Tiktok có thực sự là một mối đe dọa an ninh của Mỹ?
VOV.VN -Chính phủ Mỹ đang xem xét cấm ứng dụng Tiktok thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc với lý do là “mối đe dọa gián điệp tiềm năng”
Ứng dụng video TikTok đã nhanh chóng trở thành một phần quan trọng trong các mạng xã hội ở Mỹ, được một số nhà hoạt động xã hội và chính trị gia sử dụng để quảng bá các tư tưởng của mình.
Nhưng hiện nay TikTok đang phải đối mặt với mối đe dọa từ chính phủ Mỹ. Tổng thống Donald Trump hôm 7/7 cho biết chính quyền đang "xem xét" việc cấm ứng dụng thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance này.
Ngoại trưởng Mỹ Pompeo: Mỹ xem xét cấm Tiktok (Ảnh cắt từ tin truyền hình CNN) |
Đây chỉ là ví dụ mới nhất và ở mức cao nhất về việc Washington đưa ra cảnh báo với ứng dụng video này. TikTok là ứng dụng rất phổ biến đối với người dùng trẻ ở Mỹ, nơi ứng dụng này được tải xuống đến 165 triệu lần. Giới phân tích đã nhấn mạnh rằng, TikTok là một mối đe dọa gián điệp tiềm năng. Năm ngoái, nhà lãnh đạo thiểu số Thượng viện Chuck Schumer và Thượng nghị sĩ Cộng hòa Arkansas Tom Cotton đã kêu gọi cộng đồng tình báo đánh giá rủi ro mà TikTok có thể gây ra cho an ninh quốc gia.
TikTok đã phản bác những tuyên bố đó, gọi chúng là "vô căn cứ". Để nhấn mạnh rằng, ứng dụng này không chịu sự chi phối của chính quyền, TikTok đã nêu ra CEO người Mỹ mới thuê của mình và nói rằng họ "chưa bao giờ cung cấp dữ liệu người dùng cho chính phủ Trung Quốc, và chúng tôi sẽ không làm như vậy nếu được yêu cầu".
Không chỉ có Mỹ tìm cách trấn áp TikTok. Ấn Độ cho biết trong tuần này họ sẽ cấm TikTok và các ứng dụng khác của Trung Quốc sau cuộc đụng độ biên giới đẫm máu giữa binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc.
Mặc dù các nhà lãnh đạo như Ngoại trưởng Pompeo đã mô tả TikTok là một mối nguy hiểm rõ ràng và hiện hữu, nhiều người trong cộng đồng an ninh mạng nói rằng thực tế còn phức tạp hơn nhiều.
Một số nhà phân tích cũng nói rằng vấn đề rất phức tạp bởi cách tiếp cận mạnh mẽ của Tổng thống Trump đối với Trung Quốc, là sự phản ánh các ưu tiên chính trị của chính quyền Mỹ.
Công ty mẹ đặt tại Trung Quốc
Để hiểu lý do tại sao các nhà hoạch định chính sách xem TikTok là một rủi ro, cần biết công ty này hoạt động như thế nào. TikTok thuộc sở hữu của công ty khởi nghiệp có giá trị nhất thế giới, một công ty Trung Quốc có tên ByteDance. Nhưng TikTok không hoạt động ở Trung Quốc và hoạt động như một công ty con độc lập.
Lo lắng chính của các nhà hoạch định chính sách là ByteDance có thể bị buộc phải cung cấp dữ liệu của TikTok về người dùng ở Mỹ cho chính phủ Trung Quốc, theo luật an ninh quốc gia của nước này. TikTok cho biết, họ lưu trữ dữ liệu người dùng của Mỹ trên các máy chủ có trụ sở tại Mỹ, không theo luật pháp Trung Quốc. Những người hoài nghi cho rằng công ty mẹ của TikTok, ByteDance vẫn là một doanh nghiệp Trung Quốc, chịu sự chi phối của Bắc Kinh.
Nhưng một số chuyên gia bảo mật nói với CNN Business rằng, mặc dù mối liên hệ của TikTok với một công ty tư nhân Trung Quốc rất đáng quan tâm, nhưng ứng dụng này sẽ không hữu ích cho hoạt động gián điệp.
"Nghi ngờ là đúng. Nhưng tôi không chắc TikTok là một công cụ tình báo tốt cho họ". James Lewis, phó chủ tịch cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), một chuyên gia an ninh nhận định.
Ứng dụng Tiktok- tải các video ngắn, đang được người dùng trẻ tuổi ưa chuộng. (Ảnh: CNN) |
Giống như một số ứng dụng công nghệ và truyền thông xã hội khác, TikTok tự động thu thập thông tin định vị của người dùng, địa chỉ IP, nhận dạng thiết bị và nội dung của tin nhắn trong ứng dụng, theo chính sách bảo mật của nó.
