Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ bị thay thế bằng thỏa thuận mới?
VOV.VN - Sau khi Thủ tướng Anh đề xuất thay thế JCPOA bằng một thỏa thuận mới, Iran đã ngay lập tức bác bỏ và khẳng định châu Âu đang bị Mỹ “bắt nạt”.
Hôm qua (16/1), Thủ tướng Anh Boris Johnson đề xuất ý tưởng thay thế Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 bằng 1 thỏa thuận mới được Mỹ hậu thuẫn. Tuy nhiên, Iran ngay lập tức bác bỏ, khẳng định Thỏa thuận hạt nhân, có tên đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA) chưa chết và châu Âu đang bị Mỹ “bắt nạt”.
Sau khi Thủ tướng Anh đề xuất thay thế JCPOA bằng một thỏa thuận mới, Iran đã ngay lập tức bác bỏ và khẳng định châu Âu đang bị Mỹ “bắt nạt”. Ảnh: Reuters |
Thoả thuận hạt nhân Iran tiến thêm một bước tới bờ vực sụp đổ sau khi ba nước châu Âu Anh, Pháp, Đức tuyên bố kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận ký kết năm 2015 và trước đó 1 ngày chính thức cáo buộc Iran vi phạm các điều khoản của Thỏa thuận. Đây là bước đi có thể dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của Liên Hợp Quốc với Iran. Ngoại trưởng Iran Javad Zarif dẫn chứng các quốc gia này không mua dầu mỏ từ Iran, tất cả các công ty của họ cũng đã rút khỏi thị trường Iran. Vì vậy, Ngoại trưởng Iran tuyên bố những nước này đã vi phạm thỏa thuận, đồng thời nhấn mạnh tương lai của thỏa thuận hạt nhân giờ đây phụ thuộc vào châu Âu và rằng các quốc gia châu Âu đang bị Mỹ "bắt nạt."
Bộ Ngoại giao Iran cũng cảnh báo các quốc gia châu Âu sẽ phải đối mặt với "các hậu quả" sau động thái kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp. Giữa lúc bế tắc, Thủ tướng Anh Boris Johnson đề xuất thay thế Thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015 mà Mỹ đã rút lui bằng 1 thỏa thuận mới. Tổng thống Mỹ ngay lập tức nhất trí và hoan nghênh ý tưởng của Thủ tướng Boris Johnson.
Tuy nhiên, trong cuộc họp Nội các hôm qua, Tổng thống Rouhani thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Tôi không hiểu Thủ tướng Anh đang nghĩ như thế nào. Ông ấy cho rằng hãy gạt Thỏa thuận hạt nhân sang 1 bên và thực hiện kế hoạch của Tổng thống Donald Trump. Nếu họ đi sai đường, sẽ phải gánh chịu thiệt hại. Con đường đúng đắn có thể đi là quay trở lại thỏa thuận hạt nhân năm 2015”.
Còn Ngoại trưởng Iran Javad Zarif khẳng định bên lề một hội nghị ở New Delhi, Ấn Độ rằng Thỏa thuận hạt nhân ký ở Vienna “vẫn chưa chết”: "Thoả thuận hạt nhân đã được viết ra với nhận thức đầy đủ một thực tế là nó có thể bị các bên vi phạm. Đó là lý do chúng tôi đã đặt ra cơ chế để đảm bảo nếu 1 bên hoặc 1 số bên vi phạm thỏa thuận, chúng tôi có thể áp dụng các biện pháp để duy trì thỏa thuận. Iran đã áp dụng các biện pháp đó hồi tháng 5 năm 2018, và các biện pháp đó có phát huy tác dụng. Giờ đây châu Âu đưa ra quyết định để che dấu sự bất lực của họ, tôi không nghĩ rằng họ có tư cách để làm điều đó”.
Có thể nhận thấy, châu Âu đang ngả dần theo quan điểm của Mỹ là tìm kiếm 1 thỏa thuận mới và tiếp tục gây sức ép về ngoại giao và kinh tế đối với Iran, nhất là khi Iran ngày càng "thu hẹp" việc thực hiện các cam kết trong Thỏa thuận hạt nhân, cụ thể là tăng mức độ làm giàu urani. Tuy nhiên cho tới lúc này, Iran không chấp nhận việc đàm phán lại Thỏa thuận hạt nhân và hối thúc châu Âu bảo vệ nước này trước các lệnh cấm vận xuất khẩu dầu mà Mỹ áp đặt. Iran vẫn bác bỏ ý định sở hữu vũ khí hạt nhân và tuyên bố chỉ đảo ngược sự vi phạm Thỏa thuận nếu Mỹ bãi bỏ lệnh trừng phạt.
Hiện chưa rõ con đường giải quyết tranh chấp của châu Âu sẽ ra sao. Iran vẫn bảo lưu quan điểm không đàm phán với Mỹ chừng nào lệnh cấm vận chưa được bãi bỏ. Mới đây nước này còn đe dọa “đáp trả quyết liệt’ trước việc Anh, Pháp, Đức kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp mà Iran cho là “sai lầm chiến lược”. Nếu điều này thực sự xảy ra, thì châu Âu sẽ mất dần động lực cứu vãn thỏa thuận và không loại trừ tái áp đặt lệnh trừng phạt, khiến Thỏa thuận hạt nhân sụp đổ./.
Châu Âu cáo buộc Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân