Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria: Thắng lợi lớn của Thổ Nhĩ Kỳ?

VOV.VN - Các nhà phân tích nhận định rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngừng bắn ở Syria đã trao cho Tổng thống Erdogan một “thắng lợi lớn”.

Thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngừng bắn ở Syria

Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí hôm 17/10 về một thỏa thuận ngừng bắn tạm thời ở phía bắc Syria - một diễn biến được cho là chiến thắng quan trọng của Ankara trong chiến dịch quân sự nhằm đẩy lùi lực lượng người Kurd khỏi biên giới phía nam của nước này.

Các nhà phân tích nhận định rằng thỏa thuận giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngừng bắn ở Syria đã trao cho Tổng thống Erdogan một “thắng lợi lớn”. Ảnh: AFP

9 ngày sau cuộc tấn công vào phía bắc Syria, Ankara đã nhất trí sẽ dừng cuộc tấn công vào Syria trong 120 giờ, trong khi Mỹ sẽ tạo điều kiện để Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo rút vào sâu bên trong cách khu vực an toàn 30km dọc biên giới, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khẳng định trong cuộc họp báo tại Ankara ngày 17/10. Ông Pence cũng cho biết khi người Kurd rút khỏi khu vực này, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thực hiện lệnh ngừng bắn vĩnh viễn.

"Mỹ luôn biết ơn sự đóng góp của lực lượng SDF trong cuộc chiến chống lại IS song chúng tôi nhận thức rõ tầm quan trọng và giá trị của một khu vực an toàn nhằm tạo vùng đệm giữa Syria với người Kurd và biên giới Thổ Nhĩ Kỳ", ông Pence nhận định, đồng thời cho biết: "Tổng thống Trump đã cử chúng tôi tới đây để chấm dứt bạo lực và tìm kiếm một thỏa thuận ngừng bắn".

Gần như ngay lập tức sau tuyên bố của ông Pence, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu đã phản đối cách ông Pence giải thích về thỏa thuận này cũng như nhận định với báo giới rằng đây chỉ là "khoảng nghỉ" trong chiến dịch của Thổ Nhĩ Kỳ chứ "không phải một lệnh ngừng bắn bởi một thỏa thuận ngừng bắn chỉ diễn ra giữa các bên hợp pháp" và chiến dịch này được thực hiện là nhằm loại bỏ "các phần tử khủng bố" khỏi khu vực.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu cho biết khu vực an toàn sẽ bao gồm một khu vực rộng lớn, trải dài trên 450 km dọc sông Euphrate giáp biên giới với Iraq và tiến sâu vào trong lãnh thổ phía bắc Syria khoảng 30km.

Thổ Nhĩ Kỳ “thắng lớn”?

Một số quan chức và cựu quan chức Mỹ đã ngay lập tức chỉ trích thỏa thuận này bởi điều đó đã trao cho Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan một chiến thắng quan trọng khi cho phép Thổ Nhĩ Kỳ mở rộng biên giới vào trong lãnh thổ do người Kurd kiểm soát.

"Điều này chẳng khác nào Mỹ đồng ý với những gì Thổ Nhĩ Kỳ đã làm và cho phép họ sáp nhập một phần lãnh thổ Syria cũng như khiến người Kurd phải rời đi", một cựu quan chức trong chính quyền Mỹ nhận định với trang Foreign Policy.

"Đây là một chiến thắng lớn cho Thổ Nhĩ Kỳ khi mà nhiệm vụ đánh bại IS đã hoàn thành", quan chức này cho biết thêm.

Khu vực an toàn chủ yếu sẽ do lực lượng quân đội Thổ Nhĩ Kỳ quản lý thay vì các nhóm ủy nhiệm do Ankara ủng hộ bao gồm các lực lượng nổi dậy chống lại Tổng thống Assad. Quân đội Mỹ sẽ không liên quan đến việc đảm bảo an ninh ở khu vực này cũng như sẽ bỏ lại hầu hết các tiền đồn ở phía bắc Syria và tiếp tục việc rút quân khỏi đây.

Tại Ankara, Phó Tổng thống Pence khẳng định Thổ Nhĩ Kỳ cam kết sẽ không tiến hành bất kỳ hành động quân sự nào ở Kobani - thị trấn biên giới Syria có ý nghĩa biểu tượng quan trọng - nơi mà lực lượng người Kurd từng giành lại được từ IS năm 2015 tại 1 trong những trận đánh trường kỳ và đẫm máu nhất của chiến dịch.

Ông Pence cũng cho biết các nhà ngoại giao Mỹ đã trao đổi với lực lượng người Kurd và họ đều cam kết rằng sẽ tuân theo thỏa thuận. Tuy nhiên, một quan chức cấp cao trong chính phủ Mỹ lại tiết lộ rằng SDF kín đáo lên tiếng lo ngại về thỏa thuận này: "Họ không chắc về những gì đã được nhất trí và cũng không tin tưởng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ ngừng bắn".

Trong một tuyên bố chung, Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng nhất trí sẽ tiếp tục chiến dịch đánh bại IS ở đông bắc Syria qua việc đảm bảo hàng nghìn tay súng IS và hàng chục nghìn thành viên gia đình của họ không thể trốn thoát khỏi các trại giam trong khu vực này.

