Thượng đỉnh Mỹ- Triều lần 2 vẫn mở đường cho những bước tiến xa hơn
VOV.VN - Dù không đạt được thỏa thuận, hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 2 vẫn là một thành công, vẫn đạt được những bước tiến.
Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã kết thúc. Dù một thắng lợi mang tính đột phá là khó có thể đạt được chỉ trong một cuộc gặp, song chỉ riêng việc hai nhà lãnh đạo cùng có mặt tại Hà Nội và cùng nhau thảo luận về những vấn đề gây căng thẳng nhất đã là một thành công.
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Hà Nội. Ảnh: AFP. |
Các chuyên gia quốc tế cũng đã đưa ra nhiều quan điểm khác khau về vai trò của cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 này.
Diễn ra 8 tháng sau Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên tại Singapore, cuộc gặp lần thứ 2 này giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un được đánh giá là có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, cụ thể hóa những cam kết còn mơ hồ tại lần gặp trước đó. Dù không đạt được một kết quả mang tính đột phá, song chỉ riêng việc các bên dám đưa ra những hướng đi mới, những ý tưởng mới đã làm một thành công. Một trong số đó phải kể từ tới ý tưởng mở văn phòng liên lạc ngoại giao Mỹ - Triều. Theo chuyên gia về Triều Tiên Ankit Panda - biên tập viên của tạp chí Diplomat, đây là “cách thức cụ thể và kịp thời để thay đổi mối quan hệ Mỹ - Triều Tiên theo hướng tích cực”.
Không đạt thỏa thuận, ông Trump vẫn ca ngợi quan hệ “nồng ấm” với ông Kim
Giáo sư Alexander L. Vuvin thuộc Trung tâm nghiên cứu An ninh châu Á- Thái Bình Dương thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng nhiều người Mỹ mong kỳ vọng phải có tiến triển nhất định, kết quả cụ thể, song cách tiếp cận đó không hẳn là phù hợp với chuyện của Triều Tiên. Ở tầm chiến lược hơn, quan trọng là Mỹ và Triều Tiên phải tạo được một mối quan hệ. Sau nhiều thập niên thù địch, chiến tranh về lý thuyết vẫn còn, thế thì làm sao có thể xây dựng quan hệ bình thường sau một cuộc nói chuyện và những cái bắt tay? Và hơn hết, cả hai bên đều đã kiềm chế các hành động gây thù địch, đây đã có thể coi là thành tựu rồi, nhất là khi hai nhà lãnh đạo cũng phải đối mặt với nhiều sức ép từ bên trong và bên ngoài.
Chuyên gia phân tích Richard Johnson, thuộc Tổ chức Sáng kiến đe dọa hạt nhân ở Mỹ cho biết: “Sức ép ở đây là rất lớn vì vấn đề hạt nhân Triều Tiên là một vấn đề chưa được giải quyết trong vòng nhiều thập kỷ qua. Cả Triều Tiên và Mỹ hiện vẫn đang trong tình trạng chiến tranh kể từ những năm 1950, vì vậy đây có thể là một trong những tranh cãi lớn nhất của cuộc Chiến tranh Lạnh do đó mà hai bên đều chịu sức ép lớn.”
Vấn đề lớn thì không thể nóng vội
Nhận định với phóng viên VOV thường trú tại Pháp về kết quả Hội nghị thượng đỉnh lần 2, Chuyên gia phân tích Jean- Francois Di Meglio, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu châu Á, một trong các think-tank hàng đầu về châu Á tại Paris, cho rằng có rất nhiều vấn đề còn bỏ ngỏ tuy nhiên các bên cũng không nên quá sốt ruột về việc phải đạt được một kết quả quá cụ thể.
Ông Meglio nói: “Chúng ta không được chứng kiến nhiều bước tiến mới từ sau Hội nghị tại Singapore. Nhưng nếu chúng ta đi ngược thời gian một chút, quay trở lại năm 2016 thì khi đó chúng ta đang đứng bên bờ vực của một cuộc chiến tranh hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Vì thế, các cuộc gặp không nhất thiết phải là tìm ra một giải pháp cụ thể nào, mà quan trọng hơn là để ngừng lại việc leo thang. Như thế là chúng ta đã có được thêm thời gian, có thêm hoà bình, có thêm sự yên ổn”.
Ngoại trưởng Mỹ: Chủ tịch Triều Tiên chưa chuẩn bị cho bước tiến thêm
“Khúc khuỷu và lâu dài” là nhận định chung của rất nhiều chuyên gia trước thềm Hội nghị. Song chỉ riêng việc hai nhà lãnh đạo đồng ý gặp nhau tại một hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 tại Hà Nội và thẳng thắn trao đổi về những vấn đề còn gây căng thẳng đã là một thành công.
Theo ông Hứa Lợi Bình, chuyên gia về các vấn đề quốc tế Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, mặc dù đàm phán khó khăn, song những căng thẳng kéo dài hàng thập kỷ sẽ không thể giải quyết trong một cuộc gặp và viễn cảnh là khá xán lạn. Điều này là có cơ sở khi không chỉ những nước liên qua, cả các bên cũng đang nỗ lực cho mục tiêu này.
Ông Hứa nói: "Trước hết, phi hạt nhân hóa cần xây dựng một cơ chế. Thứ hai là cần giám sát cơ chế này. Còn một điều hết sức then chốt, là liệu khi Triều Tiên đưa ra các điều kiện nếu phải trình báo các cơ sở hạt nhân thì liệu Mỹ có đồng ý không? Hiện nay, hai bên đều đang trong quá trình đấu tranh lâu dài, do vậy xu thế tương lai là phi hạt nhân hóa nhưng quá trình này sẽ rất khúc khuỷu và lâu dài."
Theo các nhà phân tích, mọi sự nóng vội đều không thể dẫn tới kết quả lâu dài. Bản thân Hội nghị lần 2 này đã là một thành công. Hai nhà lãnh đạo đều nhận thức được rằng cần gặp nhau để xây dựng lòng tin. Chuyện hai người ngồi nói chuyện với nhau vốn đã rất quan trọng. Những bước đi nhỏ là cần thiết, là chìa khoá quan trọng cho những bước đi lớn hơn và xa hơn cho bán đảo Triều Tiên./.