Thế giới “run rẩy” trước nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ
VOV.VN - Điều đáng sợ chính là không ai biết những gì có thể xảy ra trên thực tế khi nước Mỹ vỡ nợ bởi vì việc này chưa có tiền lệ.
Cho đến nay, các nhà lập pháp của Mỹ vẫn chưa thống nhất kế hoạch ngăn chặn nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ và chấm dứt việc Chính phủ đóng cửa suốt 2 tuần qua, khi đảng Dân chủ và Cộng hòa vẫn tiếp tục bất đồng.
Nước Mỹ sẽ phải đối mặt với viễn cảnh u ám nếu 2 đảng trong Quốc hội không đạt được thỏa thuận về trần nợ công (Ảnh: AP) |
Hãng tin AFP đưa tin, ngày 13/10, Thượng viện Mỹ tiếp tục nhóm họp để tìm giải pháp mở đường cho chính quyền liên bang tái hoạt động và nâng trần nợ công. Trước đó, hôm 12/10, lần đầu tiên sau nhiều tháng, lãnh đạo phe Dân chủ chiếm đa số tại Thượng viện Harry Reid đã có cuộc hội đàm với lãnh đạo phe thiểu số Mitch McConnell thuộc đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, cuộc gặp không hề đạt được bất kỳ sự thống nhất nào.
Theo hãng tin Bloomberg, các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Thượng viện đã từ chối kế hoạch của đảng Dân chủ, muốn nâng trần nợ đến hết năm 2014. Trong khi đó, Tổng thống Barrack Obama cũng không chấp nhận kế hoạch nâng trần giới hạn nợ trong vòng 6 tuần của đảng Cộng hòa tại Hạ viện. Tổng thống Obama bác bỏ kế hoạch này vì cho rằng, nâng trần nợ ngắn hạn trong khi vẫn đàm phán ngân sách có thể khiến bế tắc lặp lại.
Ngày 17/10 tới, chính phủ Mỹ sẽ chính thức cạn ngân sách. Mặc dù cho đến thời điểm này, các nhà phân tích cũng như thị trường tài chính vẫn tin rằng, cuối cùng các nghị sỹ trong quốc hội Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận về trần nợ công. Tuy nhiên, khi thời hạn chót đã cận kề vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy tình hình sẽ được cải thiện, viễn cảnh Washington vỡ nợ dù khó xảy ra nhưng không thể loại trừ.
Trần nợ công là gì?
Trần nợ công là giới hạn tổng số tiền mà chính phủ liên bang Mỹ được phép vay nợ do các nhà lập pháp Mỹ đặt ra. Giới hạn này áp dụng cho các khoản nợ công chúng (bất kỳ người nào mua trái phiếu Mỹ) cộng thêm các khoản nợ các quỹ ủy thác của chính phủ liên bang như quỹ an ninh xã hội và y tế.
Tháng 8/2013, Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Jack Lew đưa ra cảnh báo rằng nước Mỹ đã chạm trần nợ từ tháng 5 và họ đã phải thực hiện "hàng loạt biện pháp phi thường" để có thêm 303 tỷ USD tiếp tục chi trả cho các hoạt động của đất nước. Tuy nhiên, các biện pháp này sẽ hết hiệu lực vào ngày 17/10 tới. Sau ngày này, Mỹ sẽ chỉ còn 30 tỷ USD và một khoản doanh thu thuế nhỏ, không đủ thanh toán cho số chi phí có thể lên tới 60 tỷ USD.
Các nhân viên liên bang phải nghỉ việc vì Chính phủ đóng cửa biểu tình ở Washington (Ảnh: EPA) |
Theo quy định của luật pháp Mỹ, Tổng thống Mỹ không có quyền thiết lập giới hạn trần nợ công mà chỉ có các nhà lập pháp trong Thượng viện và Hạ viện mới có quyền này. Các nghị sĩ sẽ đưa ra một đạo luật trong đó quy định tổng số tiền mà Bộ Tài chính có thể vay mượn.
