Thế giới 7 ngày: Trung Đông bất ổn, Đông Bắc Á căng thẳng
Chủ Nhật, 19:01, 09/12/2012
(VOV) - Dù Triều Tiên tuyên bố có thể hoãn vụ phóng vệ tinh, Tổng thống Ai Cập nhượng bộ... nhưng căng thẳng vẫn tiềm ẩn.
Ngày 5/12, hãng tin NBC News dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, quân đội Syria đã nạp chất độc hóa học sarin vào bom của lực lượng không quân và sẵn sàng sử dụng những quả bom này ngay khi Tổng thống al-Assad ra lệnh. Cho đến nay, chính quyền của Tổng thống al-Assad vẫn bác bỏ mọi thông tin về việc quân đội Syria sẽ sử dụng vũ khí hóa học để chống lại người dân nước mình. Trái lại, ngày 8/12, trong 2 lá thư gửi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ) và Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Syria đã cảnh báo rằng, phe nổi dậy có thể sử dụng vũ khí hóa học sau khi lực lượng này giành quyền kiểm soát một nhà máy sản xuất chất clo độc tại phía Đông thành phố Aleppo. Trước thông tin này, Ngoại trưởng Mỹ Clinton cảnh báo: "Mối quan tâm của chúng ta là chế độ Assad đang ngày càng bế tắc có thể sẽ quay sang sử dụng vũ khí hóa học hoặc đánh mất quyền kiểm soát số vũ khí này vào tay các phiến quân”. Ngoại trưởng Mỹ cũng cảnh báo, đây sẽ là một "ranh giới đỏ" và những người vượt qua ranh giới này sẽ phải chịu trách nhiệm. Trong ảnh: Máy bay chiến đấu của Syria ném bom vào vị trí của phe nổi dậy (Ảnh: AFP/Getty Images). |
Cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 20 tháng qua tại Syria được dự báo sẽ ngày càng trầm trọng hơn. Cùng với việc xuất hiện những thông tin về khả năng chính quyền sẽ sử dụng vũ khí hóa học, các vụ đánh bom liều chết cũng ngày càng gia tăng. Ngày 2/12, tại tỉnh Homs, một quả bom phát nổ ngay gần nhà thờ hồi giáo Omar Bin al-Khattab khiến ít nhất 15 người thiệt mạng và 24 người khác bị thương. Một vụ đánh bom khác ngày 4/12 nhằm vào một trường học gần Damasus đã làm 29 học sinh và một giáo viên thiệt mạng. Các vụ đánh bom diễn ra hàng ngày tại Syria trong bối cảnh các phần tử cực đoan có vũ trang liên tiếp phát động các cuộc tấn công nhằm chống lại chính quyền Syria. Ngày 8/12, phe nổi dậy Syria tuyên bố sắp bao vây sân bay quốc tế ở Damascus để cắt đứt nguồn cung cấp vũ khí của chính quyền Syria. Trong ảnh: Một tay súng đối lập giao tranh với quân chính phủ tại thành phố Aleppo (Ảnh: AFP/Getty Images). |
Khủng hoảng chính trị tại Ai Cập có dấu hiệu hạ nhiệt sau khi tối 8/12, Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi đồng ý rút lại sắc lệnh Hiến pháp tuyên bố ngày 22/11 vừa qua. Quyết định này được đưa ra sau cuộc gặp giữa Tổng thống Mursi và các nhân vật chính trị trong nước và chỉ vài giờ sau khi quân đội Ai Cập kêu gọi đối thoại nhằm tránh cuộc khủng hoảng hiện nay diễn biến tồi tệ hơn. Tuy nhiên, quyết định của ông Mursi vẫn chưa thỏa mãn yêu cầu của phe đối lập. Bởi trên thực tế, ông Mursi vẫn quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về dự thảo hiến pháp gây tranh cãi vào ngày 15/12 sắp tới, một động thái được cho là kêu gọi sự ủng hộ đối với dự thảo vừa được rút lại. Hàng nghìn người biểu tình vẫn tụ tập tại quảng trường Tahrir tiếp tục gây sức ép với Tổng thống Mursi. Các cuộc biểu tình biến thành đụng độ trong tuần qua giữa những người phản đối và ủng hộ Tổng thống Mursi đã khiến 7 người thiệt mạng và hơn 640 người bị thương. Quân đội buộc phải triển khai xe tăng nhằm đảm bảo an ninh bên ngoài Phủ Tổng thống. Trong ảnh: Những người biểu tình phản đối Tổng thống Mursi tập trung tại quảng trường Tahir (Ảnh: EPA). |
