Thoát khỏi xung đột phe phái ở Ai Cập - viễn cảnh xa vời
(VOV) - Theo giới quan sát, dù đã có Tổng thống lâm thời mới, song tình hình Ai Cập sẽ còn nhiều biến động thời gian tới.
Ngày 5/7, các nước tiếp tục có những phản ứng trước những diễn biến tại Ai Cập. Trong diễn biến mới nhất, Tổng Công tố Abdel- Meguid Mahmoud đã ban bố lệnh cấm đi lại đối với Tổng thống bị phế truất Mohamed Morsi và 35 thành viên của Tổ chức Anh em Hồi giáo để điều tra về các cáo buộc sát hại người biểu tình.
Người dân Ai Cập xem ra vẫn tiếp tục phải sống trong tình hình chính trị bất ổn (Ảnh: Press TV) |
Hãng tin Nhà nước Al-Ahram của Ai Cập, lệnh cấm đi lại cũng được áp dụng đối với Mohamed Saad al-katatni, nhân vật đứng đầu Đảng Tự do và Công Lý thuộc Tổ chức Anh em Hồi giáo, và phó thủ lĩnh của đảng này là Rashad Bayoumi cùng một số nhân viên của kênh truyền hình Hồi giáo (Islamic TV). Các nhân vật này bị điều tra với cáo buộc liên quan tới hành động trấn áp người biểu tình chống chính phủ tại Cairo, Giza, Alexandria và Marsa Matrouh, làm ít nhất 11 người thiệt mạng và hàng trăm người bị thương.
Về phía Liên minh châu Phi (AU), khối này ngày 4/7 cho rằng, chiếu theo học thuyết của tổ chức này về việc thay đổi chính phủ trái pháp luật, thì việc lật đổ Tổng thống Ai Cập Mohamed Morsi là "vi phạm hiến pháp của Ai Cập". Trong một tuyên bố, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi, bà Nkosazana Dlamini-Zuma cho biết, Liên minh châu Phi có "quan điểm mang tính nguyên tắc về việc thay đổi chính phủ trái với hiến pháp", đồng thời tiết lộ về khả năng có thể đình chỉ tư cách thành viên của Ai Cập.
Theo bà Zuma, Liên minh châu Phi đang theo dõi một cách chặt chẽ những diễn biến tại Ai Cập và sẵn sàng hợp tác nhằm tìm kiếm một giải pháp chấm dứt cuộc khủng hoảng hiện nay tại quốc gia thành viên này. Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Liên minh châu Phi cũng hối thúc các bên tiến hành đối thoại dân tộc để thảo luận về giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Trong bối cảnh hiện nay, cộng đồng quốc tế tiếp tục có nhiều phản ứng trái chiều về những diễn biến tại Ai Cập. Phát biểu tại cuộc gặp Ngoại trưởng Ai Cập Mohamed Kamel Amr tại thủ đô Copenhagen, Đan Mạch, ngày 4/7, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon bày tỏ sự quan ngại đặc biệt về việc quân đội can thiệp vào vấn đề có tính chất hiến pháp và dân sự, đồng thời nhấn mạnh cần nhanh chóng thiết lập chính quyền dân sự thông qua bầu cử tại Ai Cập.
Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng kêu gọi các nhà chức trách Ai Cập tôn trọng các quyền cơ bản của người dân, đồng thời nhanh chóng tiến hành đối thoại hòa bình có sự tham gia của tất cả các thành phần chính trị nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng hiện nay.
Tại Washington, Chính phủ Mỹ nhấn mạnh, chính quyền lâm thời Ai Cập cần tránh "các vụ bắt giữ độc đoán" nhằm vào Tổng thống Morsi và các phụ tá của nhà lãnh đạo Hồi giáo này, đồng thời khẳng định, Ai Cập cần tiến hành một cách "nhanh chóng và có trách nhiệm" thành lập một chính phủ do dân bầu.
Về phía Canada, trong tuyên bố ngày 4/7, Ngoại trưởng Canada John Baird cũng hối thúc tất cả các đảng phái tại Ai Cập bình tĩnh, tránh bạo lực và cam kết hợp tác tìm kiếm đối thoại chính trị.
Trong khi đó, Tổng thống Pháp Francois Hollande từ chối nhận định về những diễn biến tại Ai Cập "có phải là cuộc đảo chính hay không". Ông Hollande chỉ nói rằng "tiến trình dân chủ cần phải quay trở lại ở quốc gia Bắc Phi này".
Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Tunisia ngày 4/7, ông Hollande cho biết: “Khi chúng tôi nhìn thấy những gì xảy ra tại Ai Cập, rõ ràng đó là một sự thất bại. Rõ ràng người ta đã cố gắng sa thải một tổng thống được bầu ra một cách dân chủ. Thách thức phát sinh ở Ai Cập "là làm mọi thứ để bắt đầu lại quá trình này”.
Phía Tunisia cũng cho rằng, hành động tiếm quyền tại Ai Cập là không thể chấp nhận được. Tổng thống Tunisia Moncef Marzouki nhấn mạnh: “Sự can thiệp trực tiếp của lực lượng quân sự vào nền chính trị ở Ai Cập không được quốc tế và Liên minh châu Phi ủng hộ. Nó sẽ làm tăng khủng hoảng chính trị. Nếu không giải quyết và nhanh chóng trở lại con đường dân chủ càng sớm càng tốt thì nó sẽ truyền bá bạo lực và chủ nghĩa cực đoan ngay tại quốc gia Bắc Phi này”.
Trái ngược với quan ngại của phương Tây, trong phản ứng mới nhất, các nước vùng Vịnh ngày 5/7 hoan nghênh việc quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Hồi giáo Morsi. Chính phủ các nước Syria, Saudi Arabia, Iraq, Bahrain, Kuwait, Libya ... đều có tuyên bố "đánh giá cao sự cải cách" tại Ai Cập và cam kết thúc đẩy quan hệ với chính phủ mới tại quốc gia này.
Thủ tướng Libya Zeidan khẳng định: “Ai Cập là nước láng giềng của chúng tôi. Người dân Ai Cập đã có sự lựa chọn chính trị, chúng tôi sẽ ủng hộ lựa chọn đó. Chúng tôi sẽ hỗ trợ người dân Ai Cập và mong muốn họ có được sự ổn định. Quan hệ của chúng tôi với Ai Cập sẽ không bị ảnh hưởng bởi bất cứ sự thay đổi nào”.
Có thể thấy, mặc dù đã có tổng thống lâm thời mới, song tình hình Ai Cập trong những ngày tới sẽ còn nhiều biến động. Hơn 80 triệu người dân Ai Cập vốn phải đối mặt với nền kinh tế trì trệ nay lại tiếp tục sống trong tình hình chính trị bất ổn. Xem ra, việc thoát khỏi các cuộc xung đột phe phái ở quốc gia Bắc Phi này vẫn là viễn cảnh xa vời./.