Thế giới 7 ngày: Nghi vấn quanh vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập

VOV.VN -Nhiều giả thiết và nghi vấn xoay quanh nguyên nhân vụ rơi máy bay Nga tại Ai Cập, trong khi nhóm IS địa phương lại tuyên bố nhận trách nhiệm về vụ tai nạn.

1. Sáng 31/10 vừa qua, một chiếc máy bay Nga gặp nạn ở Ai Cập, khiến tất cả 224 người trên máy bay, cả hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng. Trong khi các chuyên gia kỹ thuật và lực lượng chức năng điều tra nguyên nhân vụ rơi máy bay, thì nhiều giả thiết, nghi vấn được đưa ra.

Một quan chức hàng không hôm thứ Hai 2/11 cho biết, tai nạn này có thể do “tác động từ bên ngoài” máy bay.

Binh lính Ai Cập thu thập đồ đạc cá nhân của nạn nhân vụ tai nạn máy bay tại hiện trường ở Hassana, Bán đảo Sinai của Ai Cập (Ảnh AP).

Nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo lại tuyên bố mình bắn hạ máy bay nhưng không cung cấp thêm chi tiết. Nhóm này tuyên bố việc bắn hạ máy bay là để trả đũa cho các cuộc không kích của Nga ở Syria. Tổng thống Ai Cập đã bác bỏ giả thiết này.

Phân tích các hộp đen từ chiếc máy bay Nga rơi ở Ai Cập cho thấy có khả năng một quả bom phát nổ và gây ra thảm kịch hàng không này - các nguồn tin thân cận với cuộc điều tra đã cho biết như vậy vào hôm 6/11.

Trong bối cảnh đó, Nga và một số nước đã tuyên bố dừng tất cả các chuyến bay đến Ai Cập và ngược lại.

2. Ngày 7/11, các nhà hoạt động và những người ủng hộ Đảng Cộng sản Nga tham gia vào một cuộc diễu hành kỷ niệm Cách mạng Bolshevik năm 1917 còn được gọi là gọi là cuộc Cách mạng Tháng Mười xã hội chủ nghĩa ở thành phố Siberia của Krasnoyarsk, Nga.

Các nhà hoạt động và những người ủng hộ Đảng Cộng sản Nga tham gia diễu hành kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười ngày 7/11/năm 2015. Các biểu ngữ ghi dòng chữ: "Nhân dân!" (Ảnh REUTERS).

Cách mạng Xã hội chủ nghĩa tháng Mười Nga thành công đến nay đã tròn 98 năm (7/11/1917 – 7/11/2015). Dịp này, những người Cộng sản trên toàn LB Nga và nhiều nước trên thế giới lại tổ chức nhiều hoạt động như mít tinh, tuần hành… để kỷ niệm và để cùng khẳng định những giá trị mang tính lịch sử của sự kiện này.
Trong suốt chiều dài của một Liên bang Xô Viết hùng mạnh, những giá trị lịch sử của cuộc Cách mạng XHCN tháng Mười Nga vẫn là không thể phủ nhận và hôm nay những người Cộng sản vẫn cùng nhau kỷ niệm. Kỷ niệm 98 năm ngày Cách mạng thành công, đang hướng tới lễ kỷ niệm lớn hơn: “Tròn 100 năm Cách Mạng Tháng Mười Nga vào năm 2017”.
3. 

Tạp chí Forbes đã công bố danh sách Nhân vật quyền lực nhất năm 2015. Theo đó, Tổng thống Nga Putin đứng đầu danh sách này, tiếp sau đó là Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Mỹ Obama. Đây là lần thứ 3 liên tiếp ông Putin được chọn là Người quyền lực nhất trong năm do Forbes bình chọn.

Tạp chí Forbes đã công bố danh sách 2015 của nhân dân hùng mạnh nhất. BBC nhìn người lên và người xuống. (AP)


Forbes cho biết, họ lựa chọn ông Putin là nhân vật của năm bởi ông “vẫn tiếp tục chứng tỏ ông là một trong số rất ít những người đàn ông trên toàn cầu đủ quyền lực để làm những điều mà ông muốn mà không gặp trở ngại gì”.
Forbes đã lựa chọn trong hàng trăm ứng cử viên cho 73 nhân vật quyền lực nhất theo 4 tiêu chí khác nhau bao gồm, mức độ ảnh hưởng lên người dân toàn cầu, nguồn lực tài chính mà những người này sở hữu, những nhân vật này có sức ảnh hưởng ở nhiều lĩnh vực hay không và họ có sử dụng quyền lực của mình một cách chủ động hay không.

4. Bộ Tứ Normandy gồm các nước Nga, Pháp, Đức và Ukraine gặp nhau tại Berlin hôm 6/11 để thảo luận về cuộc khủng hoảng Ukraine. Ngay sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier tuyên bố: Các vũ khí hạng nặng sẽ được rút ra khỏi miền Đông Ukraine cuối tháng này hoặc đầu tháng sau.