Trong một diễn biến bất ngờ, sáng 9/12, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên KCNA cho biết, nước này đang cân nhắc hoãn kế hoạch phóng tên lửa tầm xa mang theo vệ tinh, trước đó dự kiến diễn ra trong khoảng từ 10 đến 22/12. KCNA dẫn lời Ủy ban Công nghệ Vũ trụ Triều Tiên cho biết, các nhà khoa học và kỹ sư nước này "đang cân nhắc một cách nghiêm túc khả năng hoãn phóng vệ tinh", song không cho biết lý do. Động thái trên của Triều Tiên có thể khiến tình hình đang căng thẳng tại khu vực Đông Bắc Á hạ nhiệt bởi vụ phóng vệ tinh sắp tới của Triều Tiên đã vấp phải sự phản đối của nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, bất chấp các động thái này của Triều Tiên, các nước như Mỹ, Nhật Bản vẫn chuẩn bị mọi kế hoạch nhằm đối phó với vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng. Mỹ đã triển khai các tàu hải quân để "giám sát chặt chẽ" vụ phóng tên lửa của Triều Tiên và dự phòng phương án đánh chặn. Các lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng được đặt trong tình trạng sẵn sàng ứng phó với mọi diễn biến có thể xảy ra quanh vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên. Bức ảnh trên được chụp bởi vệ tinh GeoEye ngày 4/12 tại bãi phóng Tongchang-ri của Triều Tiên (Ảnh: AP). |
Theo con số thống kê mới nhất, cho đến nay, đã có gần 600 người thiệt mạng khi cơn bão Bopha đổ bộ vào Philippines. Lực lượng cứu hộ đã tìm thấy ít nhất 300 thi thể người bị nạn tại tỉnh Compostela Valley, phía đông nam Philippines. Tại tỉnh láng giềng Davao Oriental, ít nhất 276 người được xác nhận đã chết do bão Bopha. Trong khi đó, số người mất tích 2 tại tỉnh này là gần 500, phần lớn trong đó là người tại tỉnh Compostela Valley. Để hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống sau bão, chính quyền các địa phương được phép sử dụng các quỹ khẩn cấp cho hoạt động cứu trợ và khắc phục hậu quả bão. Một quy định cấm tăng giá các mặt hàng thiết yếu cũng đã được thông qua và có hiệu lực ngay lập tức. Chính phủ Philippines đã gửi lực lượng và các hỗ trợ cần thiết tối các tỉnh chịu tác động nặng nề nhất của bão nhằm tìm kiếm các nạn nhân. Trong ảnh: Lực lượng cứu hộ sơ tán một phụ nữ mang thai và đứa con - những người sống sót sau khi bão Bopha tràn qua tỉnh Compostela Valley, miền nam Philippines (Ảnh: Reuters). |
Quan chức Thái Lan ngày 6/12 cho biết, cựu Thủ tướng nước này, ông Abhisit Vejjajiva sẽ phải đối mặt với việc bị truy tố về tội danh giết người, liên quan tới cái chết của một người lái taxi bị binh sĩ bắn chết trong cuộc tuần hành của phe “Áo Đỏ” năm 2010. Tuy nhiên, cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã phản bác lại việc ông bị truy tố tội giết người khi cho rằng quyết định này mang động cơ “chính trị”, đồng thời khẳng định rằng, việc đưa quân đội can thiệp cuộc biểu tình của phe Áo Đỏ hồi năm 2010 là nhằm khôi phục lại trật tự. Trong ảnh: Cựu Thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva (phải) và Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban - hai nhân vật đang phải đối mặt với cáo buộc giết người (Ảnh: Reuters). |
Căng thẳng giữa hai quốc gia láng giềng Pakistan và Afghanistan có chiều hướng gia tăng khi ngày 8/12, Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai khẳng định, vụ tấn công liều chết, làm Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Afghanistan (NDS) Asadullah Khalid bị thương, đã được lên kế hoạch từ nước láng giềng Pakistan, đồng thời tuyên bố sẽ nêu vấn đề này với phía Islamabad. Phản ứng trước tuyên bố của Tổng thống Afghanistan, chính phủ Pakistan khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Afghanistan trong điều tra vụ tấn công liều chết này song yêu cầu Tổng thống Afghanistan Karzai đưa ra các bằng chứng trước khi có những tuyên bố kiểu này. Trong ảnh: Cảnh sát Afghanistan bảo vệ hiện trường vụ tấn công liều chết nhằm vào Giám đốc NDS (Ảnh: Reuters). |
Nhiều quốc gia châu Âu đang phải vật lộn với điều kiện thời tiết khắc nghiệt khi tuyết rơi dày đặc đang khiến giao thông bị ngưng trệ, đặc biệt là giao thông hàng không. Nhiều chuyến bay ở châu Âu đã phải hủy bỏ sau khi tuyết rơi dày. Tuyết rơi dày tại nhiều thành phố châu Âu, trong đó Amsterdam là một trong những thành phố ảnh hưởng nặng nề nhất. Cũng như Hà Lan, miền Bắc nước Pháp, Bỉ và Đức cũng bị ảnh hưởng bởi tuyết rơi dày. Trong ảnh: Một chiếc ô tô bị tuyết phủ kín tại thủ đô Stockholm, Thụy Điển (Ảnh: AFP/Getty Images). |