Tiền tỷ và chống Trump: Đường vào Nhà Trắng của Bloomberg có ngắn lại?
VOV.VN - Mike Bloomberg là một trong những người giàu nhất thế giới. Nhưng tỷ phú này sẽ sớm rút ra được bài học: Tiền không thể mua được vị trí Tổng thống Mỹ.
Tiền không phải là tất cả
Dù vậy, không thể hoàn toàn nói rằng việc tỷ phú Bloomberg tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020 chỉ đơn giản nhờ khối tài sản khổng lồ và khoản tiền chi cho chiến dịch tranh cử phá vỡ kỷ lục của ông. Các hành động của tỷ phú Mỹ khi từng là Thị trưởng thành phố New York và các hoạt động cá nhân của ông đã cho thấy Bloomberg là một người quan tâm đến các vấn đề như kiểm soát súng đạn và biến đổi khí đậu. Điều này được cho là có thể giúp ông kết nối sâu sắc hơn với các cử tri của đảng Dân chủ.
Tỷ phú Mỹ Mike Bloomberg. Ảnh: Getty |
Những diễn biến gần đây trong lịch sử tranh cử của các Tổng thống Mỹ đã giúp chúng ta hiểu một điều rằng nếu chỉ dùng tiền, Bloomberg sẽ không thể đánh bại các đối thủ khác và trở thành Tổng thống Mỹ bởi việc một ứng viên trở thành ông chủ Nhà Trắng không phải là điều mà tiền bạc có thể "mua" được.
Một điều quan trọng cần phải nhớ rằng Donald Trump từng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 với số tiền chi cho chiến dịch tranh cử chỉ bằng một nửa số tiền mà đối thủ của ông là bà Hillary Clinton bỏ ra. Dù vậy, chiến dịch của ông Trump hiện nay đang phá vỡ các kỷ lục gây quỹ và dành nhiều tiền hơn cho các hoạt động so với số tiền Tổng thống Mỹ từng chi trong cuộc đua năm 2016.
Tiền là một yếu tố nhưng không phải là yếu tố quyết định tất cả thành bại trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020.
Yếu tố quan trọng để chiến thắng bất kỳ cuộc bầu cử nào chính là khả năng truyền cảm hứng để giành được sự ủng hộ từ một nhóm cử tri nòng cốt - lực lượng có thể thay đổi mọi thứ trong Ngày Bầu cử.
Tổng thống Mỹ Barack Obama đã từng làm được điều này năm 2008 khi chiến dịch của ông đánh thức được tinh thần của các cử tri vào khoảnh khắc ông tuyên bố tranh cử. Tổng thống Donald Trump cũng làm được điều tương tự với những đám đông lớn vây quanh trong các cuộc mít tinh của ông vào giai đoạn đầu của chiến dịch. Không có khả năng truyền cảm hứng mạnh mẽ, dù xứng đáng hay không xứng đáng thế nào, một ứng viên sẽ không thể chiến thắng để trở thành Tổng thống.
Thực tế là nói đi cũng cần nói lại, Tổng thống Obama sẽ không có cơ hội truyền cảm hứng tới đám đông nếu không có khoản tiền gây quỹ trong thời gian tiền bầu cử năm 2007. Tương tự vậy, Donald Trump cũng không thể lấp đầy những cuộc mít tinh của ông nếu không có sự xuất hiện miễn phí trên truyền thông với tần suất đáng kể trong năm 2015.
Hãy nghĩ về việc ngân sách chiến dịch tranh cử cũng giống như tấm vé để một ứng viên bước vào một ván bài. Tiền có thể cho người đó một chỗ trong ván bài đó nhưng khi tất cả người chơi khác đều ngồi vào bàn, không phải người giàu nhất sẽ chiến thắng mà người thông minh nhất hoặc may mắn nhất mới là người được chiến thắng gọi tên.
Nhà phân tích Jake Novak nhận định trên trang CNBC rằng: "Khối tài sản khổng lồ của Bloomberg khiến ông ấy không phải bận tâm bất kỳ điều gì về việc gây quỹ tranh cử. Nhưng việc không có một số tiền lớn như vậy lại có thể khiến ông ấy trở thành ứng viên thuyết phục hơn với các cử tri".
Mike Bloomberg còn chặng đường dài
Dựa vào video thông báo chiến dịch tranh cử của Bloomberg, tỷ phú Mỹ còn một chặng đường dài để có thể truyền cảm hứng tới đám đông và thuyết phục các cử tri rằng ông là một ứng viên xứng đáng cho vị trí Tổng thống.
Tỷ phú Mỹ Mike Bloomberg bước vào cuộc đua tranh ghế Tổng thống mà không nhận được nhiều sự ủng hộ từ cử tri. Theo cuộc khảo sát quốc gia RealClearPolitics - chỉ 2% cử tri đảng Dân chủ ủng hộ tỷ phú Mike Bloomberg. Điều này không phải là bởi họ chưa từng nghe về ông bởi các cuộc khảo sát đều cho thấy khoảng 60 - 70% thành viên đảng Dân chủ đã có quan điểm riêng về ông Bloomberg nhưng các cử tri này chia rẽ gần như với tỷ lệ ngang bằng nhau về việc ủng hộ và không ủng hộ tỷ phú Mỹ.
Dường như hiểu được điều này, ông Bloomberg đang nỗ lực để lôi kéo các cử tri về phía mình. Chiến dịch 34 triệu USD quảng cáo trên truyền hình của ông vào tuần này đã "đụng chạm" đến gần như mọi vấn đề ưu tiên của đảng Dân chủ: bảo hiểm y tế, sự bình đẳng trong cộng đồng LGBTQ, biến đổi khí hậu và kiểm soát súng đạn.
Tuy nhiên, chính chiến lược này lại cho thấy điểm yếu của tỷ phú truyền thông Mỹ bởi không có bất kỳ vấn đề nào trong số những vấn đề nêu trên khiến ông khác biệt với những ứng viên còn lại.
Thực tế là trong khi các thành viên đảng Dân chủ đang quá say sưa vào việc chống lại Tổng thống Trump thì không có bất kỳ ứng viên nào trong đảng thực sự nổi bật và đủ thuyết phục để kêu gọi lá phiếu của các cử tri.
Tổng thống Bloomberg dường như cũng đang rơi vào "cái bẫy" này và không minh chứng nào rõ hơn thông báo tranh cử của ông: "Tôi tranh cử Tổng thống để đánh bại Donald Trump".
Trừ khi tỷ phú truyền thông của nước Mỹ có thể tìm ra một thông điệp truyền cảm hứng để thuyết phục các cử tri, nếu không thì chỉ với tiền và quan điểm chống Trump sẽ không thể nào đưa ông tới vị trí cao nhất trong Nhà Trắng./.
Tỷ phú Bloomberg: “Tôi tranh cử để đánh bại Donald Trump”