Thỏa thuận trên cũng đánh dấu sự chấm dứt tạm thời cuộc tấn công quân sự nổ ra ở đông bắc Syria từ khi Tổng thống Erdogan và các lực lượng ủy nhiệm của Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào khu vực này ngày 9/10. Dù vậy, về dài hạn, thỏa thuận này được coi là một chiến thắng cho Thổ Nhĩ Kỳ và là một tổn thất đáng kể cho người Kurd - lực lượng đã tổn thất 11.000 quân trong cuộc chiến chống IS, bởi Tổng thống Erdogan đã yêu cầu thành lập một vùng đệm vào sâu lãnh thổ Syria 30 km từ biên giới do Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát trong vòng gần 1 năm. Cho tới nay, một số quan chức Mỹ và lực lượng SDF đều cho rằng đề xuất này là một sự công nhận cho sự chiếm giữ của Thổ Nhĩ Kỳ đối với các khu vực do người Kurd kiểm soát.

Theo một điều kiện trong thỏa thuận, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence ngày 17/10 cho biết Mỹ sẽ dừng áp các lệnh trừng phạt bổ sung lên Thổ Nhĩ Kỳ trong 5 ngày tới. Khi thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn được đưa ra vào thời điểm người Kurd rút khỏi khu vực an toàn, chính quyền Tổng thống Trump sẽ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt hạn chế mà Washington đã thông báo trong tuần này.

Các nhà phân tích cho rằng các lệnh trừng phạt này của Mỹ khi nhắm vào các bộ trưởng của Thổ Nhĩ Kỳ và một số cơ quan chính phủ nước này cũng như nâng thuế ngành thép, chỉ là một sự phản ứng yếu ớt của Washington trước việc Ankara tấn công vào Syria.

Những câu hỏi còn bỏ ngỏ

Mặc dù thỏa thuận giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ về lệnh ngừng bắn ở Syria là một giải pháp tạm thời nhắm chấm dứt các cuộc giao tranh ác liệt ở đông bắc Syria hiện nay song vẫn còn nhiều câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Đầu tiên, hiện vẫn chưa rõ liệu người Kurd ở Syria đã được trao đổi toàn bộ về thỏa thuận này chưa cũng như mức độ họ tuân theo thỏa thuận sẽ như thế nào.

Chỉ huy lực lượng SDF Mazlum Abdi cho biết họ sẽ chấp nhận lệnh ngừng bắn nhưng ông Abdi cũng chỉ rõ rằng "lệnh ngừng bắn này sẽ áp dụng đối với những nơi giao tranh hiện đang diễn ra", tức là khu vực giữa 2 thị trấn Ras al-Ayn và Tal Abyad, đồng thời khẳng định thêm: "một lệnh ngừng bắn với những khu vực khác sẽ cần phải thảo luận thêm".

Ông Pence nói Mỹ đã nhận được "đảm bảo từ người Kurd rằng họ sẽ nhất trí với lệnh ngừng bắn". Tuy nhiên, cách hiểu của Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng người Kurd về lệnh ngừng bắn này dường như có nhiều khác biệt.

Thỏa thuận trên cũng không đề cập đến Tổng thống Syria Bashar al-Assad, Nga hoặc Iran, những bên đã liên minh với lực lượng người Kurd ở Syria nhằm ngăn chặn cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ. Trong khi đó, Damascus chắc chắn sẽ không chấp nhận để Thổ Nhĩ Kỳ giám sát khu vực an toàn trên lãnh thổ Syria và cũng sẽ không đồng ý để người Kurd thành lập một khu tự trị.

Phó Tổng thống Pence khen ngợi ông Trump về "sự lãnh đạo mạnh mẽ" của ông với Thổ Nhĩ Kỳ song dường như, ít nhất là cho đến thời điểm này, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được chính xác những gì mà nước này mong muốn trong khi Mỹ đang dần từ bỏ ảnh hưởng ở Syria. Nói như nhà phân tích Jen Kirby nhận định trên Fox News thì "Mỹ đang một lần nữa bán đứng người Kurd".

Thỏa thuận ngừng bắn trên, nếu có thể duy trì, sẽ ngăn chặn được một cuộc chiến đẫm máu ở phía bắc Syria song thỏa thuận này hầu như không giải quyết được những căng thẳng gốc rễ ở đây cũng như không thể đảo ngược cuộc tấn công vào lực lượng người Kurd ở Syria hiện nay. Những cuộc giao tranh ở phía bắc Syria đang khiến 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và 200 dân thường thiệt mạng, trong đó có 18 trẻ em.

Một câu hỏi nữa đối với thỏa thuận này là việc giám sát các nhà tù IS và các khu trại giam giữ các thành viên gia đình của các tay súng này ở Syria. Lực lượng SDF hiện đang canh giữ 12.000 tù nhân IS và khoảng 70.000 thành viên gia đình của các tay súng này ở trại al-Hol. Thỏa thuận ngày 17/10 giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cho biết cả hai sẽ "hợp tác" với nhau quản lý các cơ sở giam giữ này.

