Thượng đỉnh EU phác họa chương trình nghị sự chiến lược 5 năm tới
VOV.VN - Hội nghị Thượng đỉnh EU trong hai ngày 20 và 21/6 tại Brussels, Bỉ với chương trình nghị sự tập trung vào một loạt vấn đề cấp thiết của khối.
Đây là dịp để nguyên thủ các quốc gia EU trao đổi quan điểm chính thức sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu hồi tháng 5 vừa qua.
Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Pháp Macron. Ảnh: Newsbook. |
Trọng tâm Hội nghị Thượng đỉnh
Trọng tâm của hội nghị Thượng đỉnh EU lần này là bàn về các chức danh lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo 28 nước thành viên EU, gồm cả Vương quốc Anh, đã có cuộc họp dài trong đêm qua để thảo luận về chủ đề này. Trước khi Thượng đỉnh diễn ra thì mâu thuẫn nổi bật nhất là giữa Đức và Pháp, hai nước đầu tàu của EU trong việc chọn người sẽ giữ chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu thay ông Jean-Claude Juncker sẽ hết nhiệm kỳ vào tháng 10 tới. Phía Đức đã công khai ủng hộ ông Manfred Weber, một chính trị gia người Đức của nhóm đảng Nhân dân châu Âu (PPE) nhưng Pháp phản đối, vì cho rằng ông này thiếu kinh nghiệm lãnh đạo.
Để ngăn được ý định của Đức, Pháp cần có thêm ít nhất 6 nước nữa ủng hộ vì theo quy định của EU, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu cần được sự đồng ý của tối thiểu 21 trên 28 nước thành viên EU và nhận ít nhất 376 phiếu tại Nghị viện châu Âu, tức là quá bán. Hiện có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha ủng hộ Pháp trong khi Bỉ, Hà Lan và Luxemburg đang lưỡng lự.
Tuy nhiên, khả năng Pháp ngăn được ứng cử viên người Đức lên làm Chủ tịch Uỷ ban châu Âu là không cao. Thứ nhất, đó là nếu Pháp kiên quyết phản đối ông Weber đến cùng thì Đức cũng có thể lôi kéo các nước khác phủ quyết mọi ứng cử viên được Pháp ủng hộ, trong đó đáng chú ý có ông Michel Barnier, người Pháp, hiện là trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU.
Thứ hai, Pháp cũng không thực sự đưa ra được một ứng cử viên nào khác đủ sức làm đối trọng với ông Weber, trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa kết thúc mặc dù ghi nhận sự thăng tiến của nhóm các đảng dân chủ-tự do, tức là nhóm có đảng “Nền Cộng hoà tiến bước” (LREM) của ông Macron, nhưng xét tổng số ghế thì hai lực lượng chính trị lớn nhất tại Nghị viện châu Âu vẫn là 2 lực lượng truyền thống là nhóm các đảng Nhân dân châu Âu (PPE) và nhóm các đảng Dân chủ-xã hội (SD). Vì thế, dù Pháp phản đối nhưng cơ chế “Spitzenkandidat”, tức ứng cử viên của nhóm đảng nhiều ghế nhất tại Nghị viện châu Âu sẽ giữ ghế Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, có lẽ vẫn sẽ chưa thể thay đổi.
Tuy nhiên, do các nhóm PPE và SD cũng đã không còn giữ được ưu thế tuyệt đối tại Nghị viện châu Âu, nên để đổi lại, các lực lượng này cũng sẽ phải nhượng bộ và kịch bản được giới ngoại giao ở Brussels nhắc nhiều hiện nay là ông Manfred Weber sẽ là Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, người của các đảng dân chủ tự do sẽ là Chủ tịch Hội đồng châu Âu và giữ ghế Cao uỷ phụ trách đối ngoại và an ninh của khối, còn lại ghế Chủ tịch Nghị viện châu Âu sẽ do nhóm SD nắm giữ. Nhưng cho đến khi kết thúc phiên họp đêm 21/6, chưa có bất cứ thông báo chính thức nào được đưa ra.
Các ưu tiên của EU trong giai đoạn tới
Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này diễn ra vào thời điểm chuyển giao quyền lực, khi EU vừa kết thúc cuộc bầu cử Nghị viện. Vì thế, trọng tâm của hội nghị lần này là việc định hình bộ máy lãnh đạo khoá tới, gồm chức Chủ tịch Uỷ ban châu Âu, Chủ tịch Nghị viện châu Âu, Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu.
Theo lịch trình, đến tháng 11 tới, bộ máy mới sẽ hoàn thiện và khi đó có lẽ EU mới có thể vạch ra một lộ trình mới, rõ ràng và cụ thể hơn cho nhiệm kỳ 5 năm tới. Tất nhiên, sau cuộc bầu cử Nghị viện, châu Âu cũng đã nhận thức được việc có nhiều điều cần phải thay đổi. Sự nổi lên mạnh mẽ của các đảng Xanh ở nhiều nước đã phát đi thông điệp cho thấy là vấn đề môi trường, chuyển đổi sinh thái, chống biến đổi khí hậu sẽ là một chủ đề quan trọng hàng đầu tại châu Âu trong những năm tới, buộc EU phải đưa ra các chính sách mới để đáp ứng đòi hỏi cử tri, đặc biệt là cử tri trẻ. Ngay trong thượng đỉnh lần này EU cũng đã bàn về mục tiêu rất tham vọng là đến năm 2050 giảm mức phát thải khí carbon trong khối xuống mức 0.
Về khía cạnh kinh tế-xã hội, cần chờ đợi một đội ngũ lãnh đạo mới của Uỷ ban châu Âu để có cái nhìn cụ thể hơn nhưng về tổng thể, châu Âu cũng đã xác định tương đối rõ các ưu tiên chiến lược của mình trong thời gian tới, đó là xây dựng một EU đa phương về quan hệ kinh tế, tự chủ hơn về mặt quốc phòng-an ninh nhằm đối trọng với Nga và tránh phụ thuộc vào Mỹ, đồng thời có các chính sách về đầu tư và thương mại chặt chẽ hơn nhằm đủ sức cạnh tranh với Mỹ và Trung Quốc. Đó là các hướng hành động chính mà EU đã vạch ra trong thời gian qua, nhưng chúng ta vẫn phải chờ đội ngũ lãnh đạo mới của EU lên cầm quyền để biết được các ưu tiên lớn nhất trước mắt của họ là gì.
Thách thức đối với EU trong những năm tới
Trong những năm qua, cụ thể là nhiệm kỳ 5 năm từ 2014-2019 vừa qua, Liên minh châu Âu đã đối mặt với những cuộc khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi khối này ra đời, cả về mặt kinh tế là cuộc khủng hoảng nợ công, cho đến an ninh là làn sóng tị nạn và quan hệ căng thẳng với Nga và Mỹ, và thậm chí là cả nguy cơ tan rã khi Brexit diễn ra đồng thời quan hệ giữa nhóm các nước Tây Âu với nhóm các nước Đông Âu mâu thuẫn gay gắt. Tuy nhiên, đến lúc này, EU đã vượt qua được giai đoạn đặc biệt khó khăn này.
Thách thức trước mắt lớn nhất còn lại là vấn đề Brexit, đặc biệt là việc làm sao để tránh được kịch bản “Brexit không thoả thuận” mà vẫn giữ được các nguyên tắc của EU. Nhưng về mặt trung hạn, thách thức lớn của EU sẽ là việc phải cải tổ khối này. Mâu thuẫn giữa các nước Tây Âu vốn là nòng cốt sáng lập khối với các nước phía Đông gia nhập sau, đặc biệt là nhóm nước Visegrad đã để lộ ra các bất cập trong thiết chế của EU, đó là việc Brussels không thể dung hoà được các lợi ích khác nhau giữa các nước và ngày càng nhiều nước thành viên, như Hungary, Ba Lan hay mới nhất là Italy, sẵn sàng thực thi các chính sách riêng của mình, đi ngược lại định hướng chung của khối. Vì thế, chủ đề về “một châu Âu, hai tốc độ” chắc chắn sẽ được đặt ra, buộc khối này phải có các cải cách triệt để về thể chế.
Thách thức lớn tiếp theo của EU, đó là củng cố sức mạnh để đương đầu với các thách thức cạnh tranh từ bên ngoài. Trong vài năm qua, EU đã nhận thức được rằng nước Mỹ không còn là một đồng minh vô điều kiện của châu Âu mà ngày càng trở thành một đối thủ đe doạ đến các lợi ích của châu Âu, từ kinh tế đến an ninh. Cùng lúc, sự xâm nhập của Trung Quốc vào châu Âu qua đại dự án “Con đường tơ lụa mới” cũng buộc châu Âu phải xây dựng các cơ chế ứng phó, nếu không muốn sự đoàn kết của khối bị phá vỡ ở các mắt xích yếu như Hy Lạp, Italy hay một số nước Đông Âu.
Trong quan hệ quốc tế ngày nay, xu hướng đã được khẳng định là các trung tâm quyền lực của chính trị thế giới đang dịch chuyển về phương Đông và châu Âu không còn là khu vực có tầm quan trọng số 1 về địa chính trị. Vì thế, vai trò của châu Âu sẽ tiếp tục bị suy giảm và cuộc cạnh tranh toàn cầu hoá phần nào đó đang bỏ lại châu Âu ở phía sau trong một số lĩnh vực công nghệ mới. Do đó, EU buộc phải làm mới mình mới có thể cạnh tranh được với Mỹ và Trung Quốc./.
Thượng đỉnh EU khai mạc trong toan tính phân chia các ghế lãnh đạo
Nhóm Visegrad thống nhất quan điểm trước thềm Thượng đỉnh EU