Thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ bị “xé bỏ”?

VOV.VN - Tổng thống Pháp đã thất bại khi cố thuyết phục người đồng cấp Mỹ thay đổi quan điểm về thỏa thuận hạt nhân Iran. Các bên sẽ đưa ra một văn bản mới?

Hành trang đến Mỹ

Trước khi Tổng thống Pháp Macron thăm Mỹ, đã có nhiều thông tin cho rằng ông Macron sẽ tìm cách thuyết phục người đồng cấp Mỹ Donald Trump thay đổi quan điểm về thỏa thuận hạt nhân Iran. Vậy ông Macron đã mang theo hành trang như thế nào để thực hiện nhiệm vụ này?

Tổng thống Pháp mang theo Hồ sơ hạt nhân Iran trong chuyến thăm Mỹ. Ảnh: Reuters
Trước khi lên đường đến Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã xác định rất rõ rằng chuyến đi này có 4 vấn đề quan trọng cần bàn thảo với Tổng thống Mỹ Donald Trump, là hồ sơ hạt nhân Iran, cuộc chiến ở Syria, quan hệ thương mại Mỹ - châu Âu và vấn đề chống biến đổi khí hậu, trong đó chủ đề quan trọng nhất và cấp bách nhất chính là thoả thuận hạt nhân Iran.

Ông Macron đến Mỹ mang theo quan điểm nhất quán của các nước châu Âu, đó là thoả thuận hạt nhân mà nhóm P5+1 ký với Iran năm 2015 mang tính sống còn, không thể huỷ bỏ bởi nó là nỗ lực đàm phán ngoại giao trong nhiều năm trời của nhiều nước và nếu huỷ bỏ thì sự an ninh của khu vực Trung Đông sẽ càng bị đe doạ.  

Tất nhiên về sâu xa thì việc châu Âu bảo vệ thoả thuận hạt nhân với Iran còn xuất phát từ việc bảo vệ lợi ích kinh tế của các nước này, nhưng về mặt chính thức thì đây là quan điểm của cả 3 cường quốc châu Âu tham gia thoả thuận là Pháp, Anh và Đức, nên có thể nói, khi đàm phán với ông Donald Trump thì sau lưng Pháp có sự hậu thuẫn của cả châu Âu.

Điều này càng thể hiện rõ hơn ở việc ngay sau chuyến thăm của ông Macron thì lần lượt Thủ tướng Đức Angela Merkel lẫn Thủ tướng Anh Theresa May cũng sẽ đến Mỹ, với mục đích lớn nhất là thuyết phục Mỹ không rút khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran.
Ngoài ra, Pháp cũng nhận được sự ủng hộ quan trọng khác từ 2 thành viên còn lại của nhóm P5+1 là Nga và Trung Quốc, khi ngay trước chuyến thăm của ông Macron, cả Nga lẫn Trung Quốc đều tuyên bố là không có chuyện đàm phán lại thoả thuận hạt nhân ký với Iran năm 2015.

Vì thế, có thể nói là ông Macron đến Mỹ để thảo luận với ông Trump về vấn đề Iran với một hành trang chính trị rất vững chắc, bởi ông Macron gần như là đại diện cho quan điểm của cả 5 nước là Pháp, Anh, Đức, Nga và Trung Quốc để phản bác lại quan điểm của phía Mỹ.

Bất đồng quá lớn về hồ sơ hạt nhân Iran

Bất đồng giữa Pháp và Mỹ trong vấn đề hạt nhân Iran, hay chính xác hơn là bất đồng giữa Mỹ với các nước còn lại trong nhóm P5+1 bắt đầu nổi lên từ sau khi ông Donald Trump lên làm Tổng thống Mỹ.

Sau khi nhậm chức, ông Trump có xu hướng xem xét và thậm chí huỷ bỏ hầu hết các quyết định của người tiền nhiệm là ông Barack Obama, như rút khỏi Hiệp định thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), rút khỏi Thoả thuận Paris 2015 về chống biến đổi khí hậu, đóng băng đàm phán Hiệp định tự do thương mại với Liên minh châu Âu và thoả thuận hạt nhân với Iran cũng chịu chung số phận vì thoả thuận này được ký dưới thời Barack Obama.

Ông Donald Trump nhiều lần tuyên bố “đây là thoả thuận tệ hại nhất mà nước Mỹ từng đàm phán” và cho rằng thoả thuận này có quá lợi cho Iran và sẽ không thể ngăn tham vọng sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa của Iran. Vì thế, ông Trump muốn đình chỉ việc thực hiện thoả thuận này.

Trong khi, các nước châu Âu, trong đó có Pháp, lại luôn cho rằng thoả thuận này là trụ cột để xây dựng một khu vực Trung Đông phi hạt nhân và ổn định lâu dài. Thực chất, giữa Mỹ với các nước châu Âu như Pháp từ lâu nay luôn có một độ vênh nhất định trong cách nhìn nhận về Iran và ngược lại, quan hệ của Iran với châu Âu cũng khác quan hệ giữa Iran với Mỹ.

Điều này bắt nguồn từ lịch sử, với cuộc cách mạng Hồi giáo ở Iran cách đây gần 40 năm và sự cố bắt cóc con tin trong Toà Đại sứ Mỹ tại Iran. Kể từ đó, Mỹ và Iran xem nhau như kẻ thù, nhất là khi Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Saudi Arabia, đối thủ địa chính trị và tôn giáo của Iran trong khu vực.

Nói cách khác, cách tiếp cận của Mỹ với Iran từ trước đến nay luôn mang tính đe doạ và kiềm chế.

Tuy nhiên, các nước châu Âu lại có cách tiếp cận mềm dẻo hơn bởi các nước này không bị Iran coi là kẻ thù hàng đầu và các nước châu Âu luôn có mối quan tâm về kinh tế đối với Iran, một đất nước rất giàu tài nguyên năng lượng.

Vì thế, bất đồng hiện nay giữa Mỹ và Pháp hay châu Âu nằm ở chỗ, một bên muốn xoá bỏ thoả thuận cũ để tìm cách kiềm chế về quân sự và chính trị mạnh hơn với Iran, còn một bên muốn duy trì thoả thuận hiện tại.

Pháp không thuyết phục được Mỹ

Sau cuộc hội đàm kéo dài hơn 1 tiếng vào sáng ngày 24/4 (theo giờ Mỹ), Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra thông báo cho biết, hai nước Mỹ và Pháp sẽ làm việc cùng nhau để đưa ra một thoả thuận hạt nhân mới với Iran.

Tuyên bố này có nghĩa là ông Trump đã không thay quan điểm về thoả thuận hạt nhân cũ năm 2015 và các bên liên quan sẽ lại phải đàm phán để xây dựng một thoả thuận hạt nhân mới với Iran.

Đây là tuyên bố cực kỳ quan trọng và hứa hẹn sẽ khiến cho vấn đề Iran trở nên phức tạp hơn nhiều trong thời gian tới. Dù Tổng thống Pháp Macron đã cố giải thích rằng, thoả thuận mới sẽ rộng hơn và đề cập đến nhiều vấn đề hơn, như vai trò và ảnh hưởng của Iran trong khu vực, sự can dự của Iran trong vấn đề Syria hay việc Iran phát tán công nghệ và tên lửa đạn đạo trong khu vực… nhưng rõ ràng việc tuyên bố sẽ tìm kiếm thoả thuận hạt nhân mới với Iran cho thấy, ông Macron đã không thành công trong việc thuyết phục Tổng thống Mỹ Donald Trump thay đổi ý định.

Bởi lẽ trước khi đến Mỹ, ông Macron từng tuyên bố rất mạnh rằng “không có phương án B”, tức là bằng mọi cách phải duy trì thoả thuận hạt nhân ký năm 2015 với Iran.

Chỉ còn hơn hai tuần nữa là đến thời hạn chót 12/5 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump kêu gọi các đồng minh châu Âu thắt chặt các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân Iran. Với những diễn biến như hiện nay, tương lai nào cho thỏa thuận từng được đánh giá là lịch sử?

Tuyên bố của hai Tổng thống Mỹ và Pháp đưa ra sau cuộc hội đàm ở Nhà Trắng đã cho thấy, Mỹ và Pháp nhất trí sẽ mở ra các phiên đàm phán để tìm kiếm một thoả thuận hạt nhân mới với Iran. Nói cách khác là thoả thuận hạt nhân cũ sẽ bị xé bỏ để nhường chỗ cho việc tìm kiếm một thoả thuận mới.

