Thứ trưởng Ngoại giao Biegun và sứ mệnh “hàn gắn” chính trường Mỹ
VOV.VN -Ông Biegun đang trở thành “ngôi sao mới” trong Bộ Ngoại giao Mỹ với vai trò hàn gắn những chia rẽ ngày càng sâu sắc giữa các bên trong chính trường Mỹ.
Stephen Biegun được đánh giá là một người có khả năng. Những người từng làm việc với ông đều miêu tả ông là một người nghiêm túc và hết mình trong công việc. So với những người ra chính sách khác - những người ở vị trí cao hơn, thậm chí trong đó có cả Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ông Biegun là một người có hồ sơ nghề nghiệp ấn tượng trong suốt 1/4 thế kỷ. Trước khi đảm nhiệm vị trí giám đốc điều hành Hội đồng An ninh Quốc gia dưới thời Tổng thống George W. Bush và là điều hành cấp cao tại Công ty Ford Motor, ông Biegun từng có hơn 1 thập kỷ làm những công việc khác nhau ở Đồi Capitol.
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Stephen Biegun. Ảnh: Reuters |
Những kinh nghiệm này đã khiến ông Biegun - một người gần như không có tiếng tăm tại Thượng viện vẫn nhận được sự nhất trí với tỷ lệ 90 phiếu thuận và 3 phiếu trống để trở thành Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, ông Biegun đã bước vào một cương vị mới trong Bộ Ngoại giao ở một thời điểm vô cùng căng thẳng. Theo nhà quan sát Daniel R. DePetris nhận định trên National Interest, nếu ông Biegun muốn sắp xếp lại trật tự trong Bộ Ngoại giao Mỹ, ông sẽ cần ít tập trung hơn vào hồ sơ Triều Tiên với tiến trình ngoại giao gần như "giậm chân tại chỗ" mà thay vào đó, nên dành nhiều thời gian hơn cho những vấn đề nội bộ trong cơ quan này.
Hàn gắn những chia rẽ
Mối quan hệ giữa Quốc hội và chính phủ Mỹ hiếm khi “thuận buồm xuôi gió” dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đặc biệt là khi một viện do một đảng khác kiểm soát. Trong khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo bị đánh giá là một người mang nặng tính đảng phái và gây những tác động nhất định đến quan điểm của những người ra chính sách trong Bộ Ngoại giao nói chung, thì sự xuất hiện của ông Biegun được cho là sẽ đem đến những thay đổi tích cực. Mặc dù Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Biegun không thể thay đổi hành động của Ngoại trưởng Pompeo nhưng ít nhất ông có thể sử dụng các mối quan hệ với một số thành viên trong Quốc hội và mức tín nhiệm cao trong lưỡng đảng của mình để hàn gắn những chia rẽ nội bộ trong chính trường Mỹ.
Theo một số quan chức hiện tại và cựu quan chức Mỹ, ông Biegun đang có những động thái thể hiện bản thân vừa là một người hàn gắn, vừa là một người không ngại mạo hiểm. Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thể hiện rằng ông muốn đóng vai trò nhất định trong chính sách với Ukraine - một vấn đề "hóc búa" hiện nay tại Bộ Ngoại giao Mỹ.
"Ông ấy có nhiều thiện chí và tín nhiệm khi đảm đương vị trí này. Nhưng dĩ nhiên, ông ấy đến vào một thời điểm vô cùng khó khăn", Heather Conley - một cựu quan chức dưới thời chính quyền Tổng thống George W.Bush nhận định.
Ông Biegun chính thức tuyên thệ trở thành Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ ngày 21/12/2019. Ông nhận vị trí này từ John Sullivan - một người được yêu thích trong Bộ Ngoại giao Mỹ nhưng có ảnh hưởng rất hạn chế đến ông Pompeo hay Tổng thống Trump. Ông Sullivan hiện là Đại sứ Mỹ tại Nga.
Ngày 21/12, trong một email gửi tới các nhân viên, ông Biegun đã viết rằng "ưu tiên số 1" của ông là hỗ trợ các thành viên trong Bộ Ngoại giao. Trong khi nhấn mạnh đến tầm quan trọng của các đồng minh quốc tế của Mỹ, điều mà Tổng thống Trump dường như không mấy chú trọng, thì ông Biegun cũng đề cập đến tầm quan trọng của việc "thúc đẩy các lợi ích của Mỹ", một quan điểm tương đồng với tầm nhìn chính sách ngoại giao "Nước Mỹ trên hết" của ông Trump.
Brett Bruen, cựu quan chức ngoại giao Mỹ hiện đang đứng đầu Global Situation Room - một công ty truyền thông chiến lược cho biết, các nhân viên trong Bộ Ngoại giao Mỹ hiểu rõ ông Biegun có một số hạn chế trong những nhiệm vụ ông có thể hoàn thành. Tuy nhiên, họ vẫn hy vọng Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ có thể phần nào điều chỉnh những quan điểm bị cho là khác thường của ông Pompeo, Tổng thống Trump và những quan chức khác trong chính quyền Mỹ.
