Thế giới 7 ngày: Trung Đông- điểm nóng công luận

(VOV) -Bầu cử Tổng thống Iran, Mỹ quyết định trang bị vũ khí cho lực lượng đối lập Syria...

Kết thúc cuộc bầu cử Tổng thống Iran vòng 1 (đêm 15/6), ông Hassan Rowhani giành hơn 18,613 triệu phiếu ủng hộ, tương đương 50,7% tổng số phiếu. Theo đó, ông Rowhani, 64 tuổi, đã đắc cử trở thành tân Tổng thống thay thế ông Ahmadinejad kết thúc nhiệm kỳ. Người dân Iran rất kỳ vọng vào vị tân Tổng thống có thể tạo lên được sự thay đổi ở quốc gia này, trên cơ sở đặc điểm của dân tộc họ và phù hợp với tình hình quốc tế và khu vực hiện nay. 
Tuy nhiên, theo giới phân tích, nhiệm kỳ sắp tới của tân Tổng thống Rowhani dự đoán là sẽ gặp phải những khó khăn rất lớn, đặc biệt là trong giải quyết những thách thức trong vấn đề kinh tế, cũng như những khó khăn trong đối ngoại. Thách thức lớn nhất đối với tân Tổng thống là Iran phải từng bước gỡ bỏ được lệnh cấm vận, trừng phạt của phương Tây, cũng như các bất đồng liên quan đến chương trình hạt nhân của nước này. Trong ảnh: Ông Rowhani đắc cử hứa hẹn có nhiều thay đổi cho đất nước Iran (Ảnh ABC News)

Các cơ quan tình báo Mỹ ngày 13/6 khẳng định, Chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học với lượng nhỏ trong các cuộc giao tranh với các nhóm vũ trang. Các nguồn tin hôm 14/6 cho hay, Mỹ có khả năng sẽ gửi các loại vũ khí như súng phóng lựu và súng cối cho phiến quân Syria sau khi Tổng thống Barack Obama phê chuẩn việc vũ trang cho lực lượng nổi dậy. Đồng thời Mỹ cũng đang xem xét việc áp đặt một khu vực cấm bay tại Syria khi nước này đang cân nhắc các lựa chọn nhằm can thiệp trực tiếp vào cuộc nội chiến này. Đây có thể là một bước ngoặt lớn đối với cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 2 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Trong khi Chính phủ Syria lên tiếng phủ nhận và coi những tuyên bố của Mỹ là "dối trá", c
ộng đồng quốc tế bày tỏ lo ngại, động thái này của Mỹ sẽ khiến cuộc khủng hoảng tại Syria sẽ trở nên trầm trọng hơn. Trong ảnh: Phiến quân Syria (Ảnh RT)

Hôm 15/6, Tổng thống Ai Cập Mohamed Mursi đã tuyên bố cắt đứt mọi quan hệ với chế độ cầm quyền hiện tại SyriaPhát biểu tại Hội nghị "Chiến thắng của Syria" tổ chức tại sân vận động quốc gia Cairo, Tổng thống Ai Cập Mursi tuyên bố: "Hôm nay, Ai Cập quyết định cắt đứt mọi quan hệ với chế độ cầm quyền hiện nay tại Syria, đóng cửa Đại sứ quán Syria tại Cairo và rút đại biện lâm thời Ai Cập tại Syria về nước".
Dư luận khu vực đánh giá quyết định cắt đứt quan hệ với Syria của Tổng thống Ai Cập là bất ngờ vì "dường như đã có sự thay đổi quan điểm của Ai Cập về vấn đề Syria". Trong ảnh: Tổng thống Ai Cập được chào đón khi tham dự Hội nghị của Tổ chức Anh em Hồi giáo tại sân vận động Cairo hôm 15/6 (Reuters)