Kể từ năm 1940 cho đến nay, Quốc hội Mỹ đã 79 lần phê chuẩn việc thay đổi giới hạn trần nợ liên bang. Tuy nhiên, những đề xuất thay đổi trần nợ công trước đây thường được thông qua suôn sẻ mà không gây ra nhiều tranh cãi.
Tuy nhiên, kể từ khi đảng Dân chủ mất quyền kiểm soát Hạ viện vào tay đảng Cộng hòa năm 2010, cuộc chiến ngân sách giữa hai đảng đã trở thành chuyện không phải hiếm. Lần gần đây nhất là tháng 8/2011, các nhà làm luật đã mất hàng tháng mới đạt thỏa thuận nâng trần nợ công, chỉ chưa đầy 24 giờ trước khi Mỹ chính thức rơi vào cảnh vỡ nợ.
Nước Mỹ sẽ ra sao khi bị vỡ nợ?
Điều đáng sợ chính là không ai biết những gì có thể xảy ra trên thực tế khi nước Mỹ vỡ nợ bởi vì điều này chưa từng có tiền lệ. Các nhà đầu tư trên thế giới cho Mỹ vay tiền thông qua việc mua trái phiếu kho bạc của nước Mỹ. Về lý thuyết, nếu Mỹ không trả lãi suất cho các khoản vay thì sẽ gây ra một làn sóng thu hồi vốn của các nhà đầu tư.
Các hệ quả có thể rất phức tạp và chắc chắn sẽ không mang lại bất cứ lợi ích nào cho nước Mỹ. Thị trường tài chính sẽ chìm nghỉm, các công tác đảm bảo an ninh xã hội bị giới hạn và nền kinh tế gần như chắc chắn rơi vào một cuộc đại khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế.
Tổng thống Obama đang cùng lúc phải đương đầu với muôn vàn khó khăn (Ảnh: AP) |
Các doanh nghiệp Mỹ có hợp đồng liên quan đến khu vực công bị ảnh hưởng trực tiếp khi vướng phải sự chậm trễ trong thanh toán, dẫn đến phá sản và do đó tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên, gây bất ổn về mặt xã hội.
Những hệ lụy khác có thể tác động đến nền kinh tế Mỹ như thị trường chứng khoán lao dốc, ngân hàng ngừng cho vay khiến nước Mỹ mất vị thế trên thị trường toàn cầu. Mức độ nhạy cảm của thị trường chứng khoán Mỹ trước những tác động đã được chứng minh trong 2 phiên giao dịch cuối tuần qua. Theo đó, chỉ số Dow Jones tăng tới hơn 300 điểm ngay khi có thông tin về việc giới hạn trần nợ có thể được nới rộng trong vòng 6 tuần.
Theo ước tính, các ngân hàng Mỹ nắm giữ khoảng 1.850 tỷ USD các khoản nợ khác nhau được Chính phủ Mỹ bảo lãnh. Như vậy nếu Chính phủ vỡ nợ, hậu quả sẽ vô cùng tệ hại.
Một trong những ảnh hưởng nguy hiểm khác là làn sóng bán tháo đồng USD, điều này sẽ giáng đòn nặng nề vào vị trí đồng tiền dự trữ toàn cầu của đồng USD. Vật giá cũng tăng lên và sức mua của người tiêu dùng giảm xuống. Những người mua nhà thế chấp và người có kế hoạch mua nhà sẽ bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng của lãi suất.
Những số liệu thống kê của Viện nghiên cứu phúc lợi xã hội người lao động của Mỹ cho thấy, trong giai đoạn diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính 2008, các chỉ số chứng khoản Mỹ đã lao dốc không phanh. Chỉ số S&P mất 37% trong một năm khiến những người về hưu đổ tiền đầu tư vào chứng khoán bị tổn thất nặng nề. Các nhà phân tích dự đoán rằng, nếu nước Mỹ vỡ nợ, giá cổ phiếu Mỹ có thể sẽ giảm từ 10 - 20%.