Nhưng ngay cả khi TikTok thu thập đủ loại dữ liệu từ người dùng, thì chính phủ Trung Quốc cũng không thể truy cập dễ dàng. Luật an ninh quốc gia của Trung Quốc chứa nhiều vùng xám hơn nhiều người nhận ra, ông Samm Sacks, một chuyên gia cao cấp của Trường Luật Yale, người đã nghiên cứu luật pháp Trung Quốc nhận định.
"Chính phủ Trung Quốc không nhất thiết phải truy cập thời gian thực vào dữ liệu của tất cả các công ty," Sacks nói. "Các công ty có lợi ích thương mại riêng để tự bảo vệ".
Những lỗ hổng bảo mật
Một báo cáo kỹ thuật báo động về TikTok năm nay chỉ làm tăng thêm mối lo ngại về an ninh của nó, mặc dù các chuyên gia nói rằng có một sự khác biệt quan trọng giữa việc xác định các lỗ hổng an ninh riêng lẻ và việc coi đó là một mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Vào tháng 1, một nhóm các nhà nghiên cứu bảo mật tuyên bố họ đã tìm thấy một số lỗ hổng trong ứng dụng TikTok. Các lỗ hổng, nếu không được sửa, có thể cho phép hacker giành quyền kiểm soát tài khoản TikTok, thay đổi cài đặt quyền riêng tư trên video TikTok, tải lên video mà không được phép và lấy dữ liệu người dùng như địa chỉ email.
Phát hiện này đã đặt ra những câu hỏi quan trọng về khả năng bảo vệ quyền riêng tư của người dùng TikTok. Nhưng theo Oded Vanunu, một chuyên gia bảo mật tại Trung tâm Nghiên cứu Check Point, các kỹ sư của công ty đang nỗ lực để sửa chữa những sai sót này.
Vanunu nói rằng các lỗ hổng bảo mật là thứ mà tất cả các công ty phần mềm đều phải đối phó, thậm chí cả những công ty lớn. Sự khác biệt, theo ông, là TikTok mới chỉ là một công ty khá trẻ và thiếu kinh nghiệm.
"TikTok cam kết bảo vệ dữ liệu người dùng", TikTok nói trong một tuyên bố. "Giống như nhiều tổ chức khác, chúng tôi khuyến khích các nhà nghiên cứu bảo mật tiết lộ các lỗ hổng này cho chúng tôi."
TikTok và hàng loạt ứng dụng lộ hành vi đọc dữ liệu người dùng
Mối quan tâm lớn hơn với TikTok
Ngay cả khi các chuyên gia kỹ thuật mô tả những rủi ro của TikTok chủ yếu là lý thuyết, các nhà hoạch định chính sách vẫn cho rằng TikTok vẫn có thể là mối đe dọa đối với Mỹ theo những cách nhẹ nhàng hơn - bằng cách ảnh hưởng đến các cuộc trao đổi toàn cầu trên nền tảng của nó. Và về mặt này, một số chuyên gia cảnh báo, mối nguy hiểm đang hiện hữu.
TikTok đã phải đối mặt với chỉ trích. Vào tháng 11, các cáo buộc kiểm duyệt có động cơ chính trị gia tăng khi một số cựu nhân viên TikTok của Mỹ nói với tờ The Washington Post, họ thường cảm thấy áp lực khi các video của các đồng nghiệp ở Bắc Kinh bị kiểm soát gắt gao.
TikTok đã nói rằng, chính sách nội dung và kiểm duyệt của họ được phát triển bởi một nhóm nhân viên Mỹ và các chính sách này không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ chính phủ nước ngoài nào. Các nhà đầu tư của TikTok bao gồm các tên tuổi quốc tế lớn như Sequoia Capital và Softbank, và vào tháng 5, công ty đã thuê Kevin Mayer, cựu giám đốc điều hành của Disney, làm Giám đốc điều hành.
Các nhà hoạch định chính sách và chuyên gia bảo mật lo ngại rằng, bên cạnh việc hạn chế một số phát biểu, TikTok có thể trở thành một kênh truyền tải cho những phát ngôn sai lệch. Các báo cáo đã tìm thấy những thuyết âm mưu và tuyên bố sai lệch về virus corona trên nền tảng này. Và nếu TikTok bị xâm phạm dữ liệu, Vanunu nói, việc nhắm mục tiêu tới người sử dụng với thông tin không có thật có thể làm suy yếu nền dân chủ Mỹ sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Vì vậy, theo các chuyên gia, việc xử lý nội dung và dữ liệu người dùng của TikTok có thể làm suy yếu đáng kể sức mạnh và ảnh hưởng của Mỹ, nhưng chưa khẳng định được việc này có là rủi ro gián điệp trực tiếp vào các quan chức chính phủ.
"Tôi nghĩ mọi người đang pha trộn rất nhiều giá trị khác nhau ở đây liên quan đến quyền con người, quyền riêng tư, kiểm duyệt - và nó có nguy cơ bị bó vào một cuộc tranh cãi về an ninh", Karl Grindal, chuyên gia an ninh mạng tại Georgia Tech nói./.
Mỹ coi TikTok là mối đe dọa an ninh