Thiếu năng lực xét nghiệm, số ca mắc Covid-19 tăng mạnh tại Đông Âu?

VOV.VN - Tình trạng thiếu trang thiết bị y tế phục vụ công tác xét nghiệm, nhiều nước Đông Âu đang đối mặt với nguy cơ số ca mắc Covid-19 có thể tăng mạnh.

Nhìn vào những con số thống kê về đại dịch Covid-19 tại Châu Âu, ta dễ dàng nhận thấy sự chênh lệch rõ nét giữa hai nửa lục địa. Trong khi các nước phía Tây Âu đang vật lộn với số ca nhiễm và tử vong không ngừng phá vỡ kỷ lục thì khu vực Đông Âu nhìn chung đang kiểm soát dịch bệnh hiệu quả với bức tranh có phần lạc quan hơn.

Tính đến nay, tổng số trường hợp tử vong tại hơn 12 nước khu vực Đông Âu vẫn thấp hơn số người chết ghi nhận trong một ngày bất kỳ tại Italy. Ngay cả tại hai nước ghi nhận số người nhiễm SARS-CoV-2 nhiều nhất là Cộng hòa Séc với 3.000 ca và Ba Lan với gần 2.000 ca, những con số này vẫn chỉ là một phần nhỏ so với nửa còn lại của lục địa già.

Các y, bác sỹ tại Đông Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu trang thiết bị xét nghiệm SARS-CoV-2. Ảnh: Polandin

Lo ngại thiếu trang thiết bị xét nghiệm

Đầu tiên, cần ghi nhận đây là kết quả khả quan của các biện pháp phong tỏa sớm được các nước Đông Âu đồng loạt áp dụng ngay từ giai đoạn đầu của dịch. Từ hai tuần trước, Cộng hòa Séc bắt đầu triển khai các quy định phong tỏa chặt chẽ, gần như cùng lúc, Ba Lan là quốc gia tiếp nối với những biện pháp cứng rắn như hủy hầu hết các chuyến bay đến và đi từ nước này. Chính phủ cũng nhanh chóng đóng cửa các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim và trường học. Các xe cảnh sát cũng gắn loa liên tục phát đi các thông điệp kêu gọi người dân không ra ngoài.

Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực đó, là những lo ngại rằng số liệu thống kê tại Đông Âu thấp hiện nay là do tỷ lệ xét nghiệm các ca nghi nhiễm ít hơn nhiều so với Tây Âu. Ví dụ như Hungary, số người được xét nghiệm tại nước ngày chưa bằng 25% con số tại nước láng giềng Áo, trong khi nếu xét quy mô dân số thì Hungary lại cao hơn gần 1 triệu người.

Việc thiếu các trang thiết bị y tế là vấn đề có thật ở các quốc gia Đông Âu. Cộng hòa Séc cách đây khoảng 2 tuần đã tính phương án nhập khẩu hơn 100.000 bộ xét nghiệm virus SARS-CoV-2 từ Trung Quốc. Một số tổ chức của Cộng hòa Séc đang nghiên cứu chế tạo các bộ xét nghiệm virus trước tình trạng ca nhiễm tại nước này liên tục đạt các mốc mới.

Một bác sĩ ở Hungary ( xin được giấu tên) làm việc tại Budapest có chia sẻ trên trang cá nhân: “Số ca dương tính thấp là do số lượng xét nghiệm thấp. Một đồng nghiệp của tôi có các triệu chứng bệnh và đã ở nhà trong 5 ngày qua nhưng vẫn chưa được xét nghiệm” .   

Các nước khu vực này đều đã chuẩn bị cho kịch bản số ca nhiễm sẽ tăng mạnh. Tính đến nay, Cộng hòa Séc là quốc gia có số người nhiễm thuộc hàng cao nhất khu vực với 3.000 người, đã lên kịch bản sẽ bản kéo dài tình trạng khẩn cấp thêm 30 ngày.

Hay như Romania đã sẵn sàng cho kịch bản thứ tư đối phó với đại dịch Covid-19 khi số ca nhiễm gần chạm ngưỡng 2.000, những trường hợp nhẹ và trung bình sẽ được điều trị tại nhà và chỉ những trường hợp nguy kịch mới được nhập viện điều trị. Mỗi quốc gia sẽ có những chiến lược khác nhau, nhưng đều có chung lo ngại về sự sụp đổ của hệ thống y tế công, vốn đang chật vật xoay xở trong tình trạng thiếu nhân sự và đầu tư.

