Thượng đỉnh Nga-Mỹ: “Khó đoán” gặp “điềm tĩnh” và cái kết mong đợi?

VOV.VN - Cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Mỹ khó đoán định và nhà lãnh đạo Nga điềm tĩnh đã khiến giới quan sát đặt câu hỏi mục đích thực sự của hai bên là gì?

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp chính thức đầu tiên với Tổng thống Nga Putin tại thủ đô Helsinki của Phần Lan vào cuối ngày hôm nay (16/7). Cuộc gặp giữa một nhà lãnh đạo Mỹ khó đoán định và một nhà lãnh đạo Nga điềm tĩnh, cứng rắn đã khiến giới quan sát đặt câu hỏi, mục đích thực sự của hai bên là gì?

Tổng thống Nga Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ có cuộc gặp chính thức đầu tiên tại Helsinki. Ảnh: Reuters.

Tổng thống Trump muốn gì?

Khác với những Hội nghị Thượng đỉnh trước đó, tại Hội nghị Thượng đỉnh lần này, Tổng thống Donald Trump không mang đến một chương trình nghị sự rõ ràng và dường như cũng không chuẩn bị. Phát biểu với hãng tin CBS hôm 15/7, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định: “Tôi không tìm kỳ vọng nhiều tại cuộc gặp với Tổng thống Putin” hay “Tôi đến hội nghị với kỳ vọng thấp”.

Cải thiện quan hệ với Nga là một trong những mục tiêu Tổng thống Donald Trump theo đuổi ngay từ khi lên nắm quyền. Trả lời phỏng vấn tờ Daily Mail ngày 15/7, ông Trump nói rằng: “Tôi không thể đoán định ông Putin là mẫu người như thế nào. Tôi không biết nhiều về Putin. Tôi đã gặp ông đôi lần, chẳng hạn bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20. Tôi cho rằng chúng tôi có thể hòa hợp với nhau. Nếu chúng ta có thể cải thiện quan hệ với Nga thì đó là một điều tốt”.

Giới quan sát nhận định, Tổng thống Donald Trump dường như đã bị cuốn hút vào viễn cảnh hội nghị với nhà lãnh đạo Nga sau cuộc gặp thành công với Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hồi tháng 6.  Sức hấp dẫn của Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ tại Helsinki đơn giản đến từ ý nghĩa nội tại của nó đó là kỳ vọng thúc đẩy quan hệ Nga-Mỹ nói chung và quan hệ giữa Tổng thống Putin với Tổng thống Donald Trump nói riêng.

Đây cũng chính là lý do ông Trump bỏ ngoài tai những quan ngại của các đồng minh khác trong NATO và lời cảnh báo của các nghị sỹ Mỹ, để đến Helsinki. Tờ Hamonia dẫn lời Jon Huntsman, cựu Đại sứ Mỹ tại Nga cho biết: “Sự thật về việc chúng ta có hội nghị ở cấp độ này, ở thời gian này trong lịch sử đã là một thành tựu. Quan trọng là chúng ta bắt đầu đàm phán”.

Trước Hội nghị Thượng đỉnh vài ngày, ông Donald Trump đã phác thảo một số vấn đề mà ông muốn đưa ra trên bàn đàm phán, trong đó có cuộc xung đột tại Ukraine. Mặc dù bày tỏ thái độ không hài lòng với sự kiện Nga sáp nhập bán đảo Crimea, nhưng nhà lãnh đạo Mỹ cho biết đó là vấn đề của chính phủ Mỹ tiền nhiệm, khẳng định ông sẽ tiếp tục thúc đẩy quan hệ với Tổng thống Putin thậm chí ngay cả khi Moscow từ chối trả lại Crimea cho Ukraine.

Ngoài vấn đề Ukraine, Tổng thống Donald Trump cho biết ông và Tổng thống Putin sẽ thảo luận về cuộc chiến tại Syria, hay Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (NEW START). Đây là những nội dung mà các quan chức Nhà Trắng tiết lộ có thể đạt được sự nhất trí. Phía Mỹ muốn Tổng thống Putin giúp đỡ để chấm dứt sự hiện diện quân sự của Iran tại Syria, đổi lại Mỹ sẽ sẵn sàng rút quân khỏi quốc gia Trung Đông này, để Tổng thống Assad giữ nguyên quyền lực.

Riêng về vấn đề can thiệp bầu cử, nhiều người cho rằng đây sẽ là trọng tâm chính của hội nghị trong bối cảnh Mỹ sẽ tổ chức bầu cử giữa nhiệm kỳ vào mùa thu này. Sức ép buộc Tổng thống Trump phải cứng rắn hơn với Nga càng trở nên nặng nề trong bối cảnh hôm 13/7 vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ ra quyết định truy tố 12 nhân viên tình báo quân sự Nga với cáo buộc can thiệp cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, nhằm giúp Tổng thống Trump chiến thắng.

Trong chuyến thăm Anh tuần trước, Tổng thống Donald Trump nói rằng ông sẽ nêu vấn đề này với nhà lãnh đạo Nga Putin. “Bạn chẳng bao giờ biết điều gì sẽ xảy ra phải không? Nhưng tôi chắc chắn sẽ hỏi họ câu hỏi này”. Theo giới phân tích, điều ông muốn ở nhà lãnh đạo Nga là một cam kết Nga sẽ không bao giờ can thiệp vào bất cứ cuộc bầu cử nào của Mỹ.

Tổng thống Putin muốn gì?

Đối với Tổng thống Putin, cuộc gặp chính thức đầu tiên với Tổng thống Mỹ Donald Trump là một cơ hội ông mong đợi từ lâu để hàn gắn quan hệ Nga-Mỹ sau nhiều năm căng thẳng.