Tại cuộc họp, các Ngoại trưởng đã hoan nghênh những tiến bộ đạt được trong việc thực hiện lệnh ngừng bắn tại miền Đông Ukraine trong 10 tuần qua, đồng thời kêu gọi thúc đẩy hơn nữa những nỗ lực chính trị nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine.
Về phía Nga, sau cuộc họp các ngoại trưởng nhóm Bộ Tứ Normandy, Ngoại trưởng Sergei Lavrov cũng đánh giá các cuộc thảo luận cụ thể và hữu ích, đề cập sự cần thiết phải duy trì các nỗ lực của nhóm liên lạc.

Lực lượng đối lập của Ukraine nói rằng họ đã hoàn thành việc rút vũ khí của họ khỏi miền đông. (AFP)

Trước đó, các cuộc đụng độ giữa phe đối lập và quân đội chính phủ Ukraine vẫn tiếp tục xảy ra. Và cả 2 bên đều đổ lỗi cho nhau về việc phá vỡ Thỏa thuận ngừng bắn đạt được tại Minsk.

5. Từ ngày 5-7/11, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình có chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam và Singapore. 

Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại Quốc hội Việt Nam ngày 6/11/2015. (Ảnh AP)

Tại Việt Nam, phát biểu trước Quốc hội Việt Nam ngày 6/11/2015, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bày tỏ vinh dự và vui mừng được đến thăm Quốc hội và gặp gỡ các đại biểu Quốc hội Việt Nam. 
Ông Tập Cận Bình khẳng định, Trung Quốc hết sức coi trọng phát triển quan hệ với Việt Nam, nguyện cùng với phía Việt Nam kiên trì phương châm láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai với tinh thần láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt, thúc đẩy quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt - Trung tiếp tục phát triển ổn định và lành mạnh, mang lại lợi ích to lớn hơn nữa cho nhân dân hai nước. 

Sau khi rời Việt Nam, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã lên đường sang thăm Singapore. Tại đây ngày 7/11, người lãnh đạo Trung Quốc đã gặp nhà lãnh đạo Đài Loan Mã Anh Cửu, cuộc gặp được giới phân tích đánh giá là "cuộc gặp gỡ lịch sử", do đây là cuộc gặp đầu tiên giữa lãnh đạo cao nhất của 2 bên kể từ khi nội chiến Trung Quốc kết thúc vào năm 1949.

6. Ngày 4/11, đã xảy ra vụ sập nhà máy sản xuất túi tại thành phố Lahore, Pakistan. Nhà máy bị sập nằm trong một tổ hợp công nghiệp ở khu vực phía Nam thành phố Lahore. 

Cảnh sát Pakistan và tình nguyện viên tham gia công tác cứu hộ các nạn nhân vụ sập tòa nhà ở Lahore, Pakistan (Ảnh AP).

Theo số liệu tính đều chiều tối 5/11, số người chết trong vụ sập một nhà máy đã lên tới 29 người và hơn 100 người bị thương.
Lực lượng cứu hộ cho biết số thương vong có thể tăng cao bởi vì còn rất nhiều người mất tích, và công tác cứu hộ gặp nhiều khó khăn khi nhà máy nằm cuối một ngõ hẹp khiến các loại cần cầu, máy ủi, cần trục rất khó tiếp cận.
Hiện chưa rõ chính xác nguyên nhân vụ sập nhà, song qua điều tra sơ bộ cho thấy tòa nhà đã xây thêm tầng thứ 4 mà không có giấy phép. Còn tỉnh trưởng tỉnh Punjab cho rằng kết cấu nhà máy có thể đã bị hư hại trong trận động đất 8.1 độ richter ngày 26/10 vừa qua.
7. Sáng 8/11, các cử tri Myanmar sẽ tham gia cuộc tổng tuyển cử có ý nghĩa lịch sử. Sự kiện này được cho là dấu mốc quan trọng trong tiến trình cải cách của Myanmar và quyết định tương lai của quốc gia Đông Nam Á này.
Một người phụ nữ Myanmar chuẩn bị bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử tại một nhà nguyện Phật giáo ở thị trấn Lanmadaw, Yangon, Myanmar (Ảnh EFE).

Theo con số được Ủy ban Bầu cử Liên bang Myanmar (UEC), cuộc bầu cử có tổng cộng 6.040 ứng cử viên thuộc 91 đảng phái chính trị và các ứng cử viên độc lập sẽ chạy đua vào hơn 1.000 ghế nghị sĩ tại cơ quan lập pháp các cấp, khoảng 32 triệu cử tri hợp lệ trong số 51 triệu dân Myanmar sẽ đi bỏ phiếu. 

