Thiết lập vùng an toàn, vấn đề Syria sẽ được giải quyết?
VOV.VN - Câu hỏi đặt ra hiện nay vẫn là liệu Thỏa thuận thiết lập vùng an toàn mà các bên vừa đạt được có thể giúp chấm dứt xung đột Syria hay không.
Trong khuôn khổ vòng hòa đàm Syria diễn ra tại thủ đô Astana của Kazakhstan hôm qua (4/5), đại diện phái đoàn Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã ký bản ghi nhớ về thiết lập vùng an toàn tại Syria. Thỏa thuận, cho phép thiết lập 4 vùng an toàn ở miền Bắc, miền Trung và miền Nam Syria được coi là nỗ lực mới nhất của các bên nhằm giảm tình trạng bạo lực kéo dài suốt 6 năm qua tại quốc gia Trung Đông này.
Quang cảnh buổi hòa đàm Syria ở Astana. (Ảnh: yenisafak)
Các vùng an toàn ở Syria sẽ bao gồm tỉnh Idlib, một phần tỉnh Aleppo, vùng El-Rastan thuộc tỉnh Homs, một phần thủ đô Damascus và một phần của tỉnh Daraa. Biên bản ghi nhớ kêu gọi dừng giao tranh, trong đó có các cuộc không kích của chính phủ, phân phát hàng viện trợ trong hoặc xung quanh khu vực đệm.
Thỏa thuận cũng kêu gọi các bên đối phó với nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Al-Qaeda tại Syria. Theo phía Nga, thỏa thuận Astana có thể có hiệu lực từ ngày mai (6/5) và không quân Syria sẽ tránh các khu vực được bảo vệ.
Kế hoạch này ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh quốc tế. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres cho rằng thành lập khu vực an toàn sẽ cải thiện cuộc sống của người dân. Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Staffan de Mistura cũng gọi đây là một bước đi theo định hướng đúng đắn.
“Điều quan trọng nhất đó là sáng kiến đưa ra là một định hướng đúng đắn, bởi vì nó đưa ra các bước đi cụ thể nhằm giảm căng thẳng ít nhất tại 4 khu vực ở Syria. Chúng ta đang chứng kiến một bước đi quan trọng, hứa hẹn và tích cực trong tiến trình hạ nhiệt căng thẳng tại Syria” - ông Mistura nhấn mạnh.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đánh giá kế hoạch thiết lập các vùng an toàn bên trong lãnh thổ Syria do Nga đề xuất sẽ giúp “giải quyết được 50% vấn đề Syria”. Ông Erdogan miêu tả kế hoạch do Nga khởi xướng là một "khái niệm mới" và khác biệt với các đề xuất trước đó về các vùng an toàn không có khủng bố ở quốc gia láng giềng.
Mỹ cũng hoan nghênh một cách thận trọng kế hoạch của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhằm thiết lập các vùng an toàn tại Syria, đồng thời bày tỏ quan ngại về sự tham gia của Iran. Ngoại trưởng Saudi Arabia Adel al-Jubeir đang ở thăm Mỹ cho biết sẽ ủng hộ việc thành lập khu vực an toàn. Liên Hợp Quốc hoan nghênh thành lập vùng an toàn ở Syria
Kazakhstan đã đăng cai 4 vòng đàm phán hòa bình về khủng hoảng Syria. Các cuộc đàm phán tại Astana do Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ bảo trợ lần này được cho là mang lại kết quả tích cực nhất. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra hiện nay vẫn là tính hiệu quả của Thỏa thuận mà các bên vừa đạt được có thể giúp chấm dứt cuộc nội chiến Syria hay không.
Lực lượng đối lập Syria hôm qua (4/5) tuyên bố không ủng hộ kế hoạch này. Đại diện phe đối lập đã rời khỏi bàn đàm phán và tỏ thái độ giận dữ sau khi vòng đàm phán kết thúc do phản đối sự tham dự của Iran.
Một thành viên của đoàn đại biểu lực lượng đối lập Asam Abu Zaid cho biết: “Cần đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria và xóa bỏ bất cứ dấu hiệu nào cho thấy lãnh thổ này có thể bị chia cắt hay khiến tình hình tại Syria có thể bị đảo ngược. Chúng tôi không ủng hộ vai trò của Iran trong thỏa thuận này vì Iran có những hành động chống lại người dân Syria”.
Trong khi đó, vẫn chưa có một cơ chế rõ ràng về sự phối hợp giữa các bên để giám sát thỏa thuận này. Trưởng đoàn đàm phán của Nga Aleksandr Lavrentyev cho biết, Moscow có thể cử quan sát viên và hợp tác với các nước khác để đảm bảo thỏa thuận được thực thi.
Ông Lavrentyev cho biết: “Chúng tôi có kế hoạch phối hợp tích cực với Iran, Thổ Nhĩ Kỳ cũng như các cuộc tiếp xúc với Mỹ và các cường quốc khu vực như Saudi Arabia hay Ai Cập. Chúng tôi hi vọng các bước đi này hướng đến việc giải quyết những vấn đề phức tạp nhất tại Syria”.
Tuy nhiên, một trong những lo ngại lớn nhất hiện nay đó là việc lực lượng đối lập Syria không ủng hộ thỏa thuận này. Các bên trong cuộc xung đột hoàn toàn có thể lấy “cái cớ” tiêu diệt IS hay Al-Qaeda để vi phạm lệnh ngừng bắn, khiến thỏa thuận này tiếp tục rơi vào vòng luẩn quẩn thất bại như những lệnh ngừng bắn đạt được trước đó tại Syria./. Nga đề xuất thiết lập 4 khu vực giảm căng thẳng tại Syria