Một số nhân viên trong Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng họ đặt nhiều kỳ vọng vào ông Biegun nếu Ngoại trưởng Pompeo rời đi và ông sẽ đảm nhiệm vị trí quyền Ngoại trưởng. Nhiều người mong đợi điều này sẽ xảy ra khi ông Pompeo chạy đua cho chiếc ghế Thượng nghị sĩ bang Kansas. Tuy nhiên, ông Pompeo đã hạ thấp khả năng này và dường như sẽ tiếp tục ở lại Bộ Ngoại giao Mỹ trong tương lai gần.
Không ngại mạo hiểm
Giữa bối cảnh tiến trình ngoại giao với Triều Tiên không có nhiều tiến triển, Thứ trưởng Biegun cho thấy mối quan tâm của ông dành cho các vấn đề liên quan đến chính sách với Ukraine - một chủ đề nhạy cảm, nhất là trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump vừa kết thúc.
Ông Biegun đã để mắt đến những công việc mà ông Kurt Volker từng phụ trách - cựu đặc phái viên có nhiệm vụ nỗ lực chấm dứt cuộc chiến tại miền đông Ukraine. Ông Volker đã từ chức sau khi cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump do đảng Dân chủ khởi xướng bước vào giai đoạn cao trào khi hàng loạt người ra làm chứng và giao nộp những tài liệu quan trọng nhằm buộc tội ông Trump.
Trong một bài bình luận gần đây, ông Volker đã đề xướng với Ngoại trưởng Pompeo nên để ông Biegun là "người chỉ định" trong các cuộc đàm phán với phía Ukraine. Những người khác phụ trách về chính sách đối ngoại cũng ủng hộ đề xuất này bởi hiện nay, Mỹ không có đại sứ tại Kiev và chức vụ này vẫn đang để trống.
Ông Biegun mặc dù không thể đảm nhiệm một chức vụ chính thức liên quan đến Ukraine nhưng ông có kinh nghiệm cũng như các mối liên lạc với khu vực này. Trong những năm 1990, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ từng làm việc tại Moscow cho Viện Cộng hòa Quốc tế - một tổ chức xây dựng dân chủ do chính phủ Mỹ tài trợ. Ông cũng có thời gian nghiên cứu về Nga khi theo học tại Đại học Michigan.
Ông Stephen Biegun đã đảm nhiệm vị trí Đặc phái viên Mỹ về vấn đề Triều Tiên từ tháng 8/2018 và được đánh giá là hiểu rõ về vấn đề này, cũng như xây dựng được các mối quan hệ trong khu vực mặc dù sau 3 lần Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp mặt, việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân vẫn chưa đạt được bất kỳ tiến triển thực tế nào.
Vì Triều Tiên muốn đàm phán trực tiếp với Tổng thống Trump hơn bất cứ ai nên vị trí Đặc phái viên khó có thể tạo nên đột phá trong tiến trình đàm phán 2 bên. Do đó, một số nhà quan sát kỳ vọng rằng khi ông Biegun được thăng cấp trở thành Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ, Triều Tiên sẽ coi trọng quá trình đàm phán với ông hơn.
“Ngôi sao mới” của Bộ Ngoại giao Mỹ
Đặc biệt, có một trở ngại trong chính quyền Tổng thống Trump mà ông Biegun có thể đạt được nhiều thành công hơn trong quá trình giải quyết, đó là mối quan hệ với các thành viên đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ.
Mối quan hệ giữa ông Pompeo với Quốc hội Mỹ không mấy hòa thuận, nhất là khi Ngoại trưởng Mỹ từ chối giao nộp các tài liệu của Bộ Ngoại giao và nỗ lực ngăn cản các nhân chứng trong cuộc điều tra luận tội Tổng thống Trump. Gần đây nhất, ông Pompeo cũng bác bỏ yêu cầu ra làm chứng trước Quốc hội về cả những vấn đề không liên quan đến tiến trình luận tội.
Các nhà ngoại giao hiện tại và các cựu quan chức Mỹ đều cho rằng ông Pompeo nên cử ông Biegun tới Tòa nhà Quốc hội nhiều hơn để hàn gắn mối quan hệ này, nhất là khi Hạ viện hiện do đảng Dân chủ kiểm soát.
Với một Ngoại trưởng có đường lối rạch ròi như ông Pompeo "hoặc là đứng cùng phe với nước Mỹ, hoặc là chống lại nước Mỹ" và với một Tổng thống có những quyết định khó đoán như ông Trump, nhiệm vụ của ông Biegun sẽ không hề dễ dàng. Mặc dù chỉ mình Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ thì không thể thay đổi những gì đang diễn ra nhưng ít nhất ông có thể thu hẹp phần nào những rạn nứt trong chính trường Mỹ và xoa dịu những bất đồng giữa các bên có quan điểm đối lập nhau./.
Sự “trả thù” của Tổng thống Trump hậu luận tội