Những lỗ hổng trong hệ thống y tế Đông Âu khiến công tác phòng, chống Covid-19 gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Polandin

Những lỗ hổng trong hệ thống y tế

Đại dịch Covid-19 càn quét qua các nước Châu Âu đã bộc lộ những lỗ hổng nghiêm trọng trong việc ứng phó của hệ thống y tế mà ví dụ hàng đầu được nhắc đến là Italy hay Anh.

Bởi vậy, sẽ không có gì là ngạc nhiên nếu Đông Âu khó chống đỡ được trước sự tấn công của đại dịch, nhất là trong điều kiện cơ sở hạ tầng y tế lạc hậu và thiếu trầm trọng trang thiết bị bảo hộ khi khu vực này vừa phải vật lộn với những vấn đề y tế trước dịch cúm mùa.

Theo ông Kincses Gyula, chủ tịch hội bác sĩ tại Hungary (MOK), hệ thống y tế Hungary chưa được làm quen với những thử thách lớn đến thế. Trong vòng 10, 20 hay thậm chí là 30 năm qua, nền y tế nước này đã sống trong sự an toàn quá mức và do đó thiếu sự chuẩn bị khi xuất hiện dịch bệnh.

Một bác sĩ nước này cũng cho biết, kể từ khi số ca nhiễm tại Hungary còn chưa đạt 400, quốc gia này đã chứng kiến sự thiếu hụt trang thiết bị y tế và nhân lực y tế tham gia chống dịch. Bệnh viện đã phải liên tục thay đổi quy định, giờ chỉ những bác sĩ nào tiếp xúc tối thiểu 1 giờ với bệnh nhân Covid-19 mới được sử dụng mặt nạ FFP2, còn những người khác tiếp xúc dưới 1 giờ với bệnh nhân sẽ chỉ dùng khẩu trang y tế thông thường.

Tuần trước, Barbara Gąsiorowska, Giám đốc một bệnh viện tại một thị trấn nhỏ ở miền Nam Warsaw, Ba Lan, đã phải tuyệt vọng đăng lên Facebook: “Hãy giúp đỡ chúng tôi, chúng tôi không có găng tay, khẩu trang, đồ bảo hộ, dung dịch khử khuẩn hay tiền để mua chúng”.

Đội ngũ y bác sĩ và giường bệnh luôn trong tình trạng quá tải, thiếu các bộ xét nghiệm, không có đủ quần áo bảo hộ, thiếu thốn các khẩu trang y tế cho các lực lượng tuyến đầu chống dịch…

Rõ ràng, đây không phải là vấn đề riêng của Hungary hay Ba Lan mà là thực tế đang diễn ra trên toàn khu vực Đông Âu, đặc biệt là các vùng nông thôn. Sự quá tải của hệ thống y tế các nước là khó tránh cho dù đã chứng kiến những bài học từ Trung Quốc, Italy, Tây Ban Nha. Mỗi nước luôn có các kế hoạch phòng chống dịch bệnh nhưng liệu với đại dịch Covid-19, các quốc gia Đông Âu liệu có chủ quan như những người bạn phía nửa còn lại của châu lục?  

Một trường hợp thậm chí còn tồi tệ hơn xảy ra là tại thành phố Suceava, Romania. Bệnh viện thành phố đã phải đóng cửa sau khi có gần 100 nhân viên y tế lây nhiễm SARS-CoV-2. Romania cũng là quốc gia đặc biệt dễ tổn thương trước khủng hoảng Covid-19 khi nước này từ lâu đã đối mặt với tình trạng thiếu hụt y bác sĩ, những người đã bỏ đi để tìm kiếm cơ hội thu nhập tốt hơn ở nước ngoài.

Người dân tặng khẩu trang miễn phí cho lực lượng Y tế tại Séc.

Giải pháp tình thế

Để ứng phó với tình trạng này, giải pháp chung được nhiều chính phủ Đông Âu sử dụng là kêu gọi sự giúp đỡ từ phía Trung Quốc. Trong tuần qua, Cộng hòa Séc và Hungary đã cử các chuyên cơ đến Trung Quốc để nhập khẩu vật tư y tế.

Thứ 5 vừa qua, máy bay chở 150 mặt nạ phòng độc, 600.000 khẩu trang y tế và hơn 250.000 bộ đồ bảo hộ toàn thân đã đến Warsaw. Sau đó một ngày, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov cũng công bố đã đạt được một thỏa thuận mua 50 mặt nạ phòng độc và 1.1 triệu khẩu trang từ Trung Quốc.

Song song với đó, các nước khu vực Đông Âu như Séc, Romania, Hungary … cũng đưa ra cam kết sẽ mở rộng quy mô xét nghiệm. Thủ tướng Serbia Aleksandar Vučić cam kết nước này sẽ chuyển sang mô hình xét nghiệm hàng loạt theo tư vấn của các chuyên gia y tế Trung Quốc. Tuy nhiên, số lượng xét nghiệm tăng lên kéo theo năng lực xét nghiệm cao hơn và những chi phí không thể tưởng tượng và đáng tiếc đây vẫn là bài toán hiện có lời giải với quốc gia này.