Ông Fyodor Lukyanov, Tổng biên tập tạp chí "Nước Nga trong vấn đề toàn cầu" (Russia in Global Affairs) cho biết: “Ưu tiên số một của Tổng thống Putin là thúc đẩy đối thoại với Tổng thống Trump. Ông ấy chắc chắn muốn hiểu cách thức đối phó với nhà lãnh đạo Mỹ. Từ quan điểm của Nga, sự thiếu vắng những cuộc đối thoại như vậy là điều không bình thường và thật nực cười khi hai cường quốc hạt nhân lại truyền tải các thông điệp cho nhau qua phương tiện truyền thông thay vì đối thoại trực tiếp”.

Tờ Hamodia dẫn phân tích của các cây bút Jonathan Lemire và Vladimir Isachenkov khẳng định, ngoài mục đích nêu trên, Tổng thống Putin muốn Mỹ cùng các đồng minh dỡ bỏ lệnh trừng phạt, rút các lực lượng của NATO đồn trú gần biên giới Nga và khôi phục quan hệ giao thương.

Về lâu dài, ông Putin hy vọng thuyết phục Mỹ thừa nhận ảnh hưởng của Nga đối với các nước láng giềng thuộc Liên Xô cũ, và quan trọng hơn là công nhận Nga là một quốc gia đóng vai trò tích cực đối với các vấn đề quốc tế. Tuy nhiên, ông Putin có lẽ cũng hiểu rằng các vấn đề này sẽ không thể được giải quyết chỉ trong một cuộc gặp.

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện Nga) Konstantin Kosachev nhấn mạnh, Nga sẽ không bàn đến những chủ đề “phi thực tế” như viễn cảnh Mỹ công nhận chủ quyền của Nga đối với Crimea hay Nga được trở lại G7. Thay vào đó, Tổng thống Putin có khả năng tập trung vào một số vấn đề dễ đạt được sự thỏa hiệp để giúp tan băng trong quan hệ. Chẳng hạn như vấn đề Syria.

Theo các nhà phân tích, Washington có thể nhượng bộ để quân đội Syria triển khai dọc biên giới với Israel, đổi lấy việc Nga gây sức ép để các lực lượng của Iran và phong trào Hezbollah do nước này hậu thuẫn rút khỏi Syria.  Một thỏa thuận mà Nga và Mỹ có thể đạt được là gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (NEW START), dự kiến sẽ hết hiệu lực vào năm 2021, quy định mỗi nước sẽ phải giảm số đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.550 đơn vị.

Theo tờ National Interest, cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ không thể ngay lập tức thu hẹp bất đồng hay giải quyết những vấn đề cơ bản giữa hai bên. Dẫu vậy, Hội nghị Thượng đỉnh sẽ mang đến cho Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Putin cơ hội hiểu nhau hơn, cũng như đặt nền móng cho các cuộc tiếp xúc cấp cao khác trong tương lai./.

Mời quý độc giả theo dõi VOV.VN trên

Tin liên quan

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ: NATO lo sợ hay vui mừng?
Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ: NATO lo sợ hay vui mừng?

VOV.VN - Thượng đỉnh Nga-Mỹ đang khiến cho các nước thành viên NATO “đứng ngồi không yên” khi mà căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu vẫn chưa hạ nhiệt.

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ: NATO lo sợ hay vui mừng?

Hội nghị thượng đỉnh Nga-Mỹ: NATO lo sợ hay vui mừng?

VOV.VN - Thượng đỉnh Nga-Mỹ đang khiến cho các nước thành viên NATO “đứng ngồi không yên” khi mà căng thẳng giữa Mỹ và châu Âu vẫn chưa hạ nhiệt.

Ông Trump bất ngờ gọi EU là “kẻ thù” trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ
Ông Trump bất ngờ gọi EU là “kẻ thù” trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “gây sốc” đối với đồng minh khi gọi Liên minh Châu Âu là một “kẻ thù” trong vấn đề thương mại.

Ông Trump bất ngờ gọi EU là “kẻ thù” trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ

Ông Trump bất ngờ gọi EU là “kẻ thù” trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ

VOV.VN - Tổng thống Mỹ Donald Trump đã “gây sốc” đối với đồng minh khi gọi Liên minh Châu Âu là một “kẻ thù” trong vấn đề thương mại.

Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Cơ hội “đánh bóng” tên tuổi của ông Trump?
Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Cơ hội “đánh bóng” tên tuổi của ông Trump?

VOV.VN - Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ được cho là sẽ tạo cơ hội để Tổng thống Mỹ Donald Trump “đánh bóng” danh tiếng của mình trên trường quốc tế. 

Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Cơ hội “đánh bóng” tên tuổi của ông Trump?

Thượng đỉnh Nga-Mỹ: Cơ hội “đánh bóng” tên tuổi của ông Trump?

VOV.VN - Hội nghị Thượng đỉnh Nga-Mỹ được cho là sẽ tạo cơ hội để Tổng thống Mỹ Donald Trump “đánh bóng” danh tiếng của mình trên trường quốc tế. 

Sóng gió lại bủa vây Tổng thống Trump trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ?
Sóng gió lại bủa vây Tổng thống Trump trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ?

VOV.VN - Việc Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 12 nhân viên tình báo quân sự Nga đã làm gia tăng sức ép với Tổng thống Trump trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ.

Sóng gió lại bủa vây Tổng thống Trump trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ?

Sóng gió lại bủa vây Tổng thống Trump trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ?

VOV.VN - Việc Bộ Tư pháp Mỹ truy tố 12 nhân viên tình báo quân sự Nga đã làm gia tăng sức ép với Tổng thống Trump trước thềm Thượng đỉnh Nga-Mỹ.