Thừa nhận Ukraine quan trọng, Mỹ sẽ phân bổ nguồn viện trợ ra sao?
VOV.VN - Chuyến thăm bất ngờ của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đến Kiev được cho là gửi thông điệp rõ ràng rằng sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ không bị suy giảm bởi cuộc chiến của Israel với các chiến binh Hamas ở Dải Gaza.
Thông điệp rõ ràng của Mỹ
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 20/11 đã có chuyến thăm bất ngờ tới Kiev, trong nỗ lực được cho là để trấn an Ukraine về nguồn cung vũ khí cho nước này. Ông Austin đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Bộ trưởng Quốc phòng Rustem Umerov và Tướng Valery Zaluzhny - quan quân sự hàng đầu của Ukraine.
Đáng chú ý, đi cùng Bộ trưởng Lloyd Austin đến Kiev lần này có Tướng Christopher Cavoli – người đứng đầu Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ, đồng thời giữ chức Tư lệnh tối cao lực lượng đồng minh của NATO tại châu Âu. Đây là chuyến thăm đầu tiên của ông Cavoli tới thủ đô Ukraine kể từ xung đột vũ trang Nga – Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022.
“Các thành viên quốc hội của chúng tôi có những câu hỏi xác đáng và chúng tôi sẽ trả lời những câu hỏi đó, nhưng chúng tôi sẽ chỉ ra rằng Ukraine quan trọng, những gì xảy ra ở đây quan trọng không chỉ với Ukraine mà còn quan trọng với thế giới”, ông Austin nói với các phóng viên sau cuộc gặp các quan chức Ukraine.
Chuyến thăm của Bộ trưởng Austin và Tướng Cavoli được cho là gửi thông điệp rõ ràng rằng sự hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine sẽ không bị suy giảm bởi cuộc chiến của Israel với các chiến binh Hamas ở Dải Gaza.
Tại Kiev, ông Austin thông báo rằng quân đội Mỹ sẽ gửi khoảng 100 triệu USD hỗ trợ các thiết bị quân sự cho Ukraine, bao gồm tên lửa phòng không Stinger, đạn pháo và đồ bảo hộ chống thời tiết lạnh. Quy mô của gói viện trợ lần này nhỏ hơn hầu hết các thông báo viện trợ của Mỹ trước đây, dường như phản ánh thực tế mới về những hạn chế chặt chẽ hơn ở Mỹ đối với khoản viện trợ cho Ukraine.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lưu ý, các lực lượng Ukraine đã có tất cả những gì họ cần để chiến đấu với quân Nga trong mùa đông.
Mặc dù vậy, hồi tuần trước, Tổng thống Zelensky than thở rằng việc chuyển giao đạn pháo 155mm rất cần thiết cho Ukraine đã bị chậm lại kể từ khi xung đột Israel-Hamas nổ ra.
Một quan chức quốc phòng cấp cao Mỹ giấu tên hôm qua (20/11) cho biết, đến thời điểm này, Mỹ chưa chuyển hướng hay cắt bất kỳ gói viện trợ nào dành cho Ukraine vì xung đột Israel – Hamas. Tuy nhiên, các quan chức Lầu Năm Góc cho biết họ hiện đang "cân nhắc" sự hỗ trợ của Ukraine khi kho dự trữ sẵn có ngày càng cạn kiệt.
Các quan chức tháp tùng ông Austin thừa nhận sẽ có thể mất một thời gian để tiếp tục gửi viện trợ, bao gồm cả vũ khí tầm xa và đạn pháo, vốn là nền tảng trong chiến lược quân sự của Ukraine.
Trong một bức thư gần đây gửi tới các nhà lập pháp Mỹ, một số quan chức hàng đầu của chính quyền Tổng thống Biden đã nhấn mạnh đến tầm quan trong của việc hỗ trợ nguồn lực cho Kiev, cảnh báo rằng “việc giảm hoặc trì hoãn hỗ trợ ngân sách trực tiếp sẽ làm tổn hại đến nỗ lực quân sự của Ukraine”.
