Thế giới 7 ngày: Thảm kịch đường sắt tại Tây Ban Nha

VOV.VN - Tàu trật bánh tại Tây Ban Nha, Triều Tiên- Hàn Quốc kỷ niệm 60 năm chiến tranh, bất ổn tại Ai Cập, Libya...

Hôm 24/7, toàn bộ 13 toa của đoàn tàu trong hành trình từ Madrid đến Ferrol đã bị trật bánh khỏi đường ray gần thành phố Santiago de Compostela. Thông tin điều tra ban đầu cho thấy, tàu đã vượt quá tốc độ cho phép hơn gấp 2 lần khi vào khúc cua. Theo thông tin ngày 25/7, có tới 79 người thiệt mạng và 140 người bị thương. Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajou đã bày tỏ sự thương tiếc sâu sắc tới tất cả thân nhân của các nạn nhân xấu số, đồng thời thông báo quốc tang 3 ngày. Đây được coi là thảm kịch lớn nhất trong ngành đường sắt Tây Ban Nha trong 40 năm qua. Người lái tàu đã bị bắt tạm giam để điều tra. Ảnh: Hiện trường vụ tai nạn (AP)

CHDCND Triều Tiên sáng 27/7 đã tổ chức lễ diễu binh tại quảng trường Kim Nhật Thành, kỷ niệm 60 năm ngày ký hiệp định đình chiến giữa 2 miền Triều Tiên. Cuộc chiến tranh Triều Tiên kết thúc với Hiệp định đình chiến ký tại biên giới 2 miền Triều Tiên vào ngày 27/7/1953. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, cuộc chiến tranh Triều Tiên chưa chính thức chấm dứt vì hai bên vẫn chưa ký hiệp định hòa bình. Trong ảnh: Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cùng các quan khách dự lễ diễu binh kỷ niệm 60 năm ngày ký hiệp định đình chiến tại Quảng trường Kim Nhật Thành ngày 27/7 (AP)


Tại Hàn Quốc, buổi lễ kỷ niệm 60 năm Hiệp định đình chiến được tổ chức tại Đài Tưởng niệm chiến tranh ở trung tâm thủ đô Seoul, với sự tham dự của khoảng 4.000 người, trong đó có các đại diện từ 27 quốc gia, đại sứ, cựu chiến binh, các quan chức chính phủ và công dân. Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye phát biểu: "Giờ chúng ta cần chấm dứt đối đầu và thù địch, mở ra một kỷ nguyên của hòa bình và hy vọng mới trên bán đảo Triều Tiên”. Cả Triều Tiên và Hàn Quốc đều tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm chiến tranh trong bối cảnh các vòng đàm phán giữa 2 bên về Khu công nghiệp Kaesong vẫn chưa đạt được kết quả, do bất đồng về điều kiện. Trong ảnh: Tổng thống Hàn Quốc phát biểu tại Lễ kỷ niệm (Reuters)


Nga và Mỹ vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về vụ Snowden. Trong khi Bộ trưởng Bộ Tư pháp Mỹ Eric Holder gửi cho phía Nga một bức thư, hứa hẹn rằng Snowden sẽ không phải chịu án tử hình, thì phía Nga vẫn khẳng định lập trường "không bàn giao" nhân vật. Trong khi đó, Cha đẻ của Edward Snowden đánh tiếng với con trai qua trả lời phỏng vấn báo chí rằng con trai ông "nên ở lại Nga". Ảnh: Truyền hình đưa tin về bức thư của ông Holder gửi phía Nga "Snowden không phải đối mặt với an tử hình" (Wochit)

Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du 6 ngày tới Ấn Độ và Singapore. Chuyến đi của ông được các nhà phân tích cho là tái khẳng định chính sách chuyển trọng tâm chiến lược sang châu Á của Nhà Trắng. Ngày 23/7, tại thủ đô New Delhi (Ấn Độ), Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã có cuộc gặp với Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, hai bên đã nhất trí thúc đẩy thực hiện thỏa thuận hợp tác năng lượng hạt nhân dân sự và nâng cao hợp tác thương mại. Ngày 26/7, Phó Tổng thống Mỹ - Joe Biden đã có cuộc gặp với Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long và cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu. Hai bên đã thảo luận các vấn đề liên quan đến tình hình khu vực Đông Nam Á như Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các vấn đề liên quan đến tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông. Trong ảnh: Ông Joe Biden gặp ông Manmohan Singh ngày 23/7 (Reuters).

