Thế giới đang ứng phó với biến thể Omicron như thế nào?
VOV.VN - Tiêm mũi vaccine tăng cường, áp đặt lệnh phong tỏa, siết chặt nhập cảnh,… là những biện pháp các quốc gia trên thế giới đang áp dụng để đối phó với biến thể đáng lo ngại Omicron.
Khi thế giới bước sang năm 2022, năm thứ 3 của đại dịch Covid-19, nhiều nước đang đối mặt với sự gia tăng số ca mắc bệnh do biến thể Omicron dễ lây truyền hơn gây ra.
Dưới đây là các biện pháp ứng phó với làn sóng lây nhiễm mới của siêu biến thể Omicron mà các quốc gia khác nhau đang thực hiện.
Tiêm mũi tăng cường
Israel, một trong những nước đi đầu trong việc triển khai tiêm vaccine Covid-19, đang một lần nữa đặt cược vào tiêm chủng. Đây là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiêm mũi thứ tư để chống lại biến thể Omicron.
Ở giai đoạn đầu, chỉ những người bị suy giảm miễn dịch mới được tiêm mũi vaccine thứ tư. Tuy nhiên, kể từ ngày 2/1, những người trên 60 tuổi và nhân viên y tế cũng đủ điều kiện để tiêm mũi thứ tư.
Năm 2021, Israel là quốc gia đầu tiên trên thế giới triển khai chương trình tiêm mũi tăng cường. Hiện tại, với các dữ liệu mới về hiệu quả của mũi vaccine thứ tư, sẽ có thêm nhiều nước khác xem xét áp dụng biện pháp này của Israel.
Ngày 4/1, Thủ tướng Israel Naftali Bennett cho biết, mũi tiêm thứ tư có thể làm tăng 5 lần lượng kháng thể chỉ sau một tuần sử dụng. Theo ông Bennett, điều này nghĩa là mũi tiêm tăng cường thứ tư có khả năng đáng kể ngăn chặn sự gia tăng số ca nhiễm mới, số ca nhập viện hoặc có triệu chứng nặng.
Áp đặt lệnh phong tỏa
Để kiểm soát làn sóng lây nhiễm Omicron, Hà Lan đã áp đặt lệnh phong tỏa trên phạm vi toàn quốc vào tháng 12/2021. Tất cả các cơ sở kinh doanh không thiết yếu phải đóng cửa cho đến ngày 14/1 và trường học sẽ đóng cửa cho đến ngày 9/1.
Biện pháp này đã ảnh hưởng đến kỳ nghỉ lễ dịp Giáng sinh và năm mới. Trong cuộc biểu tình ngày 2/1, hàng nghìn người ở thủ đô Amsterdam đã tụ tập trên đường phố để phản đối lệnh phong tỏa.
Vào tháng 11/2021, Áo cũng đã áp dụng lệnh phong tỏa toàn quốc trong 3 tuần. Biện pháp này đã giúp giảm số ca nhiễm SARS-CoV-2 mới tăng đột biến. Hiện tại, hầu hết các khu vực tại Áo chỉ áp dụng biện pháp này đối với những người chưa tiêm chủng. Những người này chỉ được phép ra khỏi nhà để tham gia các hoạt động thiết yếu như đi chợ hoặc đi khám bệnh.
Siết chặt nhập cảnh
Trong khi hầu hết các quốc gia châu Á chưa ghi nhận số ca nhiễm Omicron cao, nhưng khu vực này có nguy cơ đối mặt với đợt bùng phát mới. Ấn Độ đã chứng kiến sự gia tăng đáng kể số ca mắc Covid-19. Ngay sau khi ghi nhận các ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên, Nhật Bản và Thái Lan đã khôi phục các hạn chế đi lại trong những tuần gần đây.
Nhật Bản, quốc gia áp đặt biện pháp hạn chế nghiêm ngặt nhất, đã cấm hầu hết du khách nước ngoài nhập cảnh vào nước này. Tại Thái Lan, nơi có ngành du lịch bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch, người nước ngoài vẫn được phép nhập cảnh nhưng phải cách ly theo quy định. Chương trình “Xét nghiệm và Lên đường” (Test & Go), cho phép khách du lịch đã được tiêm chủng đầy đủ nhập cảnh vào Thái Lan bằng đường hàng không mà không phải cách ly, đã tạm ngừng.
Tranh cãi về thời gian cách ly
Sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh, Đức đã đưa ra những hạn chế mới đối với các cuộc tụ tập đông người và cấm tổ chức các sự kiện quy mô lớn để sẵn sàng ứng phó với một làn sóng lây nhiễm Omicron có thể xảy ra.
Mặc dù vậy, chính phủ Đức đang thảo luận xem có nên rút ngắn thời gian cách ly 14 ngày đối với những người có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 hoặc phơi nhiễm với virus hay không. Các chuyên gia cho biết, họ lo ngại về gánh nặng đối với cơ sở hạ tầng thiết yếu như y tế, cảnh sát và cứu hỏa nếu có quá nhiều người phải cách ly cùng một lúc.
Đức có thể sẽ áp dụng phương pháp mà Pháp và Tây Ban Nha đang thực hiện, đó là giảm thời gian cách ly từ 10 ngày xuống 7 ngày. Tại Pháp, thay đổi về thời gian cách ly chỉ áp dụng cho những người đã tiêm chủng và con số này có thể giảm xuống 5 ngày nếu họ có chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính với SARS-CoV-2.
Trong khi Đức thảo luận về việc rút ngắn thời gian cách ly, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đang xem xét có nên kéo dài thời hạn này hay không.
Hiện tại, những người mắc Covid-19 hoặc phơi nhiễm với virus tại Mỹ phải cách ly trong 5 ngày. Một số chuyên gia cho rằng hướng dẫn y tế này chỉ chú trọng đến năng suất làm việc của nhân viên thay vì sức khỏe của họ. Thời gian cách ly ngắn 5 ngày có thể dẫn đến tình trạng người dân trở lại làm việc trong khi vẫn có khả năng lây nhiễm cho người khác./.