Ukraine đang phải đối mặt với thâm hụt ngân sách khoảng 42 tỷ USD vào năm tới. Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yulia Svyrydenko chia sẻ: “Chúng tôi rất mong đợi sự hỗ trợ từ phía Mỹ đối với nỗ lực quan trọng này”, đồng thời cũng lưu ý rằng bà đã nhận ra “tầm quan trọng của việc Ukraine cần phải tự chủ hơn”.
Nghi ngại ngày càng lớn về viện trợ quân sự cho Ukraine
Trong khi các nhà lập pháp của lưỡng đảng Quốc hội Mỹ có chung tiếng nói ủng hộ mạnh mẽ Israel thì họ dường như bị chia rẽ và “vết rạn” này ngày càng lớn hơn trong vấn đề viện trợ cho Ukraine. Điều đó cũng làm tăng khả năng một số người có thể cố gắng ép ông Zelensky đàm phán với Nga.
Tổng thống Zelensky cho đến nay vẫn kiên quyết cho rằng, bất kỳ sự nhượng bộ lãnh thổ nào sẽ chỉ mang lại lợi ích cho Nga và ông sẽ không bao giờ chấp nhận điều đó.
Không chỉ nội bộ Mỹ, một số nước châu Âu cũng đã bày tỏ lo ngại sâu sắc về triển vọng của Ukraine phản công Nga. Một quan chức châu Âu giấu tên thừa nhận: “Tình hình khá tồi tệ”.
Chỉ vài tháng trước, người ta còn hy vọng rằng sự hỗ trợ mạnh mẽ từ phương Tây, đặc biệt là Mỹ, sẽ giúp Ukraine chiếm thế thượng phong trên chiến trường. Nhưng sự bế tắc ở tiền tuyến và những dấu hiệu cho thấy nguồn viện trợ gặp khó khăn đã khiến nhiều người ở châu Âu lo lắng.
Vị quan chức châu Âu nêu trên cho rằng, Ukraine cần phải có đòn bẩy mạnh mẽ để có thể đàm phán với Nga, nếu trong tình cảnh hiện nay Ukraine phải đối thoại thì Kiev không có đòn bẩy nào.
Một số nhà ngoại giao và quan chức khác thì lo ngại rằng, một cuộc xung đột đóng băng sẽ giúp Nga có thời gian xây dựng lại lực lượng vũ trang và Moscow có thể tiếp tục tấn công trong vòng vài năm. Nhưng một thực tế mới sẽ là phản ứng mạnh mẽ mạnh mẽ của EU nhưng trong suốt một năm rưỡi đầu tiên của cuộc chiến sẽ không còn nữa.
Mùa xuân năm nay, các quốc gia EU đã cam kết viện trợ cho Ukraine 1 triệu viên đạn trong vòng 1 năm để chiến đấu với Nga. Nhưng đến tuần trước, khi chỉ còn hơn 1 tháng nữa là hết năm 2023, các quan chức EU thừa nhận rằng họ sẽ không thể đạt được mục tiêu đó.
“Con số 1 triệu sẽ không đạt được, bạn phải thừa nhận điều đó”, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói tại Brussels. Các quan chức cho biết, cho đến nay, họ đã chuyển chuyển giao cho phía Ukraine 300.000 viên đạn.
Chính phủ mới của Slovakia trong tháng này đã từ chối gói viện trợ quân sự được đề xuất cho Ukraine. Việc Thủ tướng Slovakia Robert Fico thực hiện đúng lời hứa tranh cử đã làm dấy lên lo ngại rằng những nhà lãnh đạo vốn hoài nghi hiệu quả của việc viện trợ cho Ukraine sẽ được truyền cảm hứng.
Bên cạnh đó, trong khi Ủy ban Châu Âu công khai ca ngợi tiến bộ của Ukraine trong việc mở các cuộc đàm phán tư cách thành viên chính thức để gia nhập Liên minh châu Âu (EU), thì trong các cuộc trò chuyện riêng tư, các quan chức và nhà ngoại giao lại bày tỏ sự hoài nghi về sự sẵn sàng của nước này, viện dẫn những lo ngại về tham nhũng.
“Mỹ có niềm tin mạnh mẽ rằng Ukraine không được thất bại. Điều này khác với niềm tin của các nước trong khu vực, chúng tôi tin rằng Ukraine phải thắng”, một đại sứ của một nước Trung Âu tại Kiev không muốn nêu danh tính nói.