Các cuộc biểu tình bạo lực vẫn tiếp diễn tại Ai Cập giữa những người ủng hộ và những người phản đối Tổng thống bị lật đổ Morsi khiến nhiều người thiệt mạng và bị thương. Tình hình khiến cho cộng đồng quốc tế hết sức lo ngại và yêu cầu phải điều tra khẩn cấp. Các nước kêu gọi các bên tại Ai Cập  kiềm chế, đối thoại và hòa giải, đồng thời nhấn mạnh “bạo lực sẽ không phải là giải pháp cho Ai Cập hiện nay”. Trong ảnh: Những người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Morsi đem theo hình ảnh và biểu ngữ trong cuộc biểu tình (AP)


Hôm 27/7, hơn 1.000 tù nhân trốn khỏi nhà tù Koyfiya ở thành phố Benghazi của Libya. Vụ việc làm dấy lên những lo ngại rằng tình hình an ninh ở Benghazi có thể tiếp tục xấu đi trong khi thành phố lớn thứ hai của Libya này phải chứng kiến nhiều vụ đánh bom và ám sát nhằm vào các thẩm phán, các quan chức quân đội và cảnh sát từng làm việc dưới chế độ của nhà lãnh đạo bị lật đổ Moamer Gaddafi. Phát biểu trên truyền hình ngay sau vụ vượt ngục xảy ra, Thủ tướng Libya Ali Zeidan tuyên bố, tất cả các tù nhân trốn thoát sẽ bị truy nã trên toàn quốc, đồng thời ông đã ra lệnh đóng cửa biên giới nước này với Ai Cập. Trong ảnh: Nhân viên an ninh đi kiểm tra nhà tù (Press TV)



Từ 7h sáng 28/7, gần 9,7 triệu  cử tri Campuchia trên cả nước đã bắt đầu đi bỏ phiếu bầu cử Quốc hội nhiệm kỳ 5, và qua đó bầu ra Chính phủ mới lãnh đạo đất nước giai đoạn từ nay đến năm 2018. Có 8 đảng đăng ký tham gia tranh cử lần này. Tuy nhiên, cuộc chạy đua thực sự chỉ diễn ra giữa Đảng Nhân dân Campuchia cầm quyền và Đảng Cứu quốc Campuchia đối lập. Dự kiến kết quả bầu cử sơ bộ sẽ được công bố ngay trong tối cùng ngày. Trong ảnh: Thủ tướng Campuchia Hun Sen đi bỏ phiếu (Ảnh: Tuấn Anh/VOV-Phnompenh)


Cũng trong ngày hôm nay (28/7), hơn 6 triệu cử tri Mali đi bỏ phiếu để bầu chọn ra Tổng thống mới của nước này. Người dân Mali bày tỏ hi vọng cuộc bầu cử Tổng thống sẽ thúc đẩy tiến trình hòa giải và khôi phục trật tự hiến pháp vốn bị ngưng trệ sau cuộc đảo chính đầu 2012. Có 27 ứng cử viên tham gia tranh cử Tổng thống lần này nhưng không có ứng cử viên nào thực sự chiếm ưu thế. Vì vậy, nhiều chuyên gia phân tích dự đoán có thể phải diễn ra cuộc bầu cử vòng 2 vào ngày 11/8 tới. Trong ảnh: Một cử tri đang xem danh sách ứng cử viên (Reuters)

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên