Thế yếu khó chống đỡ của Ukraine một khi Nga quyết ra tay về mặt quân sự
VOV.VN - Mặc dù phương Tây liên tục chỉ trích và hăm dọa Nga, trên thực tế họ không làm được nhiều để giúp đỡ Ukraine về cả kinh tế và quân sự. Quân đội Nga một khi ra tay thì họ có nhiều khả năng sẽ thọc sâu được vào lãnh thổ Ukraine một cách dễ dàng.
Phương Tây nhùng nhằng còn Nga có thể ra đòn chớp nhoáng
Mỹ và phương Tây cho tới nay vẫn chưa thể ép được Nga rút quân khỏi vùng biên giới với Ukraine. Trong trường hợp cần ra tay, quân đội Nga có đủ năng lực vượt biên đánh thọc tới sông Dnieper trong giai đoạn đầu chiến dịch. Nga có khả năng dễ dàng ổn định tình hình hậu chiến do bờ đông của con sông này chịu ảnh hưởng lớn của người Nga và Nhà thờ Chính thống giáo.
Chiến dịch đó nếu xảy ra thì sẽ phải kéo dài trong vòng 3 đến 7 ngày. Thời điểm thích hợp cho một cuộc can thiệp quân sự của Nga là tháng 5 và tháng 6 khi mùa tan băng đã qua, thay vì vào tháng 1 hoặc tháng 2/2022 như dự đoán của tình báo Mỹ. Khi ấy thời gian có ánh sáng mặt trời sẽ kéo dài và điều này thuận tiện cho hoạt động của cả quân nhân và thiết bị cơ giới. Khi thời tiết lạnh giá, cả người và thiết bị sẽ gặp nhiều sự cố hơn.
Các nước khối quân sự NATO dường như không kiên định trong việc ủng hộ Ukraine, vì họ vẫn trả tiền cho Nga để mua khí đốt của nước này. Nếu Mỹ và phương Tây áp lệnh trừng phạt lên Nga, họ sẽ đẩy Nga ngả sang Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Theo một số báo cáo, Nga gần đây đã tập hợp 100.000 quân ở vùng biên giới với Ukraine và tổ chức các cuộc tập trận chung với Belarus. Cùng với Crimea, Nga đã tạo áp lực quân sự lớn lên Ukraine từ 3 hướng. Mỹ và Nga đã bắt đầu đàm phán ở cấp độ tổng thống và ngoại trưởng nhưng kết quả chỉ là “kỳ vọng cho các cuộc thương thuyết tiếp theo”.
Ukraine là đất nước lớn thứ 2 ở châu Âu xét về diện tích trên bộ - Ukraine thậm chí còn lớn hơn cả Pháp hoặc Đức. Cự ly theo đường chim bay từ biên giới Ukraine đến thủ đô Moscow của Nga chỉ khoảng 450km. Bằng đường bộ, khoảng cách này là 490km.
Kể từ khi xảy ra Cách mạng Cam ở Ukraine, phương Tây đã mở rộng mạnh mẽ phạm vi ảnh hưởng của mình. Nhưng đồng thời phương Tây không muốn gánh lấy gánh nặng từ nền kinh tế yếu kém của Ukraine.
Xung đột thường xuyên xảy ra ở miền Đông Ukraine đã khiến quốc gia Đông Âu này ở vào thế bỏ thì thương vương thì tội đối với nhiều nước bên ngoài. Vấn đề Crimea đã trở thành một tình huống khó xử đối với phương Tây: Phương Tây không có ý định giúp Ukraine tái chiếm Crimea, cũng không thừa nhận thực tế Nga đã sáp nhập vùng này. Trong thế tiến thoái lưỡng nan này, phương Tây ngày càng lún sâu vào “bãi mìn” Ukraine, và tình hình thì ngày càng tệ đối với họ.
