Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria: Dù mong manh nhưng vẫn là cơ hội lớn
VOV.VN - Đây có thể là cơ hội lớn nhất nhằm mang lại hòa bình cho Syria sau hơn 5 năm chìm trong nội chiến khiến 290.000 người thiệt mạng.
Một thỏa thuận ngừng bắn mới nhất được Nga và Mỹ bảo trợ - có hiệu lực vào lúc mặt trời lặn ngày 12/9 (giờ địa phương), cũng là lúc bắt đầu lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo - đang được kỳ vọng sẽ tạo bước ngoặt mang lại hòa bình cho cuộc nội chiến đẫm máu kéo dài hơn 5 năm qua tại Syria khiến khoảng 290.000 người thiệt mạng.
Sau cuộc đàm phán kéo dài gần 14 giờ đồng hồ tại Geneva (Thụy Sĩ), Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã thống nhất thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực vào tối 12/9 và kéo dài trong 48 giờ. Đây là bước khởi đầu và nếu nó được tuân thủ sẽ có 1 tuần ngừng bắn tiếp theo.
Theo thỏa thuận vừa đạt được, quân đội chính phủ Syria sẽ phải dừng tất cả các hoạt động quân sự trên toàn quốc. Về phần mình, phe đối lập Syria cũng phải dừng các cuộc tấn công.
Một yếu tố quan trọng của thỏa thuận ngừng bắn là nhằm cung cấp viện trợ cho thường dân, đặc biệt là ở thành phố Aleppo. Lực lượng nổi dậy và quân chính phủ Syria được yêu cầu rút khỏi hai khu vực trọng điểm giao tranh ở Aleppo là đường Costello và quận Ramouseh nhằm tạo ra một khu vực phi quân sự nhằm cho phép các tổ chức nhân đạo tiếp cận với thường dân đang cần cứu trợ.
Các cuộc không kích tại Aleppo ngay trước khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực đã khiến hàng chục người thiệt mạng. Ảnh: AFP |
Lạc quan thận trọng về thỏa thuận ngừng bắn
Có lý do để hiểu cho sự thận trọng khi nói về cơ hội do thỏa thuận ngừng bắn này mang lại bởi vài giờ giờ sau khi Mỹ và Nga công bố đạt được thỏa thuận ngừng bắn, đã có khoảng 100 người thiệt mạng do các cuộc không kích tại các khu vực do lực lượng nổi dậy kiểm soát ở Idlib và Aleppo.
BBC dẫn lời các nhà hoạt động cho biết, ít nhất 60 người đã thiệt mạng khi một cuộc không kích trúng vào khu chợ hoa quả ở Idlib và khoảng 45 người chết khi bom dội xuống Aleppo.
Tại Geneva, đặc phái viên của Liên Hợp Quốc về hòa bình Syria Staffan de Mistura cho biết, văn phòng của ông sẽ theo dõi thỏa thuận ngừng bắn một cách cẩn thận, trước khi đưa ra bất kỳ bình luận nào.
Các tay súng đối lập và các nhà hoạt động cũng thận trọng khi nói về thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được. Ủy ban đàm phán cấp cao (HNC) - đại diện của nhiều nhóm đối lập ở Syria - cho biết họ hy vọng lệnh ngừng bắn sẽ được thực thi đầy đủ nhằm giảm bớt đau khổ cho dân thường. Basma Kodmani, phát ngôn của HNC cho rằng, Nga nên gây áp lực để chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad tuân thủ thỏa thuận.
Tuy nhiên, một số tay súng thuộc các nhóm vũ trang khác tại Syria có vẻ bi quan về thỏa thuận ngừng bắn, Fares al-Bayoush - chỉ huy sư đoàn phía Bắc của Quân đội Syria Tự do (FSA) - cho rằng, lực lượng của ông Assad và những người được Nga ủng hộ không xem trọng thỏa thuận ngừng bắn và dường như sẽ không tuân thủ nó.
Trong khi đó, Abdul Salam Abdul Razak, phát ngôn của nhóm phiến quân có tên gọi Lữ đoàn Nour al-Din al Zinki nói với AP rằng, quân đội Syria sẽ sử dụng khoảng thời gian ngưng chiến để tập hợp lực lượng cho trận chiến tại thành phố lớn thứ hai của Syria là Aleppo.
Trong buổi cầu nguyện tại Daraya, ngoại ô Damascus, Tổng thống Syria al-Assad tuyên bố sẽ giành lại đất từ tay khủng bố. Ảnh: Facebook của Tổng thống Assad. |
Phản ứng của các bên về thỏa thuận ngừng bắn ở Syria
Vài giờ trước khi thỏa thuận ngừng bắn bắt đầu có hiệu lực, Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong lần xuất hiện công khai hiếm hoi khi tham dự buổi cầu nguyện nhân Lễ Eid al-Adha ở Daraya, ngoại ô Damascus đã tuyên bố rằng, chính phủ của ông sẽ giành lại các vùng đất từ tay “bọn khủng bố” và xây dựng lại đất nước.
Thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được cũng nhận được phản ứng khác nhau của các chính trị gia trên thế giới. Theo Bộ Ngoại giao Nga, trong cuộc đàm thoại giữa Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Çavuşoğlu, hai bên đã đồng ý điều quan trọng đối với tất cả các bên có liên quan là cần chấm dứt chiến sự tại Syria và nối lại đàm phán.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson khi nói về thỏa thuận ngừng bắn đã kêu gọi Nga sử dụng tất cả ảnh hưởng của mình để đảm bảo rằng chính phủ Syria tuân thủ các nghĩa vụ theo thỏa thuận ngừng bắn vừa đạt được giữa Moscow và Washington.
Trong khi đó, Cao ủy phụ trách An ninh và Đối ngoại của Liên minh châu Âu Federica Mogherini cũng hoan nghênh thỏa thuận này và kêu gọi Liên Hợp Quốc chuẩn bị đề xuất cho các cuộc đàm phán chuyển đổi chính trị tại Syria.
Về phần mình, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Rayyip Erdogan khẳng định lại lời kêu gọi mà ông đưa ra trước đó là thiết lập một vùng cấm bay ở phía Bắc Syria và cho rằng điều này là cần thiết để đảm bảo an ninh trong khu vực.
Theo ông Erdogan, ông đã nói chuyện với các nhà lãnh đạo Đức, Pháp, Nga và Mỹ rằng việc đào tạo và trang bị cho quân đội trên mặt đất để chiến đấu trở lại IS là không đủ và việc thiết lập một vùng cấm bay nên là bước đi tiếp theo.
Sau thỏa thuận đạt được tại Geneva, Nga và Mỹ cần làm nhiều hơn để giám sát thực thi thỏa thuận ngừng bắn. Ảnh: AP |
Khó khăn để giám sát việc tuân thủ lệnh ngừng bắn
Theo Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được khác các nỗ lực trước đây ở chỗ nó có một cơ chế toàn diện để đảm bảo một lệnh ngừng bắn lâu dài và cho phép hai cường quốc khởi động một chiến dịch phối hợp nhằm chống lại các nhóm cực đoan mà cả Washington và Moscow đồng ý liệt vào danh sách "khủng bố".
Trong thời gian bắt đầu thực thi lệnh ngừng bắn, tình báo Nga và Mỹ sẽ phối hợp làm việc để phân định các khu vực thuộc quyền kiểm soát của phe đối lập ôn hòa và nhóm khủng bố Jabhat Fatah al-Sham (trước đây là nhóm al-Nusra Front). Nếu thỏa thuận ngừng bắn được thực thi đầy đủ trong vòng 7 ngày, hai bên sẽ khởi động các hoạt động chung thành lập một "trung tâm thực thi lệnh ngừng bắn" và tiến hành các hoạt động không kích nhằm vào mục tiêu của các tổ chức khủng bố.
Tuy nhiên, kịch bản này khá phức tạp khi thực thi bởi trên thực tế Jabhat Fatah al-Sham vẫn có sự “đan xen” với một số nhóm đối lập ôn hòa khác
Thỏa thuận ngừng bắn mới cũng được cho là thiếu môt cơ chế giám sát và thực thi nó. Điều này cũng giống như thỏa thuận tương tự đạt được vào tháng 2/2016 và cuối cùng dẫn đến sự thất bại của nó.
Bản thân Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khi nói về thỏa thuận ngừng bắn mới cũng cho rằng thỏa thuận này "không nhiều hơn một cơ hội cho đến khi nó trở thành hiện thực". Trong khi đó Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng cho rằng, không có gì đảm bảo “100 phần trăm các bên sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn”.
Iran - một nước có vai trò quan trọng đối với cuộc chiến ở Syria ngoài việc lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận ngừng bắn tại Syria cũng đồng thời cho rằng cần phải có một hệ thống giám sát toàn diện nhằm ngăn chặn “sự lợi dụng ngừng bắn” của những kẻ khủng bố.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Baram Ghasemi nhấn mạnh, Iran hoan nghênh và ủng hộ bất kỳ lệnh ngừng bắn nào tại Syria để mở đường cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo. Tuy nhiên, lệnh ngừng bắn lần này phải được duy trì một cách “bền vững” và cần phải có một hệ thống giám sát toàn diện. Bởi nếu không, các nhóm khủng bố sẽ lợi dụng thời điểm đình chiến để phục hồi sinh lực, chuyển giao vũ khí, phương tiện chiến đấu.
Theo ông Ghasemi, một lệnh ngừng bắn được tôn trọng phải dựa trên việc thiết lập một cơ chế kiểm soát đặc biệt tại các khu vực biên giới của Syria, để ngăn chặn hành động tuồn vũ khí và các nguồn lực tài chính cho khủng bố.
Việc không có một cơ chế giám sát đầy đủ, thỏa thuận ngừng bắn mới một lần nữa sẽ phụ thuộc vào cam kết miệng của các bên liên quan và nó có thể “trật khỏi đường ray” bởi những động thái dù là nhỏ nhất.
Với xác suất khá cao của những hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, việc biết chính xác ai đứng phía sau những hành vi đó là rất quan trọng để phân biệt giữa tấn công khủng bố hay nỗ lực cố ý để làm hỏng thỏa thuận này.
Những điều trên có thể làm giảm đi cơ hội thành công của thỏa thuận ngừng bắn mới đạt được. Bản thân cả Nga và Mỹ đều được cho là sẽ không ảo tưởng về thỏa thuận ngừng bắn này, nhưng thỏa thuận mới đạt được tại Geneva có thể là cơ hội lớn nhất nhằm mang lại hòa bình cho Syria sau hơn 5 năm chìm trong nội chiến./.