Ở thời điểm này chúng ta chưa biết chắc có bao nhiêu phần trong thoả thuận hạt nhân cũ được giữ lại, nhưng việc Mỹ và Pháp đề cập một thảo thuận mới là một diễn biến vô cùng đáng chú ý trong vấn đề Iran và chắc chắn sẽ gây ra rất nhiều tranh cãi và sóng gió trong thời gian tới.

Việc Mỹ và Pháp đồng ý tìm thoả thuận mới nhiều khả năng sẽ khiến 2 nước châu Âu khác là Anh và Đức phải thay đổi quan điểm. Vấn đề bây giờ là phải xem các nước khác như Nga, Trung Quốc và nhất là Iran có chấp nhận bỏ thoả thuận cũ và đàm phán một thoả thuận mới hay không.

Đây là một tình huống vô cùng phức tạp bởi chúng ta đều biết thoả thuận ký năm 2015 cũng đã phải mất gần 13 năm mới đạt được. Bản thân Iran cũng đang tuyên bố rất mạnh mẽ rằng nếu thoả thuận 2015 bị xé bỏ thì nước này sẽ xúc tiến trở lại việc làm giàu Uranium cấp độ cao, tức là mở lại chương trình hạt nhân. Vì thế, các diễn biến trước mắt trong hồ sơ Iran là cực kỳ khó lường./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Tổng thống Pháp thăm Mỹ: Hy vọng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran
Tổng thống Pháp thăm Mỹ: Hy vọng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

VOV.VN - Thương mại và thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là trọng tâm trong chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tổng thống Pháp thăm Mỹ: Hy vọng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

Tổng thống Pháp thăm Mỹ: Hy vọng cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran

VOV.VN - Thương mại và thỏa thuận hạt nhân Iran sẽ là trọng tâm trong chuyến thăm Mỹ lần này của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Mỹ tự đặt mình vào “thế khó” trong đàm phán với Triều Tiên vì Iran?
Mỹ tự đặt mình vào “thế khó” trong đàm phán với Triều Tiên vì Iran?

VOV.VN - Nếu phá bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, Mỹ sẽ đặt mình vào “thế khó” trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Mỹ tự đặt mình vào “thế khó” trong đàm phán với Triều Tiên vì Iran?

Mỹ tự đặt mình vào “thế khó” trong đàm phán với Triều Tiên vì Iran?

VOV.VN - Nếu phá bỏ thỏa thuận hạt nhân với Iran, Mỹ sẽ đặt mình vào “thế khó” trong các cuộc đàm phán với Triều Tiên.

Pháp không có “kế hoạch B” cho thỏa thuận hạt nhân Iran
Pháp không có “kế hoạch B” cho thỏa thuận hạt nhân Iran

VOV.VN - Tổng thống Emmanuel Macron ngày 22/4 cho biết, ông không có “kế hoạch B” cho thỏa thuận hạt nhân Iran và Mỹ nên ở lại trong thỏa thuận này.

Pháp không có “kế hoạch B” cho thỏa thuận hạt nhân Iran

Pháp không có “kế hoạch B” cho thỏa thuận hạt nhân Iran

VOV.VN - Tổng thống Emmanuel Macron ngày 22/4 cho biết, ông không có “kế hoạch B” cho thỏa thuận hạt nhân Iran và Mỹ nên ở lại trong thỏa thuận này.

Đức, Pháp và cuộc chạy đua cứu thỏa thuận hạt nhân Iran
Đức, Pháp và cuộc chạy đua cứu thỏa thuận hạt nhân Iran

VOV.VN - Chỉ riêng trong tuần này, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel sẽ có mặt tại Mỹ trong một nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân Iran.

Đức, Pháp và cuộc chạy đua cứu thỏa thuận hạt nhân Iran

Đức, Pháp và cuộc chạy đua cứu thỏa thuận hạt nhân Iran

VOV.VN - Chỉ riêng trong tuần này, Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Đức Merkel sẽ có mặt tại Mỹ trong một nỗ lực cứu thỏa thuận hạt nhân Iran.