Thực tế buồn đằng sau 1 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 hết hạn ở Nigeria
VOV.VN - Reuters dẫn 2 nguồn tin cho biết, ước tính khoảng 1 triệu liều vaccine Covid-19 tại Nigeria đã hết hạn mà không được sử dụng kịp thời. Con số thiệt hại đáng kể này cho thấy những khó khăn mà các nước Nam Phi gặp phải trong chiến dịch tiêm chủng.
Chính phủ các nước châu Phi với hơn 1 tỷ dân đã thúc đẩy tăng cường phân phối vaccine ngừa Covid-19 trong bối cảnh chiến dịch tiêm chủng tại khu vực này bị tụt lại khá xa so với các khu vực khác trên thế giới, làm tăng nguy cơ xuất hiện các biến thể mới như Omicron đang lây lan tại Nam Phi.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ở Nigeria, quốc gia đông dân nhất châu Phi với 200 triệu dân, chưa đến 4% người trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, việc gia tăng nguồn cung gần đây đã gây ra vấn đề mới: nhiều nước châu Phi nhận thấy họ không có khả năng quản lý các liều vaccine này, đặc biệt trong đó có nhiều lô vaccine còn hạn sử dụng khá ngắn.
Theo các nguồn tin, các liều vaccine hết hạn tại Nigeria là vaccine của hãng AstraZenecca, được phân phối từ châu Âu. Số vaccine này được cung cấp qua COVAX, cơ chế chia sẻ vaccine do liên minh vaccine GAVI và WHO dẫn đầu.
Nguồn tin thứ 3 cho biết, mộ số lô vaccine được đưa tới Nigeria khi chỉ còn 4-6 tuần nữa là hết hạn sử dụng và quốc gia châu Phi này không thể sử dụng kịp thời, bất chấp những nỗ lực của giới chức y tế.
Các nguồn tin nói rằng, việc thống kê vaccine hết hạn vẫn đang được tiến hành và con số chính thức chưa được công bố.
“Nigeria đang làm mọi điều có thể. Tuy nhiên, việc xử lý các vaccine có thời hạn sử dụng ngắn là điều rất khó khăn. Hiện giờ nguồn cung cấp rất khó dự đoán và họ đang gửi quá nhiều vaccine tới đây”, một nguồn tin nói với Reuters.
WHO nói rằng các liều vaccine đã hết hạn nhưng từ chối cung cấp con số cụ thể. Theo tổ chức này, khoảng 800.000 liều vaccine có nguy cơ hết hạn vào tháng 10 vừa qua đều đã được sử dụng kịp thời.
“Việc lãng phí vaccine là có thể dự đoán được trong bất cứ chiến dịch tiêm chủng nào”, WHO cho biết đồng thời nhấn mạnh, các vaccine được tài trợ còn thời hạn sử dụng ngắn là một vấn đề.
Con số thiệt hại về vaccine tại Nigeria thậm chí vượt xa tổng số vaccine mà một số nước trong khu vực được nhận. Tuy nhiên vấn đề không chỉ là lãng phí vaccine.
Ở châu Âu, Đức và Thụy sỹ cũng gặp khó khăn trong việc sử dụng tối đa các liều vaccine mà họ có. Hồi tháng 1, giới chức Anh dự đoán nước này lãng phí khoảng 10% số vaccine ngừa Covid-19. Tháng 4, Bộ trưởng Y tế Pháp nói rằng 25% số vaccine AstraZeneca, 20% số vaccine Moderna và 7% số vaccine Pfizer của nước này bị lãng phí.
Những liều vaccine sắp hết hạn không giúp ích gì
Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ tiêm chủng cao tại châu Phi là điều thiết yếu để chấm dứt đại dịch Covid-19. Hiện, mới chỉ có 102 triệu người, tương đương 7,5% dân số châu Phi được tiêm chủng đầy đủ.
Thiếu nhân lực, trang thiết bị, ngân sách là những yếu tố ảnh hưởng đến chương trình tiêm chủng tại “lục địa đen”. Việc gia tăng nguồn cung, bao gồm cả hàng triệu liều vaccine dự kiến được chuyển đến trong những tuần tới, có thể phơi bày những điểm yếu này, các chuyên gia cảnh báo.
Hệ thống y tế không được đầu tư của Nigeria thậm chí còn thiếu các thiết bị đơn giản như bông gạc. Tình trạng thiếu điện tại quốc gia này khiến các tủ đông trữ vaccine cần phải được duy trì bằng máy phát điện chạy bằng nhiên liệu đắt đỏ. Hàng triệu người sống trong các khu vực bị các băng cướp hoặc lực lượng Hồi giáo cực đoan tàn phá mà lực lượng y tế không thể tiếp cận.
“Các nền tảng cơ bản của chúng ta không đủ mạnh. Nếu chúng ta không có một nền tảng cơ sở đủ chắc chắn, thì ta đang ‘xây nhà từ nóc’”, Bộ trưởng Y tế Osagie Ehanire phát biểu tại một diễn đàn trong tuần trước.
Các liều vaccine viện trợ sắp hết hạn không giúp ích gì cho các quốc gia châu Phi.
Nam Sudan và Cộng hòa Dân chủ Congo, dù cả 2 nước đều đang khan hiếm vaccine, đã phải gửi trả lại vaccine được viện trợ vì họ không thể sử dụng kịp thời. Namibia tháng trước cảnh báo nước này có thể phải tiêu hủy hàng nghìn liều vaccine hết hạn.
Các chuyên gia cảnh báo, thực tế này này chỉ khiến tình trạng bất bình đẳng vaccine trở nên trầm trọng hơn.
“Hơn 8 tỷ liều vaccine đã được tiêm. Đó là chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên tất cả chúng ta đều biết rằng thành tựu đáng kể này lại bị phủ bóng bởi sự bất bình đẳng đáng sợ”, Tổng Giám đốc Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh trên Twitter ngày 6/12./.