Tuy nhiên, không phải tất cả các trung tâm giam giữ này đều là vùng đệm mà Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực thiết lập và Mỹ cũng không thể kiểm soát khu vực này bởi Washington đã rút quân. Do đó, bất kỳ tình huống hỗn loạn nào xảy ra sẽ không chỉ khiến IS có cơ hội trốn thoát mà còn biến khu vực này thành một cơ sở để nhóm khủng bố này tập hợp lực lượng.

Thỏa thuận ngừng bắn ở Syria giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ cũng không đi sâu vào những chi tiết quan trọng. Tuy nhiên, cả Tổng thống Trump và người đồng cấp Erdogan đều khẳng định đây là một chiến thắng và có lẽ đó mới là điều thực sự mà hai bên thực sự quan tâm. Một thỏa thuận, kể cả không phải thỏa thuận lớn, sẽ cho Tổng thống Trump cơ hội để khẳng định thắng lợi, trong khi ông Erdogan sẽ đạt được mọi thứ ông muốn, trong đó có cả việc giảm các sức ép trừng phạt của Mỹ với Thổ Nhĩ Kỳ./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Nga dọn đường cho nước cờ cuối của chính quyền Assad ở miền Bắc Syria
Nga dọn đường cho nước cờ cuối của chính quyền Assad ở miền Bắc Syria

VOV.VN - Tiến về miền Bắc Syria được cho là “nước cờ cuối” để chính quyền Assad giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ đã tuột khỏi tầm tay kể từ năm 2012.

Nga dọn đường cho nước cờ cuối của chính quyền Assad ở miền Bắc Syria

Nga dọn đường cho nước cờ cuối của chính quyền Assad ở miền Bắc Syria

VOV.VN - Tiến về miền Bắc Syria được cho là “nước cờ cuối” để chính quyền Assad giành lại quyền kiểm soát vùng lãnh thổ đã tuột khỏi tầm tay kể từ năm 2012.

Mỹ: IS hoàn toàn bị kiểm soát sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn tại Syria
Mỹ: IS hoàn toàn bị kiểm soát sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn tại Syria

VOV.VN - Thỏa thuận ngừng bắn được Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Ankara.

Mỹ: IS hoàn toàn bị kiểm soát sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn tại Syria

Mỹ: IS hoàn toàn bị kiểm soát sau khi Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn tại Syria

VOV.VN - Thỏa thuận ngừng bắn được Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuyên bố sau cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tại Ankara.

Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn, Australia vẫn chưa thể đưa công dân khỏi Syria
Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn, Australia vẫn chưa thể đưa công dân khỏi Syria

VOV.VN - Australia cho rằng, bối cảnh vẫn chưa đủ an toàn để có thể tiếp cận và tiến hành giải cứu các công dân nước này đang giam giữ trong trại al Hawl.

Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn, Australia vẫn chưa thể đưa công dân khỏi Syria

Thổ Nhĩ Kỳ ngừng bắn, Australia vẫn chưa thể đưa công dân khỏi Syria

VOV.VN - Australia cho rằng, bối cảnh vẫn chưa đủ an toàn để có thể tiếp cận và tiến hành giải cứu các công dân nước này đang giam giữ trong trại al Hawl.

Syria phản đối lập khu tự trị người Kurd sau thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ
Syria phản đối lập khu tự trị người Kurd sau thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

VOV.VN-Cố vấn chính trị của Tổng thống Syria, bà Bouthaina Shaaban ngày 17/10 đã miêu tả thỏa thuận ngừng bắn Mỹ -Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria là "không rõ ràng"

Syria phản đối lập khu tự trị người Kurd sau thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

Syria phản đối lập khu tự trị người Kurd sau thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ

VOV.VN-Cố vấn chính trị của Tổng thống Syria, bà Bouthaina Shaaban ngày 17/10 đã miêu tả thỏa thuận ngừng bắn Mỹ -Thổ Nhĩ Kỳ ở miền bắc Syria là "không rõ ràng"

“Thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngừng bắn ở Syria là giả dối”
“Thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngừng bắn ở Syria là giả dối”

VOV.VN - Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi và thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện Schumer đã gọi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria của Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ là "giả dối".

“Thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngừng bắn ở Syria là giả dối”

“Thỏa thuận Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ về việc ngừng bắn ở Syria là giả dối”

VOV.VN - Chủ tịch Hạ viện Mỹ Pelosi và thủ lĩnh phe Dân chủ tại Thượng viện Schumer đã gọi thỏa thuận ngừng bắn ở Syria của Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ là "giả dối".

Mỹ-Thổ đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, YPG có 120 tiếng để rút lui
Mỹ-Thổ đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, YPG có 120 tiếng để rút lui

VOV.VN - Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/10 đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực an toàn tại biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Mỹ-Thổ đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, YPG có 120 tiếng để rút lui

Mỹ-Thổ đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Syria, YPG có 120 tiếng để rút lui

VOV.VN - Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ ngày 17/10 đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở khu vực an toàn tại biên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.