Ước tính của Bộ tài chính Mỹ cho hay, chính phủ nước này còn đủ tiền để thanh toán khoản chi trả an sinh xã hội 12 tỷ USD đến hạn vào đúng ngày 17/10. Tuy nhiên, Bộ Tài chính Mỹ sẽ không có khả năng chi trả các khoản an sinh xã hội trị giá 25 tỉ USD đáo hạn vào ngày 1/11 và sẽ càng xa vời hơn khi tính đến chuyện chi trả các khoản an sinh xã hội trị giá 30 tỉ USD đáo hạn vào ngày 15/11.
Khủng hoảng trần nợ công ở Mỹ tác động xấu đến nền kinh tế thế giới
Bởi thế mà tại Hội nghị của các quan chức tài chính Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) diễn ra từ 10-11/10 cũng như Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) trong các ngày 11-13/10, chủ đề chính được đưa ra bàn thảo chính là bế tắc chính trị tại Mỹ xung quanh vấn đề ngân sách và trần nợ.
Vấn đề trần nợ của Mỹ phủ bóng lên cuộc họp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) (Ảnh: AP) |
Thông qua những hội nghị này, các chuyên gia đã đưa ra cảnh báo về những ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu nếu nước Mỹ vỡ nợ.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới, Jim Yong Kim, đã kêu gọi các nhà hoạch định chính sách của Mỹ nhanh chóng đạt được thỏa thuận nâng trần nợ công của Chính phủ trước hạn chót ngày 17/10. Ông Kim cho rằng, nước Mỹ đang tiến gần hơn tới “thời khắc rất nguy hiểm” và cảnh báo nếu nước Mỹ vỡ nợ có thể sẽ là “sự kiện thảm họa với thế giới”.
Phát biểu tại cuộc họp thường niên của Ngân hàng Thế giới ở Washington, ông Jim Yong Kim nói: “Càng gần đến thời hạn chót, chúng tôi càng thấy rõ hơn những tác động của nguy cơ nước Mỹ vỡ nợ với sự phát triển của thế giới. Nếu không có giải pháp kịp thời có thể dẫn đến việc tăng lãi suất, lòng tin của nhà đầu tư sụt giảm và hãm đà tăng trưởng”.
Ông Kim nói thêm: “Nếu nước Mỹ không đạt được thỏa thuận trước hạn chót, đó có thể là một sự kiện tai hại cho các nước đang phát triển và làm tổn thương nhiều nền kinh tế phát triển khác trên thế giới”.
Trước đó, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cũng đã cảnh báo nếu Mỹ không gia hạn được trần nợ trước ngày 17/10 thì không chỉ nước này phải hứng chịu thiệt hại về kinh tế mà còn gây hậu quả cực kỳ nặng nề đối với nền kinh tế toàn cầu.
Bà Lagarde cho biết, IMF không thể đưa ra đề xuất giải quyết vấn đề song điều mà thể chế tài chính này phải làm lúc này là chuẩn bị đối phó tốt nhất với tình huống xấu nhất là Mỹ bị vỡ nợ. Bà Lagarde hy vọng sự chuẩn bị đó sẽ là thừa và những cảnh báo tồi tệ sẽ không trở thành hiện thực.
Bà Lagarde nói: "Sự thiếu chắc chắn, thiếu tin tưởng vào nước Mỹ" sẽ phá vỡ nền kinh tế thế giới.
Ông Baudouin Prot, chủ tịch của ngân hàng Pháp BNP Paribas phát biểu tại một cuộc họp của Viện Tài chính Quốc tế cho rằng: “Hậu quả của điều này (Mỹ bị vỡ nợ) thực sự là một thảm họa”.
Trong khi đó ông Wolfgang Schäuble, Bộ trưởng Tài chính Đức thì kêu gọi: "Bế tắc tài chính phải được giải quyết ngay lập tức và không chậm trễ”.