Các cuộc đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ trong những tuần qua đã làm ít nhất 5 người chết, trong đó có 1 cảnh sát và khoảng 5.000 người bị thương. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hôm 12/6 đã đề xuất tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân về một dự án phát triển tại công viên Gezi ở thành phố Istanbul, nguyên nhân chính gây ra các cuộc biểu tình lớn nhất trong 10 năm cầm quyền của Thủ tướng Tayyip Erdogan, song các cuộc biểu tình vẫn chưa hạ nhiệt. 
Ngày 15/6, sau khi Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ra "tối hậu thư" cảnh báo "người biểu tình phải nhanh chóng chấm dứt việc chiếm đóng công viên này hoặc lực lượng an ninh sẽ biết phải làm gì", Cảnh sát Thổ Nhĩ Kỳ đã dùng hơi cay và vòi rồng để giải tán người biểu tình khỏi công viên Gezi nằm dọc theo quảng trường Taksim ở trung tâm thành phố Istanbul của nước này. Trong ảnh: Người biểu tình đem ảnh của Mehmet Ayvalitas, một trong 5 người thiệt mạng trong các cuộc biểu tình, ngày 13/6 (Ảnh AP)


Chiều 11/6 (giờ Hy Lạp), chính phủ của Thủ tướng Samaras công bố quyết định đóng cửa Đài Phát thanh-Truyền hình ERT từ ngày 12/6. Ngay lập tức khoảng 2.700 nhân viên của Đài này rơi vào tình trạng thất nghiệp. Chính phủ Hy Lạp quyết định đóng cửa Đài Phát thanh-Truyền hình Quốc gia (ERT) do khó khăn tài chính và nhu cầu tiến hành cải cách theo chỉ đạo của bộ ba chủ nợ là IMF, EU, và Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tuy nhiên nhân viên đài ERT không chấp nhận thực tế này. Trong ảnh: nhân viên ERT vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình hôm thứ Sáu (14/6), bất chấp lệnh chính phủ phải đóng cửa hoạt động và sơ tán trụ sở. (Ảnh Reuter)

Tuần vừa rồi dư luận thế giới chấn động vì hàng loạt thông tin rò rỉ về các hoạt động ngầm của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) chuyên theo dõi trên quy mô lớn các hoạt động liên lạc điện tử (internet, điện thoại) của cả công dân Mỹ và thế giới. Người tiết lộ những thông tin này là Edward Snowden, 29 tuổi, từng làm việc cho 2 cơ quan tình báo thuộc loại “khủng” của Mỹ là CIA và NSA, hiện đang đối mặt với việc bị truy tố ở Mỹ sau khi anh ta gần đây tiết lộ các bí mật “động trời” về tình báo Mỹ.
Trong khi một số quan chức Nga bày tỏ mong muốn xem xét cho Snowden tỵ nạn tại nước này, gần đây nhất, báo giới Mỹ đưa tin Snowden đã biến mất khỏi khách sạn mà anh này đang trú ngụ tại Hong Kong sau khi có tin tức về việc phía Mỹ cố gắng dẫn độ anh ta về nước. Trong ảnh: Một người biểu tình ủng hộ Edward Snowden, cầm bảng hiển thị hình ảnh của Snowden và diễn viên Hồng Kông Jackie Chan trong một cuộc biểu tình tại Hồng Kông ngày 15/6/2013 (Reuters).


Tuần trước, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành đàm phán cấp chuyên gia tại làng Bàn Môn Điếm để chuẩn bị cho cuộc thảo luận cấp cao hơn giữa 2 bên nhằm xoa dịu căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, ngày 11/6 Bộ Thống nhất Hàn Quốc đưa ra thông báo cuộc đàm phán cấp cao giữa Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ không diễn ra theo đúng kế hoạch, dự kiến vào ngày 12/6 tại thủ đô Seoul, do những bất đồng về nghi thức.
Sáng Chủ Nhật 16/6, Triều Tiên đã bất ngờ đưa ra đề xuất đàm phán cấp cao với Mỹ. Chương trình nghị sự cuộc đàm phán có thể bao gồm các vấn đề giảm bớt căng thẳng quân sự trên bán đảo Triều Tiên, thay thế Hiệp ước đình chiến kết thúc Chiến tranh Triều Tiên bằng một hiệp ước hòa bình vĩnh viễn, quan điểm của Mỹ về thế giới không có vũ khí hạt nhân, và một số vấn đề các bên cùng quan tâm khác. Trong ảnh: cuộc đàm phán cấp chuyên gia giữa hai miền Triều Tiên hôm 10/6 (Ảnh Reuters).

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên