền của nước này đối với một số nhóm đảo còn tranh chấp giữa hai bên ở biển Hoa Đông.
Mặc dù vậy, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi vẫn khẳng định những hành động này của Trung Quốc “vẫn hoàn toàn nằm trong phạm vi cho phép”.
Nhật phản đối Trung Quốc cử tàu vũ trang đến gần Senkaku/Điếu Ngư
Chính quyền Trung Quốc đã chỉ đạo cứu hộ đến hiện trường ngay lập tức. Vào thời điểm đó, ít nhất 13 nạn nhân đã nhập viện, 3 trong số họ trong tình trạng nguy kịch.
Hiện trường vụ lở đất tại Thâm Quyến. Ảnh SCMP |
Theo thông tin từ phía cảnh sát, vụ lở đất xảy ra vào lúc khoảng 11h40 (giờ địa phương) sáng 20/12.
700 nhân viên cứu hộ, 17 đội chữa cháy, 4 máy bay trực thăng và 30 chó nghiệp vụ đã được huy động tham gia vào nỗ lực tìm kiếm nạn nhân mất tích.
Giới chức Trung Quốc đã thành lập một trung tâm chỉ huy cứu hộ và 3 lều điều trị tại hiện trường vụ lở đất. 14 người đã may mắn được cứu sống. Tính đến ngày 23/12 vẫn còn ít nhất 74 người khác vẫn đang mất tích bao gồm 49 đàn ông và 25 phụ nữ.
Ngoài 16 khu vực tìm kiếm tại địa điểm xảy ra lở đất, lực lượng cứu hộ cũng tích cực tìm kiếm tại một số khu vực riêng biệt tại khu vực rác thải xây dựng và bùn đất.
Video: Tiếng la hét hỗn loạn, đất đá bụi mù trong vụ lở đất Trung Quốc
Tuyên bố đăng tải trên trang mạng của Chính phủ Trung Quốc hôm 25/12 cho biết, nguyên nhân gây ra vụ lở đất tại tỉnh Thâm Quyến, miền Nam nước ngày 20/12 vừa qua là do vi phạm các quy tắc an toàn lao động, chứ không phải là một thảm họa tự nhiên.
Tuyên bố cũng nêu rõ, những đối tượng chịu trách nhiệm gây ra vụ lở đất sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, Đội điều tra tại tỉnh Thâm Quyến do chính phủ chỉ đạo, đã phát hiện được vụ lở đất là do rác thải xây dựng chất cao trong bãi chôn lấp gây ra. Điều này đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về tiêu chuẩn an toàn trong ngành công nghiệp của Trung Quốc và sự thiếu giám sát chặt chẽ trong quá trình thi công.
Lở đất ở Trung Quốc: Sống sót kỳ diệu sau 67 giờ bị vùi lấp
6. Cơ quan thảm họa Philippines ngày 23/12 công bố, số người chết do cơn bão nhiệt đới Melor tiếp tục tăng lên tới 42 người và 4 người khác bị mất tích.
|
Cơn bão Melor sau khi tấn công nhiều khu vực ở miền Bắc, miền Trung Philippines ngày 16/12 vừa qua đã để lại những hậu quả nặng nề. Hơn 63.000 gia đình bị mất nhà cửa, phải tá túc ở các trung tâm sơ tán.
Riêng về hệ thống điện nước phải mất 4 tháng mới khôi phục được, sau khi hàng loạt đường dây, cột điện bị gió mạnh làm hư hại.
Hình ảnh người dân Philippines "sống chung" với bão Melor
7. Các biện pháp an ninh trên thế giới được thắt chặt hơn nhằm đảm bảo người dân được hưởng một mùa Giáng sinh an lành.
Bất chấp các mối đe dọa an ninh thời gian gần đây, đến thời điểm này, không khí Giáng sinh đã tràn ngập và rộn ràng khắp nơi trên thế giới.
Hình ảnh cây thống Giáng sinh tại một quảng trường ở Séc. Ảnh Spunik News |
Tại thành phố Bethlehem ở khu Bờ Tây, nơi chúa Jesu giáng thế, các công đoạn chuẩn bị cho lễ Giáng sinh đã hoàn tất. Mặc dù các vụ bạo lực liên tiếp xảy ra kể từ hồi tháng 10 vừa qua giữa người Palestine và binh sĩ Israel khiến du khách cũng hạn chế đến Bethelehem hơn trong mùa giáng sinh năm nay song không khí giáng sinh tại thánh địa này không vì thế mà mất đi sự rộn ràng vốn có.
Khắp các nẻo đường của thành phố đều được trang hoàng lộng lẫy trong khi du khách và các tín đồ tôn giáo đổ về nhà thờ ngày một đông hơn để dự lễ cầu nguyện. An ninh được tăng cường tại các khu vực tập trung đông người.
Cô Olivaria Calmer, một du khách đến từ Canada cho biết: “Tôi đang cảm thấy rất háo hức. Được đến Bethlehem để đón Giáng sinh vẫn luôn là mơ ước của tôi. Giáng sinh là một dịp rất đặc biệt trong năm và tôi đang có một cơ hội tuyệt với khi được ở đây mặc dù tôi biết rằng đã có rất nhiều chương trình bị hủy bỏ”.
Năm nay, người dân châu Âu đón Giáng sinh trong bối cảnh an ninh được thắt chặt sau vụ khủng bố đẫm máu xảy ra tại Paris, Pháp hồi tháng trước khiến 130 người thiệt mạng và 350 người bị thương.
Đặc biệt, tại Bỉ, chính phủ nước này ngày 23/12 nhất trí tiếp tục duy trì sự hiện diện của quân đội trên đường phố nhằm đảm bảo an ninh tại một số địa điểm và cơ quan, đặc biệt ở những sự kiện tập trung đông người trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới 2016.
Theo đó, khoảng 700 binh sĩ được triển khai trên các đường phố từ nay cho tới ngày 20/1/2016. Ngoài ra, Cơ quan phối hợp phân tích các mối đe dọa (OCAM) sẽ tiến hành đánh giá tổng thể các nguy cơ khủng bố nhằm hỗ trợ công việc cho Ủy ban tình báo chiến lược và an ninh.
Trong khi đó, chính phủ Pháp đã triển khai các biện pháp an ninh tăng cường cho các nhà thờ Thiên chúa giáo. Tất cả các nhà thờ sẽ chỉ được phép mở 1 cửa chính cho các tín đồ ra vào, thay vì nhiều cửa như trước đây.
Hàng triệu người dân thế giới rộn ràng hướng về đêm Giáng sinh