Thỏa thuận ngừng bắn Israel - Hamas chỉ là khoảng lặng trước bão
VOV.VN - Israel và Hamas vừa đạt được một thỏa thuận mà về thực chất là sự tạm ngưng chiến sự hoặc một lệnh ngừng bắn tạm thời chứ không phải một lệnh ngừng bắn thực sự nhằm hướng tới các giải pháp ngoại giao cho xung đột.
Đối với những ai quan tâm tới người dân Israel và Gaza, thông tin về thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hamas là một tin tức tốt lành.
Theo thỏa thuận, Hamas thả 50 con tin họ bắt giữ trong cuộc đột kích ngày 7/10/2023 vào miền Nam Israel. Đổi lại, Israel sẽ ngừng bắn 4 ngày trong chiến dịch tấn công ở Gaza. Theo đó, Israel sẽ tạo điều kiện cho hoạt động cứu trợ cho Gaza. Ngoài ra, Israel sẽ thả khoảng 150 người Palestine khỏi các nhà tù ở nước này.
Động lực của Israel trong cuộc chiến vẫn không đổi
Thỏa thuận trên là một giải pháp nhân đạo. Thời gian qua (khi Israel phản công), người dân Palestine ở dải Gaza đã phải chịu cảnh bom đạn và thiếu thốn đủ thứ. Khi lệnh đình chiến tạm thời được thực hiện, các tổ chức nhân đạo quốc tế sẽ có thêm thời gian cần thiết để cải thiện hoạt động của họ ở Gaza.
Tuy nhiên, thỏa thuận trên không thay đổi động lực căn bản thúc đẩy Israel phát động cuộc chiến ở Gaza. Sau khi hứng chịu những tổn thất lớn về sinh mạng và vật chất trong cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10, Israel kết luận rằng họ không thể dung thứ cho chính quyền Hamas được nữa và lên kế hoạch tiến hành chiến tranh đến chừng nào Hamas không còn tồn tại và đe dọa Israel được nữa. Thực tế chỉ ra, kể từ đó, Israel đã không chùn bước trước bất cứ áp lực chính trị quốc tế nào và hoặc các rủi ro từ sự thiếu vắng kế hoạch hậu chiến đối với Gaza.
Khả năng cao là sau khi việc trao đổi tù binh và tù nhân kết thúc, chiến sự ở Gaza sẽ nối lại và rocket sẽ tiếp tục được phóng vào lãnh thổ Israel. Chính Thủ tướng Israel Netanyahu đã tuyên bố công khai và rõ ràng với nội các của mình là “chúng ta sẽ không ngừng cuộc chiến này sau khi ngừng bắn kết thúc”.
Qatar - bên trung gian chủ chốt cho thỏa thuận ngưng bắn nói trên, cũng chỉ dùng thuật ngữ “khoảng tạm ngưng nhân đạo” trong tuyên bố chính thức của mình. Sự khác biệt tưởng chừng nhỏ trong cách gọi này nói lên nhiều điều.
Một lệnh ngừng bắn, theo tờ Economist dùng để chỉ một khoảng nghỉ trong chiến sự - khoảng tạm nghỉ đó được thiết kế để tạo không gian cho tiến trình chính trị có thể chấm dứt xung đột quân sự hiện tại. Trong 15 năm qua, đã nhiều lần bạo lực bùng phát giữa Israel và Hamas và rồi kết thúc bằng lệnh ngừng bắn thực sự.
Nhưng thỏa thuận lần này giữa Israel và Hamas có tính chất khác. Nó được tạo ra thuần túy phục vụ nhu cầu nhân đạo, chứ không phải tạo hành lang cho bất cứ sự nhất trí nào giữa hai bên về việc chấm dứt hoàn toàn cảnh đầu rơi máu chảy. Chính Tổng thống Mỹ Biden cũng sử dụng cách gọi “tạm ngưng” theo nghĩa đó khi bày tỏ ủng hộ quyền của Israel trong việc phát động chiến tranh tiễu trừ Hamas.
Khoảng lặng trước cơn bão mới
Nhu cầu nhân đạo là có thật và cần kíp. Khoảng 14.000 người Palestine đã tử vong ở Gaza do chiến sự. Ít nhất 1,6 triệu người Palestine đã phải di tản (dân số Gaza là 2,1 triệu người). Lương thực khan hiếm và hệ thống y tế tại đây gần như sụp đổ hoàn toàn.
Tuy nhiên thỏa thuận ngưng chiến đó chưa phải là một lệnh ngừng bắn thực sự và kéo dài.
Israel chưa đạt được mục tiêu đề ra của họ là “hủy diệt Hamas” - cách nói này của Isael có thể được hiểu tối thiểu là loại bỏ Hamas với tư cách là thực thể cai quản Gaza.
Khác với các xung đột trước đây với Hamas, ban lãnh đạo Israel sẽ không dừng lại chừng nào họ cảm thấy chưa thể tuyên bố “nhiệm vụ đã hoàn thành” trong nỗ lực thay đổi chế độ ở Gaza.
Một cuộc thăm dò dư luận tháng 11 cho thấy, khoảng 80% công dân Israel (bao gồm cả các tộc người ngoài Do Thái) tán thành hoạt động của quân đội Israel tại Gaza. Riêng trong nhóm dân tộc Do Thái của Israel, con số này lên tới 93%. Do rằng không chỉ giới chính trị mà đại bộ phận người dân Israel đều tỏ ra phẫn nộ với cuộc đột kích của Hamas vào ngày 7/10.
Những người Israel hiện nay phản đối thỏa thuận ngừng bắn tạm thời chủ yếu thuộc phe hữu, họ coi đây là trở ngại cho chiến thắng.
Một tuyên bố của đảng Phục quốc Tôn giáo cực hữu (thuộc liên minh cầm quyền) cảnh báo rằng thỏa thuận trên cho phép Hamas “tổ chức lại lực lượng để tiếp tục chiến đấu” và do vậy “điều này là tệ hại, không nên có”.
Nhà phân tích quân sự Yossi Yehoshua đã gọi thỏa thuận là “mưu đồ lừa đảo” của thủ lĩnh Hamas Sinwar. Yehoshua kêu gọi chính phủ Israel “tiếp tục dồn ép nhánh vũ trang của Hamas cho đến khi sụp đổ, và chỉ khi ấy mới tiến tới một thỏa thuận toàn diện”.
Tất nhiên các quan điểm trên không phải là quan điểm chủ lưu. Nội các Israel đã thông qua việc ngưng bắn tạm thời, phản ánh sự ủng hộ của đa số cho việc tạm đình chiến để phóng thích con tin. Nhưng các quan điểm cứng rắn đó cũng nói lên vết hằn trên tâm lý của người Israel sau khi bị tấn công bất ngờ trên diện rộng vào ngày 7/10.