“Thiên hạ đại loạn”, Trung Quốc hưởng lợi trong cuộc đối đầu với phương Tây?
VOV.VN - Theo cách nhìn của giới lãnh đạo Trung Quốc hiện nay, đại dịch Covid-19 dường như đã tạo lợi thế để Trung Quốc bứt phá trước phương Tây nhờ vào việc Trung Quốc đã kiểm soát tốt đại dịch.
Lời dạy từ khai quốc công thần
Cố lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông từng nói rằng “Khi thiên hạ đại loạn, tình hình sẽ tuyệt vời” để giải thích cho quyết định của ông phát động cái gọi là cuộc “Đại Cách mạng Văn hóa” nhằm xây dựng một trật tự mới bên trong Trung Quốc vào thập niên 1960 và 1970. Dịp khác, ông Mao lại nói rằng “hỗn loạn lớn sẽ dẫn tới sự cầm quyền lớn”.
Tua nhanh thời gian về ngày nay, những lời giáo huấn trên của ông Mao Trạch Đông dường như đang vang vọng với ban lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc khi họ đang đối đầu với phương Tây trong việc hình thành một trật tự quốc tế mới trong bối cảnh hỗn loạn do đại dịch Covid-19 gây ra. Đại dịch viêm đường hô hấp cấp này vẫn chưa biết điểm dừng, vẫn đang tàn phá nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là Ấn Độ.
Đương kim Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - nhà lãnh đạo Trung Quốc quyền uy nhất tại Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông, cũng không thấy điểm kết thúc trước mắt của đại dịch Covid-19 và cảm nhận được đây là cơ hội để Trung Quốc tận dụng.
Trong một bài phát biểu vào tháng 1/2021, ông Tập nói rằng “Thế giới có thể mô tả bằng một từ tiêu biểu là ‘hỗn loạn’, và xu hướng này có vẻ sẽ tiếp tục”. Toàn văn bài phát biểu của ông Tập mới được xuất bản vào cuối tháng 4/2021.
Về việc xử lý đại dịch Covid-19, Tập Cận Bình cho rằng người ta dễ dàng phán xét mức độ hiệu quả của nghệ thuật quản trị và lợi thế thể chế của các nước khác nhau. Ông Tập ám chỉ Trung Quốc đã khống chế dịch bệnh thành công trong khi nhiều nước khác lại chật vật với đại dịch này.
“Thời gian và xung lực đang nghiêng về phía chúng ta. Đây là chỗ chúng ta thể hiện niềm tin, sự kiên cường, cũng như quyết tâm và sự tự tin của chúng ta”, ông Tập nói.
Chuyển hướng kinh tế, đề cao nội lực
Vào ngày 11/1/2021, Chủ tịch Tập triệu tập một cuộc họp các bộ trưởng và bí thư tỉnh ủy để tập hợp sự ủng hộ cho quyết định của ban lãnh đạo trung ương chuyển trọng tâm sang tự lực cánh sinh và phát triển thị trường nội địa sau một phiên họp toàn thể của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cuộc họp đó diễn ra ngay trước lễ nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Chiến lược “tuần hoàn kép” (chiến lược kinh tế hướng nội) của Trung Quốc xuất hiện khi Trung Quốc quan sát thấy sự thay đổi trong tình hình thế giới hiện nay, đặc biệt là do tác động của đại dịch Covid-19.
Theo lời ông Tập Cận Bình, ông nhận thấy “chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy một phần” vào đầu năm 2020, khi ông thị sát tỉnh duyên hải Chiết Giang trong bối cảnh virus SARS-CoV-2 (gây bệnh Covid-19) đang lan rộng ra toàn cầu. Đại dịch này khi đó đã gây khó cho nền kinh tế nội địa của Trung Quốc, “nhiều công ty địa phương không tìm được nguồn cung các nguyên liệu từ nước ngoài, còn chuyên gia nước ngoài thì lại không nhập cảnh được, hàng hóa trong nước cũng không xuất khẩu được”.
Thực tế này đã dẫn ông Tập khi ấy tới chỗ kết luận rằng “hoàn cảnh giờ đã rất khác” và mô hình cũ nhập khẩu lượng lớn nguyên liệu để chế biến rồi tái xuất khẩu không còn hữu dụng nữa. Từ đó, ông Tập quyết định Trung Quốc cần phụ thuộc ít hơn vào thế giới bên ngoài.
Giải thích trên của ông Tập phản ánh tư duy chiến thuật và chiến lược của ban lãnh đạo Trung Quốc – dựa vào thị trường nội địa là điều thiết yếu trong lúc phát động cuộc chiến kép tái khởi động nền kinh tế quốc dân và ngăn chặn SARS-CoV-2.
Nền kinh tế Trung Quốc những tháng sau đó dường như chứng minh hiệu quả trong sách lược của ông Tập.
“Chừng nào chúng ta còn tự lực cánh sinh được và duy trì được dòng chảy năng động của hàng hóa và dịch vụ trong nước, thì chúng ta sẽ vô địch bất kể cơn bão thay đổi thế nào trên trường quốc tế... Chúng ta sẽ tồn tại và tiếp tục phát triển, không ai có thể đánh bại hoặc bóp nghẹt chúng ta đến chết”.
Thông điệp cứng rắn tới Mỹ
Bài diễn văn hồi tháng 1 của Chủ tịch Tập Cận Bình được Trung Quốc công bố vào ngày 30/4/2021 vừa qua – thời điểm chưa đầy 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ Biden phát biểu trước Quốc hội Mỹ nhân dịp 100 ngày Biden nhậm chức, trong đó Biden định nghĩa cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ là cuộc đấu tranh giữa nền dân chủ và bên đối lập.
Bài phát biểu của ông Tập Cận Bình định hướng cho việc chơi “ván bài lâu dài” bất chấp việc Washington đẩy mạnh các nỗ lực hình thành các mối quan hệ đối tác gần gũi hơn với các đồng minh để đối đầu với Trung Quốc tại các điểm nóng như Tân Cương và Đài Loan.
Điều này có lẽ giải thích vì sao kể từ đó, một vài quan chức cấp cao của Trung Quốc bắt đầu nói rằng “phương Đông đang đi lên còn phương Tây đang lụi dần”. Đây cũng là lý do tại một cuộc họp các quan chức cấp cao 2 nước ở Alaska (Mỹ) vào tháng 3/2021, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc, ông Dương Khiết Trì, “quật lại” Washington bằng cách nói rằng Mỹ không còn có thể “nói chuyện với Trung Quốc từ vị thế sức mạnh” nữa.
Mới đây tờ South China Morning Post đưa tin nói rằng quan chức hàng đầu của Mỹ về châu Á, Kurt Campbell, có phát biểu rằng Mỹ có khả năng phải chuẩn bị cho kịch bản là Trung Quốc không chịu thay đổi hành vi. Ông Campbell nhận xét rằng chính sách đối ngoại của Bắc Kinh đang “trong quá trình chuyển hóa đáng kể”./.