Rõ ràng là với đại đa số các quốc gia trên thế giới, việc Mỹ bị vỡ nợ là điều không hề mong muốn. Đối với châu Âu, những bế tắc hiện nay của Mỹ có thể gây tổn hại đến các nước thuộc khối đồng Euro (Eurozone) trong bối cảnh họ đang cố gắng kiểm soát các vấn đề nợ công của mình và tăng cường phục hồi kinh tế.
Nước Anh cũng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi suy thoái kinh tế Mỹ. Nhiều mặt hàng xuất khẩu của Anh sang Mỹ, đặc biệt là hàng hóa sản xuất. Nếu không có tăng trưởng ở Mỹ, sự phục hồi mong manh của Vương quốc Anh sẽ bị tổn thương.
Hậu quả nhãn tiền nếu nước Mỹ bị vỡ nợ đã được kiểm chứng khi chỉ trong vòng 2 tuần Chính phủ Mỹ bị đóng cửa Tập đoàn công nghệ quốc phòng lớn nhất Vương quốc Anh là BAE Systems, đơn vị sử dụng lao động lớn nhất Anh quốc đã buộc phải cho nghỉ việc 1.200 nhân viên ở Washington.
Công ty sản xuất vũ khí Chemring thì cho hay, giá trị cổ phiếu của họ trên trên sàn giao dịch đã giảm mạnh và nếu tình trạng này còn tiếp diễn thì lợi nhuận của công ty sẽ bị ảnh hưởng. Trong khi đó, công ty dịch vụ an ninh G4S, và Serco - hãng cung cấp dịch vụ nhân sự cho chính phủ tiết lộ, toàn bộ nhân sự ở Mỹ của họ đã phải tạm thời nghỉ việc vô thời hạn.
Trong một bài xã luận, hãng thông tấn Trung Quốc Tân Hoa xã đã gọi cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Mỹ là “nguy hiểm và vô trách nhiệm” khi các chính trị gia nước Mỹ “bắt cóc” phần còn lại của thế giới. Người Đức cũng tỏ ra lo lắng không kém, ông Anton Boner, chủ tịch Hiệp hội Bán buôn và Ngoại thương Đức (BGA) nói: “Nếu người Mỹ tự bắn vào chân họ, đó là rất nguy hiểm cho nền kinh tế toàn cầu và tất nhiên là cho cả xuất khẩu của nước Đức”.
Trong khi đó, Báo Độc lập của Nga có bài viết cho rằng, nếu nước Mỹ vỡ nợ, Nga chắc chắn sẽ phải chịu những tác động nghiêm trọng tương tự như những gì đã xảy ra hồi năm 1998 và năm 2008. Nếu Mỹ không thể xử lý vấn đề trần nợ công, Nga có thể sẽ phải đối mặt với viễn cảnh đen tối khi giá dầu và tỷ giá đồng rúp giảm, không thể thanh toán tiền lương cho người lao động, các công ty bị đình trệ sản xuất và đứng bên bờ vực phá sản.
Để trấn an các nền kinh tế thế giới, Bộ trưởng tài chính Mỹ Jack Lew khẳng định sẽ tiếp tục duy trì vai trò của Mỹ như là “mỏ neo của hệ thống tài chính quốc tế” đồng thời đảm bảo các quan chức chính quyền Washington đang làm hết sức để có thể đạt được giải pháp mở cửa lại Chính phủ và tăng giới hạn trần nợ công.
Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov, nước đang giữ chức chủ tịch luân phiên của G20 cũng cho biết, G20 không có kế hoạch khẩn cấp nào được thảo luận theo nhóm để đối phó với những tác động tiềm tàng đến nền kinh tế toàn cầu khi nước Mỹ vỡ nợ. Ông Siluanov nói: “Chúng tôi tin tưởng chính quyền Mỹ sẽ tìm được lối thoát khỏi tình hình hình phức tạp hiện nay”./.