Tổng thống đương nhiệm của Myanmar Thein Sein cam kết sẽ chấp nhận kết quả cuộc tổng tuyển cử và chính phủ mới được thành lập theo hiến pháp, đồng thời tin rằng tất cả các thế lực chính trị sẽ tôn trọng kết quả bầu cử. 

8. Phát biểu khai mạc Hội nghị Bộ trưởng ASEM lần thứ 12 tại Luxembourg ngày 5/11, Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg Asselborn khẳng định ASEM được thành lập cách đây gần 20 năm, ngày càng chứng tỏ hiệu quả là diễn đàn quy mô lớn và quan trọng để các nước Á-Âu thúc đẩy hợp tác và cùng đóng góp vào việc giải quyết các vấn đề khu vưc và quốc tế cùng quan tâm.

Toàn cảnh Hội nghị ASEM 12 (Ảnh: Thùy Vân/VOV).

Với chủ đề "Cùng hợp tác vì tương lai bền vững và an toàn", trong hai ngày làm việc (5-6/11), Hội nghị Bộ trưởng ASEM tập trung thảo luận vấn đề chống biến đổi khí hậu và an ninh khu vực bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực kinh tế thương mại giữa 51 quốc gia thành viên Á và Âu cũng như hai tổ chức khu vực là EU và ASEAN.

Tại Hội nghị, Cao ủy đối ngoại EU Federica Mogherini nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc tìm một quan điểm chung giữa hai châu lục Á - Âu để đối phó với các thách thức toàn cầu, từ vấn đề biến đổi khí hậu  cho tới những vấn đề an ninh ở khu vực châu Á Thái Bình Dương; cuộc chiến chống khủng bố.v.v.../.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Giáo sư Kolotov: Cách mạng tháng Mười vẫn có tầm ảnh hưởng
Giáo sư Kolotov: Cách mạng tháng Mười vẫn có tầm ảnh hưởng

VOV.VN - Vị giáo sư đầu ngành của Đại học Nga trân trọng Cách mạng tháng Mười nhưng cũng cho biết hiện nay Nga chưa sẵn sàng cho một cuộc cách mạng nữa.

Giáo sư Kolotov: Cách mạng tháng Mười vẫn có tầm ảnh hưởng

Giáo sư Kolotov: Cách mạng tháng Mười vẫn có tầm ảnh hưởng

VOV.VN - Vị giáo sư đầu ngành của Đại học Nga trân trọng Cách mạng tháng Mười nhưng cũng cho biết hiện nay Nga chưa sẵn sàng cho một cuộc cách mạng nữa.

Bầu cử Myanmar 2015: Ngưỡng cửa lịch sử trong tiến trình cải cách
Bầu cử Myanmar 2015: Ngưỡng cửa lịch sử trong tiến trình cải cách

VOV.VN - Có tới 10.000 giám sát viên quốc tế và nội địa sẽ tham gia vào cuộc bầu cử lịch sử này trong tiến trình cải cách ấn tượng ở Myanmar.

Bầu cử Myanmar 2015: Ngưỡng cửa lịch sử trong tiến trình cải cách

Bầu cử Myanmar 2015: Ngưỡng cửa lịch sử trong tiến trình cải cách

VOV.VN - Có tới 10.000 giám sát viên quốc tế và nội địa sẽ tham gia vào cuộc bầu cử lịch sử này trong tiến trình cải cách ấn tượng ở Myanmar.

Chiến dịch của Mỹ ở Syria đang đối mặt với thách thức nào?
Chiến dịch của Mỹ ở Syria đang đối mặt với thách thức nào?

VOV.VN - Mỹ đang ở trên “một con dốc” trong cuộc chiến Syria và chính quyền ông Obama chỉ còn lại 15 tháng với những chính sách còn đang dang dở ở đây. 

Chiến dịch của Mỹ ở Syria đang đối mặt với thách thức nào?

Chiến dịch của Mỹ ở Syria đang đối mặt với thách thức nào?

VOV.VN - Mỹ đang ở trên “một con dốc” trong cuộc chiến Syria và chính quyền ông Obama chỉ còn lại 15 tháng với những chính sách còn đang dang dở ở đây. 

Vụ máy bay Nga rơi: Không loại trừ nguyên nhân khủng bố
Vụ máy bay Nga rơi: Không loại trừ nguyên nhân khủng bố

VOV.VN -Trong khi các điều tra viên nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập, có 3 giả thiết được nêu ra bàn thảo

Vụ máy bay Nga rơi: Không loại trừ nguyên nhân khủng bố

Vụ máy bay Nga rơi: Không loại trừ nguyên nhân khủng bố

VOV.VN -Trong khi các điều tra viên nghiên cứu tìm hiểu nguyên nhân vụ máy bay Nga rơi ở Ai Cập, có 3 giả thiết được nêu ra bàn thảo