Chuyên gia tư vấn về các bệnh truyền nhiễm tại Ba Lan Grażyna Cholewińska cũng thừa nhận: “Kể ca khi chúng ta có nhiều bộ xét nghiệm hơn thì chúng ta cũng không có nhân lực để thực hiện.” Bộ trưởng Y tế Romania đã từ chức hôm thứ 6 vừa qua, chỉ hai ngày sau khi đưa ra cam kết khó khả thi là chính phủ sẽ xét nghiệm toàn bộ 2 triệu dân tại thủ đô Bucharest. Tính đến nay tại Romania mới chỉ có khoảng 12.000 người được xét nghiệm.

Trước mắt, Đông Âu vẫn đang hồi hộp chờ đợi sự gia tăng số ca nhiễm SARS-CoV-2 và chỉ có thể cầu nguyện các biện pháp phong tỏa sớm sẽ giúp tránh được “thảm họa” như tại Italy.

Điều tích cực duy nhất là trong thời điểm khó khăn này, hơn bao giờ hết người ta thấy được tình người, sự đoàn kết giữa những người xa lạ, không có khoảng cách, biên giới và đặc biệt là sự trân trọng và hỗ trợ của người dân, cộng đồng dành cho đội ngũ y tế tuyến đầu đang chống chọi với dịch bệnh.

Như một sự chia sẻ của một người bác sĩ đã công tác nhiều năm tại một bệnh viện: “Chưa bao giờ trong cả sự nghiệp, tôi nhận được nhiều thông điệp ấm áp, lòng biết ơn và tình yêu thương đến vậy. Tôi cảm thấy lần này những gì chúng tôi làm đã thực sự được mọi người ghi nhận”./.

Hải Đăng/VOV-Praha

 

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Mục tiêu của MU vô cùng xấu hổ khi đi “bay đêm” bất chấp Covid-19
Mục tiêu của MU vô cùng xấu hổ khi đi “bay đêm” bất chấp Covid-19

VOV.VN - Mục tiêu MU đang theo đuổi - Jack Grealish đã lên tiếng xin lỗi sau khi anh bị phát hiện "đi bar đêm" bất chấp lệnh phong tỏa cả nước Anh vì Covid-19.

Mục tiêu của MU vô cùng xấu hổ khi đi “bay đêm” bất chấp Covid-19

Mục tiêu của MU vô cùng xấu hổ khi đi “bay đêm” bất chấp Covid-19

VOV.VN - Mục tiêu MU đang theo đuổi - Jack Grealish đã lên tiếng xin lỗi sau khi anh bị phát hiện "đi bar đêm" bất chấp lệnh phong tỏa cả nước Anh vì Covid-19.

Hàn Quốc khai giảng năm học mới qua hình thức trực tuyến vì Covid-19
Hàn Quốc khai giảng năm học mới qua hình thức trực tuyến vì Covid-19

VOV.VN - Chính phủ Hàn Quốc đã cho phép các lớp học khai giảng năm học mới qua hình thức trực tuyến từ ngày 9/4 giữa đại dịch Covid-19.

Hàn Quốc khai giảng năm học mới qua hình thức trực tuyến vì Covid-19

Hàn Quốc khai giảng năm học mới qua hình thức trực tuyến vì Covid-19

VOV.VN - Chính phủ Hàn Quốc đã cho phép các lớp học khai giảng năm học mới qua hình thức trực tuyến từ ngày 9/4 giữa đại dịch Covid-19.

Y tá Pháp tuyến đầu chống Covid-19: Mỗi khi thức dậy tôi đều bật khóc
Y tá Pháp tuyến đầu chống Covid-19: Mỗi khi thức dậy tôi đều bật khóc

VOV.VN - “Mỗi sáng thức dậy tôi đều bật khóc nhưng khi mở cánh cửa bệnh viện, tôi sẽ là người lau nước mắt cho các bệnh nhân”, nữ y tá Pháp chia sẻ.

Y tá Pháp tuyến đầu chống Covid-19: Mỗi khi thức dậy tôi đều bật khóc

Y tá Pháp tuyến đầu chống Covid-19: Mỗi khi thức dậy tôi đều bật khóc

VOV.VN - “Mỗi sáng thức dậy tôi đều bật khóc nhưng khi mở cánh cửa bệnh viện, tôi sẽ là người lau nước mắt cho các bệnh nhân”, nữ y tá Pháp chia sẻ.