Thượng viện Mỹ sẽ “xoay” ông Rex Tillerson về mối quan hệ với Nga
VOV.VN - Trong phiên điều trần ngày 11/1, ứng viên Ngoại trưởng do Tổng thống đắc cử Donald Trump đề cử sẽ giải đáp băn khoăn về quan hệ giữa Mỹ với Nga.
Theo dự kiến, trọng tâm câu hỏi mà cựu Chủ tịch tập đoàn Exxon Mobil phải trả lời trong phiên điều trần này là làm thế nào ông có thể chuyển đổi thành công từ vai trò một thương gia trở thành một nhà ngoại giao, đặc biệt khi chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Donald Trump bị cho là thiếu kinh nghiệm điều hành.
Người có nền tảng quan hệ tốt với Nga
Ông Tillerson, 64 tuổi, từng nhận một giải thưởng hữu nghị do Tổng thống Nga Vladimir Putin trao tặng năm 2012. Cũng năm đó, Exxon Mobil đã tăng cường hợp tác với công ty dầu khí của Nga Rosneft để mở rộng dự án khoan dầu ở Cực Bắc.
Ông Tillerson sẽ phải đối mặt với nhiều câu hỏi khó tại Thượng viện. |
Cựu Chủ tịch Exxon Mobil là một trong những người phản đối Mỹ áp đặt trừng phạt Nga năm 2014 sau khi nước này chấp nhận cho bán đảo Crimea sáp nhập. Ông Tillerson cho rằng biện pháp trừng phạt này không không hiệu quả.
Cũng chính vì thế, Ngoại trưởng tương lai Rex Tillerson sẽ phải đối mặt với những câu hỏi “khó nhằn” tại Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ về mối quan hệ giữa ông với Tổng thống Vladimir Putin trong bối cảnh các nghị sỹ của cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa ngày càng tỏ ra quan ngại đối với những động thái của Nga.
Thách thức phá tan băng quan hệ Mỹ - Nga
Phiên điều trần đối với ông Tillerson diễn ra trong bối cảnh căng thẳng quan hệ song phương leo thang vì Mỹ cáo buộc Nga tác động đến cuộc bầu cử Tổng thống tháng 11/2016. Các cơ quan tình báo của Mỹ vừa công bố một bản đánh giá rằng Nga thực sự đứng sau các vụ tấn công mạng nhằm vào một số chính trị gia của Mỹ để giúp ông Donald Trump đắc cử Tổng thống. Tuy nhiên, phía Nga bác bỏ những cáo buộc này.
Reuters dẫn tuyên bố trước phiên điều trần cho thấy, cựu Chủ tịch Exxon Mobil sẽ tái khẳng định Nga là một mối đe dọa và hoàn toàn dễ hiểu khi các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) quan ngại vì sự trỗi dậy mạnh mẽ của Nga.
NATO tăng cường hiện diện quân sự sát biên giới với Nga
Tuy nhiên, ông cũng biện luận rằng sự trỗi dậy của Nga là do “thiếu vai trò lãnh đạo của Mỹ” trên thế giới, từ đó ông sẽ kêu gọi “đối thoại cởi mở và thẳng thắn” với Nga về tham vọng của nước này để chính phủ Mỹ có thể vạch ra con đường cho chính mình.
Ông Tillerson cho rằng nước Mỹ cần phải tỏ tường về mối quan hệ với Nga. Theo ông, nước Nga ngày nay rõ ràng là một mối đe dọa nhưng đó không phải là điều “không lường trước được”.
Trở ngại không nhỏ trên đường trở thành Ngoại trưởng của ông Tillerson
Ngày 10/1, một nhóm 10 Thượng nghị sỹ, trong đó có 5 người thuộc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ đã trình một dự luật áp đặt thêm các lệnh trừng phạt khắt khe hơn với Nga. Các Thượng nghị sỹ này sẽ “hỏi xoáy” ông Tillerson xem liệu ứng viên Ngoại trưởng này có ủng hộ họ hay không.
Tuần trước, khi được hỏi liệu có ủng hộ ông Tillerson làm Ngoại trưởng hay không, Thượng Nghị sỹ đảng Cộng hòa John McCain đã tuyên bố với báo giới rằng viễn cảnh đó cũng khó như khi “lợn biết bay”. Cùng đảng Cộng hòa nhưng Thượng nghị sỹ kỳ cựu John McCain không chia sẻ quan điểm phải phá băng quan hệ với Nga như Tổng thống đắc cử Donald Trump hay ứng viên Ngoại trưởng Rex Tillerson.
Nga trông đợi gì từ việc CEO Exxon Mobil được chọn là Ngoại trưởng Mỹ?
Thượng nghị sỹ đảng Dân chủ Chris Murphy chỉ ra rằng ông Tillerson thiếu kinh nghiệm làm Ngoại trưởng cũng giống như việc Tổng thống Donald Trump thiếu kinh nghiệm ngoại giao.
Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Bob Corker cho rằng ông Tillerson sẽ giành được sự ủng hộ mạnh mẽ và tin tưởng cựu Chủ tịch Exxon đi theo quan điểm “chính thống” của Mỹ về Nga.
Kế thừa hàng loạt bài toán khó dang dở khác
Ông Tillerson cũng phải đối mặt vối những câu hỏi khó liên quan đến vai trò của Mỹ trong việc chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria, chính sách tiếp tục mở rộng các khu định cư cho người Do Thái của Israel, triển vọng giải pháp 2 nhà nước để giải quyết xung đột giữa Israel và Palestine, vấn đề biến đổi khí hậu, quan hệ Mỹ - NATO và sự ủng hộ của Mỹ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ông sẽ phải đưa ra một quan điểm rõ ràng giữa những tuyên bố trái chiều của Tổng thống đắc cử Donald Trump về thỏa thuận hạt nhân Iran, trong đó có việc cảnh báo rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và Đức).
Ứng viên Ngoại trưởng Mỹ dự kiến nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và sẽ chỉ trích cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông đồng thời kêu gọi Bắc Kinh gây áp lực với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên về chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng. Ông Tillerson cũng sẽ phải đưa ra kế hoạch củng cố nhân quyền ở những nước Trung Đông, châu Phi, Mỹ Latin./.
Cựu CEO Exxon phải từ bỏ 240 triệu USD nếu trở thành Ngoại trưởng Mỹ