Phương Tây chỉ cung cấp hỗ trợ chính trị cho Ukraine bằng miệng, chứ không phải là sự hỗ trợ kinh tế trọng yếu và thực chất. Phương Tây có cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng chỉ là trên quy mô nhỏ. Hiện nay phương Tây đang tập trung cung cấp tư vấn và huấn luyện quân sự cho Ukraine. Tuy nhiên, dù phương Tây có giỏi quân sự đến cỡ nào chăng nữa thì tri thức quân sự của họ có lẽ chỉ phù hợp nhiều với các nước NATO chứ không phải là Ukraine.
Đào tạo lại quân đội Ukraine là điều bất khả thi. Quân đội Mỹ đã huấn luyện quân đội Afghanistan tới 20 năm nhưng rốt cuộc binh sĩ Afghanistan đã tháo chạy trước cả khi kẻ thù của họ - Taliban, tiến tới.
Kịch bản Nga động binh vào mùa hè, sử dụng lục quân là chính
Trên thực tế, Mỹ không làm được nhiều ngoài việc hăm dọa. Các lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không đe dọa được Tổng thống Nga Putin. Mỹ muốn Nga tính đến hậu quả của hành động quân sự, nhưng với Nga, không có hậu quả nào nghiêm trọng hơn việc phương Tây gí gươm vào đầu Nga (hàm ý việc NATO mở rộng đến sát biên giới với Nga - ND).
Kịch bản mới mà Mỹ nêu ra là khả năng cận kề Nga xâm lược Ukraine chỉ trong tháng 1 hoặc tháng 2/2022, để gây áp lực lên Nga. Nếu Nga chưa ra tay, Mỹ sẽ thay đổi lịch trình trong kịch bản của mình chừng nào Nga chưa rút quân khỏi biên giới. Nếu Nga phát động tiến công Ukraine, điều đó sẽ chứng tỏ các phủ nhận của Nga trước đây là sai, đẩy Nga vào chỗ là bên sai.
Nhưng ý đồ đó gần như là không thể tác động lên tiến trình ra quyết định của Nga. Chỉ có Nga quyết định được liệu mình có nên tấn công hay không. Trước mắt, mùa đông không phải là thời điểm lý tưởng nhất để thực hiện tấn công. Vào mùa hè, thời gian có nắng kéo dài hơn và phù hợp cho hoạt động tác chiến. Chiến dịch Barbarossa (phát xít Đức mở màn xâm lược Liên Xô) và trận chiến Kursk đều được phát động vào mùa hè.
Việc Nga triển khai quân ở biên giới là phản ứng của họ trước việc trước đó Ukraine triển khai quân ở miền Đông Ukraine. Nga không chịu ngồi yên nhìn quân đội Ukraine tiến vào miền Đông Ukraine, nơi có nhiều người tộc Nga sinh sống.
Nga nhiều lần tuyên bố họ không có ý định chủ động tấn công. Vậy nếu Nga rơi vào tình huống khiến họ phải nổ súng, họ sẽ lựa chọn phương án nào?
Không quân Nga mạnh hơn nhiều so với không quân Ukraine nhưng tác chiến đường không không phải là điểm mạnh của Nga. Trong chiến dịch Nga tiến công Gruzia trước đây, không quân Nga chỉ được huy động để yểm trợ. Tình hình tương tự có thể xảy ra ở Ukraine. Hải quân Nga còn yếu hơn nữa. Hạm đội Biển Đen từng là điểm yếu nhất của Nga thời Liên Xô và bây giờ vẫn vậy.
Nếu Nga động thủ thì cuộc tấn công đó nhiều khả năng sẽ xảy ra chủ yếu trên bộ. Lục quân Nga không chỉ có lợi thế áp đảo mà còn gần như vây quanh Ukraine, ở cả 3 mặt.
Lãnh thổ bằng phẳng của Ukraine rất phù hợp cho lục quân Nga sử dụng hiệu quả lực lượng thiết giáp. Thời Thế chiến II, sông Dnieper không ngăn được cuộc tấn công của Đức Quốc xã cũng như không chặn được cuộc phản công của Hồng quân Liên Xô sau đó. Ngày nay, con sông này đơn thuần chỉ là đường phân tuyến địa lý./.