Tình báo Mỹ “chắc như đinh đóng cột” việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ
VOV.VN - Giới chức tình báo Mỹ khẳng định, họ có bằng chứng chắc chắn về việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ với quy mô “chưa từng có tiền lệ”.
Những bằng chứng quá rõ ràng…
Theo AFP, chỉ một ngày trước khi 4 quan chức cao cấp nhất của các cơ quan tình báo Mỹ gửi báo cáo lên Tổng thống đắc cử Donald Trump về việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ James Clapper nhấn mạnh, ông “rất tin tưởng vào những gì mà tình báo Mỹ phát hiện ra”.
Tổng thống Nga Putin bị giới tình báo Mỹ cáo buộc trực tiếp chỉ đạo việc can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ theo hướng có lợi cho ông Trump. Ảnh: AP |
Phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ ngày 6/1, ông Clapper nhấn mạnh: “Từ lâu Nga đã can thiệp vào rất nhiều cuộc bầu cử, kể cả của họ và của các nước khác. Nhưng chúng ta chưa bao giờ phải đối mặt với một chiến dịch can thiệp trực tiếp và sâu rộng như trong cuộc bầu cử Mỹ.
Đó là một chiến dịch đa dạng, việc xâm nhập vào hệ thống máy tính phục vụ bầu cử Mỹ chỉ là một phần của chiến dịch này. Chiến dịch này còn bao gồm cả việc phát tán thông tin tuyên truyền, bóp méo thông tin hoặc tung tin giả”.
Ông Clapper cũng khẳng định: “Chỉ có những quan chức cao cấp nhất của Nga” mới có quyền ra lệnh thực hiện chiến dịch này. Theo đó, các tin tặc Nga được yêu cầu lấy cắp thông tin và email của Đảng Dân chủ rồi phát tán ra ngoài thông qua WikiLeaks nhằm hạ thấp uy tín của bà Hillary Clinton khiến bà thua cuộc.
“Nga rõ ràng đã tăng cường kế hoạch tấn công mạng nhằm lấy cắp thông tin và tấn công vào hệ thống cơ sở hạ tầng mạng của đối phương- trong trường hợp này là Đảng Dân chủ và bà Hillary Clinton”, ông Clapper cáo buộc.
Donald Trump và tam giác chiến lược Mỹ-Nga-Trung Quốc
… hay lại một “chiêu trò” của tình báo Mỹ?
Trước những cáo buộc của ông Clapper về việc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, Tổng thống đắc cử Donald Trump lại một lần nữa lên tiếng bác bỏ. Ông Trump cũng không quên chia sẻ trên Twitter về những “sai lầm trong quá khứ” cua CIA, FBI và các cơ quan tình báo khác và lên tiếng thách thức họ công khai bằng chứng cho thấy Nga đã làm những gì họ cáo buộc.
Tổng thống đắc cử Mỹ còn lên tiếng hoài nghi rằng “tại sao những cơ quan tình báo Mỹ lại có thể quá chắc chắn về vụ này” trong bối cảnh Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ không cho phép FBI tiếp cận máy chủ của họ. Thậm chí, hãng tin BuzzFeed News còn đưa tin, FBI chưa bao giờ yêu cầu được tiếp cận máy chủ của Ủy ban Quốc gia Đảng Dân chủ.
Trước đó, hồi đầu tháng 12/2016, khi ông Trump bày tỏ nghi ngờ về thông tin Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ, Tổng thống Obama đã ra lệnh cho giới tình báo nước này phải cung cấp một báo cáo đầy đủ nhất về các cuộc tấn công mạng xuất phát từ Nga. Báo cáo trên đã được giới chức tình báo Mỹ trình lên Tổng thống Obama vào ngày 5/1 và ông Donald Trump cũng sẽ sớm nhận được báo cáo đó.
Giới chức Mỹ tham gia thực hiện báo cáo nói trên cho biết, họ đã xác định được danh tính của kẻ chuyển những email của Đảng Dân chủ bị Nga lấy cắp sang cho WikiLeaks. Ngoài ra, các cơ quan tình báo Mỹ cũng “nghe lén” được thông tin từ giới chức Nga rằng “chiến thắng của ông Trump chính là chiến thắng của Moscow”.
Ngoài ra, giới chức tình báo Mỹ cũng sẽ công bố “một phiên bản ít nhạy cảm hơn” của báo cáo này ra công chúng vào đầu tuần tới. “Tôi nghĩ rằng, công chúng Mỹ cần biết càng nhiều thông tin về vụ này càng tốt”, ông Clapper nói.
Trump chỉ trích vụ Nhà Trắng cáo buộc Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ
Dù vậy, trong cuộc điều trần trước Thương viện Mỹ, ông Clapper chủ động “ém nhẹm” thông tin về báo cáo nói trên và tuyên bố, ông chưa thể công khai vì điều này có thể ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan tình báo cũng như những người cung cấp thông tin.
“Chúng tôi đầu tư hàng tỷ USD trong vụ này và đã đặt tính mạng của rất nhiều người vào vòng nguy hiểm chỉ để có được những thông tin nói trên”, ông Clapper giải thích lý do không chịu hợp tác với Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ trong cuộc điều trần nói trên.
Xung đột giữa Donald Trump và tình báo Mỹ
Hiện vẫn chưa rõ giới chức tình báo Mỹ sẽ cung cấp thông tin gì cho ông Trump, tuy nhiên, quan hệ giữa hai bên đã không mấy tốt lành sau khi ông Trump bày tỏ hoài nghi việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ.
Thậm chí, Tổng thống đắc cử Mỹ còn dẫn lời người sáng lập WikiLeaks Julian Assange nhấn mạnh rằng, bất kỳ ai, kể cả một đứa trẻ 14 tuổi cũng có thể thực hiện các cuộc xâm nhập vào hệ thống bầu cử Mỹ.
Tuy nhiên, trước phản ứng dữ dội của các chính trị gia từ cả 2 đảng Dân chủ và Cộng hòa về việc ông tin tưởng Julian Assange hơn cả CIA và FBI, ông Trump đã lên tiếng bảo vệ bản thân.
Tổng thống đắc cử Mỹ chia sẻ trên Twitter rằng: “Truyền thông Mỹ đã lừa dối để biến tôi thành một kẻ “chống lại các cơ quan tình báo” trong khi tôi là người rất tôn trọng họ.
Truyền thông Mỹ cũng đã lừa dối khi nói rằng, tôi đạt được một thỏa thuận với Julian Assange. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Tôi chỉ nhắc lại điều ông ta nói vì người dân Mỹ để họ hiểu đâu là sự thật”.
Donald Trump chốt vị trí Ngoại trưởng: Nga hoan hỷ, châu Âu sững sờ
Đáp lại, dù không trực tiếp nhắc đến ông Trump, ông Clapper nhấn mạnh: “Có một sự khác biệt rõ ràng giữa việc hoài nghi một cách lành mạnh với việc gièm pha các cơ quan tình báo. Tôi đã nhận được rất nhiều thông tin từ các đối tác nước ngoài bày tỏ lo ngại việc giới tình báo Mỹ bị gièm pha quá nhiều”.
Khi được hỏi về sự tin cậy trong những thông tin mà Julian Assange công bố, ông Clapper nhấn mạnh, những thông tin này đã “đẩy rất nhiều người vào vòng nguy hiểm”: “Tôi không tin rằng có ai trong giới tình báo chúng tôi tôn trọng ông ta”./.