Thế giới 7 ngày: Người Hồi giáo giận dữ; Hoa Đông nổi sóng
(VOV) - Lãnh sự quán Mỹ tại Libya bị tấn công đúng ngày 11/9, căng thẳng Trung-Nhật leo thang, tranh cãi về hạt nhân Iran...
Ngày 11/9 (theo giờ địa phương), các hoạt động tưởng niệm nạn nhân vụ tấn công khủng bố 11/9 đã diễn ra trên toàn nước Mỹ, từ thủ đô Washington, Pennsylvania cho đến New York, nơi gần 3.000 người thiệt mạng cách đây tròn 11 năm. Tổng thống Mỹ Barack Obama và Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta dự Lễ kỷ niệm lần thứ 11 vụ tấn công 11/9, tại Lầu Năm Góc (Ảnh: Reuters) |
Quan tài mang thi thể của Đại sứ Christopher Stevens và ba người Mỹ khác, những người đã chết trong một cuộc tấn công ở Libya, trở về nhà. (Ảnh: Fox News) Họ đã thiệt mạng sau khi các tay súng tấn công lãnh sự quán Mỹ tại Benghazi đúng vào đêm thứ Ba 11/9. Vụ tấn công xảy ra cùng ngày với vụ một nhóm người biểu tình tấn công Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Cairo (Ai Cập), xé cờ Mỹ và thay bằng một lá cờ Hồi giáo màu đen. Các cuộc biểu tình này được cho là xuất phát từ một bộ phim do những thành viên cộng đồng Thiên chúa giáo Ai Cập sống lưu vong tại Mỹ sản xuất có nội dung xúc phạm đạo Hồi. |
Những người biểu tình phản đối cảnh sát chống bạo động bảo vệ Đại sứ quán Mỹ ở Tunis, ngày 14/9/2012. Cuộc biểu tình giận dữ chống lại bộ phim chống Hồi giáo lan khắp Trung Đông. (Ảnh: AP), khiến cho Mỹ hết sức lo ngại cho an ninh của các nhân viên cơ quan ngoại giao. |
Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) Yukiya Aman trước cuộc họp Ban lãnh đạo IAEA tại Trung tâm Quốc tế ở Vienna, Áo, ngày 10/9 (Ảnh: AP). Tại cuộc họp này, IAEA đã thông qua Nghị quyết về Iran, có sự đồng thuận của Nga và Trung Quốc. Các thành viên trong Ban giám đốc của IAEA với đa số tán thành đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước những bước tiến mà Tehran đã đạt được trong chương trình phát triển hạt nhân, thúc giục Iran tuân thủ nghị quyết của IAEA mà không có bất cứ sự trì hoãn nào. IAEA cũng nêu rõ nguyện vọng của cơ quan này là nhằm tìm giải pháp hòa bình cho vấn đề trên. |
Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu bắt tay Ngoại trưởng Đức Guido Westerwelle trong cuộc gặp gỡ tại Jerusalem ngày 9/9/2012 (Ảnh: Reuters). Ngoại trưởng Đức kêu gọi Iran đưa ra “những đề xuất thực tế” nhằm tái khởi động tiến trình đàm phán hạt nhân giữa Iran và các cường quốc, đồng thời tái khẳng định sự đồng thuận quan điểm với Israel về vấn đề hạt nhân của Iran. |
Máy bay giám sát Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản giám sát tàu hải giám Trung Quốc gần quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư (Ảnh Reuters). 6 tàu hải giám Trung Quốc vào vùng biển gần quần đảo tranh chấp chỉ một thời gian ngắn nhưng đã khiến căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất của châu Á tăng lên mức cao nhất kể từ 2010. |
Hàng trăm người biểu tình trước Đại sứ quán Nhật Bản tại Bắc Kinh vào thứ Bảy 15/9, giữa lúc căng thẳng ngày càng tăng giữa hai nền kinh tế lớn nhất của châu Á về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điều Ngư (Ảnh: Reuters). Trong bối cảnh đó, Người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi đã lên tiếng, khẳng định, các công dân Nhật Bản tại Trung Quốc được bảo đảm an toàn theo luật pháp. Ngày 16/9, Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda yêu cầu phía Trung Quốc đảm bảo an toàn cho công dân và doanh nghiệp Nhật Bản. |
Neil Armstrong, phi hành gia người Mỹ, người đầu tiên đặt chân lên mặt Trăng vào ngày 20/7/1969, đã qua đời hôm 25/8, thọ 82 tuổi. Lễ an táng cử hành hôm 14/9. Tro cốt của Armstrong do tàu chiến "Philippine Sea" chở tới địa điểm mai táng ở Đại Tây Dương. Ảnh Lễ mai táng Armstrong theo truyền thống của Hải quân Mỹ (Reuters) |
Tổng thống Syria Bashar al-Assad gặp Đặc phái viên của LHQ và Liên đoàn Arab Lakhdar Brahimi tại Damascus ngày 15/9/2012. Đặc phái viên gặp ông al-Assad để thảo luận về các nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 18 tháng, ước tính làm thiệt mạng hơn 27.000 người (Ảnh Reutes) |